Nghị quyết 58 con đường để Thanh Hóa thực hiện khát vọng thịnh vượng và kiểu mẫu

Nghị quyết 58 con đường để Thanh Hóa thực hiện khát vọng thịnh vượng và kiểu mẫu

Thứ Hai, 05/10/2020 - 06:00


Lời tòa soạn: 

Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong những năm qua, Thanh Hóa đã có bước phát triển đột phá trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh kỳ vọng sẽ đưa Thanh Hóa “cất cánh” trong tương lai không xa.

Xung quanh nội dung này, phóng viên Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

PV: Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Theo ông, điều gì đã tạo nên những thành tựu ấn tượng này?

Ông Trịnh Văn Chiến: Nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vượt qua tất cả, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã kết thúc nhiệm kỳ 2015 - 2020 với rất nhiều thành công và thắng lợi, trong đó 26/28 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Nổi bật là:

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân ước đạt 12,1%, vượt mục tiêu Đại hội và trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Quy mô GRDP của tỉnh năm 2020 ước đạt 131.199 tỷ đồng, gấp 1,77 lần năm 2015, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất trong các tỉnh Bắc Trung Bộ. 

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn luôn vượt dự toán và tăng cao so với đầu nhiệm kỳ; tốc độ tăng thu bình quân hằng năm ước đạt 18,1%, trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước; năm 2020 ước đạt 29.000 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2015.

Thứ hai, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, Thanh Hóa là địa phương đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và là một trong những tỉnh có số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất nước. Đến nay, đã có 8 đơn vị cấp huyện, 313 xã và 740 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 65,75%. Tỷ lệ đô hóa ước đạt 35%; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc theo hướng hiện đại, văn minh.

Thứ ba, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Qua các cuộc hội thảo, các hội nghị tham vấn cuối cùng đã được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc các cơ quan Trung ương và trong tỉnh nhất trí xác định năm 1029 - năm Thiên Thành thứ hai đời vua Lý Thái Tông là năm đầu tiên xuất hiện danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương

Lĩnh vực giáo dục và thể thao đạt thành tích cao, luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; xã hội hóa y tế được đẩy mạnh, đã ứng dụng, chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật mới tại các bệnh viện tuyến tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Bí thư Trịnh Văn Chiến tiếp và làm việc với đại diện Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh tư liệu do Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cung cấp.

Thứ tư, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế; sự phối hợp với các cơ quan Trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được đẩy mạnh. Vai trò, vị thế, uy tín của tỉnh Thanh Hóa ngày càng được nâng cao.

Thứ năm, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, sáng tạo, đạt nhiều kết quả. Thanh Hóa là một trong các tỉnh đi đầu trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Có thể khẳng định, những thành tựu mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trong những năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là rất to lớn và có ý nghĩa quan trọng. Theo tôi, để Thanh Hóa có được những thành tựu nổi bật như vậy, trước hết là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. 

Cảng quốc tế gang thép Nghi Sơn. Ảnh do Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cung cấp.

Thanh Hóa đã có nhiều bước chuyển mình đặc sắc trong thời gian qua

Mặt khác, thành quả ấy có được là do các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, tạo động lực phát triển trong giai đoạn mới. Một số dự án lớn được thu hút đầu tư, xây dựng từ các nhiệm kỳ trước đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu để có được những thành tựu đó chính là nhờ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, trong nhân dân. Các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, có quyết tâm cao trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.

PV: Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ông đánh giá như thế nào về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết này đối với sự phát triển của Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung?

Ông Trịnh Văn Chiến: Việc Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước hết, đó là sự ghi nhận, đánh giá cao của Trung ương về những đóng góp của Thanh Hóa cho đất nước từ trước đến nay.

Đặc biệt, Nghị quyết đã mở ra cho tỉnh Thanh Hóa những thời cơ, vận hội mới, mà tôi cho rằng, là rất nổi trội và khác biệt, để Thanh Hóa tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, đột phá trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Đây không chỉ là mốc son trong chặng đường xây dựng và phát triển của tỉnh, mà khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thanh Hóa đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Thực hiện thắng lợi Nghị quyết, tôi tin rằng, Thanh Hóa sẽ hiện thực hóa được “khát vọng thịnh vượng” và sẽ sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” theo lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời.

PV: Tỉnh Thanh Hóa cần làm gì để thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa Thanh Hóa trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thưa ông?

Ông Trịnh Văn Chiến: Để tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và hiện thực hóa được các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra; trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu đó là:

Thứ nhất, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung cao để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Phát huy cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc với nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và công nghiệp nặng là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Thứ hai, tập trung phát triển toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm 3 vùng kinh tế - xã hội theo hướng: Phát triển ổn định vùng miền núi; phát triển nhanh vùng đồng bằng và trung du; phát triển đột phá vùng ven biển và hải đảo. Quan tâm phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng trong và ngoài tỉnh. 

Tiếp tục đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình hạ tầng thiết yếu để sớm đưa Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.

Thứ ba là gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại; xây dựng và phát triển văn hóa, con người xứ Thanh, đáp ứng yêu cầu phát triển phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ tư là, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước; lấy Khu kinh tế Nghi Sơn, TP. Sầm Sơn và Cảng hàng không Thọ Xuân làm trọng điểm để tăng cường kết nối. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Lễ bàn giao mặt bằng và trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu C, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (phần diện tích cho mở rộng giai đoạn 2 của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn). Ảnh tư liệu do Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cung cấp.
Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Và nhiệm vụ thứ năm là tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đặc biệt, quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Ngoài các tiêu chuẩn theo quy định của Trung ương, còn phải là những đồng chí có trình độ chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn tốt, có đạo đức cách mạng, có phương pháp làm việc khoa học; năng động, sáng tạo, linh hoạt; luôn xả thân vì sự nghiệp cách mạng của tỉnh; dám nghĩ, dám làm; nói đi đôi với làm, nói cái gì làm đúng cái đó, hứa cái gì làm thành công cái đó.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.

Quốc Toản (thực hiện)
Thảo Quyên
05/10/2020 06:00


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top