Thấy gì từ hiện tượng doanh nghiệp "một mình một ngựa" đăng ký đấu thầu dự án?

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Sáu, 12/04/2024 - 06:08

Tình trạng dự án nghìn tỷ chỉ thu hút một doanh nghiệp đăng ký đã và đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương hiện nay. Thực tế này không chỉ cho thấy các bất cập trong công tác mời gọi đầu tư của địa phương mà còn gây ra nhiều hệ lụy trong việc phát triển dự án, thu ngân sách.

******

Một mình đăng ký dự thầu, loạt doanh nghiệp "rộng cửa" làm chủ đầu tư dự án

Trong những tháng đầu năm 2024, nhiều địa phương trên cả nước đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, liên tục mời gọi, tìm kiếm nhà đầu tư cho các dự án bất động sản, khu đô thị lớn, khu nhà ở, khu dân cư. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, thị trường bất động sản suy giảm, sự sôi động trong mời gọi đầu tư ở các địa phương mang đến kỳ vọng -  nguồn cung trên thị trường sắp tới sẽ có chuyển biến tích cực. Việc phát triển các dự án mới không chỉ giúp thị trường địa ốc sớm hồi phục, địa phương tăng thu ngân sách mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đô thị và đời sống người dân. Tất nhiên, đây chỉ là góc nhìn ở chiều tích cực. 

Một vấn đề đáng chú ý trong công tác mời gọi đầu tư của nhiều địa phương từ Bắc vào Nam trong 3 tháng đầu năm đó là, tại nhiều dự án có quy mô lớn, tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, dù đẩy mạnh mời gọi sự quan tâm của nhà đầu tư nhưng khi công bố kết quả thì chỉ có duy nhất một doanh nghiệp đăng ký đầu tư. 

Cụ thể, mới đây nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng công bố kết quả mở hồ sơ dự thầu  Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị tại xã Đồng Thái và xã An Đồng, huyện An Dương. Theo đó, Dự án chỉ thu hút được duy nhất nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư Thương mại DGL Việt Nam. 

Đây là dự án có tổng mức đầu tư gần 4.900 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ cung cấp ra thị trường 1.537 căn nhà ở thương mại, nhà liên kế và biệt thự (xây dựng phần thô và hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài); 1.698 căn nhà ở xã hội xây dựng dạng chung cư trên khuôn viên 2 khu đất... Ngoài ra, điểm nhấn của dự án còn là khu thương mại dịch vụ 9 tầng, trung tâm văn hóa thể thao, chợ... Chủ đầu tư được phép kêu gọi góp vốn, huy động các nguồn vốn theo tiến độ xây dựng các công trình và tiến độ cơ bản, đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành trong vòng 66 tháng kể từ ngày nhận quyết định giao đất, cho thuê đất. 

Đáng chú ý, Công ty DGL Việt Nam là doanh nghiệp mới thành lập hơn 6 tháng (từ tháng 9/2023), với vốn điều lệ ban đầu chỉ 20 tỷ đồng, sau khi thành lập vài tháng, doanh nghiệp này đã điều chỉnh nâng vốn lên mức 750 tỷ đồng.  

Tháng 3/2024, một doanh nghiệp ngành dầu khí mới "lấn sân" bất động sản là PVMACHINO liên danh với CTCP Kinh doanh và Đầu tư Đông Bắc cũng là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Đông Kinh tại phường Đông Kinh, TP. Lạng Sơn. Dự án đã được UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 8/8/2023, với diện tích hơn 17,6ha, tổng mức đầu tư hơn 1.113 tỷ đồng (sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 996 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 117 tỷ đồng).

Tương tự, tại Bắc Giang, cuối tháng 1/2024, Công ty CP Đầu tư Bất động sản Taseco được biết là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký dự án Khu 2 thuộc Khu đô thị tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng và xã Đồng Sơn, TP. Bắc Giang. Đây cũng là dự án có quy mô lớn (40,9ha) với sơ bộ tổng chi phí thực hiện hơn 3.770 tỷ đồng. Chủ đầu tư sẽ xây thô, hoàn thiện mặt tiền 364 căn nhà ở thấp tầng và xây dựng 1 tòa nhà ở chung cư cao 25 tầng. Quy mô dân số của dự án khoảng 6.140 người. 

Dự án Khu 1, thuộc khu đô thị nói trên cũng chỉ có một nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện là Công ty CP Tập đoàn D-Park, thành lập tháng 5/2020. Theo đăng ký doanh nghiệp cấp thay đổi lần 3 tháng 7/2023, công ty có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Dự án có sơ bộ chi phí thực hiện hơn 1.290 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 134 tỷ đồng.

