Aa

Triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ nền kinh tế

Thứ Hai, 22/05/2023 - 15:49

Dù nền kinh tế thế giới đang diễn biến khó lường nhưng Việt Nam vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cần thiết phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế.

Sáng 22/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2023.

Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh màu xám của kinh tế thế giới

Trình bày đánh giá bổ sung kết quả năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong bối cảnh khó khăn, chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cụ thể, năm 2022, GDP tăng 8,02%; GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD; CPI bình quân tăng 3,15%; thu ngân sách Nhà nước  đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, an sinh xã hội, cải cách tiền lương…

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD; xuất siêu đạt trên 12,4 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng; vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%. Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục giảm và trong giới hạn an toàn.

Giá trị thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019 - 2022, đạt 431 tỷ USD năm 2022, xếp thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Việt Nam là một điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới.

quốc hội
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 5. (Ảnh: VGP)

Báo cáo cũng ghi nhận, những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Tuy không cao nhưng GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng, đạt 3,32% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84%.

Thu ngân sách 4 tháng ước đạt 632,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự toán năm. Xuất siêu đạt 7,56 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công tăng 15.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Báo cáo đánh giá, chúng ta đã quan tâm phát triển nhà ở xã hội, ban hành Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp và đang tích cực triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ đã tổ chức 4 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật trong 4 tháng đầu năm 2023; tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) một cách toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; kiện toàn bộ máy tinh gọn, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của đất nước, nhân dân.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ngừng trệ, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng.

Trong khi doanh nghiệp cần động lực tài chính thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2023 mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ (18,48%). Vốn FDI đăng ký mới giảm 17,9%, vốn thực hiện giảm 1,2%.

Đặc biệt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Việc triển khai một số chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm.

Bên cạnh đó, công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách ở một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp cũng như mang tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm. 

Nhanh chóng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả

Trước những khó khăn của nền kinh tế, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản - xây dựng, Báo cáo chỉ rõ:

Cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Tập trung cho các động lực tăng trưởng về tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; tận dụng tốt các cơ hội và tạo không gian phát triển mới. Quyết liệt triển khai hiệu quả gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng.

bất động sản, thị trường bất động sản
Báo cáo chỉ rõ cần tích cực tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản. (Ảnh: Tùng Dương)

Đối với chính sách tiền tệ, cần thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp; tập trung chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Đối với chính sách tài khóa, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Quốc hội về phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu và việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí một cách phù hợp, hiệu quả. Đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng để góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. 

Về hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, cần bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án Luật, Nghị quyết trình Quốc hội; rà soát, tháo gỡ các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật. Tập trung tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Đồng thời, tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ.

Đặc biệt, trước khó khăn của thị trường bất động sản - xây dựng, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Quốc hội việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh triển khai dự án. Chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn.

Hai là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%; đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, phòng, chống biến đổi khí hậu.

Ba là, tích cực tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản, nhà ở xã hội; rà soát, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản, hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp.

Quan trọng là cần nắm chắc tình hình, tăng cường phân tích, dự báo, kịp thời đưa ra chính sách phù hợp, hiệu quả, không để doanh nghiệp và nền kinh tế bị động, bất ngờ về chiến lược.  /.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top