Aa

Bắc Vân Phong: Có nên dọn sẵn "tổ" cho "phượng hoàng"?

Thứ Bảy, 06/01/2018 - 06:00

Bắc Vân Phong của Khánh Hoà là một trong những khu hành chính - kinh tế đặc biệt, được xác định sẽ là nơi tạo đòn bẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ cho cả miền Trung. Tuy nhiên, so với Vân Đồn và Phú Quốc, trở ngại của Bắc Vân Phong là sự nghèo nàn, thiếu thốn về cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó là việc “loay hoay” đi tìm định hướng phát triển đã ít nhiều khiến Bắc Vân Phong mất đi sức hấp dẫn đầu tư.

Khu kinh tế Bắc Vân Phong có tổng diện tích khoảng 150.000 ha, bao gồm 70.000 ha mặt đất, còn lại là diện tích mặt nước, thuộc thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, phía Bắc tỉnh Khánh Hòa.

Theo đánh giá tại Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do UBND tỉnh Khánh Hoà dự thảo, Bắc Vân Phong là khu vực có vị trí chiến lược, có lợi thế so sánh về vị trí địa lý để phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng.

Bắc Vân Phong cũng được các chuyên gia kinh tế ví von là nơi nuôi dưỡng giấc mơ già cỗi nhất bởi từ năm 2006, khu kinh tế này đã được thành lập với mục tiêu sẽ trở thành cực hạt nhân tăng trưởng kinh tế của khu vực Nam Trung Bộ và là một đầu mối giao lưu quốc tế, trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam.

Khi ngày hiện thực hóa giấc mơ già cỗi ấy đang đến gần, có một thực tế cần nhìn nhận đó là Bắc Vân Phong chưa định hình rõ hướng phát triển, cùng với đó là chưa phát triển đồng bộ hạ tầng. Điều này trở thành một trong những thách thức lớn đối với Bắc Vân Phong.

Cafe cuối tuần này xin giới thiệu các vị khách mời: GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; GS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (người từng trực tiếp tham gia nghiên cứu, xây dựng đề án đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong); TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bàn về những về giải pháp, hướng đi cho khu vực này trong tương lai.

PV: Theo chủ trương của Chính phủ, Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) sẽ là một trong 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cùng với Phú Quốc và Vân Đồn. GS.TS Võ Đại LượcTS. Lưu Bích Hồ đánh giá thế nào về tiềm năng, hạn chế của Bắc Vân Phong trong “tương quan lực lượng” với hai đặc khu còn lại?

GS.TS Võ Đại Lược: Nếu khu Vân Đồn phát triển được sẽ chuyên về du lịch để khách đến tham quan vịnh Hạ Long. Hiện nay, ở khu vực này, cơ sở hạ tầng gồm sân bay, cảng biển, đường xá đều do các tập đoàn, công ty trong nước đứng ra đầu tư xây dựng. Cũng bởi vậy nên giá thuê đất ở khu Vân Đồn không rẻ. Tương tự, tại khu vực Phú Quốc, đất gần như cũng đã có chủ. Ngoài ra, cả hai khu vực này chưa có nhà đầu tư nước ngoài, mới chỉ có các nhà đầu tư trong nước.

GS.TS Võ Đại Lược

GS.TS Võ Đại Lược 

Trong khi đó, khu Bắc Vân Phong lại hoàn toàn khác, có thể nói đó là nơi hoang vu, giá đất rẻ và còn nhiều tiềm năng để phát triển như có vịnh sâu – tốt hơn cả Cam Ranh, tạo sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, đã từng có nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư vào đây. Nếu thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài thì sức hấp dẫn và phát triển của Bắc Vân Phong còn nhiều hơn cả Phú Quốc và Vân Đồn.

Do đó, Bắc Vân Phong hiện vẫn còn dư địa đầu tư khá lớn và đang sở hữu những ưu thế nhất định để giúp khu vực này có thể vươn lên phát triển vượt trội trong tương lai.

TS. Lưu Bích Hồ: Bắc Vân Phong, Vân Đồn và Phú Quốc là ba khu vực khác nhau, riêng Bắc Vân Phong là khu vực ở giữa có khả năng phát triển rất lớn, hơn hẳn hai khu vực kia nhờ nguồn tài nguyên. 

Điểm đặc biệt là nếu so với hai đặc khu còn lại, vấn đề an ninh quốc phòng tại Bắc Vân Phong cũng không quá nặng nề. Ở đây, chỉ liên quan đến vấn đề biển, thế nên nếu chúng ta xác định làm cảng trung chuyển cũng cần phải tính toán chi tiết.