Tại Thanh Hóa, dự án Khu dân cư Tân Thịnh, tổng chi phí thực hiện dự kiến gần 2.600 tỷ đồng cũng chỉ ghi nhận một nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là Công ty TNHH HTV T PLUS (địa chỉ tại TP. Thanh Hóa, thành lập tháng 5/2022). Được biết, Dự án sẽ hình thành 1.798 lô đất và căn nhà ở xây thô, căn hộ chung cư, tái định cư với quy mô dân số khoảng 6.000 người. Sau khi đầu tư hoàn thành, nhà đầu tư được quyền khai thác, kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua), quản lý, vận hành.

Tại Khánh Hòa, sau hơn 3 tháng thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị hành chính huyện Diên Khánh, diện tích 89,1ha với tổng vốn đầu tư khoảng 1.766 tỷ đồng, đến tháng 3 năm 2024, chưa có thêm nhà đầu tư nào được công bố quan tâm đến dự án ngoài Công ty cổ phần đầu tư VCN. 

Ngoài ra, Liên danh CTCP Đầu tư Đất Miền Tây - CTCP Foodinco Quy Nhơn trong đầu năm 2024 cũng đã "rộng cửa" đầu tư dự án khu đô thị 2.000 tỷ đồng tại Hậu Giang khi là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án này. 

Thấy gì từ hiện tượng doanh nghiệp

Một mình đăng ký, loạt doanh nghiệp "rộng cửa" làm chủ đầu tư dự án. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Có thể thấy, tình trạng dự án có mức đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng chỉ thu hút một doanh nghiệp dự thầu không còn là những trường hợp cá biệt trên thị trường mà đang trở nên phổ biến. Từ Bắc vào Nam, hầu như địa phương nào cũng có một vài "dự án độc lạ" chỉ có duy nhất một doanh nghiệp đăng ký triển khai. Và khi chỉ có một doanh nghiệp đăng ký, đa số những doanh nghiệp này sẽ trúng thầu. Thậm chí có những trường hợp, doanh nghiệp chỉ mới thành lập chưa đầy 1 năm tuổi cũng dễ dàng trúng thầu dự án cả nghìn tỷ đồng do không có bất cứ đơn vị nào cạnh tranh. Thực tế này đang cho thấy nhiều bất cập trong việc mời gọi đầu tư dự án của các địa phương.

Dự án kém hấp dẫn hay vở kịch "quân xanh, quân đỏ"?

Chia sẻ với Reatimes, chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Thanh Điền nhìn nhận, dự án chỉ có độc nhất một doanh nghiệp đăng ký dự thầu là thực trạng đã tồn tại từ rất lâu. Điều này có thể xuất phát từ 2 vấn đề: Một là năng lực thu hút đầu tư của địa phương kém, dự án không đủ hấp dẫn, địa phương cũng không cho thấy những ưu đãi của mình đối với các doanh nghiệp phát triển dự án nên doanh nghiệp không mặn mà tham gia đầu tư; Hai là không loại trừ các địa phương đang thực hiện đấu thầu mang tính hình thức, còn bản chất đã ấn định nhà đầu tư nên mới xảy ra hiện trạng chỉ có một nhà đầu tư đăng ký. Trong đó, nguyên nhân thứ hai dường như là nguyên nhân phổ biến hơn.

Chuyên gia đánh giá, trên thực tế có tình trạng địa phương mở hồ sơ đăng ký đấu thầu dự án nhưng không công bố thông tin rõ ràng, rộng rãi, thay vào đó lại cố tình làm mập mờ thông tin để không nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư kịp thời tiếp cận. Từ đó, các địa phương dễ dàng phân chia dự án cho những doanh nghiệp "sân sau". Thực tế này đang làm sai bản chất của việc đấu thầu, có thể dẫn đến sự thỏa thuận, móc nối giữa địa phương và doanh nghiệp.

"Việc tổ chức đấu thầu mang tính hình thức đang phổ biến, còn thực tế phía sau đã có sự phân chia rõ ràng, có hiện tượng "quân xanh, quân đỏ". Do đó, đây không chỉ là câu chuyện năng lực của các địa phương trong việc mời gọi nhà đầu tư mà còn tiềm ẩn sự không minh bạch trong tổ chức đấu thầu dự án", TS. Huỳnh Thanh Điền nói.

Thấy gì từ hiện tượng doanh nghiệp "một mình một ngựa" đăng ký đấu thầu dự án?- Ảnh 4.TS. Huỳnh Thanh Điền
"Việc tổ chức đấu thầu mang tính hình thức đang phổ biến, còn thực tế phía sau đã có sự phân chia rõ ràng, có hiện tượng "quân xanh, quân đỏ". Do đó, đây không chỉ là câu chuyện năng lực của các địa phương trong việc mời gọi nhà đầu tư mà còn tiềm ẩn sự không minh bạch trong tổ chức đấu thầu dự án".

