Aa

Những dự án “không thể bỏ qua” khi thanh tra “đất vàng” ở Hà Nội

Thứ Ba, 14/03/2017 - 15:01

Hàng loạt dự án BĐS sở hữu “đất vàng” giữa trung tâm Thủ đô sau nhiều năm được giao cho một số chủ đầu tư thì bỏ hoang hoặc ngừng thi công nhiều năm gây khiếu kiện kéo dài, rất cần thanh tra vào cuộc làm rõ.

Như Reatimes đã đưa tin, mới đây Thanh tra Chính phủ đã công bố Quyết định số 384/QĐ-TTCP, của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc tiến hành thanh tra một số dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP. Hà Nội (giai đoạn từ 2003 - 2016).

Đoàn thanh tra do ông Nguyễn Đức Hải, Cục trưởng Cục 1- Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn. Thời gian thanh tra là 70 ngày làm việc thực tế, từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Liên quan đến vấn đề này, Reatimes điểm lại một số dự án đang được giao sử dụng “đất vàng” ở Thủ đô nhưng chậm triển khai hoặc xây dựng dở rồi bỏ hoang, gây lãng phí. Đáng nói, trong số đó, không ít dự án còn vướng vào khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc cho dư luận.

Dự án Twin Tower đường Láng “đắp chiếu”, khách hàng khiếu kiện đòi quyền lợi

Dự án Twin Tower có địa chỉ tại số 1152 - 1154 đường Láng (Hà Nội). Khu “đất vàng” này hiện được UBND TP. Hà Nội giao cho Công ty Cổ phần Tân Phú Long xây dựng Tổ hợp Dịch vụ công cộng, Nhà ở cho thuê và Văn phòng cho thuê.

Theo tìm hiểu của Reatimes, dự án có quy mô rộng 6.046,4 m2, trước đây do 2 đơn vị là Công ty Giống cây trồng (nay là Công ty Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội) và Công ty Giống gia súc Hà Nội quản lý.

Sau một giai đoạn với nhiều thủ tục chuyển đổi, ngày 7/4/2009, dự án được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Handico 6, với chức năng là Tổ hợp Dịch vụ công cộng Nhà ở và Văn phòng cho thuê cao 25 tầng (3 tầng hầm), với số vốn đầu tư dự kiến là 297,6 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là 3 năm, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Khu đất vàng 1152-1154 đường Láng hiện là một bãi trông giữ và rửa xe.

Khu đất vàng 1152-1154 đường Láng hiện là một bãi trông giữ và rửa xe.

Đến tháng 6/2010, dự án lại thay đổi chủ đầu tư, khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đứng ra thu hồi toàn bộ diện tích 6.046,4 m2 do Handico 6 đang sử dụng, giao cho Công ty Cổ phần Tân Phú Long thuê để tiếp tục đầu tư xây dựng Tổ hợp Dịch vụ công cộng Nhà ở cho thuê và Văn phòng cho thuê.

Tháng 4/2011, dự án chính thức được Sở Xây dựng TP. Hà Nội cấp phép với quy mô 25 tầng cao, 3 tầng hầm, 2 tầng kỹ thuật. Sau thời điểm này, tháng 7/2011, Công ty Cổ phần Tân Phú Long bắt đầu tiến hành huy động của nhiều khách hàng với số vốn từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng để giành quyền mua căn hộ tại dự án.

Mặc dù, tháng 8/2012, HĐQT Tân Phú Long đã ra quyết định trả tiền cho khách hàng, tuy nhiên, đến thời điểm này, đã 5 năm trôi qua, không hiểu sao Tân Phú Long không chịu trả lại tiền cho khách. Dự án cũng đồng thời bị dừng triển khai, khiến nhiều khách hàng góp vốn mua nhà dự án, mang đơn đi khắp nơi đòi lại tiền đã đóng.

Dự án chung cư “sát” hồ Gươm, sau 10 năm chưa được triển khai

Tháng 11/2004, UBND TP Hà Nội quyết định thu hồi trên 4.000m2 đất tại số 22 - 24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng để xây dựng khu Trung tâm Thương mại Văn phòng và Nhà ở tái định cư. Dự án được xây dựng trên diện tích có hơn 3.600m2 của Xí nghiệp Nhựa Hà Nội đã được di dời và hơn 300m2 đất ở liên quan tới 17 hộ dân.

Cuối năm 2010, dự án đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận khi một số hộ dân trong phạm vi dự án yêu cầu được đền bù mức kỷ lục - 1 tỷ đồng/m2. Yêu cầu này không được chủ đầu tư và các cơ quan chức năng chấp thuận. 

Đất vàng sát hồ Gươm hiện vẫn bỏ hoang.

Đất vàng sát hồ Gươm hiện vẫn bỏ hoang.

Tuy nhiên, đến sát thời điểm cưỡng chế di dời (sáng 12/7/2011), những hộ dân cuối cùng đã ký vào biên bản đồng ý nhận đền bù 500 triệu/m2 ở mặt tiền, tầng 1; 300 triệu/m2 tầng 1 không có mặt tiền và mức thấp nhất là 200 triệu đồng/m2 ở tầng 2.

Hiện nay, sau 5 năm từ khi được bàn giao mặt bằng với kinh phí giải phóng mặt bằng "cao ngất ngưởng", dự án vẫn là bãi đất trống được quây rào kín xung quanh.

"Đất vàng" thành điểm trông giữ xe trái phép

Khu “đất vàng” tại 76 Nguyễn Chí Thanh là đất công, được UBND TP Hà Nội giao UBND quận Đống Đa quản lý. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua đã xảy ra tình trạng một số cá nhân tổ chức hoạt động trông giữ xe trái phép thu tiền bỏ túi.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu đất tại 76 Nguyễn Chí Thanh (thuộc phường Láng Thượng) có diện tích 1.100m2 được UBND TP thu hồi để làm khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên quận Đống Đa từ năm 1989.

Tuy nhiên, do khu đất này không có đường vào nên UBND quận Đống Đa xin hoán đổi diện tích này cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico 6), lấy diện tích ở 185 Đặng Tiến Đông để xây dựng trụ sở cho Chi cục Thuế quận Đống Đa.

Trông giữ xe trái phép trong khu đất vàng 76 Nguyễn Chí Thanh.

Trông giữ xe trái phép trong khu đất vàng 76 Nguyễn Chí Thanh.

Ngày 16/11/2009, UBND TP. Hà Nội có Văn bản số 11026/UBND-TNMT chấp thuận về nguyên tắc cho Handico 6 được sử dụng khu đất để làm dự án xây dựng cụm công trình hỗn hợp theo quy hoạch. Trong thời gian Handico 6 hoàn thiện các thủ tục về đầu tư và xây dựng để được giao đất thực hiện dự án, UBND quận Đống Đa tiếp tục quản lý, sử dụng chặt chẽ diện tích đất công nói trên.

Tuy nhiên, người dân sinh sống ở khu vực xung quanh cho biết, suốt nhiều năm qua, toàn bộ khu đất số 76 Nguyễn Chí Thanh được một số cá nhân đứng ra “nhận thầu”, tổ chức hoạt động trông giữ xe thu tiền trái phép mà không hề thấy cơ quan chức năng có động thái giải quyết. 

Gần đây, tháng 10/2016, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải mới tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với một cá nhân về hành vi tổ chức hoạt động khai thác bãi đỗ xe tại số 76 Nguyễn Chí Thanh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top