Aa

Áp lực trong bối cảnh Covid-19, thị trường bất động sản vẫn thích ứng với nhiều triển vọng

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 17/09/2021 - 06:00

Thị trường bất động sản gặp áp lực trước diễn biến khốc liệt của làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Tuy nhiên, các phân khúc vẫn hứa hẹn tăng trưởng trở thành kênh hút vốn hậu đại dịch.

Thị trường bất động sản vốn đã gặp khó khăn từ trước khi dịch bùng phát. Hơn 1,5 năm qua, dưới tác động tiêu cực của Covid-19, thị trường ngày càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá, ngay cả khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thị trường vẫn có nhiều thông tin tích cực, sẽ tạo cơ sở cho sự phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch được kiểm soát. Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội về sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường.

PV: Ông đánh giá như thế nào về thị trường bất động sản từ đầu năm 2021 đến nay? Những điểm sáng nào cho thấy thị trường bất động sản vẫn là kênh đầu tư triển vọng?

Ông Matthew Powell: Thị trường đang cho thấy các tín hiệu tích cực và giữ được mức độ tự tin nhất định về triển vọng phục hồi cũng như phát triển trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Các lợi thế cơ bản của Việt Nam vẫn được giữ vững, bằng chứng là nhu cầu dành cho bất động sản theo chúng tôi ghi nhận hiện nay là không hề giảm, thậm chí còn ở khá tốt, đặc biệt trong thời kỳ giãn cách xã hội. Những nhu cầu này đến từ các nhà đầu tư cá nhân, các chủ đầu tư và các nhà bán lẻ, họ đang tận dụng khoảng thời gian này để chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch kinh doanh sau khi thị trường được mở cửa trở lại và phục hồi. 

Do đó, dù thời điểm hiện tại có những hạn chế nhất định nhưng các doanh nghiệp đang sử dụng thời gian này để chuẩn bị cho quá trình mở cửa lại thị trường, để các hoạt động có thể trở lại trạng thái bình thường nhanh nhất có thể.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội

Hơn nữa, kết quả kinh tế vĩ mô tích cực trong 6 tháng đầu năm góp phần thúc đẩy triển vọng thị trường, tăng trưởng GDP tăng 5,6% với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 15,3 tỷ USD. Do đó, doanh nghiệp hiện vẫn duy trì được mức độ tự tin, đặc biệt các khách thuê lớn với chiến lược kinh doanh dài hạn có thể sẽ lên kế hoạch mở rộng văn phòng. 

Một điều thú vị là các doanh nghiệp bán lẻ vẫn giữ cái nhìn tích cực về cơ hội tại thị trường Việt Nam sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Vì vậy, chúng ta rõ ràng không hề thấy nhu cầu ít đi hay chậm lại mà các doanh nghiệp chỉ đang trở nên thận trọng hơn trong thời điểm này.

PV: Theo ông, trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp bất động sản cần có những giải pháp như thế nào để duy trì và thích ứng?

Ông Matthew Powell: Tôi cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp chuẩn bị cho chiến lược kinh doanh trong thời gian tới. Cho tới hiện tại thì hầu hết mọi người đều đã quen với việc làm việc tại nhà, nên đối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thì nhiều hoạt động kinh doanh vẫn được diễn ra. Duy chỉ có một số hoạt động liên quan đến mở bán các dự án nhà ở hiện vẫn đang được các chủ đầu tư cân nhắc.

Trong những thời điểm khó khăn này, các nhà đầu tư thường sẽ tập trung nhiều vào chất lượng xây dựng và đầu tư dài hạn thay vì các khoản đầu tư nhiều rủi ro. Do đó, thị trường bất động sản nhà ở tại Hà Nội đang ghi nhận sự phát triển mới trong phân khúc nhà ở có thương hiệu. Đây hiện được xem là phân khúc mà các nhà đầu tư có thể thực sự tin tưởng, nhờ chất lượng được khẳng định từ các thương hiệu phát triển và vận hành, đồng thời là tiềm năng sinh lời trong tương lai.

Thêm vào đó, người mua nhà hiện nay cũng chú trọng đến những dự án đa dạng trong tiện ích dịch vụ và đồng thời cung cấp nhiều không gian xanh, nơi họ có thể sống, làm việc, vui chơi và tận hưởng môi trường. Vì vậy, đây là một hướng đi lâu dài cho dự án, các chủ đầu tư cần tập trung phát triển quy hoạch dự án đồng bộ và tập trung vào chất lượng dự án để đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu của người mua.

PV: Ông có kỳ vọng như thế nào về sự tăng trưởng của từng phân khúc bất động sản hậu dịch Covid-19?