Luật sư Lê Cao - Luật sư điều hành Công ty Luật FDVN cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực tế chỉ có một doanh nghiệp dự thầu dự án có thể đến từ ba trường hợp.

Một là, dự án không hấp dẫn doanh nghiệp, nhiều dự án nếu làm sẽ thua lỗ, bể nợ nên doanh nghiệp không màng tham gia. Tuy nhiên khả năng này là ít, bởi nếu các doanh nghiệp khác biết được không có lãi, thì một doanh nghiệp còn lại cũng không dại gì "đâm đầu vào".

Hai là, việc mời thầu có vấn đề dẫn đến ít doanh nghiệp biết được để tham dự thầu. Có thể do năng lực thông tin nên không nhiều doanh nghiệp tiếp cận được, nhưng cũng có trường hợp thông tin được "ém đi" nên không nhiều doanh nghiệp biết được có dự án được diễn ra, chỉ doanh nghiệp "sân sau", lợi ích nhóm mới nắm được thông tin.

Ba là, không ít trường hợp cố tình làm hồ sơ mời thầu cho chỉ một, hoặc một nhóm doanh nghiệp có điều kiện đặc thù mà địa phương biết trước, dẫn đến chỉ có một hoặc một nhóm doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện mời thầu để tham gia. Hoặc cũng có thể là thông thầu, tạo "quân xanh, quân đỏ", mua hồ sơ nhiều nhưng bỏ không đăng ký, không tham gia tiếp để doanh nghiệp thân quen một mình tham gia.

"Trong khi rất nhiều doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn để tiếp cận được các dự án, thì vẫn có những trường hợp một dự án chỉ có một doanh nghiệp đăng ký và trúng thầu. Chuyện tưởng rất bất thường nhưng lại đang diễn ra phổ biến đến kỳ lạ. Điều này chứng tỏ hoạt động tổ chức đấu thầu tại nhiều địa phương đang có vấn đề", Luật sư Lê Cao nhìn nhận và cho rằng, hiện tượng doanh nghiệp "một mình một ngựa" dự thầu, trúng thầu, đặc biệt là những doanh nghiệp mới, năng lực thực hiện án hạn chế, có thể liên quan đến câu chuyện lợi ích nhóm. Thực tế này rất khó kiểm soát, bởi nhìn vào hồ sơ quy định thì thường được sắp xếp đẹp, nhưng phía sau đó là những vấn đề mờ ám khó phát hiện.

Trong khi rất nhiều doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn để tiếp cận được các dự án, thì vẫn có những trường hợp một dự án chỉ có một doanh nghiệp đăng ký và trúng thầu. Chuyện tưởng rất bất thường nhưng lại đang diễn ra phổ biến đến kỳ lạ.
Thấy gì từ hiện tượng doanh nghiệp "một mình một ngựa" đăng ký đấu thầu dự án?- Ảnh 6.Luật sư Lê Cao

Hệ lụy khó lường

Theo Luật sư Lê Cao, bản chất của đấu thầu là nhằm bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch giữa các nhà đầu tư và đem lại hiệu quả kinh tế tối đa cho địa phương, ngân sách nhà nước. Thế nhưng, nếu các dự án được đấu thầu chỉ có một doanh nghiệp tham gia thì khó lòng sàng lọc, tìm kiếm được hiệu quả kinh tế, cũng không cho thấy được biểu hiện của việc bảo đảm cạnh tranh, minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp "một mình một ngựa" tham gia dự thầu, trúng thầu là hệ quả của lợi ích nhóm, "dọn đường" cho một nhà đầu tư trúng thầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trật tự quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu dự án. Điều đó cũng dẫn đến tình trạng lũng đoạn, phá vỡ kế hoạch đầu tư, làm cho các dự án có nguy cơ bị thao túng bởi các nhóm lợi ích phi pháp, gây thất thoát tài sản, lãng phí nguồn lực của đất nước. Hơn hết, chính những hiện tượng mờ ám trong đấu thầu sẽ khiến uy tín của cơ quan nhà nước bị giảm sút trong lòng nhân dân.

Tất nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh, nếu chỉ nhìn vào một hiện tượng để đánh giá bao phủ lên tất cả các cuộc đấu thầu, đều cho rằng cứ một mình doanh nghiệp dự thầu rồi thắng thầu là tiêu cực là không đúng, nhưng nếu hiện tượng này xảy ra nhiều nơi, xảy ra với những doanh nghiệp thiếu năng lực và kinh nghiệm thì đó là biểu hiện rất đáng lo ngại và được quan tâm xử lý.

