Aa

Ồ ạt thành lập doanh nghiệp BĐS, liệu có phải Tân Hiệp Phát "thấy người ăn khoai..."?

Khởi Minh
Khởi Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 01/07/2019 - 21:20

"Ông hoàng giải khát" - Tân Hiệp Phát mới đây đã chính thức trở thành "tân binh" gây chấn động làng bất động sản khi thành lập 11 công ty địa ốc chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng.

Không phải là chuyện lạ khi thị trường bất động sản liên tục đón những “tân binh”, khi mỗi ngày có hơn 17 doanh nghiệp bất động sản được thành lập. Điều này cũng cho thấy bất động sản đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” có sức hút khó cưỡng.

Tuy nhiên, đang có nhiều nghi ngại đặt ra đối với doanh nghiệp “ngoại đạo” khi ồ ạt đổ lượng vốn lớn, lấn sân vào bất động  sản, rằng nếu không có tiềm lực đủ mạnh và sự tính toán đường dài chu đáo, thì việc lấn sân vào bất động sản có thể thành con dao hai lưỡi khiến doanh nghiệp sa lầy và làm ảnh hưởng đến thị trường.

1 tháng lập 11 công ty địa ốc nghìn tỷ

Trong khoảng thời gian từ 18 - 24/4/2019, có 10 công ty bất động sản được thành lập với cùng vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và cùng cơ cấu sở hữu: bà Trần Uyên Phương (con gái ông Trần Quý Thanh) nắm giữ 99,9%, bà Trần Ngọc Bích (con gái) nắm giữ 0,05% và bà Phạm Thị Nụ (vợ) nắm giữ 0,05%.

Đến ngày 14/5/2019, thêm Công ty cổ phần Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền được thành lập với vốn điều lệ lớn hơn hẳn, 3.830 tỷ đồng nhưng cơ cấu sở hữu vẫn không thay đổi.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát đã thành lập 11 công ty con trong lĩnh vực bất động sản với tổng vốn điều lệ lên tới 18.830 tỷ đồng và tất cả đều do bà Trần Uyên Phương đứng tên sở hữu chính.

Trong khi dồn lượng vốn lớn cho mảng bất động sản thì công ty chủ chốt mảng đồ uống của tập đoàn là Công ty TNHH Thương mại Dịch Tân Hiệp Phát lại được giảm vốn điều lệ từ 276 tỷ xuống 176 tỷ đồng kể từ ngày 22/5/2019. Điều này cho thấy, Tân Hiệp Phát đang muốn rút bớt vốn khỏi lĩnh vực đồ uống, tập trung vốn cho lĩnh vực bất động sản.

Tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản của gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát đã xuất hiện từ đầu năm 2018 khi ông Trần Quý Thanh trở thành thành viên trong ban chấp hành câu lạc bộ bất động sản TP.HCM với ý định sẽ dùng nguồn tiền dồi dào của mình để cùng hỗ trợ các thành viên trong câu lạc bộ khi họ thiếu vốn cho các dự án bất động sản.

Ông Thanh tham gia vào Câu lạc bộ bất động sản TP.HCM.

Ông Thanh tham gia vào Câu lạc bộ bất động sản TP.HCM.

Trao đổi với báo chí, ông Thanh khẳng định, nguồn vốn và quỹ đất là 2 lợi thế lớn nhất hiện nay mà Tân Hiệp Phát đang nắm giữ. Theo ông Thanh, bất động sản là một ngành khá thú vị nhưng không phải tại nó đang lên mà Tân Hiệp Phát tham gia. Tân Hiệp Phát quan tâm tới bất động sản vì tất cả mọi người, mọi lĩnh vực đều có mối liên quan đến địa ốc. Đây là một ngành rất tiềm năng, nhất là trong giai đoạn đất nước đang phát triển, nhu cầu mở rộng thành phố, mở rộng kinh doanh rất lớn.

"Tất nhiên, khi Tân Hiệp Phát quyết định tham gia cũng đã chọn điểm rơi thích hợp, có lợi nhất cho những lợi thế cạnh tranh của mình. Hơn nữa, khi chúng tôi đã thu xếp ổn thoả mọi chuyện cho ngành cốt lõi, sẽ tham gia vào các ngành khác với tâm thế tiêu tốn thời gian và nguồn lực trong tầm kiểm soát", ông Thanh lạc quan khẳng định.

Ván cờ bất động sản liệu có thành?

Đã từng có rất nhiều bài học “thắng làm vua, thua làm giặc” cho doanh nghiệp ngoại đạo khi bước chân vào lĩnh vực bất động sản. Bởi thị trường luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó, với những doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm “chinh chiến”, dù là những đại gia có tiềm lực tài chính, cũng không ít lần phải “nếm mật nằm gai”, nhận lấy thất bại chua xót.

Những món lợi khổng lồ dễ nhìn thấy từ lĩnh vực bất động sản đã khiến ngành này thu hút sự quan tâm của giới nhiều tiền. Nhưng “miếng ngon” thường “không dễ nuốt”, không phải có tiềm lực tài chính là có thể thành người thắng cuộc.

Đơn cử như câu chuyện “nếm trái đắng” của tập đoàn Mai Linh cũng từng gây sự chú ý trên thị trường. Vốn là doanh nghiệp vận tải lớn nhất cả nước và có tiếng tăm trong khu vực Đông Nam Á nhưng doanh nghiệp này đã phải trả một cái giá rất đắt kể từ khi lấn sang lĩnh vực bất động sản. Năm 2012, công ty này đã tuyên bố không trả được 500 tỷ đồng vốn vay các cá nhân, rơi vào nguy cơ bị rút vốn đầu tư.

Năm 2009, khi đang kinh doanh thuận buồm xuôi gió ở lĩnh vực tôn, thép, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đã quyết định “phiêu lưu” sang lĩnh vực bất động sản. Dự án đầu tiên mà Hoa Sen triển khai là khu dân cư Điền Phúc Thành ở quận 9 (TP.HCM) có tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng. Sau đó, tập đoàn này tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án căn hộ khác tại quận 9 là Hoa Sen Phước Long B và căn hộ Hoa Sen Riverside. Tuy nhiên, thời điểm đó thị trường gặp khủng hoảng  kéo dài nên Hoa Sen buộc phải tính chuyện rút lui vào năm 2011.

Từ một “đại gia bia hơi”, Tập đoàn Lã Vọng cũng đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục sang lĩnh vực bất động sản, sở hữu trong tay hàng loạt khu đất vàng, nhưng hầu hết đều vướng sai phạm và bị thanh tra.

Thực tế, nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước sau một thời gian đầu tư bất động sản đã để lại “di chứng” là những món nợ lớn. Nhiều doanh nghiệp đã phải lấy doanh thu, lợi nhuận của ngành nghề kinh doanh chính bù lỗ vào bất động sản.

Chưa thể đánh giá về cuộc tấn công ngoạn mục của Tân Hiệp Phát vào lĩnh vực bất động sản là thành công hay thất bại nhưng rõ ràng, từ những bài học của các tập đoàn kinh tế từng có tham vọng chiếm lĩnh thị trường ngoài ngành, cũng không thể không đặt ra giả thiết, việc ồ ạt thành lập một loạt công ty bất động sản khi mới tham gia vào lĩnh vực này có thể mang lại rủi ro thay vì lợi nhuận lớn cho tập đoàn này trong bối cảnh thị trường đang bão hòa. Đó là chưa kể, thị trường bất động sản đang có nhiều tập đoàn lớn tham gia vào cuộc chạy đua, tính cạnh tranh rất cao nên những  người chưa có nhiều kinh nghiệm khó mà trở thành người thắng cuộc.

Tất nhiên, lợi thế chính của các công ty này là quỹ đất mà họ sở hữu. Đặc biệt, nhiều công ty có quỹ đất lớn và vị trí đẹp, bởi khi thành lập, các doanh nghiệp này xin thuê quỹ đất 50 năm của Thành phố nhằm mục đích làm nhà xưởng, nhưng sau đó, họ không dùng tới và chuyển mục đích sử dụng sang phát triển dự án bất động sản. Nhưng câu chuyện phát triển bất động sản không chỉ nằm ở quỹ đất và tài chính.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, các đơn vị có thể đang ở một lĩnh vực khác tham gia vào đầu tư bất động sản sẽ bổ sung cho thị trường một lực lượng đông hơn, nhiều sản phẩm hơn và cũng đóng góp phần nào đó vào sự phát triển của thị trường. Đó là tín hiệu tích cực, không phải là biểu hiện tiêu cực hay là một hoạt động cần phải hạn chế. Tuy nhiên, sự phát triển thêm các lực lượng này cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định của pháp luật, đảm bảo tính khả thi thì doanh nghiệp đó mới tham gia vào dòng chảy của thị trường một cách tích cực nếu không sẽ trở thành lực cản trong dòng chảy đó.

Còn theo GS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân), trong lý thuyết kinh doanh, người ta không bao giờ “bỏ trứng vào một rổ” mà thường đầu tư kinh doanh đa dạng. Tuy nhiên, sự đa dạng này thường xoay quanh ngành nghề cốt lõi để các ngành kinh doanh có thể bổ trợ cho nhau.

“Đây là một bài toán cần giải khi trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp dựa vào tín hiệu của thị trường để kinh doanh. Chức năng chính là doanh nghiệp vẫn nên đầu tư vốn để hoạt động kinh doanh chuyên ngành của mình. Bởi chức năng chính mà không tập trung, chỉ lo đầu tư một lĩnh vực ngoài ngành vì lợi nhuận cao, doanh nghiệp nên xem xét lại”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top