Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”

Nguyễn Thành Công
Nguyễn Thành Công Congnguyenthanhyb@gmail.com
Thứ Ba, 12/10/2021 - 00:06

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 1.

 

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 2.

- Từ khi còn rất nhỏ, qua các bài giảng lịch sử của cô giáo, tôi được biết tài sản lớn nhất ông mang vào vũ trụ là niềm tin vào ý chí của con người Việt Nam, là khát vọng chinh phục, vươn tới những tầm cao mới của những người con đất Việt. Thưa ông, trong hành trình gần 8 ngày trên tàu vũ trụ, điều gì khiến ông suy nghĩ và trăn trở nhiều nhất? Trong những suy nghĩ đó, sau này có điều gì đã trở thành hiện thực?

Anh hùng Phạm Tuân: Bức ảnh đầu tiên khi tôi bay vào vũ trụ chụp ngày 23/7/1980, cùng phi công vũ trụ Viktor Vassilyevich Gorbatko (Liên Xô), mới đó mà đã cách đây tròn 41 năm. Thời điểm đó, Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ và đang tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Vì thế, đất nước còn nghèo, tiềm lực về kinh tế còn thấp, nhưng tinh thân dân tộc được dấy lên rất cao.

Bởi lẽ, Việt Nam đã đánh thắng quân xâm lược Pháp, Mỹ và đang chiến đấu ngoan cường với xâm lược Trung Quốc. Cả dân tộc hừng hực khí thế quyết tâm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trong lúc thực hiện chuyến bay, tôi có cơ hội tiếp cận được với ngành khoa học vũ trụ hiện đại, có lẽ nó tập trung thành tựu của tất cả các ngành từ động lực, cơ khí, tự động hóa… Tôi bay vào vũ trụ với khí thế hừng hực của chiến thắng. Tôi thấy mình rơi vào tình trạng vừa phấn khởi nhưng lại có những băn khoăn.

Ở trong điều kiện được tiếp cận với tiến bộ của khoa học kỹ thuật nhưng nhìn lại đất nước thì còn nghèo nàn, lạc hậu. Một khoảng cách rất xa giữa hai quốc gia và tôi nghĩ, tôi bay vào vũ trụ nhưng không biết bao giờ đất nước mới được hưởng thành tựu về khoa học công nghệ như thế này.

Chính thế nên có dư luận rằng, Việt Nam còn khó khăn như vậy thì bay vào vũ trụ để làm gì? Những thí nghiệm chúng tôi nghiên cứu nó còn xa vời với thực trạng nền khoa học, công nghệ của đất nước ta lúc bấy giờ.

Điều tôi trăn trở, suy nghĩ là không biết khi mình bay về, những điều mình làm, mình tiếp cận có phục vụ được cho đất nước hay không.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 3.

 

Tâm tư lắm. Chỉ mong sao tổ quốc, đất nước, con người Việt Nam mình được hưởng những tiến bộ của nhân loại. Nhưng những trăn trở đó càng về sau thì dần dần đã trở thành hiện thực. Ví dụ như khoa học dự báo khí tượng, bây giờ chúng ta đã ứng dụng rất hiệu quả. Nếu như không có thành tựu về khoa học thì làm sao Việt Nam được như bây giờ…

Ngày xưa, chúng ta gọi điện thoại sang các nước khó lắm, nhưng giờ đã kết nối được toàn cầu. Chúng ta đã có vệ tinh, đó là mở đầu để Việt Nam dần đưa những tiến bộ khoa học công nghệ vào cuộc sống.

Hay như trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta đã có thể ứng dụng công nghệ cao tiêu chuẩn thế giới vào sản xuất. Và Việt Nam đã có những thương hiệu quốc gia, đi ra toàn cầu.

Những điều đó khiến tôi rất phấn khởi và tự hào.

- Thưa Trung tướng, tôi rất tò mò muốn được biết cảm giác của ông khi nhớ lại những ngày bay vào vũ trụ?

Anh hùng Phạm Tuân: Quả thực, những điều trước đó tôi tưởng tượng, cũng chỉ như hạt cát ngoài sa mạc mà thôi! Bay vào vũ trụ là rơi vào trạng thái không trọng lượng. Trong ngày đầu tiên, tôi có cảm giác đầu dốc ngược, các phủ tạng như dồn lên trên. Cảm giác khó chịu và buồn nôn. Hiện tượng say tàu chỉ kéo dài khoảng 1 ngày rưỡi và sau đó, tôi sinh hoạt, ăn ngủ bình thường.

Sau khi tách khỏi tên lửa, tàu “Liên hợp – 37 bay tự do 4 vòng quanh quỹ đạo thấp. Trong trạng thái không trọng lượng, những lúc nhìn qua cửa sổ, khi thấy trời, khi thấy đất, nhưng không rõ mình đang ở đâu. Sau vòng thứ 4, chúng tôi mới được lệnh rời khỏi ghế, thay quần áo và ăn bữa điểm tâm đầu tiên trên vũ trụ. Trong khoang tàu nhỏ, cả hai ngồi nhâm nhi mẩu bánh, uống tuýp súp và quan sát vũ trụ bao la… Lúc này, tôi mới thấy được hình ảnh trái đất một cách thực sự. Con tàu lướt nhanh qua đại dương, qua châu Phi, châu Mỹ rồi về châu Á… Có lúc tôi thấy quê hương mình đang ở phía dưới, nhưng chỉ tiếc là phạm vi quan sát hẹp nên không nhìn rõ được.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 4.