PV: So với Vân Đồn và Phú Quốc, Bắc Vân Phong dường như đang "bối rối" trong việc định hình hướng phát triển. Mặt khác, sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng cũng đang là trở ngại đối với khu vực này. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này, thưa GS. Đặng Hùng Võ?

GS. Đặng Hùng Võ: Hiện nay, định hướng phát triển từng đặc khu đã được xác định trong Dự thảo luật về các đặc khu. Tôi cho rằng cả ba khu vực đều có đặc trưng du lịch nhờ có vị trí thuận lợi cho du lịch, đều gắn với biển và được thiên nhiên ban tặng cho rất nhiều cảnh quan đẹp. Hiện nay, chúng ta đang đặt vấn đề đưa kinh tế du lịch thành mũi nhọn. Tất nhiên, bên cạnh phát triển du lịch thì mỗi đặc khu đều có chức năng phát triển kinh tế khác nhau ví dụ như có đặc khu tập trung công nghệ, có đặc khu phát triển nông nghiệp công nghệ cao...

Đối với Bắc Vân Phong, nhiều ý kiến vẫn cho rằng xác định sự khác biệt, đặc trưng là rất khó. Bởi khu vực này nằm cạnh Nha Trang có sức hút du lịch rất lớn. Hạ tầng từ Nha Trang đến Bắc Vân Phong vẫn chưa phát triển, chưa hứa hẹn một ngày gần nhất có kết nối giao thông vững chắc. Trong khi đó, Vân Đồn so với Hạ Long cũng tương tự như Bắc Vân Phong so với Nha Trang, nhưng hiện nay việc đầu tư hạ tầng tại Vân Đồn khá tốt. Chính vì vậy người ta vẫn nhận thấy Vân Đồn có xu hướng phát triển mạnh hơn.

Câu chuyện còn lại chính là để Bắc Vân Phong phát triển được thì hạ tầng phải kết nối thế nào? Tôi cho rằng, khi thông qua luật đặc khu, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đưa ra luật và quy định cả lộ trình phát triển chứ không chỉ là quy tắc chung. Chắc chắn, bên cạnh luật về ba đặc khu thì sẽ có một nội dung về định hướng phát triển cho từng khu vực.

GS. Đặng Hùng Võ.

GS. Đặng Hùng Võ

Khi luật được thông qua, tôi tin rằng câu chuyện kết nối hạ tầng sẽ là việc Trung ương cần tập trung đầu tư dưới dạng BOT như Vân Đồn, đó là một hình thức khá hay. Nếu Bắc Vân Phong chưa được chọn hình thức BOT để đầu tư hạ tầng thì chắc chắn Nhà nước sẽ phải dùng ngân sách ở một mức độ nhất định để làm.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng lộ trình phát triển đối với từng đặc khu nên để dưới dạng quy hoạch hoặc nghị quyết sẽ hợp lý hơn đưa vào luật.

PV: Kỳ vọng của Khánh Hòa đối với Bắc Vân Phong là rất lớn khi tỉnh này đã từng yêu cầu đơn vị tư vấn xây dựng phải dựa trên tiềm năng, lợi thế, điều kiện tự nhiên của vùng Bắc Vân Phong và quy hoạch phải không cạnh tranh với hai đặc khu Phú Quốc và Vân Đồn nhưng đảm bảo cạnh tranh với khu vực và quốc tế. GS. Đặng Hùng Võ có đồng tình với quan điểm này?

GS. Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng, bản thân ba đặc khu phải cạnh tranh với nhau bởi nguyên tắc thị trường có nghĩa là cạnh tranh với tất cả những ai có khả năng. Vấn đề là, trong thị trường hiện đại, cạnh tranh không phải là hủy diệt mà là cạnh tranh có sự chia sẻ lợi ích để tạo ra thị trường bền vững. Bản thân ba đặc khu vẫn phải cạnh tranh, vẫn phải hút du lịch. Mặt khác cũng phải hỗ trợ để quảng bá cho nhau.

Không chỉ cạnh tranh với nhau, ba đặc khu này thậm chí còn phải cạnh tranh với khu vực du lịch khác vì có ưu đãi, có khả năng hút khách, hút đầu tư nhiều hơn.

