Chân dung 10 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam
Danh sách 10 tỷ phú giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam khi kết thúc quý I/2023 không thay đổi so với cuối 2022, tuy nhiên thứ hạng đã có sự xáo trộn đáng kể.
******
Năm 2023 là năm đối diện với nhiều thách thức, bức tranh kinh tế thế giới có nhiều gam màu xám. GDP quý I/2023 của Việt Nam tăng trưởng 3,32%, thấp hơn so với kỳ vọng do lĩnh vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%. Một điểm đáng lưu ý, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực có tỷ trọng đóng góp lớn trong GDP đang có những dấu hiệu suy giảm 2 quý liên tiếp, khi tăng trưởng -0,37% trong quý I/2023, 3,67% trong quý IV/2022, đều thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng bình quân hai con số trong những quý trước.
Trong những tháng tới, kinh tế Việt Nam đối mặt với nguy cơ tăng trưởng giảm tốc trong khi lạm phát cao vẫn tiềm ẩn khả năng quay trở lại.
Tình hình kinh tế ảm đạm, thị trường chứng khoán chưa thể thoát khỏi khó khăn. Chỉ số VN-Index còn rất xa đỉnh lịch sử 1.500 điểm của 2022. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi phần lớn đại gia trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán chứng kiến tài sản sụt giảm từ vài nghìn tỷ đến vài chục nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản của Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán "bốc hơi" 24.502 tỷ đồng (từ 290.468 tỷ đồng xuống còn 265.966 tỷ đồng).
7/10 đại gia bị giảm tài sản có ông Đỗ Anh Tuấn, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang, ông Hồ Xuân Năng... 3/10 người sở hữu tài sản tăng lên là ông Trần Đình Long và vợ là bà Vũ Thị Hiền, ông Bùi Thành Nhơn.
Danh sách Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam sau quý I/2023 so với cuối năm 2022 không thay đổi, tuy nhiên thứ hạng đã có sự xáo trộn. Cụ thể, top 6 có sự xáo trộn, 4 vị trí cuối không thay đổi.
Ông Phạm Nhật Vượng (109.450 tỷ đồng)
Dù tài sản bị thổi bay 5.228 tỷ đồng do thị giá VIC suy giảm, nhưng với khối tài sản khổng lồ 109.450 tỷ đồng, vượt xa các đại gia khác nên Chủ tịch Tập đoàn Vingroup vẫn vững chắc ở vị trí số 1.
Năm 2023, Vingroup xác định 3 trụ cột Công nghệ - Công nghiệp, Thương mại Dịch vụ, Thiện nguyện Xã hội sẽ tạo thế "kiềng ba chân" cho tập đoàn.
VinFast định hướng phát triển mạng lưới bán hàng cả trong và ngoài nước, đẩy nhanh tốc độ bán hàng và bàn giao sản phẩm tại thị trường trọng điểm (Mỹ). Trong sản xuất, công ty đẩy mạnh sản xuất hàng loạt các mẫu xe đã mở bán trong năm 2022 để bàn giao đúng hạn cho khách hàng (VF5, VF8 và VF9), chuẩn bị triển khai sản xuất các mẫu xe mới sắp giới thiệu (VF6 và VF7), đồng thời đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án nhà máy sản xuất tại bang Bắc Carolina.
*****
Ông Trần Đình Long (31.539 tỷ đồng)
Hết quý I/2023, khối tài sản của ông Trần Đình Long tăng thêm 4.245 tỷ đồng lên 31.539 tỷ đồng. Nhờ đó, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đã lấy lại vị trí số 2 sau khi để tụt xuống vị trí #6 vào cuối năm 2022. Đồng thời, ông Long cũng là vị đại gia sở hữu khối tài sản "phình to" nhất.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm là 150.000 tỷ đồng doanh thu, 8.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Trong thời gian tới, Hòa Phát sẽ điều tiết sản xuất theo tình hình thị trường, tập trung phát triển các loại thép chất lượng cao, sẽ dồn nguồn lực thực hiện dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Các dự án bất động sản, điện máy gia dụng được triển khai thận trọng, chắc chắn theo đúng kế hoạch và định hướng đã đề ra.
Trong lĩnh vực bất động sản, Hòa Phát sẽ vừa triển khai những khu công nghiệp đang có, vừa mua lại hoặc xin mới để mở rộng 4 - 6 khu nữa, đến năm 2030 sẽ có 10 khu công nghiệp, bao gồm cả các khu hiện có. Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, Tập đoàn Hòa Phát sẽ tập trung phát triển các đại đô thị, đóng góp vào quá trình đô thị hóa các khu dân cư hiện hữu của địa phương.
