Aa

8 ý tưởng thiết kế gầm cầu thang "hot" nhất

Chủ Nhật, 19/04/2020 - 14:00

Nhiều ngôi nhà có diện tích khá khiêm tốn, sắp xếp đồ đạc gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên nếu biết tận dụng hợp lý những “góc chết” như gầm cầu thang sẽ khiến ngôi nhà của bạn thêm rộng rãi, ngăn nắp và độc đáo.

Khoảng trống gầm cầu thang trong căn nhà là nơi hay bị lãng quên, không được chăm sóc tỉ mỉ. Hãy để cho ngôi nhà không có “góc chết” bằng cách sắp xếp và thiết kế khéo léo, biến không gian này trở nên hiệu quả theo cách độc đáo và sáng tạo nhất.

1. Gầm cầu thang "biến" thành nhà bếp

Theo phong thủy phương Đông, bếp có tính hỏa, sẽ hóa giải các luồng âm khí, lạnh lẽo ở gầm cầu thang.

Nếu cầu thang nhà bạn nằm ở một vị trí sâu trong nhà, không sát với phòng khách thì bạn nên tận dụng khu vực này để đặt phòng bếp. Gầm cầu thang có thể được dùng làm khu vực nấu nướng, đặt bếp lò hay tủ đồ.

Bổ sung đầy đủ nguồn sáng đầy đủ cho bếp để việc nấu nướng thuận tiện, dễ dàng hơn, đồng thời giúp căn bếp thêm sáng sủa, thoáng đãng.

Vì bếp được đặt trong một diện tích hẹp, kín nên hệ thống hút mùi hoặc thông gió cần được tính toán cụ thể để tránh ám mùi, ám khói gây ảnh hưởng tới không gian khác.

Lưu ý không chọn lan can hay tay vịn cầu thang được làm bằng chất liệu gỗ để tránh bị ảnh hưởng trong trường hợp xảy ra tai nạn, cháy nổ bếp gas, bếp từ. Thay vào đó, lan can bằng kính hay tay vịn kim loại sẽ thời trang và an toàn hơn.

2. Tận dụng gầm cầu thang làm nhà vệ sinh

Để tiết kiệm diện tích, nhiều gia đình đã tận dụng gầm cầu thang để làm nhà vệ sinh.

Bạn sẽ thấy khoảng trống dưới gầm cầu thang này tuy không bé nhưng khó để bày biện trang trí hay sử dụng vào công năng quan trọng nào đó của ngôi nhà. Tuy nhiên, nó lại có thể trở thành nhà vệ sinh phụ của gia đình. Đây là cách khiến không gian trở nên hữu ích hơn, biến khoảng trống dưới gầm cầu thang trở thành một không gian tiện dụng.

Màu trắng giúp không gian trở nên rộng hơn.

Các yếu tố cần thiết cho phòng vệ sinh này bạn có thể lưu tâm là bồn rửa loại gắn tường để tiết kiệm không gian và bồn vệ sinh. Tuy nhiên, việc đặt các thiết bị vệ sinh phải lưu ý về độ cao và chiều rộng, cần tạo đủ ánh sáng, tránh cảm giác tối tăm. Các món đồ nội thất như vòi hoa sen, bồn tắm cũng cần được tối giản vì chúng sẽ làm không gian ẩm ướt. Ngoài ra, bạn nên đặt thêm quạt hút để hỗ trợ việc thông gió.

3. Nhà cho thú cưng

Nuôi thú cưng là sở thích của rất nhiều người, nhưng việc thiết kế một ngôi nhà cho chúng để phù hợp với không gian sống là điều không dễ. Ngôi nhà cho thú cưng cần đáp ứng các tiêu chí là một nơi ấm ấp, thoải mái, gần gũi, đồng thời đảm bảo tính thẩm mỹ và vệ sinh để không gian sống của chủ nhân vẫn luôn sạch sẽ.

Nhà chật nhưng không muốn để thú cưng phải ở ngoài sân cô đơn, còn gì tiện bằng xây ngay một căn phòng nhỏ xinh xắn dưới gầm cầu thang.

Đối với nhà cao tầng, chủ nhân hoàn toàn có thể tận dụng khoảng trống dưới cầu thang để thiết kế một ngôi nhà cho thú cưng, đảm bảo tối ưu công năng sử dụng mà vẫn tạo giác dễ chịu, thoải mái khi chăm sóc chúng.

4. Tạo không gian vui chơi cho bé, góc học tập và làm việc

Thực tế cho thấy là gầm cầu thang có thể nhỏ trong mắt bạn nhưng sẽ là một không gian lớn trong mắt lũ trẻ. Hãy thoải mái tận dụng điều này cho sức sáng tạo của mình và bọn trẻ.

Cánh cửa tí hon dẫn lối vào “thế giới anh hùng siêu nhân” của trẻ.

Trẻ con thích những điều cổ tích và viễn tưởng, như ngôi nhà nhỏ xinh của Bạch Tuyết và 7 chú lùn, hay tổ ấm bé xíu của các nhân vật hoạt hình. Chắc chắn chúng sẽ thích ở đó còn hơn là nằm trên giường ngủ bình thường.

Hay không cần phải lắp đặt những nội thất cầu kỳ, chỉ cần một chiếc bàn nhỏ và ghế tựa là bạn đã có ngay một góc làm việc vừa xinh xắn vừa tiết kiệm diện tích ngay dưới cầu thang.

Với những ngôi nhà không gian có hạn thì bố trí góc làm việc dưới gầm cầu thang là một cách hay.

