Thanh Hóa: Đóng cửa mỏ đá hay di chuyển dân?

Thứ Hai, 11/10/2021 - 13:40

Các phương án nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sống cạnh mỏ đá vôi xã Tân Phúc đã được đưa ra, nhưng còn nhiều ý kiến trái chiều.

Lời tòa soạn: 

Hàng loạt các mâu thuẫn nảy sinh giữa người dân thôn Thái Sơn (xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) và Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ thương mại Thanh Hưng bắt đầu xuất hiện từ năm 2020. Theo cơ quan có thẩm quyền, nguyên nhân xuất phát từ việc doanh nghiệp khai thác đá sử dụng vật liệu nổ gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân xung quanh khu vực này.

Tháng 12/2020, sau khi nhận được phản ánh của các hộ dân liên quan tới công tác nổ mìn tại mỏ đá vôi xã Tân Phúc, ông Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra thực tế và nghe báo cáo giải quyết kiến nghị của người dân.

Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng việc sử dụng vật liệu nổ để tìm biện pháp giải quyết theo quy định, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và các hộ dân bị ảnh hưởng.

Một số ý kiến cho rằng cần đóng cửa mỏ đá hoặc di chuyển dân ra khỏi khu vực này để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, các quan điểm trên vẫn chưa nhận được sự đồng tình từ nhiều phía có liên quan.

 

Trách nhiệm của chính quyền ra sao?

Trước đó, một số ý kiến từ phía người trong cuộc cho rằng, việc UBND huyện Nông Cống (Thanh Hóa) hợp thức hóa cho 56 hộ dân từ đất lấn chiếm thành đất thổ cư tại khu vực mỏ đá vôi Tân Phúc đã được cấp phép khai thác trước đó, là một trong số những nguyên nhân gây nên xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. Hay nói cách khác, nếu cơ quan có thẩm quyền kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép kể từ thời điểm phát hiện vi phạm thay vì hợp thức hóa, có lẽ mọi chuyện đã không diễn biến phức tạp như bây giờ.

Ngay cả cơ quan có chức năng quản lý đất đai cũng thừa nhận còn nhiều băn khoăn trong việc hợp pháp hóa đất đang ở cho dân.

"Theo hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 16 hộ dân đều có phiếu thu tiền của UBND xã Tân Phúc trước ngày 01/7/2004 với lý do hợp pháp hóa đất đang ở; tuy nhiên trường hợp hợp pháp hóa theo quy định của pháp luật đất đai năm 2003 không quy định. Về hồ sơ quy hoạch sử dụng đất của 16 hộ dân, huyện Nông Cống chỉ mới cung cấp được bản đồ quy hoạch sử dụng đất tại xã Tân Phúc, chưa cung cấp được báo cáo thuyết minh quy hoạch. Do đó không có căn cứ để xem xét cụ thể đến từng thửa đất của các hộ dân theo quy định".

Điều đáng nói là, dù Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định bản đồ quy hoạch sử dụng đất xã Tân Phúc được vẽ thủ công với tỷ lệ bản đồ không được chính xác, không có báo cáo thuyết minh, nhưng vẫn khẳng định một cách khá cảm tính rằng: “16 hộ dân cơ bản nằm trong quy hoạch đất ở”. Do đó việc cấp sổ đỏ cho người dân là đúng quy định.

Trong khi đó, theo tài liệu mà phóng viên có được cho thấy, các bản đồ khu vực khai thác (tỷ lệ 1:5000; 1:2000) từ năm 2001 đến năm 2009 khu khu đất xung quanh mỏ đá vôi Núi Hào, xã Tân Phúc không có vị trí nào thể hiện là đất thổ cư (đất ở). Hay nói một cách dễ hiểu hơn, bản đồ khai thác không thể hiện cụ thể quy hoạch đất thổ cư xung quanh khu vực mỏ đá. Chỉ sau khi cấp có thẩm quyền hợp thức hóa đất ở (đất lấn chiếm) cho người dân (2012) thì xung quanh khu vực khai thác khoáng sản thuê đất mỏ đá xã Tân Phúc, huyện Nông Cống mới xuất hiện đất thổ cư (đất ở).

Ngoài ra, theo báo cáo số 192/BC-UBND ngày 16/12/2020 của UBND xã Tân Phúc về nguồn gốc hình thành và thời điểm cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình gần mỏ đá cũng thể hiện rõ, số diện tích đất của các hộ dân gần mỏ đá trên đều thuộc diện UBND xã Tân Phúc giao đất sai thẩm quyền từ trước năm 2001 và được chính quyền cho hợp thức hóa thành đất ở.

Như vậy, khi các thông số kỹ thuật về đất đai được đưa ra chưa đủ để chứng minh tính hợp lý của quy hoạch, nhưng cơ quan có thẩm quyền đã nhận định rằng, việc cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân là phù hợp với quy hoạch liệu có thuyết phục?

Qúa trình làm thủ tục cấp phép mỏ theo quy định, một số trích lục bản đồ (tỷ lệ 1:5000 và 1:2000) cũng thể hiện quanh khu vực khai thác khoáng sản đều được ký hiệu là 2L (đất 02 lúa), hoàn toàn không có đất thổ cư (đất ở).

