Aa

0 đồng và nỗi đau nghệ sỹ!

Thứ Sáu, 22/09/2017 - 20:00

Những ngày qua, câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) đã thu hút sự chú ý của dư luận. Người ta chú ý không phải bởi hình ảnh lớp lớp nghệ sỹ từ già đến trẻ đua nhau lên tiếng về tình trạng “bê bết” của hãng phim hiện nay mà còn bởi cảm thấy bị xúc phạm trước việc định giá thương hiệu từng gắn bó hơn 60 năm với lịch sử nước nhà chỉ đáng... 0 đồng.

Việc cổ phần hóa VFS gặp trục trặc đã diễn ra cách đây hơn một năm. Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 9 này, câu chuyện cổ phần hóa “niềm tự hào của nền điện ảnh nước nhà” thật sự gây nóng dư luận.

Trong những ngày qua, hình ảnh các nghệ sỹ một thời gây dựng và hun đúc tình yêu điện ảnh cho hàng vạn người dân Việt Nam qua các bộ phim như: Biệt động Sài Gòn, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Mối tình đầu, Làng Vũ Đại ngày ấy, Con chim vành khuyên, Em bé Hà Nội…, ngày nào giờ đây phải tất tả “cầu cứu” khắp nơi, nhằm giữ lại hãng phim mình gắn bó bao nhiêu năm đã gây bức xúc cho nhiều người.

Giống như nhiều đơn vị nhà nước được bao cấp khác, sau nhiều năm được nuôi dưỡng bằng “bầu sữa mẹ”, hoạt động của VFS ngày càng thua lỗ cho nên buộc phải cổ phần để tìm hướng đi mới.

Việc cổ phần hóa doanh nghiệp này được tập thể văn nghệ sỹ đón nhận như “luồng gió mới” với nhiều kỳ vọng về sự “đổi đời” cho một hãng phim già nua. Tuy nhiên, những gì diễn ra sau cổ phần hóa làm các văn nghệ sỹ và những người gắn bó với VFS đau lòng, bức xúc.

Trước khi được chuyển thành công ty cổ phần, toàn bộ tài sản của VFS được định giá gần 20 tỷ đồng, trong tổng giá trị được định giá ấy, giá trị thương hiệu và hàng nghìn mét vuông đất ở vị trí đắc địa mà đơn vị này đang quản lý, đều được định giá bằng 0 đồng. 

Hãng phim Truyện Việt Nam. Ảnh: Xuân Tùng

Hãng phim Truyện Việt Nam. Ảnh: Xuân Tùng

Việc một thương hiệu điện ảnh đã trường tồn 60 năm qua bị gán cho 0 đồng đã gây sững sờ tập thể văn nghệ sỹ và nhiều người. Họ cảm thấy bị tổn thương, đau đớn và xúc phạm ghê gớm.

Không có gì đau đớn hơn, sự nghiệp mình gắn bó một thời và là niềm tự hào của biết bao thế hệ văn nghệ sỹ nay được mang ra định giá để nhận lấy con số 0 tròn trĩnh.

Suốt những ngày sau đó, cảm thấy bị xúc phạm trước đánh giá của Ban cổ phần hóa, nhiều thế hệ nghệ sỹ đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho hãng phim. Tại cuộc họp báo vừa qua, không ít nghệ sỹ đứng lên phát biểu ý kiến đã nghẹn khóc khi đề cập đến việc thương hiệu của hãng chỉ đáng giá 0 đồng.

Họ khóc vì một nơi được cho là vun đắp tình yêu điện ảnh, nơi trải qua thăng trầm của lịch sử, nơi cổ vũ tinh thần bao nhiêu thế hệ người Việt Nam, khi bước vào thương trường không được đáng giá một xu. Họ nghẹn khóc vì đó là cuộc đời, là máu thịt, là tình yêu và là niềm tự hào của họ bấy lâu nay, hóa ra không đáng một đồng.

Rõ ràng, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là chủ trương đúng nhưng không phải cứ có chủ trương là phải triển khai bằng được. Cái quan trọng của cổ phần hóa là sau đó doanh nghiệp sẽ phát triển đi lên, đời sống của cán bộ công nhân viên được cải thiện và xã hội sẽ có một sản phẩm văn hóa mới xứng tầm. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra sau cổ phần hóa khiến nhiều nghệ sỹ cho rằng hãng phim đứng trên bờ vực xóa sổ.

Một điều đáng mừng là sau hơn 10 ngày các nghệ sỹ lên tiếng, ngày 21/9, tại cuộc họp với các đơn vị liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sẽ báo cáo Thủ tướng về việc thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa VFS. Ông cũng yêu cầu các Bộ phải bắt tay vào xác định lại giá trị thương hiệu, không thể để tình trạng nhân dân, văn nghệ sĩ đặt vấn đề là những gì nhà nước bán thì xác định giá trị thấp, trong khi những gì nhà nước mua thì giá rất cao. 

Đây rõ ràng là tin mừng đối với tập thể văn nghệ sỹ nhiều thế hệ VFS và những khán giả yêu điện ảnh Việt. Tuy nhiên, trong việc định giá thương hiệu này cũng có cái khó của nó. Hiện nay theo quy định của pháp luật, việc xác định giá trị lịch sử, giá trị thương hiệu của hãng phải tiến hành theo Nghị định 59, gồm: chi phí quảng cáo, đào tạo... khi doanh nghiệp không lỗ trong 5 năm và nếu như vậy, các công ty tư vấn đã chỉ ra rằng, hãng chỉ đáng giá 0 đồng.

Có ý kiến cho rằng để xác định thương hiệu của VFS không khó vì chỉ cần đưa các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng một thời đem giá đấu giá chắc chắn sẽ thu về một số tiền không nhỏ.

Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng gắn liền với VFS có được là do Nhà nước đặt hàng nên phải thuộc về đơn vị đặt hàng. Đó là cái khó trong định giá thương hiệu, giá trị lịch sử của VFS hiện nay.

Nói về giá trị lịch sử, thương hiệu của VFS từng gắn bó 60 năm với hàng trăm tác phẩm điện ảnh nổi tiếng một thời ai cũng thấy nó đáng trân trọng và quý giá vô cùng. Nhưng để định giá là sự quý giá và đáng trân trọng ấy đáng bao nhiêu tiền thì chúng ta lại đang thiếu quy định để định lượng. Đây cũng là một điểm khuyết của quá trình cổ phần hóa hiện nay, bên cạnh nguy cơ về việc thất thoát đất đai, tài sản nhà nước đã được cảnh báo.

Vậy phải làm sao với thương hiệu của VFS 60 năm qua? Câu hỏi này không dễ trả lời. Tuy nhiên, rõ ràng sự đánh giá một hãng phim, một nhà hát, một công trình văn hóa sẽ khác hoàn toàn với việc định lượng một cơ sở sản xuất, một xưởng thủ công.... Sự đánh giá đó, không phải chỉ dựa trên định tính, định lượng mà còn phải dựa trên sự hiểu biết và cần lắm một một chữ .... yêu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top