Nhiều cổ phiếu bất động sản lại đua nhau tăng trần sau phiên VN-Index giảm kỷ lục

Thứ Bảy, 30/01/2021 - 06:00

TTCK hồi phục mạnh mẽ trở lại ở phiên 29/1 với việc nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bứt phá. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh, bao gồm cả các mã đầu ngành như VIC, VHM, NVL...

Diễn biến trong phiên giao dịch ngày 29/1 trên thị trường chứng khoán Việt Nam đi theo cách khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Mở cửa phiên giao dịch, thị trường tiếp tục vấp phải áp lực bán rất mạnh và nhiều cổ phiếu lớn tiếp tục lao dốc.

Tuy nhiên, ngay sau khi VN-Index lùi xuống dưới mốc 1.000 điểm, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện mạnh mẽ và giúp hàng loạt cổ phiếu trụ cột đua nhau bứt phá, các chỉ số vì vậy cũng có được sự phục hồi rất tốt. Lực cầu mạnh đến nỗi có thời điểm kéo rất nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng trần. VN-Index có lúc tăng đến trên 50 điểm. Việc thị trường hồi phục quá nhanh và mạnh khiến nhà đầu tư dường như quên hết những gì xảy ra ở 3 phiên giảm sâu trước đó.

Đà hồi phục được duy trì tốt đến hết phiên giao dịch. Các mã như FPT, VHM, VNM và PNJ đều được kéo lên mức giá trần. MWG tăng 6,8% lên 132.700 đồng/cp. Mới đây, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã công bố BCTC hợp nhất quý IV/2020 với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 942 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế năm 2020, lợi nhuận sau thuế tăng 2% đạt mức kỷ lục 3.920 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Bên cạnh VHM, các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn khác gồm VIC, NVL, BCM hay THD đều diễn biến tích cực. Trong đó, THD được kéo lên mức giá trần, VIC tăng 6,9% lên 99.400 đồng/cp, NVL tăng 5,8% lên 80.200 đồng/cp, còn BCM tăng 3,7% lên 56.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, các cổ phiếu như PFL, IDC, OCH, HPX, SZL hay SJS cũng được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, nhiều mã bất động sản thanh khoản cao cũng tăng giá mạnh gồm: CEO (8,9%), PDR (6,3%), NDN (5,1%), D2D (4,8%), VCR (4,4%), HDG tăng (3,1%), CRE (3,1%)…

Dù vậy, vẫn còn nhiều cổ phiếu bất động sản chưa thể hồi phục được mà vẫn tiếp tục lao dốc, trong đó, các cái tên đáng chú ý như FLC, ASM, NTB, PPI hay FIT vẫn đồng loạt giảm sàn. Bên cạnh đó, LDG giảm đến 3,1% xuống 7.210 đồng/cp. Các mã như HAR, ITA hay OGC cũng kết thúc phiên giao dịch trong sắc đỏ, nhưng mức giảm đều chỉ dưới 2%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 32,67 điểm (3,19%) lên 1.056,61 điểm. Toàn sàn có 375 mã tăng, 90 mã giảm và 35 mã đứng giá. HNX-Index tăng 11,16 điểm (5,5%) lên 214,21 điểm. Toàn sàn có 152 mã tăng, 68 mã giảm và 27 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 2,96 điểm (4,28%) lên 72,08 điểm.

Các cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất. Nguồn: Fialda.

Thanh khoản ở mức rất cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 1,1 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là 21.280 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 18.330 tỷ đồng. FLC đứng đầu danh sách khớp lệnh toàn thị trường với 55,6 triệu cổ phiếu. Hai cổ phiếu bất động sản khác cũng nằm trong danh sách 10 mã khớp lệnh mạnh nhất là KBC và ITA với lần lượt 23,7 triệu cổ phiếu và 20,8 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại mua ròng đột biến 1.150 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán phiên 29/1, trong đó chủ yếu nhờ giao dịch thỏa thuận của MWG. Trong khi đó, VHM và NVL là 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong số 10 mã được mua ròng mạnh nhất với lần lượt 135 tỷ đồng và 44 tỷ đồng. Trong khi đó, VIC và VPI là 2 mã bất động sản trong số các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh với 21 triệu cổ phiếu và 9,8 triệu cổ phiếu.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 110,17 điểm (-9,4%) xuống 1.056,61 điểm; HNX-Index giảm 25,91 điểm (-10,8%) xuống 214,21 điểm. Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm nhẹ so với tuần trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng 19.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 2,3% xuống 85.065 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 5,2% xuống còn hơn 3,8 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 9,9% xuống 11.461 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 8,2% xuống 825 triệu cổ phiếu.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sau 2 tuần giảm điểm mạnh, thị trường dự báo sẽ có diễn biến hồi phục tăng điểm trở lại trong tuần kế tiếp. VN-Index có thể hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.085 - 1.100 điểm trong nhịp hồi phục lần này. Mặc dù vậy, BVSC cho rằng, thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh trong một vài phiên đầu tuần trước khi tiếp tục quá trình hồi phục ngắn hạn. Sau phiên hồi phục mạnh trên diện rộng, thị trường có thể sẽ sớm bước vào giai đoạn phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.

BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nâng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục lên mức 40 - 60% cổ phiếu. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao tiếp tục xem xét giải ngân nâng tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong các nhịp điều chỉnh của thị trường. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn.