Aa

Phường Hoàng Văn Thụ: Các công trình có dấu hiệu vi phạm TTXD đều... đúng phép?

Thứ Ba, 03/11/2020 - 13:20

Liên quan đến công tác quản lý TTXD trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), ông Ngô Sỹ Quý - Chủ tịch UBND phường này khẳng định đã kiểm tra và tất cả các công trình có dấu hiệu vi phạm đều xây dựng đúng phép

Lời tòa soạn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Hàng loạt công trình xây dựng có dấu hiệu vi phạm TTXD

Theo phản ánh của một số người dân trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) thời gian gần đây xuất hiện một số công trình có dấu hiệu vi phạm TTXD nghiêm trọng khi xây vượt tầng, vượt chiều cao, ban công lấn chiếm khoảng không công cộng... nhưng không thấy có bất cứ cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.

Cụ thể, theo ghi nhận của PV, trên đường Hoàng Mai có đến 3 công trình có dấu hiệu vi phạm TTXD. Theo đó, 2 công trình nằm cạnh số nhà 320 đường Hoàng Mai có chiều cao vô cùng nổi bật lần lượt là 7 tầng + tum và 5 tầng; công trình còn lại nằm cạnh số nhà 319 đường Hoàng Mai với quy mô 5 tầng + lửng. Điểm chung là cả 3 công trình đều xây đua ban công ra ngoài vỉa hè, có dấu hiệu lấn chiếm khoảng không công cộng.

Các công trình có dấu hiệu vi phạm TTXD trên đường Hoàng Mai (Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội)

Công trình nằm cạnh số 300 Tổ 45 Đền Lừ II được xây cao 5 tầng + tum. Theo quan sát, công trình này trong quá trình xây dựng không để khoảng cách cần thiết với các công trình xunh quanh. Đáng nói, phần tum thang bị biến tướng nghiêm trọng khi diện tích mái tầng tum chiếm đến hơn ½ diện tích mái sàn dưới.

Công trình nằm cạnh số 300 Tổ 45 Đền Lừ II có nhiều dấu hiệu vi phạm TTXD.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-BXD quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Cụ thể, công trình có tầng tum sẽ không tính vào số tầng của công trình khi chỉ dùng để bao che lồng cầu thang bộ hoặc giếng thang máy, bao che các thiết bị công trình (nếu có), phục vụ mục đích lên mái và cứu nạn, có diện tích không vượt quá 30% diện tích của sàn mái. 

Tương tự, công trình số 38A Hồ Đền Lừ hiện chiều cao là 6 tầng + tum thang biến tướng, không phù hợp về mật độ, phần ban công có dấu hiệu xây đua lấn chiếm khoảng không công cộng. Tại số 136 Tổ 36 Đền Lừ II, nằm ngay cạnh có 3 công trình đều được chủ đầu tư xây với quy mô 5 tầng + tum thang, mật độ gần như toàn bộ diện tích.

Công trình số 38A Hồ Đền Lừ và công trình nằm cạnh số 136 Tổ 36 Đền Lừ II có dấu hiệu xây dựng ban công lấn chiếm khoảng không công cộng.

Bên cạnh đó, không chỉ tồn tại các công trình xây dựng mới có dấu hiệu vi phạm TTXD mà còn xuất hiện những công trình cải tạo, cơi nới, thay đổi kết cấu và công năng sử dụng. Điển hình là các công trình này đang được chủ đầu tư biến phần ban công cũ thành không gian tầng, phần tum thang và tum thang kỹ thuật có dấu hiệu được xây mới.

Hai công trình số 15, 16 lô 13 Đền Lừ cũng đang được cải tạo, cơi nới khi biến phần ban công thành không gian của phòng nhằm tăng diện tích sử dụng.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, khi sửa chữa, cải tạo nhà ở thì có 02 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm có:

Trường hợp 1: Công trình chỉ tiến hành sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình và không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sửdụng, không ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình.

Trường hợp 2: Công trình chỉ sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc.

Chủ tịch phường khẳng định các công trình đều... đúng phép

Liên quan đến vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Ngô Sỹ Quý - Chủ tịch phường Hoàng Văn Thụ để xác minh thông tin. Theo ông Quý, lực lượng chức năng của phường đã kiểm tra và khẳng định, các công trình PV cần xác minh đều được thực hiện xây dựng... đúng phép.

Tuy nhiên, câu trả lời này vấp phải sự phản đối của một số người dân trên địa bàn phường,  không ít người dân vẫn tỏ ra hoài nghi về kết quả đánh giá của lãnh đạo, cán bộ của UBND phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai về công tác quản lý TTXD. 

“Nếu chiếu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà ở QCVN 04-1:2015/BXD thì diện tích mái tầng tum không vượt quá 30% diện tích của sàn mái, đây thì nhiều công trình tum thang diện tích mái chiếm đến một nửa, thậm chí hơn một nửa mái sàn dưới. Hầu hết, các công trình trong quá trình xây dựng đều không được che chắn cẩn thận tiềm ẩn nguy hiểm, gây ô nhiễm môi trường. Dấu hiệu sai phạm khá rõ ràng, căn cứ vào đâu mà khẳng định đúng phép, đúng quy định” - một người dân phản đối kết quả kiểm tra của phường.

Trước nghi vấn của người dân về kết quả đánh giá của phường nói chung và những dấu hiệu vi phạm của các công trình xây dựng trên nói riêng, đề nghị UBND quận Hoàng Mai, Sở xây dựng Hà Nội tiếp tục vào cuộc kiểm tra và xử lý những sai phạm TTXD trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ nếu có. Đồng trời, cần quy trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có dấu hiệu buông lỏng trong công tác quản lý.

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005, chủ sở hữu BĐS có các nghĩa vụ sau:

- Điều 263 quy định chủ sở hữu có nghĩa vụ bảo vệ môi trường khi sử dụng tài sản của mình. Nếu làm ô nhiễm môi trường thì phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại.

- Điều 267 quy định chủ sở hữu có nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng. Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa hóa chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chủ sở hữu phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.

Trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng quy định tại điều 10 Luật xây dựng 2003, có các hành vi sau:

- Vi phạm quy định về an toàn tính mạng con người, tài sản và vệ sinh môi trường trong xây dựng.

- Cơi nới, lấn chiếm không gian, khu vực công cộng, lối đi và các sân bãi khác đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố.

Việc công trình xây dựng làm ảnh hưởng đến môi trường cũng có thể bị xử lý theo quy định tại điều 15 nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007. Cụ thể: trường hợp công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận, để vật tư, vật liệu và thiết bị thi công gây cản trở giao thông công cộng thì phải ngừng thi công xây dựng; chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng phải có biện pháp khắc phục hậu quả.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top