 

Sau đó, trong lần Trạm “Chào mừng” bay gần đến lãnh thổ Việt Nam, bờ biển Việt Nam hiện lên, con sông Hồng như sợi chỉ nhỏ, biển phía trước nhấp nhô những hòn đảo của Vịnh Hạ Long… Tôi hồi hộp đến nghẹt thở và nói: Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước! Kính thưa toàn thể nhân dân! Đội bay vũ trụ Việt – Xô đang bay qua bầu trời của Việt Nam. Tôi nhìn thấy Tổ quốc ta đẹp vô cùng. Từ vũ trụ, tôi cám ơn Đảng, nhân dân đã chắp cánh cho chúng tôi bay…”.

- Đến nay, ông là người duy nhất 3 lần được nhận danh hiệu Anh hùng: Hai lần của Việt Nam (Anh hùng Lực Lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động) và Anh hùng Liên Xô. Tôi rất muốn được biết cảm xúc của ông, khi trở thành một Anh hùng, từ tâm thế cho đến hành động, có khác người bình thường nhiều không?

Anh hùng Phạm Tuân cười rất sảng khoải và trả lời: Thứ nhất, danh hiệu Anh hùng là danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước dành tặng những người có thành tích đặc biệt xuất sắc, nên chắc chắn ai được tặng cũng rất phấn khởi.

Nhưng tôi nghĩ rằng, là một chiến sỹ chiến đấu thì mục tiêu của mình là hoàn thành nhiệm vụ, đánh thắng kẻ địch chứ không phải phấn đấu để trở thành anh hùng. Nếu đặt ra việc phấn đấu trở thành anh hùng, tôi cho là có gì đó không hợp lý.

Tôi chỉ biết là cố gắng, nỗ lực tối đa để hoàn thành nhiệm vụ. Còn hoàn thành tới đâu thì đồng chí, đồng đội và tổ chức sẽ đánh giá.

Ba lần được nhận danh hiệu Anh hùng, cảm xúc phấn khởi lắm nhưng tâm thế của tôi là mình phấn đấu, nỗ lực vì mục tiêu chung, vì Tổ quốc, vì dân tộc thì danh hiệu Anh hùng tự đến chứ không phải là mục tiêu phấn đấu của mình để trở thành Anh hùng.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 5.

Khi tôi chưa được phong Anh hùng, tôi lao động, tôi cống hiến hoàn thành nhiệm vụ như nào thì giờ tôi vẫn làm như thế chứ không cần phải “nắn nót” giả tạo.

Mình có gì thì cứ thể hiện như vậy. Tất nhiên, đừng làm gì kém hơn so với trước khi trở thành Anh hùng. Đừng để khi trở thành Anh hùng rồi lại vỗ ngực hay thế này, thế khác để mai một thanh danh đi. Anh hùng là bản chất của con người, thể hiện qua hành động của mình. Đó là con người yêu nước, dũng cảm thể hiện, dám xông lên chống kẻ thù. Đó là con người hăng say lao động, cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Giữ gìn hình ảnh Anh hùng là điều phải phấn đấu. Nhưng không cần phải làm quá lên mà anh cứ thực hiện như những gì anh có, làm vì đất nước, vì nhân dân thì đó là anh đã gìn giữ hình ảnh của một Anh hùng rồi.

Còn những gì chưa hoàn thiện được thì cố gắng hoàn thiện. Chứ không phải trước đây thì đi liên hoan, gặp gỡ bạn bè mà khi trở thành Anh hùng phải dừng lại, tôi cho đó là điều không cần thiết. Thể hiện đúng bản chất của mình, mình vốn có gì hãy cứ thể hiện như vậy.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 6.

 

- Năm 2018, Tập đoàn TH tổ chức Lễ Khởi công Tổ hợp chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao có tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD – dự án lớn nhất của Việt Nam đầu tư sang Nga tính đến thời điểm này. Vừa rồi, chị Thái Hương, nhà sáng lập và điều hành Tập đoàn TH đã được phong Anh hùng trên mặt trận kinh tế. Ông có thấy rằng, cả ông và chị Thái Hương, đều gắn bó và để lại những dấu ấn rất đậm nét ở nước Nga không?

Anh hùng Phạm Tuân: Có lẽ đó là điều ngẫu nhiên, tình cờ nhưng có cùng điểm xuất phát. Tôi học ở Nga và bay vào vũ trụ cùng với người Nga. Một đất nước Nga rộng lớn cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tình thần và văn hoá Nga đã hun đúc lên con người Nga.

Nga không phải là nước tư bản phát triển nhưng là điển hình của các nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ và là nước đối đầu với Mỹ. Nga – Mỹ mỗi nước đứng đầu một khối.

Những gì tinh túy nhất của thế giới cũng có ở nước Nga. Nga hội tụ được từ con người, ý chí quyết tâm, khoa học công nghệ, tính cộng đồng…

Người Việt Nam luôn thầm cảm ơn nhân dân Liên Xô đã giúp đỡ chúng ta chiến đấu thắng lợi và sau đó là đưa người Việt Nam cùng bay vào vũ trụ.

