Quốc hội quyết liệt tháo gỡ tình trạng xung đột, chồng chéo luật

Quốc hội quyết liệt tháo gỡ tình trạng xung đột, chồng chéo luật

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 31/03/2023 - 06:19

Một “rừng luật” với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột khiến doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, nền kinh tế bị ảnh hưởng. Vì vậy tháo nút thắt luật góp phần khơi thông nguồn lực phát triển, thúc đẩy các hoạt động đầu tư kinh doanh.

*****

LTS: Thực trạng xung đột, chồng chéo giữa các luật gây ra nhiều hệ lụy, làm mất thời gian, thậm chí lỡ cơ hội đầu tư và gia tăng rủi ro với doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Đồng thời sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật cũng khiến cơ quan thực thi chính sách lúng túng, bị động và sợ trách nhiệm, dẫn tới sự cản trở các hoạt động quản lý, ảnh hưởng tới sư phát triển kinh tế - xã hội.

Trên tinh thần góp ý, đi tìm các giải pháp tháo gỡ những tồn tại ấy, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nghiệp có thể gặp rủi ro vì khoảng mờ trong luật”.

Bài 4: Quốc hội quyết liệt tháo gỡ tình trạng xung đột, chồng chéo luật

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Reatimes đã ghi nhận phản ánh của nhiều doanh nghiệp cho thấy, thời gian qua, có nhiều dự án bất động sản phải “nằm im” trong nhiều năm. Có những dự án của chủ đầu tư chịu thiệt về hại về các mặt chi phí, thương hiệu, thời gian… thậm chí gặp rủi ro thua lỗ, phá sản vì bị chôn vốn không thể triển khai dự án.

Mặt khác, cũng đã có hiện tượng "đùn đẩy trách nhiệm" với một số cán bộ, cơ quan thực thi ở địa phương. Nguyên nhân chính là sự xung đột, chồng chéo giữa các luật, quy định giữa luật không giống nhau hoặc không rõ ràng, dẫn tới người thực thi tại các địa phương ngần ngại, mà có Đại biểu Quốc hội từng nêu tâm sự của một cán bộ rằng "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".

Nhận diện thực trạng và giải pháp hài hoà cho câu chuyện chồng chéo luật, Reatimes tiếp tục ghi nhận ý kiến của đại biểu quốc hội.

Cơ quan Nhà nước cần chủ động phát hiện lỗ hổng của luật

GS. TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội cho hay, hiện có hàng chục đạo luật, hàng chục nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành… đang chồng chéo mâu thuẫn, cần rà soát để hình thành hệ thống các văn bản điều chỉnh hoạt động của thị trường bất động sản. Các quy định của pháp luật có sự chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không rõ ràng cụ thể, làm cho các cơ quan quản lý e ngại, sợ vi phạm, không dám quyết định.

Đơn cử như triển khai dự bán bất động sản thường liên quan đến 15 - 20 văn bản pháp luật và mỗi ngành lại ban hành các văn bản khác nhau. Và khi luật chưa chi tiết, cụ thể sẽ có sự chồng chéo. Riêng Luật Đất đai và văn bản liên quan, đã thấy có 5 - 6 văn bản hướng dẫn luật có sự chồng chéo, mẫu thuẫn. Với Luật Đấu thầu, việc lựa nhà thầu chủ yếu qua đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất, nhưng đang có mâu thuẫn với Luật Đất đai ở chỗ quy định loại đất.

“Đối với Luật Đất đai, với dự án có sử dụng đất khi tổ chức đấu thầu rồi thì có cần đấu giá hay không, thì đây là vấn đề vẫn đề chưa thống nhất giữa 2 luật”, ông Cường dẫn chứng.

Cũng chính các lỗ hổng liên quan đến đấu giá đất của hai luật này khiến cho thị trường bất ổn, nhiều cá nhân lợi dụng trục lợi, thậm chí nguồn lực đất đai chưa được phát huy hiệu quả, làm cản trở nhà đầu tư vì không tiếp cận được đất đai để phát triển dự án. Câu chuyện đấu giá đất Thủ Thiêm là một ví dụ. Rõ ràng phát hiện lỗ hổng, điểm mờ của Luật nhưng cơ quan Nhà nước cũng không kịp thời xử lý ngăn chặn ngay cho đến khi xảy ra các vụ việc sai phạm, dư luận lên tiếng thì mới quay trở lại để khắc phục sửa đổi lỗ hổng.

