Aa

Áp trần lãi vay theo Nghị định 20: Liệu đã đúng đối tượng, đúng... phần trăm?

Thứ Sáu, 07/12/2018 - 06:00

Ở nước ta, có nhiều tập đoàn, tổng công ty có cùng một thuế suất thu nhập doanh nghiệp nên khả năng chuyển giá gần như là không có. Vậy trong trường hợp nhóm doanh nghiệp này không được ưu đãi thuế thì việc khống chế tỷ lệ lãi vay 20% đã hợp lý chưa? Liệu điều này có dẫn đến tình trạng “thui chột” mô hình “công ty mẹ - con” vì những rào cản của chính sách?

Mô hình công ty mẹ - con bị… ngành Thuế “đánh nhầm”

Cuối tháng 2/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Có hiệu lực từ 1/5/2017, Nghị định 20 được kỳ vọng là có thể hạn chế được tình trạng chuyển giá, tránh thuế thông qua các giao dịch giữa các doanh nghiệp có mối liên kết về sở hữu, quản trị… 

Với Nghị định 20, không chỉ các doanh nghiệp FDI - nhóm doanh nghiệp có nhiều nguy cơ tránh thuế, chuyển giá - bị đưa vào "vòng kiểm soát" mày ngay cả các doanh nghiệp nội đang hoạt động theo mô hình tập đoàn hiện đại (holding), bao gồm công ty mẹ - công ty con cũng không tránh khỏi "vạ lây". 

Với mô hình công ty mẹ - con, các tập đoàn muốn lớn mạnh sẽ phải mở rộng lĩnh vực hoạt động bằng cách góp vốn vào các công ty con với tỷ lệ trên 51%. Các công ty con để đầu tư dự án sẽ cần vốn. Tuy nhiên, vì mới thành lập, các đơn vị này không thể tự vay vốn từ bên ngoài mà phải nhờ đến công ty mẹ. Lúc này, công ty mẹ đóng vai trò "đầu mối" để huy động vốn vay từ các nguồn trong nước và nước ngoài, sau đó chuyển tiếp phần vốn này cho các công ty con. Mô hình này được đánh giá là tiên tiến và được các nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới áp dụng, bởi điều này vừa giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn, vừa tối ưu vì hoạt động điều phối sẽ được tập trung về một đầu mối là công ty mẹ. Các công ty con sẽ chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh.

An

Doanh nghiệp Việt liệu có bị “thui chột” mô hình “Công ty mẹ - con” vì những rào cản của Chính sách? Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc áp trần lãi vay tại khoản 3, điều 8 của Nghị định 20 lại đang làm khó cho cho mô hình công ty mẹ - công ty con trong nước, bởi quy định: Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần của hoạt động kinh doanh cộng với lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Bên cạnh đó, hướng dẫn của Nghị định 20 về khống chế chi phí lãi vay là chưa đủ rõ ràng và dự thảo thông tư ban hành cũng không hướng dẫn cụ thể thêm để doanh nghiệp có thể hiểu và thực hiện.

Nhiều ý kiến cho rằng định nghĩa chi phí lãi vay cũng chưa rõ ràng bởi: Một là lãi đi vay thuần túy hay bao gồm lãi trả chậm, trả góp. Hai là chi phi lãi vay có được cấn trừ với thu nhập cho vay, theo OCED là được cấn trừ. Ba là phạm vi ngưỡng 20% chỉ áp dụng với các khoản vay từ bên liên kết hay cả khoản vay từ bên độc lập (tức mọi khoản vay)?

Trước thực tế này, các đại diện của nhiều tập đoàn… cũng bày tỏ lo lắng các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ con sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Đại diện Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng Nghị định không phù hợp, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Theo đó, VCBS chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ, hoạt động chuyển giá hoàn toàn gần như không thể nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu khống chế lãi vay ở mức 20%.

“Tôi đánh giá mục tiêu và động lực để các công ty thực hiện hoạt động chuyển giá gần như không có. Nhưng trao đổi với Cục thuế Hà Nội, Tổng cục Thuế, chúng tôi vẫn phải chịu khống chế trần chi phí lãi vay 20%. Tính ra, phải kê khai và nộp thuế bổ sung với phần chi phí vượt quá giới hạn này, đây là quy định không phù hợp, hạn chế hoạt động doanh nghiệp, tạo sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp có giao dịch liên kết và không có giao dịch liên kết”, đại diện Vietcombank nhận xét.

Đại diện một Tập đoàn lớn cũng cho rằng, mục tiêu của Nghị định 20 là chống thất thu thuế ở Việt Nam do tác động của chuyển giá giữa các quốc gia. Song thực tế, khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 lại ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

“Chúng tôi đầu tư vào nhiều lĩnh vực cần nhiều vốn như nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, y tế, sản xuất công nghiệp nặng... Trong giai đoạn đầu không thể phát sinh được lợi nhuận hay Ebitda lớn hơn 0 (Lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao). Do đó, vô hình trung, toàn bộ chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đồng thời, do đánh giá về khả năng thu hút huy động tín dụng, thời gian đầu, các dự án ở công ty con không thể trực tiếp vay vốn ngân hàng mà phải nhờ công ty mẹ đứng ra. Vậy nên, chi phí lãi vay của công ty mẹ rất lớn. Việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% sẽ gây ảnh hưởng, bởi rất nhiều chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích thuế", vị đại diện  cho biết.