Đến với một đất nước như vậy, có lẽ chị Thái Hương cũng nhìn thấy một đất nước rộng lớn, con người cởi mở và rất chân thật và kiên cường.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 7.

 

Đặc biệt, trong lĩnh vực chị Thái Hương kinh doanh được thiên nhiên nước Nga ưu đãi, vô cùng rộng lớn và phì nhiêu.

Chị Thái Hương đã nhìn ra được tiềm năng này của nước Nga, đó là con người và thiên nhiên. Điều đáng trân trọng là không phải doanh nhân nào của Việt Nam cũng có tầm nhìn như vậy.

Chị Thái Hương là người đi trước, đón đầu nên luôn có lợi thế dẫn trước. Khi sang Nga, chị tự tin đầu tư lớn với những bước đi rất bài bản.

Tôi nghĩ điểm chung giữa tôi và chị Thái Hương là nhìn thấy nước Nga rất to lớn, hùng vĩ, vững chãi, có thể là chỗ dựa cho phát triển nên dám đầu tư. Hơn nữa, có lẽ chị Thái Hương còn muốn làm một cái gì đó tri ân với công lao của nhân dân Liên Xô đã dành cho Việt Nam chúng ta.

Khi tham gia buổi khai trương dự án, tôi có gặp một số bạn bè ở nước Nga, họ rất vui mừng và phấn khởi khi thấy Việt Nam vẫn rất gần gũi, gắn bó với họ và đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, đầu tư lại vào nước Nga.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 8.

- Hàm ý của ông là có một niềm tin rất lớn của chị Thái Hương đặt vào nước Nga?

Anh hùng Phạm Tuân: Nước Nga có truyền thống về ý chí cùng với thiên nhiên và nền khoa học tiên tiến đã tạo nên một dân tộc vững chãi. Chúng ta có đủ niềm tin để đặt vào nước Nga và chị Thái Hương có lẽ cũng có niềm tin như vậy.

Dự án của TH được kỳ vọng sẽ có đóng góp một phần vào quá trình tái cấu trúc nền nông nghiệp của Liên bang Nga. Người tiêu dùng Nga sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ những sản phẩm tốt, hoàn toàn từ thiên nhiên, tốt cho sức khỏe từ chính đồng đất của đất nước mình.

Không phải ngẫu nhiên mà chị Hương sang Nga. Càng không phải ngẫu nhiên mà dự án tại Nga của chị Thái Hương đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo hai nước, từ Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước)… đều tạo điều kiện và ủng hộ dự án này.

Đây là cơ sở quan trọng đặt nền móng cho quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước, ý nghĩa biểu tượng lan tỏa là rất lớn. Sau này, khi sản phẩm được cả thị trường Nga đón nhận, trong tâm thức của người dân Nga sẽ in dấu hình ảnh về một Việt Nam chất lượng, nghĩa tình. Đó không đơn thuần là câu chuyện lợi nhuận trong kinh doanh, mà là tình cảm tri ân và chữ tâm của chị Thái Hương.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 9.

- Nhưng ông có thấy lo ngại liệu chị Thái Hương sẽ phải chịu bất lợi từ tình thế của nước Nga trong giai đoạn tới?

Anh hùng Phạm Tuân: Chị Thái Hương đầu tư vào Nga là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, làm trang trại, trồng cây để làm thức ăn chăn nuôi bò lấy sữa và từ đó chế tạo ra các sản phẩm công nghệ cao.

Ngược dòng thời gian, Liên Xô trước đây cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng cho nhân dân nhưng sau những năm 90, khi Liên Xô tan rã thì nước Nga rơi vào tình trạng khủng hoảng lớn.

Nếu trước đây, trong Liên Xô mỗi nước được phân công sản xuất một thứ, nhưng khi tan rã thì các nước đều tự túc nên rơi vào trạng thái khó khăn, hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm thiếu thốn.

Không phải người Nga không làm được mà do Liên Xô tan rã, họ chưa kịp hồi phục. Dư địa kinh doanh trong thời kỳ Nga bị phương Tây cấm vận là rất lớn. Nga đang thiếu hụt khoảng 50% so với nhu cầu tiêu thụ sữa nội địa. Các dự án của TH không chỉ góp phần bù đắp sự thiếu hụt sữa tại thị trường Nga mà còn hướng tới xuất khẩu đến các thị trường quốc tế.

Chị Thái Hương đã nhìn thấy cơ hội. Trước đó, chị đã từng đi sang Israel để nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao. Dù rằng, Israel còn thua Nga về nhiều mặt, nhưng nông nghiệp công nghệ cao của Israel gần như đứng đầu thế giới, sản phẩm xuất đi khắp các nước châu Âu, từ hoa quả cho đến thực phẩm khác.

Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu đó, chị Thái Hương thấy đất nước Nga tiềm năng nông nghiệp lớn như vậy, đồng lúa mênh mông, một năm chỉ cần cấy một mùa, còn một mùa cho đất nghỉ để chuẩn bị cho vụ sau.

Còn với những rủi ro trong nông nghiệp, tôi nghĩ, khi ứng dụng công nghệ cao như cách chị Thái Hương đang làm, với tư duy vượt trội thì hoàn toàn có thể khắc phục.

Như vậy phải khẳng định rằng, chị Thái Hương đã nhìn thấy được tiềm năng về nông nghiệp và chắc chắn nếu đầu tư thêm công nghệ cao thì sẽ thành công.