“Tôi cho rằng, bản thân cơ quan quản lý phải chủ động phát hiện lỗ hổng trong các luật, chủ động ngăn chặn chứ không phải là đuổi theo các hệ luỵ”, GS. Cường nhấn mạnh.

Về phạm vi quyền chuyển nhượng dự án bất động sản, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng hiện nay cũng không thống nhất trong các quy định về phạm vi quyền chuyển nhượng dự án bất động sản nhà, đất… Bởi theo Điều 25 của Luật Nhà ở năm 2014, Điều 45 của Luật Đầu tư năm 2020, Điều 51 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định quyền chuyển nhượng dự án được thực hiện đối với tất cả các loại dự án. Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 lại quy định phạm vi chuyển nhượng dự án theo từng loại dự án đầu tư cụ thể. Theo đó, Luật Đất đai năm 2013 chỉ cho phép chuyển nhượng các dự án gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở và các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê. Đối với các dự án khác thì Luật Đất đai năm 2013 chưa quy định cụ thể.

Hướng tới Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi),… trong thời gian tới, GS. Hoàng Văn Cường cho rằng các bộ luật nên sửa thế nào để tăng tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục lỗ hổng, giảm rủi ro pháp lý cho các dự án bất động sản, xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, cũng phải xác định ưu tiên sửa những nội dung gì, nên làm thế nào để ổn định? Bởi liên quan tới thị trường bất động sản, chúng ta có hàng loạt luật: Luật Đất đai; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá; Luật Quy hoạch; Luật Xây dựng và các luật liên quan; Luật Nhà ở (khoảng 230 điều); Luật Kinh doanh bất động sản (khoảng 100 điều); Pháp luật thuế và các loại phí; Luật Thanh tra,…

Riêng với dự thảo sửa Luật Đất đai 2013 đang lấy ý kiến rộng rãi nhân dân thì trong quá trình sửa cần tiến hành song song với việc rà soát các điểm chồng chéo ở những văn bản luật khác như: Bộ Luật Dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…

Theo đó, cần tổng kết lại các văn bản quy phạm pháp luật sao cho đồng nhất về cách hiểu cũng như quá trình áp dụng chính sách đất đai của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tránh việc làm luật theo kiểu “vừa đánh trống vừa thổi còi” chỉ tạo thuận lợi cho quá trình quản lý, còn doanh nghiệp và người dân đều gặp khó khăn.

Từ những phân tích trên, GS.TS. Hoàng Văn Cường, đóng góp 2 giải pháp: Thứ nhất, từ trước đến nay, nhiều quy định của luật pháp đang can thiệp quá sâu vào các đơn vị kinh doanh, phân phối trên thị trường nên các luật hiện nay cần phải sử dụng nhiều hơn công cụ thị trường, giảm công cụ hành chính. 

Thứ hai, có những vướng mắc từ các quy định trong các nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, song cũng có những vướng mắc do các qui định trong các luật khác nhau, thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Nếu rà soát để chỉnh sửa hết các Nghị định hoặc chờ sửa xong các luật có liên quan thì sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí mất vài năm thì sẽ quá muộn đối với diễn biến của thị trường. Do vậy, để giải quyết kịp thời các vướng mắc pháp lý, cần có hành động kịp thời đồng bộ, kịp thời cả từ phía Chính phủ và cả từ Quốc hội.

Về phía Chính phủ, cần thành lập một Ban giải quyết xử lý các vướng mắc pháp lý từ Trung ương đến từng địa phương, đứng đầu cấp Trung ương là Thủ tướng Chính phủ. Đứng đầu địa phương là Chủ tịch UBND các địa phương, với sự tham gia của đại diện các cơ quan, ban, ngành để đưa ra quyết định xử lý các vấn đề vướng mắc pháp lý.

Quốc hội cần thông qua nghị quyết để xử lý ngay những vướng mắc, mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật.

Cơ quan Nhà nước lúng túng, sao đòi hỏi người dân và doanh nghiệp hiểu và tuân thủ luật?

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ với Reatimes, thống pháp luật nước ta còn cồng kềnh, phức tạp, với quá nhiều hình thức văn bản quy phạm pháp luật do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành. Bên cạnh đó, pháp luật lại chưa được thường xuyên rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất cho nên khó tiếp cận, gây khó khăn cho việc tuân thủ, thi hành. Mặc dù cải cách các thủ tục hành chính nhằm để pháp luật đồng bộ, giảm tính trùng lặp, chồng chéo, xung đột đã phần nào đạt được hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng “mạnh ai nấy làm”, ai có nhu cầu, cơ quan nào có đề xuất, lĩnh vực nào “gay cấn” thì đặt ra yêu cầu làm luật mà chưa có giải pháp tổng thể. Khi các pháp luật của chúng ta chưa hoàn thiện, không ít quy định chưa thật sự rõ ràng. Điều này dẫn đến nhiều người không dám làm vì không biết làm rồi có sai hay không, có phải chịu hậu quả hay không. Trong khi đó, người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự chồng chéo, rườm rà, gây tốn kém cho cả xã hội.

