Theo báo cáo gần đây nhất vào đầu năm 2018 của VCCI, số doanh nghiệp FDI báo lỗ lên tới 37,9%. Những năm trước, con số mà VCCI đưa ra cũng dao động ở khoảng 40 – 50%. Nghịch lý là dù báo lỗ nhưng các công ty đa quốc gia này vẫn liên tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực trạng này đã đặt ra cảnh báo về nạn chuyển giá ngày càng trở nên phức tạp trong khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Trước vấn nạn đó, cuối tháng 2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2017.
Kể từ khi chính thức đi vào thực tiễn, Nghị định 20 được ví như chiếc “vòng kim cô” để ngăn chặn nạn chuyển giá tại các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên sau hơn 1 năm có hiệu lực, không ít doanh nghiệp nội lại bị vạ lây từ Nghị định này, đặc biệt là tác động từ khoản 3, điều 8 liên quan tới quy định áp trần lãi vay 20%.
Áp trần lãi vay: Kinh nghiệm trên thế giới
Những quy định mà Nghị định 20 đưa ra dựa trên thông tin tham khảo và áp dụng theo hướng dẫn của OECD và Hành động số 4 của Diễn đàn hợp tác triển khai chống sói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp khung tỷ lệ nhóm như theo hướng dẫn của OECD và vẫn áp dụng tỷ lệ cố định 20% với công ty có EBITDA (lợi nhuận trước thuế và lãi vay) lớn hơn 20% có thể khiến việc kiểm soát và quản lý chính sách giá của các cơ quan chức năng có liên quan gặp khó khăn trong việc đánh giá.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xem xét áp dụng khuyến nghị của BEPS về mức trần lãi vay cho các tập đoàn đa quốc gia. Con số áp trần lãi vay tại Pháp là 25% (mỗi năm phải giảm 5% sau năm tính thuế đầu tiên)…
Trong khi đó,Đức áp dụng mức giới hạn chi phí lãi vay lên tới 30%. Quy định này thực hiện cho các công ty có liên kết và các bên độc lập, thậm chí tính cả cho khoản vay tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các công ty liên kết có lãi vay ròng với giá trị dưới 1 triệu euro/năm không bị áp giới hạn chi phí lãi vay này.
Tại Nhật Bản, con số chi phí lãi vay được đánh giá là “cởi mở” hơn khi mức quy định lên tới 50%. Tuy nhiên, điểm khác biệt, Nhật Bản chỉ đánh thuế trên mức chi phí lãi vay ròng.
Ví dụ như sau, công ty mẹ vay 100 đồng từ ngân hàng với lãi suất 10%. Sau đó, công ty mẹ cho công ty con vay lại 100 đồng nhưng với lãi suất 11%. Như vậy công ty mẹ phải trả lãi cho ngân hàng là 10 đồng nhưng thu từ công ty con về 11 đồng. 1 đồng được gọi là lãi vay ròng. Đây là khoản tiền sẽ bị đánh thuế.
Nhưng tại Việt Nam, khoản tiền bị đánh thuế sẽ bao gồm cả 2 lần vay: lãi suất 10% của công ty mẹ và 12% của công ty con.
Giải pháp nào để chống chuyển giá?
Trước những bất cập lớn từ Nghị định 20 dẫn tới việc bội tăng tiền thuế từ việc áp trần lãi vay 20%, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên áp dụng phương án khống chế chi phí lãi vay bằng lãi vay ròng, không nhất thiết phải áp chi phí lãi vay thuần như hiện tại. Việc áp dụng cách tính này sẽ giúp các doanh nghiệp tránh rơi vào tình trạng nộp thuế trùng 2 lần đối với khoản chi phí lãi vay. Đặc biệt, đối với các công ty đứng ra làm trung gian cho vay vốn, giải pháp này không làm giảm khả năng sử dụng, quản lý cũng như điều tiết vốn vay.
Trước những bất cập lớn từ Nghị định 20 dẫn tới việc bội tăng tiền thuế từ việc áp trần lãi vay 20%, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên áp dụng phương án khống chế chi phí lãi vay bằng lãi vay ròng, không nhất thiết phải áp chi phí lãi vay thuần như hiện tại.
Ở góc nhìn khác, trả lời phỏng vấn Thời báo kinh tế Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang đã đưa ra đề nghị nhằm khắc phục sự bất hợp lý từ Nghị định 20. Vị lãnh đạo này cho rằng, cần phải sửa đổi đối tượng áp dụng phần chi phí lãi vay phát sinh không vượt quá 20% với hai đối tượng là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quan hệ liên kết qua biên giới và các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có giao dịch về vay vốn với các bên có quan hệ liên kết có mức thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau, chứ không khống chế đại trà như Nghị định 20.
Trong khi đó, bà Hương Vũ, Phó giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Vietnam) cho rằng: "Nghị định 20 có thể điều chỉnh theo hướng bù trừ thu nhập và chi phí lãi vay, lãi suất biến động, tỷ lệ nhóm; xem xét đặc thù cho các doanh nghiệp mới hoạt động/đầu tư mở rộng; xem xét tính đặc thù của tập đoàn là tổng công ty, mô hình hoạt động công ty mẹ - con... Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức khống chế cần phải được khảo sát và nghiên cứu thêm để phù hợp điều kiện cũng như các quy định khác tại Việt Nam”.