Aa

Áp lực lạm phát đầy lãi suất tiết kiệm tăng dần

Thứ Ba, 05/07/2022 - 06:48

Nhiều ngân hàng đồng loạt nâng lãi suất huy động, trong đó có sự gia nhập cuộc đua của Agribank, mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường hiện nay là 7,55%/năm thuộc về SCB.

Lãi suất tiết kiệm tăng 0,3 - 0,6%

Những ngày đầu tháng 7/2022, lãi suất ngân hàng ngày càng tăng cao trước áp lực lạm phát và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất.

Nhiều ngân hàng đồng loạt nâng lãi suất huy động, trong đó có cả sự nhập cuộc đua của các ngân hàng quốc doanh - vốn dĩ ổn định mặt bằng lãi suất huy động lâu nay, đẩy mức lãi suất tại nhiều nơi đã vượt lên trên 7%/năm.

Cụ thể, tại Agribank lãi suất huy động các kỳ hạn 12 tháng - 24 tháng đã thêm 0,1 điểm % lên 5,6%/năm. BIDV cũng điều chỉnh tăng 0,1 điểm % lãi suất ở tất cả các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, cố định ở mức 5,6%/năm. 

Nhưng đáng chú ý tại nhiều ngân hàng cổ phần, nhất là đối với các nhà băng quy mô vừa và nhỏ đã nâng lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân lên trên 7%/năm và SCB đang trả mức lãi suất tối đa lên tới 7,55%/năm nếu khách hàng gửi online.

Vì thế, không ít khách hàng đã chọn hình thức gửi tiết kiệm online để hưởng mức lãi suất cao hơn so với tại quần 0,25% mà không phải đến ngân hàng.

Thực tế cho thấy, lãi suất tiết kiệm ngân hàng đã có xu hướng tăng liên tục trong nửa đầu năm 2022, với mức tăng phổ biến trong khoảng 0,5 - 1,5% so cuối năm 2021. Trong đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm online tại nhiều ngân hàng vượt 7%/năm.

Chẳng hạn, tại SCB lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng nhà băng này áp dụng hiện nay là 7,3%/năm, còn nếu gửi online, người gửi tiền tại SCB sẽ được cộng thêm 0,15 - 0,3% tùy kỳ hạn, nâng lãi suất tối đa lên tới 7,55%/năm.

Tại Nam A Bank, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng 6,5%/năm và 6,7%/năm với kỳ hạn 18 - 23 tháng, nhưng nhà băng này lại chấp nhận chi trả mức lãi suất cao hơn 0,7% nếu khách hàng gửi online.

Nhưng nếu gửi online, mức lãi suất khách hàng nhận được tại ngân hàng này sẽ là 7,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng và tối đa 7,4%/năm với kỳ hạn trên 16 tháng trở lên.

VietABank hiện cũng trả lãi suất tiền gửi online ở mức 6,95%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 7,2%/năm với kỳ hạn 15 tháng trở lên. Còn gửi tiết kiệm tại quầy, ngân hàng chỉ đưa ra mức lãi suất tương tự ở mức 6,6%/năm và 6,9%/năm.

Kienlongbank cũng đang trả lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất 7,3%/năm, áp dụng với các khoản gửi 36 tháng. Ở các kỳ hạn thấp hơn, mức lãi suất 7,2%/năm với kỳ hạn 24 tháng; 7%/năm với 18 tháng; 6,95%/năm với 15 tháng và 6,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng...

Số liệu từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong tháng 5 lãi suất huy động nhích tăng tại các ngân hàng thương mại cổ phần với mức tăng trung bình 0,1 - 0,2%, mức tăng cao nhất cá biệt tại kỳ hạn 12 tháng với mức tăng 70 điểm. Lãi suất huy động đã tăng 0,3 - 0,6 điểm% kể từ đầu năm đến nay.

Sẽ còn tăng trong nửa cuối năm 2022

Theo nhận định từ giới phân tích, chính sách lãi suất của Fed, lạm phát và nhu cầu tín dụng phục hồi đang ngày càng tạo ra những áp lực lớn lên lãi suất tiền đồng. 

So với cuối năm 2021, USD đã tăng giá thêm 9,44% và khiến cho phần lớn các đồng tiền khác đều có diễn biến giảm. VND - một trong những đồng tiền có diễn biến ổn định nhất so với USD, cũng đã mất giá 1,74% so với cùng kỳ năm trước.  

Trong 5 tháng đầu năm nay, các ngân hàng trung ương trên thế giới đang có xu hướng nâng lãi suất và áp lực ngày càng tăng trong những tháng đầu năm 2022.

Trong năm 2021, có 113 lượt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong khi 5 tháng đầu năm nay, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã có có 144 lượt tăng lãi suất.

Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), chính những yếu tố trên tạo nên áp lực tăng lãi suất mạnh lên các ngân hàng. 

VNDirect dự báo đến cuối năm 2022, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng do lãi suất tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng cao. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 6-6,2%/năm vào cuối năm nay. 

Các chuyên gia của VNDirect nhận định, quyết định tăng lãi suất của Fed nếu theo lộ trình sẽ tăng tiếp từ nay đến cuối năm 2022 có thể sẽ có tác động lớn đến kinh tế Việt Nam.

Cùng với đó, theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), tính đến thời điểm 20/6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51%, cao hơn nhiều so với mức 5,47% cùng kỳ năm trước.

Mức tăng trưởng tín dụng gấp đôi so với mức tăng trưởng huy động trong nửa đầu năm là một trong những nguyên nhân gây áp lực lên lãi suất tiền gửi. 

Chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực cho biết, lãi suất huy động có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, do áp lực lạm phát và người dân vẫn muốn chuyển dịch kênh đầu tư.

Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng tiền gửi, khiến cho áp lực lãi suất đầu vào cũng như lãi suất cho vay tăng cao.

Theo TS. Lực, lạm phát Việt Nam đang gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đang rơi vào thế khó. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Nếu lạm phát tăng cao thì mặt bằng lãi suất khó tiếp tục duy trì đc ở mức thấp như hiện nay.

Trước đó, tại phiên chất vấn Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, chính sách điều hành lãi suất trong 5 tháng đầu năm chịu áp lực lớn từ những yếu tố từ bên ngoài như lạm phát và chính sách tiền tệ từ các nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, dù lạm phát 5 tháng đầu năm vẫn trong mức kiểm soát (2,25%), song Ngân hàng Nhà nước nhận định, áp lực lạm phát nửa cuối năm và năm 2023 là rất lớn, do độ mở của nền knh tế cao. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước tỏ ra thận trọng với nới room tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top