Ông Matthew Powell: Tôi cho rằng, chúng ta có thể giữ tầm nhìn lạc quan đối với tình hình thị trường trong những tháng cuối năm, khi việc tiêm chủng được tiến hành trên diện rộng. Trong những thời điểm khó khăn này, các nhà đầu tư thường sẽ tập trung nhiều vào chất lượng dự án và đầu tư dài hạn thay vì các khoản đầu tư nhiều rủi ro. Do đó, thị trường bất động sản nhà ở tại Hà Nội đang ghi nhận sự phát triển mới trong phân khúc nhà ở có thương hiệu.

Đây hiện được xem là phân khúc mà các nhà đầu tư có thể thực sự tin tưởng, nhờ chất lượng được khẳng định từ các thương hiệu phát triển và vận hành, đồng thời là tiềm năng sinh lời trong tương lai.

Bên cạnh đó, một khi cơ sở hạ tầng được phát triển, thị trường sẽ chào đón thêm nhiều bất động sản khu vực xung quanh đô thị lõi hơn. Thêm vào đó, xu hướng hiện nay là mọi người muốn tìm kiếm một phong cách sống, một không gian sống xanh, ít tiếng ồn với lối sống lành mạnh giúp hỗ trợ sức khỏe.

Thị trường cũng vì vậy ghi nhận nhu cầu gia tăng cho dự án dân cư diện tích lớn đi kèm các tiện ích sinh hoạt, thể thao, tích hợp với không gian xanh. Đối với vùng ven, khu vực phía Tây hứa hẹn là điểm đến đầu tư giàu tiềm năng nhờ sự hỗ trợ về hạ tầng.

Hàng loạt dự án bất động sản quy mô phía Tây Hà Nội đã hình thành và đưa vào sử dụng.
Hàng loạt dự án bất động sản quy mô phía Tây Hà Nội đã hình thành và đưa vào sử dụng. 

Đối với căn hộ dịch vụ, thị trường này có nhiều kỳ vọng tăng trưởng khi nhu cầu quay trở lại Việt Nam làm việc của lao động nước ngoài sẽ tăng và chủ yếu là nhóm lao động kỹ thuật cao, chuyên gia có kinh nghiệm quản lý và đã được cấp phép lao động hoặc đủ điều kiện để cấp giấy phép. 

Đặc biệt khi Việt Nam đang thí điểm giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày cho những người tiêm đủ liều vắc xin từ tháng 7/2021. Tính đến tháng 6/2021, các nước có lượng đầu tư cao nhất tại miền Bắc đang gia tăng tỷ lệ tiêm mũi vắc xin thứ hai, bao gồm Singapore (36% tổng số dân), Trung Quốc (16%), Nhật Bản (12%) và Hàn Quốc (10%).

Chúng ta cũng có nhiều hy vọng cho sự trở lại của ngành du lịch khi việc triển khai vắc xin sẽ giúp du lịch quốc tế được mở cửa. Các khách sạn quốc tế sẽ tiếp tục gia nhập thị trường, cung cấp gần 1.300 phòng tương đương với 48% nguồn cung tương lai, bao gồm những thương hiệu lớn như Eastin, Grand Mercure, Fairmont, Four Seasons, Lotte, Dusit và Wink”.

Trao đổi với Savills, nhiều nhà đầu tư quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm tới phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và khách sạn chất lượng cao, đối với cả các dự án đang hoạt động hoặc đang trong quá trình phát triển. Sở dĩ có sóng đầu tư này vào thị trường là bởi các nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn về tiềm năng phục hồi của thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam sau dịch, khi tình hình được kiểm soát và các hoạt động phục vụ khách du lịch nội địa và quốc tế được mở cửa trở lại.

Ngoài ra, kế hoạch của Việt Nam trong việc thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin ở Phú Quốc và Quảng Ninh là một bước quan trọng để chào đón du khách quốc tế quay trở lại đất nước. Tuy nhiên, các khách sạn cũng cần có sự chuẩn bị thật tốt nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng đột biến một khi du lịch trở lại.

Đối với triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam, đặc biệt tại các trung tâm thương mại, vừa qua có thể thấy sự nâng cấp và phát triển đi lên rất rõ của thị trường này, lấy ví dụ việc các cửa hàng Uniqlo, Zara lần lượt xuất hiện. Những thương hiệu thời trang này đang thu hút một lượng lớn các khách hàng tại các phân khúc khác nhau. Một cửa hàng Uniqlo có thể rộng trên 5.000 m2, đáp ứng đầy đủ các loại thời trang từ trẻ em đến người lớn, nam và nữ.

Các nhà bán lẻ như vậy đang hoạt động rất tốt ở Việt Nam. Tôi cho rằng, bán lẻ tại Việt Nam cũng đang đón nhận mô hình phát triển mới tương tự với các nước trên thế giới, đó là sự bùng nổ của các loại hình giải trí, F&B và e-Sport tại các trung tâm thương mại. Các trung tâm thương mại trong tương lai sẽ rất khác so với 5 - 10 năm trước.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top