Nhưng cũng có những mặt hạn chế nhất định, khi ở đất nước Nga đang ở trong khủng hoảng, khó khăn. Và cộng với tiềm năng của Nga trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất nhiều, nhưng tại sao người dân của họ lại không khai thác, có điều gì bất thường ở đây chăng?

Chúng ta đặt câu hỏi như vậy để thấy, nước Nga có nền khoa học công nghệ cao, lại là nước Nga khoáng sản, vàng, kim cương, than, dầu mỏ, gỗ… Nước Nga là nước phát triển công nghiệp nên có lẽ, họ mải mê với cái khác chứ nông nghiệp chưa được quan tâm. Trong canh tác nông nghiệp từ trước tới giờ, họ thường chỉ trồng 1 vụ cũng đủ ăn, thậm chí còn dư thừa.

Chính vì thế, bảo người Nga lười hay không có khả năng làm nông nghiệp là không đúng mà trong bối cảnh như vậy, họ đầu tư vào lĩnh vực khác sẽ sinh lời nhiều hơn.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 10.

 

Còn ở góc độ chị Thái Hương, tôi cho rằng, nhiều khi có những tình huống bất lợi mới bộc lộ rõ phẩm chất và năng lực của chị ấy. Chúng ta đã biết câu chuyện chị ấy vượt qua khó khăn khi đầu tư vào miền Tây xứ Nghệ rồi nên tôi cho rằng, đầu tư phải có khó khăn, thử thách thì mới là Thái Hương. Vượt gian khó, chớp thời cơ và quyết liệt hành động mới tạo nên một Thái Hương Anh hùng.

- Chị ấy đã vượt qua khó khăn đó bằng cách nào, thưa ông?

Anh hùng Phạm Tuân: Như chúng ta đã biết, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An – nơi chị Thái Hương gây dựng trang trại, có khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng và chủ yếu là đất cằn khô. Vì vậy, chỉ có một con đường duy nhất là đưa công nghệ hiện đại, tự động hóa tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp để chế ngự thiên nhiên, mang lại hiệu quả sản xuất cao.

TH đã áp dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu của quy trình khép kín từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch. Đó là những công nghệ chăn nuôi, quản lý đàn bò, chuồng trại hiện đại hàng đầu thế giới, trong đó có hệ thống quản lý bò sữa tiên tiến nhất thế giới Afifarm của Israel; Quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand; Quy trình, thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật, Israel, Hà Lan…

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 11.

 

Quyết định đầu tư những công nghệ, trang thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới này đặt nền móng cho ngành công nghiệp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi sạch, tạo ra cuộc cách mạng với thị trường sữa Việt Nam, đặc biệt là thay đổi thói quen từ tiêu dùng sữa bột pha lại (hay còn gọi là sữa hoàn nguyên) sang sử dụng sữa tươi nguyên chất.

Việc TH vượt qua các khó khăn, khắc nghiệt về điều kiện thiên nhiên thành công bằng công nghệ cao, chăn nuôi bò sữa (một loại gia súc ôn đới) thành công ngay trên mảnh đất nắng nóng Nghĩa Đàn đã cho thấy hiệu quả của ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên phạm vi quy mô lớn. Ứng dụng công nghệ cao không chỉ tăng năng suất trên một đơn vị diện tích canh tác mà còn tạo ra một nền sản xuất hàng hóa, tạo nhiều công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần tạo bước đột phá cho cuộc cách mạng nông nghiệp nông thôn.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 12.

- Sau 35 năm Đổi mới, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa xây dựng xong nền kinh tế thị trường “đầy đủ”. Trong nền kinh tế, phương thức sản xuất cũ - vẫn ngự trị. Phương thức sản xuất mới vẫn chưa đủ mạnh để giải phóng thực sự nền kinh tế “cũ”. Chấp nhận và tạo lập cái mới, tức là “vượt qua khỏi mình”, khó đến như vậy đấy. TH là một thử nghiệm vượt qua hệ thống cũ. Lập doanh nghiệp tư nhân, đưa doanh nghiệp vào kinh doanh nông nghiệp – để tạo nên sự thay đổi nền kinh tế nông nghiệp manh mún, lạc hậu– nông thôn, cách đây mấy chục năm, là một hành động đột phá, khác thường, đến mức có thể gọi là “điên”. Thưa ông, từ câu chuyện của TH, ông có tin doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể lập nên những kỳ tích, xây dựng được những thương hiệu quốc gia cho Việt Nam?

Anh hùng Phạm Tuân: Khi trở thành người tiên phong như chị Thái Hương thì phải có sự đột biến. Hành động đó không thể từ từ, tuần tự được mà phải dựng lên được “ngọn cờ” đặc biệt, tư duy phải đổi mới và đột phá.

Ở Việt Nam, chúng ta có Hiến pháp, Luật Đất đai và các văn bản quy định về quyền sử dụng đất. Người nông dân rất sợ mất đất cho nên, nếu đem tích tụ đất đai lại thì người nông dân sẽ làm gì? Đó là tư duy rất cổ xưa. Thực tế, chúng ta đã có những đổi mới nhưng chính sách chưa đầy đủ, nên chưa giải quyết được tận gốc vấn đề này.