*****
Ông Đỗ Anh Tuấn (22.458 tỷ đồng)
Tỷ phú Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Sunshine Group sở hữu tài sản giảm 7.201 tỷ đồng, từ 29.659 tỷ đồng cuối năm 2022 xuống còn 22.458 tỷ đồng. Ông Tuấn là người có tài sản bị rơi sâu nhất quý I/2023. Điều đó khiến ông Tuấn rơi từ vị trí số 2 xuống 3. Ông cũng vừa từ nhiệm vị trí lãnh đạo cấp cao tại Kienlongbank.
*****
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (22.024 tỷ đồng)
CEO của hãng hàng không Vietjet mặc dù "bay" 5.847 tỷ đồng, giảm từ 27.871 tỷ đồng xuống còn 22.024 tỷ đồng, tuy nhiên, thứ hạng lại tăng từ vị trí 5 lên 4 do các tỷ phú khác có tài sản giảm sâu hơn.
*****
Ông Hồ Hùng Anh (22.001 tỷ đồng)
Bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang tiếp tục sát cánh bên nhau ở 2 vị trí liền kề. Ông Hồ Hùng Anh bị giảm 6.921 tỷ đồng từ 28.922 tỷ đồng xuống còn 22.001 tỷ đồng. Rớt 2 hạng từ vị trí số 3 xuống 5.
*****
Ông Nguyễn Đăng Quang (21.548 tỷ đồng)
Tương tự vị Chủ tịch Techcombank, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan rớt 2 hạng trên bảng xếp hạng, từ vị trí số 4 xuống 6. Cụ thể, tài sản của ông Quang giảm 7.152 tỷ đồng từ 28.700 tỷ đồng xuống còn 21.548 tỷ đồng.
*****
Ông Bùi Thành Nhơn (12.651 tỷ đồng)
Chủ tịch Novaland là một trong những đại gia hiếm hoi có khối tài sản tăng thêm thời gian qua. Tăng thêm 3.281 tỷ đồng, từ 9.376 lên 12.651 tỷ đồng. Ông Nhơn vẫn giữ nguyên thứ hạng #7.
Vào ngày 3/2, ông Nhơn quay trở lại giữ chức Chủ tịch Novaland sau hơn một năm rời "ghế nóng". Ông Nhơn trở lại vị trí Chủ tịch NVL sau hơn một năm chuyển giao chức Chủ tịch cho ông Bùi Xuân Huy được công bố cuối tháng 11/2022. Việc ông Nhơn trở lại là một phần trong đề án tái cấu trúc mà NovaGroup - cổ đông lớn nhất của Novaland - đang thực hiện để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
*****
Bà Phạm Thu Hương (8.938 tỷ đồng)
Phu nhân Chủ tịch Vingroup sở hữu tài sản giảm 205 tỷ đồng, từ 9.143 tỷ đồng xuống còn 8.938 tỷ đồng. Thứ hạng giữ nguyên.
*****
Bà Vũ Thị Hiền (8.872 tỷ đồng)
Tài sản của phu nhân "vua thép" Trần Đình Long tăng thêm 1260 tỷ đồng từ 7.678 tỷ đồng lên 8.872 tỷ đồng. Bà Hiền cùng với chồng là 2/3 đại gia hiếm hoi "lội ngược dòng" tăng tải sản ở quý I/2023.
*****
Ông Hồ Xuân Năng (6.485 tỷ đồng)
Chủ tịch HĐQT Vicostone sở hữu tài sản giảm 662 tỷ đồng, từ 7.147 tỷ đồng xuống còn 6.485 tỷ đồng, chốt hạ vị trí thứ 10.
Sáng ngày 12/4, Công ty Cổ phần Vicostone (HNX: VCS) đã tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Năm 2022, Vicostone đạt 5.660 tỷ đồng doanh thu, giảm 20% so với năm 2021 và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.377 tỷ đồng, giảm 34%. Đây là lần đầu tiên lợi nhuận trước thuế của Vicostone tăng trưởng âm kể từ năm 2012 đến nay.
Vicostone cho biết với đặc thù là doanh nghiệp có doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu, kết quả kinh doanh năm 2022 của công ty chịu tác động mạnh từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu như bất ổn chính trị, lạm phát, chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc, khủng hoảng logistics từ cuối năm 2021…, đặc biệt tại các thị trường chính ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Ông Năng chia sẻ: "Trong quý 1, doanh thu Vicostone giảm 38%, lợi nhuận giảm một nửa, lợi nhuận khoảng 190 tỷ đồng sau thuế. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Năng, đây vẫn là 1 con số may mắn trong bối cảnh các điều kiện thị trường không thuận lợi. Doanh số tuy giảm nhưng vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu và giảm chung theo thị trường"./.