Bên cạnh đó, hàng loạt câu hỏi khác được đặt ra là: Tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân gần khu vực mỏ đá, cơ quan có thẩm quyền liệu có đoán định được nguy cơ tiềm ẩn từ việc khai thác đá có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân (vị trí mỏ đá với nhà dân gần nhau)? Làm cách nào để vừa đảm bảo được cuộc sống của người dân, vừa đảm bảo hoạt động khai thác của doanh nghiệp trong thời gian tới?

Về việc này, ông Nguyễn Lợi Đức, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống (Thanh Hóa) cho biết: “Việc cấp phép khai thác mỏ là Sở Tài nguyên và Môi trường, còn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại do huyện cấp. Bây giờ muốn di dân thì phải có dự án và thực hiện thu hồi đất mới bố trí tái định cư được. Tuy nhiên, chi phí di dời là khá lớn. Hiện nay mỏ đá vôi đang dừng khai thác. Trong thời gian tới, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp áp dụng công nghệ khai thác an toàn hơn”, ông Đức trao đổi riêng với phóng viên tại cuộc họp báo hôm 7/10.

Trong khi đó, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nên đóng cửa mỏ để đảm bảo cuộc sống của người dân khu vực cạnh mỏ đá. Còn theo UBND xã Tân Phúc, người dân có nguyện vọng di dời khỏi khu vực khai thác đá của doanh nghiệp nhưng do giá đền bù đưa ra quá cao khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu. 

Như vậy, việc xung đột lợi ích giữa người dân sống cạnh mỏ đá vôi xã Tân Phúc và doanh nghiệp (chủ mỏ đá vôi) vẫn chưa có hồi kết khi các bên chưa thống nhất được phương án xử lý.

Làm sao để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp?

Trong khi đó một số ý kiến cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần có giải pháp xử lý dứt điểm những mâu thuẫn giữa người dân và doanh nghiệp để đảm bảo lợi ích giữa các bên.

Một chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực khai thác khoáng sản (đề nghị không nêu tên) cho rằng: “Quan điểm đóng cửa mỏ đá trong thời điểm này (nếu có) là điều cần phải tính toán thật kỹ lưỡng, nếu muốn nói là bất khả thi. Bởi điều này liên quan tới trách nhiệm đền bù, bồi thường thiệt hại của Nhà nước đối với doanh nghiệp. Nếu quyết định đóng cửa mỏ được đưa ra cũng có nghĩa là, Nhà nước sẽ phải đền bù một khoản tiền không nhỏ cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp đã nộp tiền để được cấp quyền khai thác khoáng sản và các chi phí khác có liên quan. Đó là chưa kể tới việc xung đột lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được mức đền bù tương xứng.  

Mặt khác, việc dừng khai thác mỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đời sống của người lao động, nguồn thu của Nhà nước và hơn hết nguồn lực của Nhà nước (tài nguyên khoáng sản) bị bỏ phí, không được khai thác một cách hiệu quả.

Thanh Hóa
Đường vào mỏ đá vôi xã Tân Phúc.

Bên cạnh đó, việc dừng hoạt động khai thác cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan (nếu có), trong việc thẩm định tài liệu, hồ sơ và các nội dung khác có liên quan đến việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, nếu không đáp ứng đầy đủ các điều kiện (khoảng cách, phương án khai thác…), thì cấp có thẩm quyền sẽ không thể cấp phép khai thác cho doanh nghiệp", chuyên gia cho hay.

Cũng theo chuyên gia này: “Việc chuyển đổi công nghệ khai thác đá để đảm bảo an toàn cho người dân sống xung quanh khu vực đó cũng chỉ là giải pháp có tính tạm thời. Chưa có gì đảm bảo rằng, việc thay đổi công nghệ sản xuất sẽ khiến người dân yên tâm tuyệt đối khi sinh sống tại khu vực mỏ. Do đó, xung đột lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp có thể diễn ra bất cứ lúc nào nếu hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.

Mặt khác, việc thay đổi công nghệ đồng nghĩa với việc chi phí khai thác sẽ tăng lên, tạo áp lực lớn đến quá trình vận hành, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì đây là mỏ đá hỗn hợp, giá trị thành phẩm thương mại không cao so với các loại đá khác, do đó việc đầu tư công nghệ khai thác sẽ rất tốn kém, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh, hạch toán chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là doanh nghiệp được phép bất chấp các quy định về an toàn khai thác và coi nhẹ cuộc sống tính mạng của người dân. Điều quan trọng nhất là, về lâu dài, cơ quan có thẩm quyền cần đưa giải pháp để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân sống xung quanh khu vực mỏ.

Trong khi các bên vẫn chưa thống nhất được phương án đảm bảo an toàn thì việc di dời dân khỏi khu vực mỏ đá được coi là phương án có tính khả thi nhất hiện nay. Bởi, số lượng dân nếu phải di dời ra khỏi khu vực mỏ đá không lớn (khoảng chục hộ dân); quỹ đất để bố trí tái định cư đã được chuẩn bị sẵn sàng và một người dân cũng có nguyện vọng được di dời khỏi khu vực này. Vướng mắc nhất hiện nay chỉ là việc hai bên chưa thống nhất được phương án đền bù di dời.

Vì vậy, di chuyển người dân ra khỏi khu vực mỏ đá không chỉ là chuyện giữa doanh nghiệp và người dân mà còn có trách nhiệm của chính quyền nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân và doanh nghiệp. Hay nói cách khác, về lâu về dài, muốn đảm bảo an toàn cho người dân và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thì không thể để xảy ra chuyện “dân vừa ngủ, vừa giật mình thon thót”, chuyên gia cho hay.