Ngày xưa, đem chia đất nông nghiệp cho nông dân, nhưng rồi cuộc sống thay đổi, họ bán đi và không còn đất để làm nữa. Những người mua đất không đủ điều kiện để khiến người nông dân trở thành công nhân và cuối cùng, họ thất nghiệp lại phải đi làm thuê, làm mướn, đời sống khổ cực. Đó là bài học lớn mà đến giờ, chúng ta vẫn chưa lý giải được.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 13.

Dù Quốc hội đã có rất nhiều cuộc họp bàn về việc tích tụ đất đai nhưng vẫn chưa có được giải pháp phù hợp nhất. Ngày xưa, người nông dân chiếm tới 80% nhưng hiện tại, đâu đó chỉ còn khoảng 60%, nhưng vẫn là số đông. Cho nên, vẫn có sự thận trọng.

Ai cũng hiểu rằng, nếu như tích tụ lại thì đất đó sinh sôi, nảy nở ra và giá trị chắc chắn gấp nhiều lần so với hiện tại. Và, chỉ có tích tụ tập trung đất nông nghiệp thì mới có thể sản xuất trên quy mô lớn, công nghệ cao. Khi đó, người nông dân có cơ hội trở thành người công nhân công nghiệp thì thậm chí, gia đình đông người chỉ cần một vài lao động, tổng thu nhập cũng tốt hơn bây giờ.

Đó là suy nghĩ đột biến của những người như chị Thái Hương.

Việc tích tụ đất đai không phải bây giờ mới có, các nước tư bản đã tích cực làm từ mấy thế kỷ trước. Từ thực tế, kinh nghiệm và năng lực, tư duy của mình thì chị Thái Hương đã nhìn thấy cơ hội đó và triển khai.

Tôi nghĩ, từ rất sớm, chị Thái Hương đã có những bước đi đột biến và tiên phong để nhảy vào lĩnh vực này bằng những quan sát và chuẩn bị kỹ càng.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 14.

Thực tế, các nước phát triển thường là tư bản công nghiệp, chứ tư bản nông nghiệp thì ít lắm. Đất nước ta nền tảng là nông nghiệp, sản phẩm còn thô sơ, nên chị Thái Hương đã nhận thấy cơ hội. Chị Thái Hương “nhảy” vào lĩnh vực hết sức nhạy cảm là sữa. Đó là lĩnh vực ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người. Dân ta nhiều người làm gì được uống sữa, thể trạng vẫn còn còi cọc.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 15.

Sự thành công của chị Thái Hương được tạo nên từ tầm nhìn vượt trước, đúc kết từ kinh nghiệm các nước đi trước và thực tế của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, chị Thái Hương đã có được tầm nhìn thông suốt và xác định được hướng đi.

Chị Thái Hương trước đây xuất phát không phải là nông nghiệp mà là ngân hàng, đất đai, chứng khoán… nhưng cuối cùng lại dồn hết tâm sức trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chị đem những kinh nghiệm thu nhận được từ các lĩnh vực khác để đẩy nông nghiệp sạch công nghệ cao của Việt Nam đi lên.

Có ai tưởng tượng được rằng, mười mấy năm về trước, Việt Nam còn là nước non trẻ, đi sau với khoảng cách rất xa trong lĩnh vực chăn nuôi bò lấy sữa.

Chị Thái Hương chính là người tiên phong thay đổi quan niệm đó bằng minh chứng là Dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa ở Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sữa nhiễm Melamin độc hại tại Trung Quốc, nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng Việt, chị Thái Hương trên cương vị Tổng giám đốc Bắc Á Bank đã nung nấu ý tưởng “sẽ nuôi bò, làm sữa tươi, thật sự là sữa tươi sạch cho trẻ em Việt Nam, cho người tiêu dùng Việt Nam.

Chị ấy tuyên bố không muốn người dân quê hương chịu mãi số phận còi cọc. Sữa chính là nguồn dưỡng chất giúp cải thiện nhanh nhất, cơ bản nhất về tầm vóc, thể lực, để người Việt không còn thua bầu kém bạn.

Thời điểm đó, có nhiều dự án phát triển bò sữa nhưng thất bại vì khí hậu ở nước ta nóng ẩm, không thích hợp cho việc chăn nuôi bò sữa - vốn là động vật ôn đới.

Nhưng với quyết tâm mãnh liệt như “thiên chức của người mẹ lo cho sức khỏe của chính con mình,” chị đã giải bài toán hóc búa đó bằng cách tìm kiếm ở những quốc gia có điều kiện tự nhiên tương tự nước ta nhưng nuôi bò thành công để mua công nghệ. Và Israel, vùng đất bán sa mạc đã chăn nuôi bò sữa và bán công nghệ quản trị đàn bò khắp thế giới, là câu trả lời thuyết phục nhất.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 16.

 

Thế nhưng, tại thời điểm chị sáng lập TH và quyết định đầu tư vào ngành sữa cách đây 12 năm, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động nặng nề đến kinh tế Việt Nam. Khi ấy, TH thiếu vốn đầu tư cho “đại dự án” nuôi bò trị giá 1,2 tỉ USD và nhiều ngân hàng “quay lưng” trước ý tưởng “khai sáng bóng đêm cho ngành sữa nội".

Lúc khó khăn nhất, chị Thái Hương thậm chí đã phải tính đến việc bán lại một phần dự án cho các đối tác nước ngoài để lập liên doanh, giảm áp lực về vốn đầu tư. Nhưng cuối cùng, “bông hướng dương kiêu hãnh” đã không từ bỏ khát vọng.

