Aa

Bắc Giang: Phân loại, xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai

Việt Khoa
Việt Khoa tranvietkhoa1987@gmail.com
Thứ Tư, 29/09/2021 - 15:20

Nhằm quản lý hiệu quả, hạn chế những vi phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai trên địa bàn, Sở Tài Nguyên và Môi trường Bắc Giang vừa có văn bản hướng dẫn phân loại, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.

Phân loại xử lý vi phạm về đất đai

Theo đó, việc thiết lập hồ sơ xác định vi phạm dựa trên cơ sở danh sách các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng đất được phát hiện qua rà soát hoặc phát hiện thông qua hoạt động quản lý của các cấp nhưng chưa thiết lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Các Tổ công tác cấp huyện hoặc cấp xã có trách nhiệm làm việc đối với từng trường hợp cụ thể để thiết lập hồ sơ, tài liệu có liên quan đến thửa đất có vi phạm.

Trên cơ sở hồ sơ đã được thiết lập, xác định cụ thể các hành vi vi phạm pháp luật đất đai.

Đối với các trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã có trong kế hoạch của các cấp được duyệt thì không thuộc trường hợp vi phạm. Nếu có hành vi vi phạm thì phải xác định thời điểm vi phạm để phân loại, xử lý theo các mốc thời gian gồm: Vi phạm trước ngày 01/7/2014; vi phạm từ ngày 01/7/2014 đến ngày 11/6/2020; vi phạm sau ngày 11/6/2020.

Trường hợp không áp dụng xử phạt vi phạm hành chính là các trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định (Nghị định 91).

Trường hợp xác định có vi phạm, phải thực hiện xử phạt vi phạm hành chính thì Tổ công tác cấp huyện hoặc cấp xã, hoặc người có thẩm quyền lập biên bản xử lý vi phạm hành chính theo quy định Nghị định số 91.

Cụ thể, đối với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, trồng cây lâm nghiệp, đào ao, hồ để nuôi trồng thủy sản; áp dụng xử phạt theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 91.

Đối với hành vi chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đào ao, hồ, đầm để nuôi trồng thủy sản; áp dụng xử phạt theo quy định tại khoản 1, Điều 11, Nghị định số 91.

Đối với hành vi chuyển đất rừng sang đất nông nghiệp trồng cây hàng năm hoặc đất phi nông nghiệp; áp dụng xử phạt theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 91.

Đối với hành vi chuyển đất phi nông nghiệp được giao không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp phải thu tiền hoặc phải thuê đất; áp dụng xử phạt theo quy định tại khoản 2, Điều 12, Nghị định số 91.

Đối với hành vi chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất công cộng, đất sản xuất kinh doanh không phải là đất thương mại dịch vụ sang đất kinh doanh thương mại dịch vụ; áp dụng xử phạt theo quy định tại khoản 3, Điều 12, Nghị định số 91.

Các trường hợp vi phạm khác, cần xác định cụ thể để áp dụng quy định của Nghị định số 91 vào lập hồ sơ xử phạt theo quy định.

Các vi phạm trước ngày 01/7/2014, đủ điều kiện xử lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, buộc đăng ký đất đai theo quy định. Vi phạm không đủ điều kiện xử lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của thửa đất theo quy định.

Các vi phạm sau ngày 01/7/2014 đang trong thời hiệu xử phạt, thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Nếu vi phạm không còn thời hiệu xử phạt, thiết lập hồ sơ ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Đáng chú ý, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu đối với trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 91, không đủ điều kiện xử lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định thì không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng phải ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 2, Điều 28, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ngoài hình thức xử phạt chính cần phải áp dụng đúng, đầy đủ các hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Ngoài nội dung xử lý vi phạm đối với người sử dụng đất có vi phạm cần gắn nội dung xem xét trách nhiệm của cán bộ, công chức trong công tác quản lý theo quy định.

Nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra số 1935/KL-TTCP, chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng của tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2006 – 2017.

Kết luận nêu rõ, sau các lần điều chỉnh giảm diện tích đất Khu công nghiệp Đình Trám, nhưng UBND tỉnh Bắc Giang chưa điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp là vi phạm Luật Đất đai 2013. Cơ quan thanh tra khẳng định trách nhiệm thuộc UBND tỉnh, Sở Tài nguyên – Môi trường, Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Bắc Giang.

Đồng thời, nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang để quỹ đất công ích phân tán, không quy hoạch thành khu, vùng tập trung mà để rải rác, xen kẹp trong khu dân cư không tách được phần đất công ích và đất giao ổn định lâu dài.

Bên cạnh đó, tình trạng để thôn tự ý ký hợp đồng giao thầu, cho thuê sử dụng đất công ích không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng mục đích sử dụng và thời hạn theo quy định của pháp luật từ trước đây vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Việc thực hiện công tác bàn giao hồ sơ, sổ sách khi thay đổi cán bộ qua các thời kỳ không chặt chẽ dẫn đến hồ sơ về quản lý đất đai không đầy đủ, do đó các địa phương thiếu tài liệu, gặp khó khăn trong việc xác định diện tích đất công ích để quản lý.

Ngoài ra, các huyện Hiệp Hòa, Lục Nam, Lục Ngạn và Tân Yên đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang đất nông nghiệp khác và tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp tại các huyện Hiệp Hòa, Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên, Việt Yên và Yên Thế...

Thanh tra Chính phủ cho biết từ năm 2006 – 2017, các đơn vị nợ đọng tiền sử đụng đất và tiền thuê hạ tầng gắn với đất khu công nghiệp trên 66,3 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị thuê đất trong Khu công nghiệp Đình Trám còn nợ tổng số tiền gần 6,8 tỷ đồng. Các đơn vị trong Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng (khu phía Bắc) còn nợ trên 24 tỷ đồng...

Từ năm 2002 – 2007, có 43 doanh nghiệp được chấp thuận và cấp phép đầu tư vào Khu công nghiệp Đình Trám, tổng diện tích đất cho thuê hơn 662.000m2, theo đơn giá thời điểm cho thuê là trên 7 tỷ đồng nhưng UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản cho phép không thu tiền, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Bắc Giang cho các đơn vị thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc thuộc quy hoạch trung tâm điều hành không phải là đất cho thuê nhưng không thực hiện các trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thay đổi mục đích, cơ cấu sử dụng đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm Bưu điện tỉnh Bắc Giang 2.146m2, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang gần 3.000m2, Công an tỉnh Bắc Giang 3.510m2. Và nhiều nội dung quan trọng khác.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các cấp, các ngành tiến hành kiểm tra, tổng hợp và xử lý đối với diện tích đất công ích trên địa bàn tỉnh để thực hiện việc quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ đạo rà soát, xử lý và thu hồi các khoản nợ đọng tiền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để nộp ngân sách Nhà nước. Đồng thời, cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng đã nêu tại phần kết luận thanh tra...

Để hạn chế sai phạm liên quan tới quản lý và sử dụng đất đai tại nhiều địa phương, GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, có 3 yếu tố trọng tâm của quản trị tốt về đất đai bao gồm công khai – minh bạch thông tin quản lý, có sự tham gia quản lý và giám sát của dân và trách nhiệm giải trình của cán bộ. Nhưng cả 3 yếu tố này đều không được thực thi cụ thể.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top