CTCK Vietcombank (VCBS) vừa đưa ra một kịch bản tín dụng cho năm 2018. Trong đó, công ty này dự báo tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 18% và đây vẫn là mức tăng trưởng tốt và có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của toàn ngành Ngân hàng. Động lực chủ yếu đến từ quy mô nền kinh tế mở rộng giúp cầu tiêu dùng lớn hơn.
Cầu tín dụng cá nhân chủ yếu là tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh (tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tính đến cuối tháng 11/2017 ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016).
Đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đã gia tăng đáng kể so với những năm trước, đặc biệt số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ mỗi năm tăng khá (số doanh nghiệp được thành lập mới trong 11 tháng đầu năm 2017 đạt 116 nghìn doanh nghiệp, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước).
Mặt khác, nguồn lực dành cho tín dụng cũng được hỗ trợ đáng kể. Các thay đổi tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu đã tạo kỳ vọng cho việc khơi thông dòng vốn, giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để đẩy mạnh tín dụng.
Nhiều chính sách hỗ trợ điển hình như việc NHNN nâng tỷ lệ tối đa cho phép vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn từ 40% lên 45% áp dụng từ 1/1/2018 sẽ giúp các ngân hàng có sự linh hoạt.
Trong nửa đầu 2018, VCBS nhận định lãi suất huy động sẽ được duy trì ổn động nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ như: Tỷ giá ổn định nhờ dự trữ ngoại hối ở mức cao; Lạm phát vẫn sẽ được kiểm soát chặt chẽ; Thay đổi tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu sẽ giúp khơi thông nguồn vốn, giảm chỉ phí huy động của các ngân hàng.
Tuy nhiên, áp lực tăng lãi suất huy động có thể sẽ quay trở lại trong nửa cuối năm. Theo đó, NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) của hệ thống khó có thể được cải thiện trong 2018 do các nguyên nhân: lãi suất cho vay sẽ được duy trì thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cạnh tranh lãi suất trong nửa cuối năm khi hệ thống đẩy nhanh tín dụng; cải thiện cấu trúc vốn để đáp ứng các tỉ lệ an toàn theo quy định của thông tư 06 (tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa là 45%).
Ngành ngân hàng sẽ phải chịu sức ép tăng vốn
Phân khúc bán lẻ có nhiều lợi thế nhất định, do vậy, thị trường bán lẻ được đánh giá là phân khúc tiềm năng chưa được khai thác của ngành Ngân hàng.
Tín dụng tiêu dùng đạt mức tăng trưởng nhanh trong nhiều năm trở lại đây. Tính đến tháng 11/2017, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng 16% trên tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9% (cuối năm 2016 là 49,5%).
Thị trường tiêu dùng dự báo sẽ tiếp tục được mở rộng trong những năm tiếp theo nhờ việc: Tăng trưởng từ ngành dịch vụ bán lẻ hàng năm lên tới 14%; biên lợi nhuận cao nhờ chênh lệch lớn giữa lãi suất đầu vào và đầu ra; và rủi ro được giảm thiểu tối đa nếu tập trung vào hệ thống thu nợ và quản trị rủi ro.
Năm 2018, hàng loạt chính sách mới có thể được đưa ra nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng. Các NHTM tiếp tục đẩy mạnh việc huy động vốn để cải thiện các chỉ số an toàn. Trong đó có sửa đổi cấu phần tính vốn cấp 2 bằng việc loại trừ phần nợ thứ cấp do TCTD khác phát hành và tăng hệ số rủi ro khi tính CAR (tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu) đối với các khoản phải đòi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác từ 20% lên 50%.
Việc sửa đổi cách tính cũng có thể dẫn đến hệ số CAR của hệ thống sẽ tiếp tục gặp áp lực. Do vậy, theo VCBS, nhu cầu tăng vốn để cải thiện hệ số CAR sẽ là vấn đề cấp bách đối với ngành ngân hàng trong 2018.