Với tinh thần phụng sự Tổ quốc của một doanh nhân yêu nước, chị Thái Hương cho rằng người Việt không thể dễ dàng “dâng hiến” lợi thế đất đai, tài nguyên của mình cho nước ngoài. Song chị cũng nhìn nhận thứ ta cần là mua công nghệ đỉnh cao của họ, chứ không phải “mua sợi dây” để họ “siết” hay thâu tóm doanh nghiệp Việt.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 17.

Kiên định con đường tự lực, tự cường để vượt qua thử thách, ngay sau đó, chị Thái Hương đã kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước, chính quyền địa phương, rồi bàn bạc, thống nhất với các cổ đông. Vì triển vọng hiệu quả, sự nhân văn của dự án nuôi bò và chế biến sữa tập trung công nghệ cao, TH đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Được tiếp vốn, chị đã quyết liệt đẩy nhanh dự án với tiến độ thần tốc ở ngay trên quê hương mình – vùng đất mà hè thì gió Lào nắng cháy, đông lại lạnh thấu thịt xương, biến nơi đây thành “mỏ sữa tươi” lớn nhất châu lục.

Như vậy, chị Thái Hương không những tìm ra được hướng đi đúng đắn và chiến lược mà còn góp phần quan trọng làm thay đổi quan niệm phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam và quan trọng hơn là góp phần nâng cao tầm vóc của người Việt.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 18.

 

- Chính các đối tác Israel hợp tác triển khai dự án với TH cũng đã công nhận và thán phục rằng trên thế giới, không có nhiều người làm được dự án sữa với tốc độ như thế. Nhiều dự án nuôi bò sữa phải mất 10 năm mới hoàn thành, nhưng chị Thái Hương và TH chỉ mất 3 năm. Đó là những việc mà chỉ có những người nắm bắt được thời cơ và có tư duy đột biến mới làm được?

Anh hùng Phạm Tuân: Tôi cũng nghĩ như vậy. Chi Thái Hương đã tạo ra chiếc chìa khóa vàng để mở bung lợi thế từ đất đai, thiên nhiên và con người Việt Nam. Chính chị đã cống hiến một mô hình điển hình cho công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế đất nước; đã và sẽ góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới bằng nền nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ 4.0, với những nông sản xanh – sạch – hữu cơ, cũng là con đường mà thế giới hướng tới.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 19.

- Nói như vậy có thể thấy, dù xuất phát từ lĩnh vực nông nghiệp tưởng chừng như là nhỏ bé nhưng chúng ta vẫn có thể lập lên được kỳ tích bằng những nước đi táo bạo, đột phá?

Anh hùng Phạm Tuân: Tất cả các lĩnh vực phải có đột phá, kể cả trong chiến đấu cũng vậy. Nếu không có tư duy sáng tạo thì người ta làm xong mình mới bắt đầu đi thì không bao giờ đuổi kịp. Ở Việt Nam, tôi biết có mấy chục doanh nghiệp đi lên thành tập đoàn lớn, có một số doanh nhân từ nước ngoài về Việt Nam lập nghiệp và để lại những dấu ấn mạnh mẽ như Vingroup, Sun Group, Masan… Có những doanh nhân đi từ công ty xây dựng nhỏ nhỏ hoặc từ ngân hàng mang vốn ra đầu tư.

Nghĩa là có rất nhiều cách đi nhưng phải có sự đột phá.

Tôi nghĩ trong bất cứ tình huống nào, tư duy đột phá có hai mặt: Nếu như nắm bắt được quy luật và sáng tạo thì sẽ thành công. Ngược lại, sẽ bị đổ bể.

Chị Thái Hương đã làm được việc đó, một con người nắm bắt quy luật rất tốt và có sự sáng tạo trong thực tiễn triển khai các chiến lược.

Công thức thành công đúc rút từ câu chuyện của TH, đó là kết hợp nguồn tài nguyên thiên nhiên Việt, trí tuệ Việt với công nghệ hàng đầu của thế giới, khoa học quản trị ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 và trái tim Việt Nam.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 20.

 

- Thưa Trung tướng, chuyến bay vào vũ trụ chứng minh rằng, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn nhưng với sự hợp tác quốc tế, chúng ta có thể tiến xa, tiến vững chắc trên con đường chinh phục khoa học kỹ thuật. Câu chuyện của TH đầu tư vào Nga cũng vậy. Nhưng vì sao sau ông, và sau chị Thái Hương, chúng ta vẫn chưa có được nhiều người làm được điều tương tự?

Anh hùng Phạm Tuân: Riêng tôi thì chiều hướng có khác một chút. Ngày xưa, Việt Nam và Liên Xô có hợp tác chặt chẽ. Chúng ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa, nếu không có sự dẫn dắt, hợp tác của các nước anh em, thì mình không đi qua được.

Hiện tại, chúng ta vẫn đang trong thời kỳ quá độ đi lên.

Từ hành động của chị Thái Hương, tôi nghĩ vẫn có những người kế tiếp làm được điều tương tự. Nhưng muốn làm được nông nghiệp công nghệ cao thì phải tích tụ đủ các nguồn lực. Đặc biệt, người đi đầu phải có tư duy sáng tạo, có năng lực tài chính, có mối quan hệ...

