Hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu: Đánh giá năng lực nhà thầu thế nào cho đúng?

Thứ Ba, 28/05/2024 - 06:00

Đánh giá "kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự" như thế nào để không làm mất cơ hội của các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự nhưng chưa có kinh nghiệm? Hay xử lý thế nào nếu nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm nhưng vẫn chưa thể đáp ứng tài chính cho toàn bộ dự án lớn ngay từ đầu, khi vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng?

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Dự thảo Nghị định được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, nút thắt lâu nay đối với thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất. Song, trước mắt còn nhiều vấn đề được các doanh nghiệp, địa phương đưa ra đề xuất mới, hay mong muốn được giải thích, hướng dẫn rõ ràng. Trong đó, có tiêu chuẩn đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu (Điều 46).

Nhà đầu tư "rất khỏe về tài chính" nhưng chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự

Liên quan đến yêu cầu nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh cho rằng, thực tế có nhiều nhà đầu tư không có năng lực kinh nghiệm, chỉ có năng lực về tài chính. Khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án, nhà đầu tư thuê các đơn vị có năng lực kinh nghiệm để triển khai thực hiện dự án đầu tư, kết quả được đánh giá là rất tốt.

Mặt khác, việc quy định đánh giá kinh nghiệm thực hiện dự án như tại Dự thảo sẽ dễ dẫn đến nhiều nhà đầu tư có năng lực về tài chính, có thể nói là rất khỏe về tài chính, nhưng chưa có kinh nghiệm như yêu cầu, sẽ phải đi hợp tác với đơn vị khác. Thậm chí có cả tiêu cực trong việc đi mượn năng lực thực hiện dự án tương tự để tham dự thầu, dẫn đến mất cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư có năng lực về tài chính thực sự, nhưng lại không có kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự.

Do đó, địa phương này đề nghị nghiên cứu bỏ tiêu chuẩn đánh giá kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự.

Song, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giữ nguyên như Dự thảo, bởi yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự quy định tại điểm b, khoản 2, điều 62 của Luật Đấu thầu và Điều 45 của Nghị định số 23/2024/NĐ-CP, được kế thừa tại Dự thảo Nghị định.

Hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu: Đánh giá năng lực nhà thầu thế nào cho đúng?- Ảnh 1.

Thực tế có nhiều nhà đầu tư không có năng lực kinh nghiệm, chỉ có năng lực về tài chính. (Ảnh minh họa)

Còn tỉnh Long An cho rằng, nên định nghĩa cụ thể "kinh nghiệm" theo mức độ khác nhau, cùng với yêu cầu về số lượng dự án tối thiểu, nhằm đảm bảo nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm. Việc định lượng các tiêu chí rõ ràng sẽ tăng cường sự minh bạch và khách quan, và giúp cơ quan quản lý dễ dàng xác định và đánh giá, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong quá trình thực hiện dự án.

Từ đó, Long An đề xuất xem xét thay đổi điểm a, b, c khoản 2 Điều 21 thành nội dung sau:

a) Kinh nghiệm đầu tư và xây dựng: Đối với dự án có cấu phần xây dựng, nhà đầu tư cần chứng minh kinh nghiệm qua số lượng dự án tương tự đã hoàn thành, với các chỉ số định lượng như tỷ lệ hoàn c thành công trình trên thời gian và quy mô đầu tư. Đối với dự án không có cấu phần xây dựng, yêu cầu kinh nghiệm đầu tư thông qua số dự án tương tự đã đầu tư và các kết quả cụ thể liên quan đến hiệu quả sử dụng và quy mô của những dự án đó;

b) Kinh nghiệm vận hành, kinh doanh công trình, dự án tương tự dựa theo số lượng và tỷ lệ hoàn thành công trình đúng thời gian và quy mô đầu tư;

c) Yêu cầu về kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt và trang thiết bị chuyên dùng dựa trên số năm kinh nghiệm, chứng chỉ chuyên môn, và tiêu chuẩn kỹ thuật. Cơ quan xét thầu sẽ đề xuất các tiêu chí cụ thể để đảm bảo nhân sự và trang thiết bị phù hợp với yêu cầu dự án (nếu có);

Trước góp ý này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xác định kinh nghiệm thực hiện dự án dự án tương tự được xác định căn cứ từng trường hợp dự án cụ thể. Chi tiết hướng dẫn tại Thông tư số 03/2024/NĐ-CP hướng dẫn lập hồ sơ đấu thầu. Bộ sẽ nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn lập hồ sơ đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất.