"Những dích dắc trong "sân sau" của các cuộc đấu thầu lâu nay vẫn có, nhiều sai phạm đã được chỉ ra, nhưng hệ lụy thì vẫn còn đó. Luật Đấu thầu 2023 đã có thêm nhiều giải pháp để ngăn ngừa thông thầu, ngăn ngừa các hành vi sai phạm liên quan đến đấu thầu, nhưng thực thi trên thực tế cần sự quyết tâm hành động của các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương mới có thể tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh", Luật sư Cao nhìn nhận.

Nói thêm về hệ lụy những dự án bất động sản chỉ có một doanh nghiệp tham gia đấu thầu, TS. Huỳnh Thanh Điền cho rằng, đây sẽ là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ, bỏ hoang, bởi năng lực của doanh nghiệp trúng thầu sẽ không có sự lựa chọn.

Nhất là với những doanh nghiệp mới thành lập, có thời gian hoạt động tới thời điểm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án chỉ tính theo tháng, không có liên doanh, liên kết với những doanh nghiệp khác thì dù trúng thầu, doanh nghiệp đó cũng khó có thể phát triển được dự án, đặc biệt là các dự án lớn, đòi hỏi chất lượng cao. Khi đó, sẽ có hiện tượng doanh nghiệp bán qua bán lại dự án cho những đơn vị khác, nếu thành công dự án cũng sẽ mất thêm nhiều năm làm thủ tục chuyển nhượng, nếu không thành công khả năng cao dự án sẽ bị "đắp chiếu", không đảm bảo tiến độ đề ra.

Mặt khác, pháp luật hiện hành cho phép doanh nghiệp sử dụng đối tác cùng tham gia dự án bằng thỏa thuận hợp tác, nhưng việc ràng buộc trách nhiệm thực hiện dự án, nhất là với nhà đầu tư là doanh nghiệp trẻ như thế nào là vấn đề cần quan tâm.

Mới đây, khi chia sẻ về vấn đề Quảng Ngãi hiện có 39 dự án khu đô thị, khu dân cư giao đất sau ngày 1/7/2014, dựa theo quyết định chủ trương đầu tư mà không thông qua đấu thầu, đấu giá, ông Nguyễn Đức Trung - Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi cho biết, nguyên nhân là do các quy định của pháp luật liên quan chưa thống nhất, chưa đủ rõ nên việc hiểu và áp dụng pháp luật gặp vướng mắc.

Hiện nay, khi tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cũng chỉ có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ tham gia nên được chỉ định. Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi cũng cho rằng, những bất cấp dẫn đến không đấu thầu, đấu giá khi vận dụng luật không chỉ của Quảng Ngãi mà rất nhiều tỉnh gặp phải.

Tuy nhiên trả lời với Reatimes, Luật sư Lê Cao cho biết, theo Luật Đấu thầu thì việc đấu thầu rộng rãi nhưng sau đó chỉ có một doanh nghiệp tham gia không giống với trường hợp chỉ định thầu. Chỉ định thầu là hình thức khác của hoạt động đấu thầu.

Cụ thể, theo Điều 23 Luật Đấu thầu 2023 thì chỉ có một số trường hợp mới được chỉ định thầu, chẳng hạn gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; gói thầu cần thực hiện đcể khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, sự cố, thảm họa hoặc sự kiện bất khả kháng khác; gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm, mua bản quyền sở hữu trí tuệ, mua bản quyền chương trình phát sóng; gói thầu vận chuyển hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, viện trợ trong trường hợp phải giao hàng ngay.

Như vậy, việc tổ chức đấu thầu dự án mà chỉ một doanh nghiệp duy nhất tham gia đăng ký và trúng thầu nhưng gói thầu đó không thuộc trường hợp được áp dụng chỉ định thầu, không đáp ứng các điều kiện nhất định đối với các gói thầu được áp dụng chỉ định thầu thì không được xem là hình thức chỉ định thầu.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Đấu thầu năm 2023 và khoản 2 Điều Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, trong đó quy định về nguyên tắc ưu đãi như sau: "Tất cả các nhà thầu tham dự thầu đều được hưởng ưu đãi như nhau hoặc tất cả các nhà thầu đều không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi thì không cần tính ưu đãi để so sánh, xếp hạng".

Như vậy, có thể thấy, việc xét đến các chính sách ưu đãi, đặc quyền cho các nhà thầu không dựa trên các hình thức lựa chọn nhà thầu mà dựa vào các đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu. Do vậy, dù là nhà thầu được lựa chọn thông qua hình thức chỉ định thầu hay thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh thì đều được hưởng các chính ưu đãi và đặc quyền giống nhau mà không có sự phân biệt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top