Cho nên, đúng như bạn nói là khó khăn như vậy nên có nhiều người muốn làm nhưng không làm được.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 21.

 

Chị Thái Hương là người đi đầu và nắm bắt được cơ hội và từ cơ hội triển khai thành hiện thực. Đó là phẩm chất quan trọng hàng đầu của người lãnh đạo, nắm bắt cơ hội và biến cơ hội thành kết quả thực tế.

Trong chiến tranh, hai máy bay gặp nhau cùng một thời điểm nhưng anh phán đoán đúng và chớp thời cơ tấn công trước sẽ giành thắng lợi.

Chính vì thế, nói may mắn là nói vui thôi. Thực tế, anh nào chớp được thời cơ thì sẽ tiến xa. Mà muốn chớp được thời cơ thì phải có bản lĩnh. Bản lĩnh thể hiện trên hai mặt, đó là ý chí và cách làm.

Một ý chí mạnh mẽ cộng với năng lực hành động mới tạo thành bản lĩnh. Nếu chỉ có mong muốn mà không có năng lực, không biết cách hành động sẽ không thành công.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 22.

- Bản lĩnh của con người chị Thái Hương là gì, thưa ông?

Anh hùng Phạm Tuân: Có lẽ, điều mà tôi nhận thấy ở con người chị Thái Hương trước hết là một người có khát vọng lớn, khát vọng vì sự phồn thịnh của Tổ quốc.

Thông thường, khát vọng đầu tiên là làm cho mình rồi làm cho người khác. Nhưng ở đây, chị Thái Hương đã kết hợp hai khát vọng nhuần nhuyễn với nhau. Trong từng hành động, không chỉ thoả sức đam mê và sáng tạo của bản thân mà chị luôn hướng đến cộng đồng, đến đất nước và dân tộc Việt Nam.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 23.

Không ai đi kinh doanh chỉ nghĩ rằng làm cho Nhà nước, tạo ra của cải cho xã hội. Nhưng nếu như ai cũng chỉ làm cho mình thì cũng không được. Kết quả phải được phân phối chia cho mình và cho xã hội.

Tôi khát vọng, tôi làm ra lợi nhuận nhiều hơn thì tôi cũng được nhiều hơn và Nhà nước, xã hội cũng được nhiều hơn.

Chị Thái Hương kinh doanh lãi thì đem ra đầu tư thêm và đi làm từ thiện… Tôi biết chị ấy từ hồi mới làm ngân hàng rồi rẽ sang đi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Lĩnh vực này chưa chắc đã có lãi và nếu có thì cũng còn lâu lắm. Nhưng đó là hành động xoay vòng đầu tư phát triển và đem lại sản phẩm nông nghiệp sạch cho Việt Nam để người dân được hưởng lợi, phấn khởi và tự hào.

Hiện nay, sản phẩm sữa của TH đã chiếm hơn 40% thị phần của Việt Nam. Thị phần lớn nhưng lợi nhuận chưa nhiều, bởi còn phải phân phối cho đầu tư phát triển, cho nhân công, cho nghiên cứu để tiếp tục tạo ra những sản phẩm mới chất lượng hơn.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 24.

Mỗi người chọn cho mình một cách đi, nhưng làm sao để hài hoà được về phương diện lợi ích như chị Thái Hương thì chưa nhiều, và điều đó được nhân dân đón nhận, xã hội biểu dương, đó là phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng.

Làm được điều đó, phải có khát vọng lớn lắm, đặt biệt là phải có cái tâm trong sáng, vì cộng đồng, vì đất nước.

Khi chị Thái Hương làm ngân hàng thì nhân dân không biết tới nhiều, nhưng làm công nghệ sạch, mang lại lợi ích cho người dân thì mọi người đều biết và chào đón.

- Như ông nói thì có thể thấy rằng, bản lĩnh của một doanh nhân dân tộc trên thương trường là không chạy theo lợi nhuận mà đánh rơi ý nghĩa cốt lõi của kinh doanh?

Anh hùng Phạm Tuân: Từ khi khởi dựng và phát triển, tôi thấy chị Thái Hương luôn dẫn dắt TH theo đúng giá trị cốt lõi là “hài hòa lợi ích”.

Như tôi nói ở trên, ở phương diện tài chính, TH không đặt vấn đề tối ưu hóa lợi nhuận lên hàng đầu, mà luôn thực hiện hài hòa lợi ích, trong đó có lợi ích của doanh nghiệp, của cộng đồng và của người dân.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 25.

 

TH sẵn sàng chấp nhận thời gian hòa vốn dài hơn để đổi lại bài toán phát triển bền vững dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường.

- Chị ấy cũng là người thúc đẩy thay đổi bản chất ngành sữa Việt Nam, minh bạch hóa thị trường sữa - vì quyền lợi của người tiêu dùng?

Anh hùng Phạm Tuân: Đây là vấn đề lớn mà tôi chỉ biết rằng, TH là đơn vị đầu tiên của ngành sữa được phép ghi trên bao bì là “Sữa tươi sạch”, đồng thời là đơn vị tiên phong ghi rõ xuất xứ nguồn nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm, trong bối cảnh người tiêu dùng còn chưa được thông tin rõ ràng về khái niệm sản phẩm “sữa dạng lỏng”, chưa phân biệt rõ ràng giữa sữa tươi và sữa hoàn nguyên (pha lại từ sữa bột) trên thị trường sữa Việt Nam.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 26.