Bạn vừa có một không gian để làm việc, học tập, vừa giữ được gầm cầu thang luôn sạch sẽ và không bám bụi bẩn vì không dọn dẹp lâu ngày. Với những ngôi nhà có diện tích nhỏ hẹp và số phòng ít, thì cách sử dụng gầm cầu thang làm nơi làm việc là một cách tiết kiệm không gian hữu hiệu.

Tuy nhiên, phương án này chỉ được dùng với khu vực có cầu thang tương đối cao và dốc để có thể thoải mái sử dụng mà không bị va đầu. Một lưu ý nhỏ rằng, bạn nên sử dụng những vật liệu, sơn màu tươi sáng và bố trí đủ ánh sáng để không gian làm việc trở nên sáng sủa, sạch sẽ hơn.

5. Nơi lưu trữ đồ đạc

Diện tích nhà có hạn, bạn không biết phải sắp xếp đồ đạc như thế nào để căn phòng trông vẫn thoáng đãng và không có cảm giác “ngập” trong đồ? 

Hãy tận dụng gầm cầu thang làm tủ, bởi vị trí này có thể dễ dàng “hô biến” tạo thành những ngăn tủ với sức chứa lớn mà tổng thể không gian trông vẫn gọn gàng, ngăn ngắp.

Càng nhiều hộc nhỏ sẽ càng chứa được nhiều đồ và giúp cho căn nhà được gọn gàng hơn.

Tùy theo sở thích và tính chất của chiếc tủ mà bạn có thể chọn thiết kế có cửa hay không cửa. Với những chiếc tủ không cửa, bạn có thể sử dụng giấy dán tường với màu sắc tươi sáng hoặc giấy dán gỗ vân sáng màu để trang trí cho không gian bên trong. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lắp đặt thêm đèn hắt sáng từ bên trong giúp khu vực để đồ nổi bật hơn. Còn với những chiếc tủ có cửa, bạn nên chọn thiết kế cửa tủ sao cho phù hợp với tổng thể của cầu thang và cả không gian của ngôi nhà.

Ngoài ra nên chú ý đến những biện pháp phòng muỗi và côn trùng, tránh tình trạng chiếc tủ làm nơi ẩn nấp của những sinh vật gây hại.

6. Sáng tạo với kệ trưng bày độc đáo

Với ngôi nhà có cầu thang được thiết kế nằm ở “mặt tiền” (vị trí đẹp) thì bạn nghĩ sao về việc tận dụng gầm cầu thang làm tủ trưng bày?

Một trong những ý tưởng trưng bày phổ biển nhất chính là giá sách. Vị trí này rất hợp lý để bố trí một giá sách ở dưới, vừa tăng thêm công năng cho căn phòng vừa nâng tầm phong cách cho gia chủ.

Một góc đọc sách sẽ thu hút sự chú ý của bất cứ vị khách nào bước đến nhà bạn

Hãy nhớ rằng vị trí này khá tối, do đó nên lắp đặt thêm đèn để chiếu sáng cho góc nhỏ xinh này.

Ngoài ra, việc đặt một quầy bar trong nhà cũng là xu hướng thiết kế hiện nay. Và nó càng đặc biệt hơn, càng cho thấy sự sáng tạo khi vị trí đặt quầy bar được tận dụng từ chính gầm cầu thang.

Quầy bar xinh xắn này không chỉ làm căn nhà đẹp hơn mà còn tạo ra một góc giải trí cho gia đình và bạn bè mỗi khi tới chơi.

Với đặc điểm không quá sáng, không quá nóng, gầm cầu thang rất thích hợp cho những quý ông yêu rượu và muốn khoe bộ sưu tập nhỏ của mình.

7. Tiểu cảnh trong nhà

Đừng buồn nếu ngôi nhà của bạn không sở hữu không gian sân vườn ngoài trời, bạn hoàn toàn có thể tận dụng không gian dưới gầm cầu thang để xây dựng một khu vườn nhỏ trong nhà.

Nước, chum và hoa sen dưới một hồ nước nhỏ đưa ta về quê hương rất đỗi nên thơ.

Thiết kế một tiểu cảnh dưới chân cầu thang giúp tạo khoảng xanh cho không gian vốn chật hẹp và tránh bụi bặm, ẩm mốc khi không sử dụng đến.

Một lưu ý nhỏ là hãy chọn trồng những loại cây dễ sống và phù hợp trồng trong nhà.

8. Tạo chỗ nghỉ ngơi

Tìm đâu xa không gian nghỉ ngơi, bạn hoàn toàn có thể ngồi thưởng trà, thư giãn với cuốn sách yêu thích trên chiếc ghế êm ái ngay không gian dưới gầm cầu thang.

Góc giao nhau giữa cầu thang và một phần tường giúp bạn có được nơi kê sofa tiếp khách, ngồi nghỉ ngơi ngay gần cửa ra vào.

Thay vì dùng làm nơi trang trí, cất đồ, nếu góc cầu thang trong ngôi nhà của bạn đủ cao và thoáng thì có thể được tận dụng để đặt chiếc ghế sofa dài làm nơi nghỉ ngơi. Điều này giúp không gian nhà bạn có được nhiều chỗ ngồi hơn trong phòng khách. Ngoài ra, khu vực này cũng có thể là một góc trang trí đẹp mắt, xây dựng lò sưởi, gắn thiết bị truyền hình hay bể cá…

Lưu ý, bạn nên chọn ghế thấp, màu sắc tươi sáng và bố trí hệ thống chiếu sáng thích hợp cho khu vực dưới gầm cầu thang này. Ngoài ra, nên trang trí thêm những bức tranh hình ảnh bắt mắt lên bức tường để phòng khách sinh động hơn.

Trên đây là 8 gợi ý Reatimes dành cho bạn giúp biến mọi ngóc ngách tại gầm cầu thang trong căn nhà trở thành nơi tiện ích.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top