Ngoài ra, để tránh tình trạng núp bóng hoặc thuê mướn kinh nghiệm của đối tác, Long An cũng đề nghị xem xét điều chỉnh khoản 3 Điều 21 như sau: "Trong trường hợp liên danh, kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự theo quy định tại khoản 2 của Điều này sẽ được tính dựa trên tổng số dự án mà các thành viên liên danh đã tham gia thực hiện và mức độ tham vào dự án đó".

Cách tiếp cận này làm tăng độ tin cậy của thông tin kinh nghiệm và giúp các cơ quan chức năng đánh giá đúng mức độ cam kết và khả năng thực thi dự án của từng thành viên liên danh. Phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình: Dự thảo Nghị định kế thừa yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự quy định tại Điều 45 của Nghị định số 23/2024/NĐ-CP và đề nghị giữ nguyên như Dự thảo.

Địa phương này cũng đề xuất xem xét điều chỉnh lại khoản 4 Điều 21: "4. Đối với dự án quy định tại Điều 4 của Nghị định này, nhà đầu tư được sử dụng kinh nghiệm của đối tác để chứng mình kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này. Đối tác là tổ chức ký kết hợp đồng với nhà đầu tư để tham gia thực hiện dự án đầu tư kinh doanh và được nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu trên cơ sở yêu cầu về kinh nghiệm quy định tại hồ sơ mời thầu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến và cho biết đã chỉnh sửa tại Điều 46 Dự thảo Nghị định theo hướng đối tác cũng phải được đánh giá kinh nghiệm trên cơ sở yêu cầu tại hồ sơ mời thầu.

Rất khó tìm nhà đầu tư đáp ứng được năng lực tài chính cho toàn bộ dự án ngày từ đầu

Đây là băn khoăn của không ít doanh nghiệp, trong bối cảnh Điều 47 Luật Đấu thầu năm 2023 quy định một trong các nội dung công bố dự án đầu tư kinh doanh là "sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư hoặc phân chia dự án thành phần (nếu có)".

Tập đoàn Hòa Phát cho rằng, với một số dự án Khu đô thị có công năng hỗn hợp thì tổng vốn đầu tư thường rất lớn, lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Nếu yêu cầu nhà đầu tư đáp ứng được năng lực tài chính cho toàn bộ dự án ngay từ đầu, trong khi dự án lại thực hiện theo phân kỳ thì rất khó để tìm nhà đầu tư đáp ứng được điều kiện.

Do đó, Hòa Phát đề xuất Dự thảo Nghị định có quy định cho việc nhà đầu tư đáp ứng năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm theo từng phân kỳ đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận và cho biết, việc xác định kinh nghiệm thực hiện dự án dự án tương tự được xác định căn cứ từng trường hợp dự án cụ thể, chi tiết hương dẫn tại Thông tư số 03/2024/TT- - BKHĐT hướng dẫn lập hồ sơ đấu thầu. Những điểm này sẽ được Bộ nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn lập hồ sơ đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất.

Hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu: Đánh giá năng lực nhà thầu thế nào cho đúng?- Ảnh 2.

Nhà đầu tư mong muốn được tạo điều kiện trong việc thu xếp vốn cho các dự án. (Ảnh minh họa)

Cũng liên quan đến yêu cầu về năng lực tài chính, tỉnh Long An đề nghị bổ sung yêu cầu về khả năng huy động vốn vay của nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án; trường hợp liên danh, vốn vay của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn vay của các thành viên liên danh.

Đồng thời, bổ sung yêu cầu thời hạn hoàn thành thu xếp tài chính là 12 tháng; yêu cầu xác định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và đối tác trong trường hợp liên doanh thực hiện dự án.

Việc bổ sung những nội dung trên nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong việc thu xếp vốn cho các dự án, thúc đẩy sự đa dạng hóa các phương thức huy động vốn hợp pháp và tận dụng nguồn lực vốn từ xã hội; Xác định rõ ràng vốn chủ sở hữu, giúp các bên liên quan có thể hiểu rõ nguồn vốn đầu tư và mức độ cam kết tài chính của mỗi bên, giúp họ có cái nhìn rõ ràng hơn về cơ cấu tài chính của dự án. Cơ quan quản lý cũng có cơ sở rõ ràng trong việc thẩm định, đánh giá hồ sơ dự thầu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự thảo kế thừa yêu cầu về năng lực tài chính, huy động vốn vay đã quy định tại khoản 1 và điểm a, khoản 2, Điều 62 Luật Đấu thầu; Điều 45 Nghị định 23/2024/NĐ-CP nên đề nghị giữ nguyên như Dự thảo. 

Còn nhiều nội dung vẫn còn các ý kiến khác nhau, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút điều chỉnh Dự thảo Nghị định, gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ trong thời gian tới.