 

Thực tế, sự vào cuộc của TH đã thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến sữa phải cạnh tranh về chất lượng và quan tâm đến chăn nuôi bò sữa để phát triển nguyên liệu sữa tươi phục vụ sản xuất. Sự ra đời của TH đã giúp phát triển ngành chăn nuôi bò sữa trong nước, tăng nhanh tỷ lệ đàn bò sữa của Việt Nam, đồng thời giảm tỷ lệ sữa bột pha lại trên thị trường Việt Nam.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 27.

Với sự đấu tranh của cá nhân chị Thái Hương và TH, chúng ta đã thấy sự cần thiết phải điều chỉnh chính sách để minh bạch hóa tên gọi của các sản phẩm sữa trên thị trường.

Điều đó không chỉ giúp người tiêu dùng mua và hiểu đúng từng loại sữa, minh bạch hóa tên gọi sản phẩm sữa còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế, lợi ích cho ngành sữa, giúp sản phẩm sữa Việt Nam hội nhập quốc tế.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 28.

- Thực tế, sữa nước dạng lỏng chế biến từ sữa bột, hoặc sữa bột pha với nước thêm một phần sữa tươi hiện được gọi dưới tên chung là: “Sữa tiệt trùng”. Ít người tiêu dùng biết điều này và thường nhầm lẫn sữa tiệt trùng là sữa tươi, coi tất cả các sản phẩm sữa dạng lỏng đều là sữa tươi. Vẫn còn ít người biết rằng, chất lượng sữa được quyết định bởi yếu tố nguyên liệu đầu vào hơn là công nghệ chế biến, bởi vậy yếu tố sữa bột hay sữa tươi và quy trình chăn nuôi bò sữa như thế nào là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng các sản phẩm sữa.

Anh hùng Phạm Tuân: Bản thân chị Thái Hương và TH đi tiên phong trong việc minh bạch quy trình và chiến lược kinh doanh. Tôi thì không biết nhiều lắm về công nghệ này, nhưng với sự tiên phong của TH, sản phẩm chế biến từ sữa tươi trên thị trường Việt Nam đã tăng nhanh.

Thị hiếu tiêu dùng đã chuyển dần từ sử dụng sữa bột (với nhiều chất bổ dưỡng bị mất đi vì qua hai lần xử lý nhiệt) sang sử dụng sữa tươi vẹn nguyên chất dinh dưỡng từ thiên nhiên, tốt hơn cho tầm vóc và sức khỏe của thế hệ tương lai của đất nước.

- Đằng sau khát vọng đó của chị Thái Hương là điều gì, thưa ông?

Trung tướng Phạm Tuân: Tôi không tiếp xúc nhiều nhưng tôi thấy ở con người chị Thái Hương nổi lên khát vọng làm sao để cho nhân dân ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 29.

Chị ấy làm nông nghiệp sạch để nhân dân ta được sử dụng những sản phẩm tốt hơn cho sức khoẻ và trí lực. Và từ đó, chị Thái Hương có những quyết đoán trong bước đi đầu tư của mình. Không chỉ đầu tư ở Việt Nam hay Nga, chị Thái Hương còn đầu tư một trang trại rất lớn bên Úc.

Ở bên Nga, khi tôi sang thì nhiều người Nga giới thiệu luôn về sữa TH của Việt Nam, họ rất thích. Ngày xưa, họ không quan tâm tới sữa của Việt Nam, nhưng giờ họ bắt đầu dùng và thích thú.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 30.

- Tôi cảm nhận được, ý chí và hành động của ông hay của chị Thái Hương, cũng đều xuất phát từ một điều thật giản dị: Vì đất nước, vì nhân dân…

Anh hùng Phạm Tuân: Tôi thấy mình thật may mắn vì đã đi hết chiến tranh mà vẫn còn lành lặn để hưởng không khí hòa bình.

Ngay như việc ba lần được phong Anh hùng, tôi rất vinh dự và tự hào khi được nhận những nhiệm vụ trọng đại mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nhờ có tập thể, nhờ có nhân dân, nhờ có đồng chí, đồng đội, tôi đã vượt qua khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ. Danh hiệu anh hùng thuộc về nhân dân, về đồng chí, đồng đội mà mình chỉ là người thực hiện mà thôi.

Chị Thái Hương mà tôi biết cũng vậy. Chị ấy quan niệm, sống phải có ước mơ, khát vọng, điều đó tạo sức mạnh tinh thần to lớn cho một doanh nghiệp, một đất nước.

Anh hùng Thái Hương: Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”- Ảnh 31.

 

Trong mỗi hành động của chị Thái Hương đều chứa đựng khát vọng tự hào, ý thức và trách nhiệm cần phải làm điều gì đó có ý nghĩa với nơi đã nuôi dưỡng mình lớn lên, trưởng thành. Quê hương, đất nước, Tổ quốc đã “nâng cánh cho mình bay”.

- Trân trọng cảm ơn Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân về cuộc trò chuyện thú vị này! “Po-ê-kha-li!’ – Lên đường thôi! Kính chúc ông và doanh nhân Thái Hương luôn giữ được tinh thần đó!

Nguyễn Thành Công
12/10/2021 06:06
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top