Aa

Thanh Hóa: Cần di dời người dân ra khỏi khu vực mỏ đá vôi xã Tân Phúc

Thứ Hai, 04/10/2021 - 15:30

Về lâu dài, để đảm bảo cuộc sống của người dân, cơ quan có thẩm quyền cần tính toán đến việc di dời dân tại khu vực mỏ đá vôi xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân ngay cạnh mỏ đá

Hàng loạt các mâu thuẫn nảy sinh giữa người dân thôn Thái Sơn (xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) và Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ thương mại Thanh Hưng bắt đầu xuất hiện từ năm 2020. Theo cơ quan có thẩm quyền, nguyên nhân xuất phát từ việc doanh nghiệp khai thác đá sử dụng vật liệu nổ gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân xung quanh khu vực này.

Tháng 12/2020, sau khi nhận được phản ánh của các hộ dân liên quan tới công tác nổ mìn tại mỏ đá vôi xã Tân Phúc, ông Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra thực tế và nghe báo cáo giải quyết kiến nghị của người dân.

Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng việc sử dụng vật liệu nổ để tìm biện pháp giải quyết theo quy định, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và các hộ dân bị ảnh hưởng.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực mỏ đá theo quy định của pháp luật…

Cụ thể, về nội dung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, báo cáo của UBND xã Tân Phúc, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho hay: Các hộ dân sống gần mỏ đá vôi xã Tân Phúc đều thuộc diện UBND xã giao đất sai thẩm quyền từ trước năm 2001 với diện tích gần 30.000m2. Được biết, năm 2001 cũng là thời điểm mỏ đá này đi vào hoạt động.

Năm 2012, UBND huyện Nông Cống có quyết định hợp pháp hóa quyền sử dụng đất ở và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nêu trên. Trong số 57 hộ dân được UBND xã Tân Phúc giao đất trái thẩm quyền, có 16 hộ dân sống gần khu vực mỏ đá. Cơ quan có thẩm quyền cho rằng, việc UBND huyện Nông Cống cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nêu trên thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 là phù hợp với Nghị định của Chính phủ.

Trong khi đó, một số ý kiến từ phía người trong cuộc cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến mâu thuẫn giữa người dân và doanh nghiệp là việc cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân ngay cạnh mỏ đá. Điều này làm nảy sinh sự kiện có tính pháp lý chưa có hồi kết giữa hai bên (như đã nêu ở trên).

Ông Hoàng Xuân Như (70 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Phúc cho biết: "Đất ở khu mỏ đá (khu vực 16 hộ đang ở gần mỏ đá của Công ty Thanh Hưng - PV) là do người dân lấn chiếm, sau đó tự ý đắp đất cao lên, làm mặt bằng để xây dựng nhà ở. Thời điểm dân lấn chiếm, đắp đất làm mặt bằng, UBND xã đã phải huy động lực lượng dân quân đến giải tỏa rất nhiều lần, tuy nhiên, cứ giải tỏa xong các hộ dân họ lại đến đắp lại. Sau này, tôi cũng đã có ý kiến về việc cấp sổ đỏ cho dân tại khu vực này nhưng họ vẫn cấp. Điều này làm phát sinh mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người dân, đến nay chưa được giải quyết".

Dân không đồng ý di chuyển do chưa đồng thuận với mức bồi thường

Câu hỏi đặt ra là, tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân gần khu vực mỏ đá, cơ quan có thẩm quyền liệu có đoán định được nguy cơ tiềm ẩn từ việc khai thác đá có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân (vị trí mỏ đá với nhà dân gần nhau)? Nếu biết trước điều này, tại sao vẫn cấp sổ đỏ ở khu vực này? Về lâu dài, cuộc sống của người dân có được đảm bảo hay không? Làm cách nào để vừa đảm bảo được cuộc sống của người dân, vừa đảm bảo hoạt động khai thác của doanh nghiệp trong thời gian tới?

Về việc này, trao đổi với PV Reatimes, ông Nguyễn Quốc Tiến – Bí thư huyện ủy Nông Cống cho biết: “Trước đây doanh nghiệp tiến hành khai thác đá xẻ nguyên khối chứ không sử dụng vật liệu nổ, do vậy yếu tố an toàn vẫn được đảm bảo. Người dân chỉ có đơn phản ánh khi doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ trong khai thác. Đến thời điểm này, huyện đang xin ý kiến cấp trên về việc cho phép áp dụng công nghệ cắt dây trong hoạt động khai thác, đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực lân cận".

Đại diện cơ quan có thẩm quyền cũng đồng tình với quan điểm rằng, đến thời điểm hiện tại, không thể thực hiện việc đóng cửa mỏ đá bởi nó liên quan tới quyền lợi của doanh nghiệp và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong việc cấp phép khai thác đá cho doanh nghiệp.

thanh hóa
Khu vực đường vào mỏ đá vôi xã Tân Phúc.

Ông Hà Sỹ Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Thương mại Thanh Hưng cho biết: “Về việc đền bù, di dời các hộ bị ảnh hưởng, Công ty đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, trong đó xin đền bù cho các hộ dân theo đơn giá Nhà nước. Ngoài ra, công ty sẽ hỗ trợ thêm 15% vào đơn giá đền bù cho các hộ dân trong diện phải di dời. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa đồng ý”.

Trong khi đó, lãnh đạo xã Tân Phúc cho hay, việc di dời người dân ra khỏi khu vực mỏ đá vẫn chưa thực hiện được do hai bên chưa tìm được tiếng nói chung: “Ban đầu, doanh nghiệp và người dân đã ngồi lại với nhau để giải quyết sự việc theo hướng bồi thường, di dời. Cả người dân và doanh nghiệp thống nhất cao phương án di dời khỏi khu vực mỏ đá để đảm bảo an toàn tính mạng và điều kiện khai thác cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hai bên không thống nhất quan điểm về khoản tiền bồi thường. Người dân đòi giá bồi thường cao, trong khi doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu này. UBND xã cũng tính toán tới quỹ đất tái định cư cho dân tại thôn Hải Sơn (xã Tân Phúc) nhưng chưa thể thực hiện được do hai bên chưa tìm được tiếng nói chung”.

Khai thác nhưng phải đảm bảo an toàn cho người dân

Trao đổi với phóng viên Reatimes, Ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay: "Mỏ đá chỉ được khai thác lại khi đủ điều kiện, trong đó điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn cho người dân sống quanh khu vực. Bên cạnh đó chính quyền địa phương đang tính toán phương án nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Quan điểm là không "tả khuynh" hoặc cũng không "hữu khuynh" mà đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên.

Còn vấn đề di dời dân, tái định cư chỉ được thực hiện khi thu hồi đất. Trong trường hợp này phải có dự án mới có thể thu hồi, tái định cư được...

Về lâu dài, tỉnh đã có chỉ đạo doanh nghiệp thay đổi phương án khai thác. Thay bằng việc nổ mìn thì áp dụng biện pháp cắt dây. Không khai thác từ phía dân nữa mà khai thác từ phía cánh đồng vào".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top