Đơn cử như các quy định pháp luật về đất đai hiện còn tồn tại nhiều bất cập, chồng chéo; từ đó tạo điều kiện lợi dụng làm thất thoát đất đai, phát sinh tình trạng tham nhũng và xảy ra nhiều khiếu kiện. Trong đó, Luật Đất đai 2013 và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có liên quan đang tồn tại nhiều quy định “vênh” nhau. Ngay trong các văn bản pháp luật về đất đai cũng tồn tại những quy định chưa thống nhất.

Từ kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV, chúng tôi đã thảo luận quyết liệt rất nhiều vấn đề liên quan đến người dân, doanh nghiệp, hiệp hội, trong đó có Luật Đất đai, liên quan đến doanh nghiệp, đấu thầu.

“Khi phát biểu tại Quốc hội, tôi cũng đã nói rất thẳng thắn rằng: Vì sao cải cách luật pháp được đặt ra nhưng vẫn còn tình trạng lộn xộn trong đề xuất chính sách, chậm trễ trong ban hành văn bản triển khai hướng dẫn thi hành luật? Thậm chí có những  chính sách đề xuất một cách vội vã gây tranh cãi trong dư luận?

Ngay trong bối cảnh khó khăn của thị trường tài chính và thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để tháo gỡ vấn đề này, nhưng nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đều chưa thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt cấn đề chồng chéo luật, rào cản thủ tục hành chính vẫn khiến họ khó tiếp cận với những chính sách, gói vay hỗ trợ.

Điều đó đòi hỏi phải tạo lập một hệ thống pháp luật dễ đi vào đời sống, gọn nhẹ, hữu hiệu, trở thành “vật chủ bất ly thân” của các chủ thể xã hội. Hiện nay, với “tầng tầng, lớp lớp” các văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn nhau, nhiều cán bộ, công chức Nhà nước còn khó nhận thức đầy đủ và thực hiện, thì khó có thể đòi hỏi người dân, doanh nghiệp hiểu và tuân thủ”, ông Nhưỡng nhận định.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, phải tìm giải pháp để hài hoà các luật chuyên ngành như luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản với các luật lớn hơn như luật Đất đai, luật Đầu tư, luật Dân sự… là điều không dễ. Đây là điều hệ trọng nhưng chưa đề cập đến. Việc thống nhất các điều luật trong hàng chục luật khác nhau là điều không dễ nên cần xem xét, góp ý trên lập trường nào để làm sao hài hoà được với lập trường khác, tạo sự hài hoà, khả thi nhất có thể.

Tất cả luật đó phải đồng bộ, phải có thiết kế chung thì mới đảm bảo được phát triển của thị trường bất động sản, còn nếu không thì luật nọ lại đá luật kia, và ngay cả trong một luật cũng chồng chéo, rườm rà gây rối cho người quản lý và thực thi.

TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trước hết, cần sớm hoàn hiện luật pháp, chính sách về đất đai, nhất là hoàn thiện Luật Đất đai và các luật khác có liên quan mâu thuẫn, chồng chéo; các nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh, tạo kẽ hở cho các đối tượng trục lợi, kể cả trong việc tuỳ tiện thu hồi dự án đầu tư, mua bán, sử dụng đất đai trái phép, tuỳ tiện, xâm hại lợi ích của Nhà nước, công dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước về đất đai; tăng cường thông tin về thị trường đất đai, bất động sản một cách công khai, minh bạch; trừng trị thích đáng hành vi tham nhũng đất đai, nhất là những vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội.

Đầu tư hơn nữa cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, các cơ quan chính quyền cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao trình độ làm luật để luật pháp có chất lượng, đi vào cuộc sống.

Đối với Chính phủ và các Bộ, ngành, cần nâng cao chất lượng xây dựng các đề án luật, lắng nghe ý kiến phản biện của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài và các tầng lớp nhân dân, để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy phạm pháp luật không còn phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, logic, đồng bộ của hệ thống pháp luật…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top