Đại diện Tập đoàn này cũng phân tích, khi khống chế trần lãi vay phải cân nhắc các yếu tố như doanh nghiệp cần thời gian tái cơ cấu vốn, không đánh vào khoản vay nợ của bên thứ ba, hạn chế khấu trừ lãi vay thuần của công ty. Ngược lại, so sánh với khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 lại điều chỉnh cả với chi phí lãi vay từ bên độc lập và không tính tới các yếu tố như hoạt động của công ty mẹ gồm cả đi vay và cho vay nên sẽ phát sinh thu nhập.

Do đó, đại diện Tập đoàn này đưa ra 2 đề xuất: Thứ nhất, đối với chi phí lãi vay, tiếp tục thực hiện tính toán chi phí không được trừ theo luật hiện hành, tạm chưa áp dụng quy định của Nghị định 20, đề xuất sửa Nghị định 20 phù hợp tình hình hoạt động của Việt Nam. Thứ hai, trong giai đoạn chưa sửa được Nghị định 20, đề xuất tạm thời chưa áp dụng khoản 3 điều 8 của Nghị định 20, vì điều này ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Cần quy định lại đối tượng áp dụng Nghị định 20

Cuối tháng 11 vừa qua, tại hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục thuế, hải quan năm 2018, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam đã nêu ra những vấn đề vướng mắc liên quan đến chính sách thuế của các doanh nghiệp, đặc biệt là quy định về chống chuyển giá được nêu trong Nghị định 20 của Bộ Tài chính.

ảnh

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam

Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng tỷ lệ khống chế 20% lãi vay trên lợi nhuận thuần là hoàn toàn hợp lý, phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, với điều kiện cụ thể của Việt Nam, chúng ta cần xem xét lại.

Theo bà Cúc, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp chưa quy định mức khống chế chi phí lãi vay với các doanh nghiệp. Nên vô hình trung, chúng ta quy định tỷ lệ khống chế lãi vay 20% áp dụng với những đơn vị có giao dịch liên kết là chưa thực sự phù hợp.

Thực tế, trong giao dịch liên kết có hai phần. Một là quản trị thì đương nhiên không liên quan đến tránh thuế. Hai là giao dịch liên kết có khác biệt về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

"Đơn cử như một nhà máy điện thuộc Tập đoàn Than, nếu loại trừ tỷ lệ khống chế lãi vay 20% này thì chi phí được trừ tăng lên trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, ở Việt Nam, có nhiều tập đoàn, tổng công ty có cùng một thuế suất thu nhập doanh nghiệp, khả năng chuyển giá gần như là không có. Nên trong trường hợp họ không được ưu đãi thuế thì việc khống chế tỷ lệ lãi vay 20% đã hợp lý chưa?", bà Cúc đặt câu hỏi.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, có những doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng mẹ khiến chi phí hoạt động của họ rất cao và từ đó, họ báo cáo lỗ để tránh nộp thuế. Việc khống chế trần 20% sẽ khiến các doanh nghiệp FDI không báo cáo lỗ như trước và phải nộp thuế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của Việt Nam lại bị ảnh hưởng bởi quy định này khi vay vốn ngân hàng để hoạt động.

“Chi phí vốn chiếm phần rất lớn trong chi phí hoạt động của doanh nghiệp và phần này đáng lẽ không phải đóng thuế. Nếu khống chế trần thế này thì doanh nghiệp phải đóng thuế rất nhiều, bất lợi cho doanh nghiệp trong nước. Do đó, quy định này chỉ nên áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài, không cần thiết có trần lãi vay cho doanh nghiệp trong nước”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu dẫn chứng: một công ty mẹ ở nước ngoài có thể cho vay lại công ty con ở Việt Nam với mức lãi suất rất cao. Sau khi được khấu trừ vào chi phí hoạt động thì công ty con ở Việt Nam sẽ giảm lợi nhuận hoặc thậm chí thua lỗ nên chỉ đóng thuế rất ít hoặc không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi đó, phần lợi nhuận đã được chuyển về công ty mẹ ở nước ngoài thông qua chi phí trả lãi vay. Công ty mẹ và công ty con ở 2 quốc gia với 2 chế độ thuế khác nhau thì họ có thể lợi dụng chênh lệch thuế để trục lợi.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp trong nước có cùng mức thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu phần lợi nhuận từ công ty con chuyển qua cho công ty mẹ theo hình thức trên thì công ty mẹ cũng phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp với phần lợi nhuận đó.

Vì vậy, ông Hiếu cho rằng cần quy định lại đối tượng áp dụng của Nghị định 20. Một giải pháp khác là thay vì có một trần quy định lãi vay thì cơ quan thuế cần tăng cường thanh tra để kiểm soát, xử lý tình trạng tránh thuế, chuyển giá. Cơ quan thuế đã có kinh nghiệm trong vấn đề này nên nếu tăng cường thanh tra một cách thực sự thì cũng có hiệu quả./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top