Aa

Áp lực hiện hữu, song CPI năm 2021 có thể giữ ở mức 4%

Chủ Nhật, 06/06/2021 - 07:00

Giá xăng dầu, sắt thép, thức ăn chăn nuôi… tăng khá mạnh, nhưng tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 và 5 tháng đầu năm lại thấp nhất kể từ năm 2016.

Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, dù áp lực lạm phát vẫn hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm, song mục tiêu giữ CPI bình quân năm 2021 khoảng 4% là có thể thực hiện được.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

PV: Thưa ông, nền kinh tế không chỉ “nóng” bởi làn sóng Covid-19 thứ tư, mà còn bởi sự tăng giá của hàng loạt mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện nước, sắt thép, thức ăn chăn nuôi… Ông có thể chỉ ra những yếu tố tác động tới sự tăng giá các mặt hàng này?

Ông Nguyễn Trung Tiến: Giá điện, nước sinh hoạt tăng do nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mùa hè, cùng với đó, thực hiện phòng chống Covid-19, một bộ phận người lao động và học sinh, sinh viên phải làm việc, học tập trực tuyến, nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng, khiến giá điện, nước tăng.

Tuy nhiên, cần phải nói rõ, giá bán lẻ điện - mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá - không tăng, EVN giảm giá bán điện nhằm hỗ trợ một phần để người dân vượt qua khó khăn do Covid-19. Như vậy, về lý thuyết thì giá điện giảm, nhưng trên thực tế lại tăng vì giá điện tính theo bậc thang, sử dụng càng nhiều, thì giá điện bình quân càng tăng, nên giá điện trong tháng 5 tăng tới 2,54%. Tương tự, giá nước sạch sinh hoạt cũng tăng 1,27%.

Thời gian vừa qua, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới. Trong tháng 5, giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh 2 lần, góp phần làm tăng giá sản phẩm, hàng hóa sử dụng xăng dầu trực tiếp.

Tương tự, giá nguyên liệu trên thế giới tăng cao, cùng với nhu cầu xây dựng trong nước tăng, khiến giá nguyên liệu đầu vào sản xuất sản phẩm gang, sắt, thép 5 tháng đầu năm 2021 tăng 7,76%.

PV: Là đầu vào của sản xuất, kinh doanh, nên biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu chắc chắn tác động đến CPI, nhưng theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, thì CPI tháng 5 và 5 tháng đầu năm lại tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Ông giải thích thế nào về điều này?

Ông Nguyễn Trung Tiến: Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 và thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (tăng 4,47%) và năm 2020 (tăng 4,39%). Tháng 5/2021, CPI chỉ tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh một số nguyên nhân làm tăng CPI, có nhiều nguyên nhân làm giảm CPI, khiến CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Cụ thể, giá các mặt hàng thực phẩm giảm, đặc biệt là giá thịt lợn, thịt gà. Bên cạnh đó, Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, trong đó có gói hỗ trợ của EVN giảm giá điện cho khách hàng (lần thứ hai). Theo đó, giá điện sinh hoạt bình quân 5 tháng đầu năm 2021 giảm 4,56% so với cùng kỳ năm 2020, tác động làm CPI giảm 0,15%.

Do Covid-19, nên người dân hạn chế đi lại, tập trung đông người, khiến nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ không cao, giá vé tàu hỏa, máy bay, dịch vụ du lịch đều giảm..., vì thế, tác động của việc tăng giá xăng dầu tới CPI tháng 5 và 5 tháng đầu năm nay cũng không lớn.

Giá thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản 5 tháng tăng 4,09% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, những nhóm hàng này có quyền số tính CPI hay tỷ trọng chi tiêu trong tổng chi tiêu của dân cư rất thấp, chỉ chiếm 2,03%, nên tác động làm tăng CPI chỉ có 0,02%.

PV: Nhưng vẫn có một số ý kiến nghi ngờ về CPI tháng 5 và 5 tháng đầu năm nay…

Ông Nguyễn Trung Tiến: Tổng cục Thống kê khẳng định, số liệu về CPI phản ánh sát với biến động giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới. 

Phương pháp tính CPI của Việt Nam áp dụng từ năm 1995 đến nay theo đúng hướng dẫn của Tổ chức Lao động quốc tế. Đây cũng là chuẩn mực được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng. Hàng năm, Quỹ Tiền tệ quốc tế đều cử chuyên gia đến Việt Nam rà soát và đánh giá nguồn thông tin, phương pháp tính, mặt hàng đại điện và quyền số dùng để tính CPI theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Nhiều tổ chức quốc tế khác cũng sử dụng số liệu CPI của Tổng cục Thống kê trong các báo cáo và đánh giá phương pháp tính CPI của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

PV: Vậy việc kiểm soát lạm phát trong năm nay có gặp áp lực gì không, thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Tiến: Theo tôi, áp lực lạm phát năm 2021 vẫn hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm do một số yếu tố chủ yếu sau.

Thứ nhất, triển vọng kinh tế toàn cầu được dự báo khả quan trong năm nay, do việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đã và đang được khẩn trương triển khai trên toàn thế giới. Ở trong nước, hoạt động sản xuất, thương mại dịch vụ từng bước sôi động trở lại, khiến nhu cầu về vốn, nguyên nhiên vật liệu tăng lên. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tăng sẽ đẩy mặt bằng giá lên và tạo áp lực lên lạm phát.

Thứ hai, giá nguyên - nhiên vật liệu trên thế giới tăng mạnh, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao. Dự báo, giá dầu Brent bình quân năm 2021 tăng 40% so với năm 2020, nên giá xăng dầu trong nước năm nay có thể tăng khoảng 25%, tác động làm CPI cả năm tăng 0,9 điểm phần trăm.

Thứ ba, các nước tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng để phục hồi kinh tế tạo thành yếu tố cầu kéo, đẩy giá cả hàng hóa cơ bản đi lên.

Mặc dù vậy, với kinh nghiệm điều hành của Chính phủ trong kiểm soát lạm phát những năm vừa qua, chúng tôi tin rằng, mục tiêu giữ CPI bình quân năm 2021 khoảng 4% là có thể thực hiện được./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top