Chúng ta đưa ra hai mục tiêu với ba đặc khu này. Thứ nhất đây là những địa điểm để chúng ta có thể tạo ra được kết nối, cạnh tranh, thu hút quốc tế để dẫn đường cho các hiệp định FTA. Đồng thời đây cũng là ba mô hình thí điểm về đổi mới thể chế, tổ chức chính quyền địa phương, cách thức thu hút đầu tư. Tất cả những gì mới có thể thí điểm thực hiện trên ba đặc khu sau đó chúng ta thực hiện tại địa phương khác.

Với hai nhiệm vụ đó, chúng ta thấy rằng vai trò kết nối rất quan trọng, thậm chí đến một lúc nào đó tùy sự phát triển, đặc khu có thể trở thành một nút giao thông quốc tế về đường biển, đường hàng không, về giao thông... Chúng ta phải đặt ra và nhìn thẳng vào những vấn đề này. Bản thân nội tại từng đặc khu sẽ có sự vươn lên trong quá trình hội nhập quốc tế, mà điều đó vẫn còn bỏ ngỏ hoàn toàn. Từng nơi, từng chính quyền, từng địa phương phải "tự bơi" trong một thị trường rất phức tạp nhưng đầy lợi ích. Tôi cho rằng đó cũng là một bài toán thử nghiệm rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

PV: Bắc Vân Phong là một trong những vịnh tự nhiên được đánh giá tốt nhất vùng Đông Á, có vị trí tâm điểm toả đến hầu hết các trung tâm kinh tế lớn của khu vực là điểm hội tụ của các cảng biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vậy theo các chuyên gia, nên định hướng phát triển Bắc Vân Phong theo mô hình nào, tập trung vào lĩnh vực nào để có thể phát huy được những thế mạnh về vị trí địa lý này cũng như giúp nơi đây trở thành đầu tàu kéo kinh tế miền Trung tăng tốc?

GS.TS Võ Đại Lược: Hiện nay, có rất nhiều mô hình đặc khu chúng ta có thể áp dụng như đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính,... Cũng có mô hình mang tính chuyên ngành, nổi bật về thế mạnh như thương mại, dịch vụ, du lịch,...ngoài ra cũng có đặc khu mang tính tổng hợp như Thâm Quyến, Sán Đầu… của Trung Quốc.

Tại Việt Nam, theo tôi, hai đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc nên theo hướng chuyên ngành. Trong đó, Vân Đồn nên phát triển theo hướng dịch vụ, đặc biệt là du lịch. Phú Quốc cũng vậy. Riêng Bắc Vân Phong với lợi thế có cảng nước sâu tiếp nhận tàu hàng trăm nghìn tấn có thể làm công nghiệp, dịch vụ hoặc theo hướng tổng hợp.

Hiện nay, thế hệ tàu vận tải trên biển có trọng tải ngày càng lớn thì sẽ xảy ra bất cập về độ sâu ở nhiều cảng quốc tế. Ngược lại, cảng Vân Phong có chỗ sâu đến hơn 20m nước có thể hoàn toàn đáp ứng được trọng tải của các tàu cực lớn của thế giới khi đến đây. Cho nên khả năng trong triển vọng dài hạn, Bắc Vân Phong có thể là một cảng trung chuyển quốc tế. Đặc biệt, kênh đào Kra qua Thái Lan được khai thác, Bắc Vân Phong càng có cơ hội phát triển.

Theo tôi, điều quan trọng nhất bây giờ là phải có nhà đầu tư chiến lược, có uy tín trên thế giới. Khi đã có nhà đầu tư chiến lược, cần phải có thể chế tương ứng. Nhà nước nên cho phép địa phương đề xuất, sau đó xem xét điều chỉnh quyết định cho phù hợp. Cuối cùng chúng ta phải có tầm nhìn dài hạn, nếu chỉ tính toán lợi ích kinh tế trong ngắn hạn, phục vụ cho một nhóm nào đó sẽ thất bại trong câu chuyện đặc khu.

TS. Lưu Bích Hồ: Nhiều phương án đã từng được đưa ra dựa trên tiềm năng của Bắc Vân Phong. Thứ nhất, khu vực này đã định làm cảng trung chuyển bởi ở đó có mũi nhô ra biển Đông, rất gần hàng hải quốc tế. Nếu làm cảng trung chuyển quốc tế thì hợp lý nhưng phương án đó cũng đã phải dừng lại, không làm được vì nhiều lý do trong đó có câu chuyện về đầu tư.

TS. Lưu Bích Hồ.

TS. Lưu Bích Hồ

Thứ hai, hiện nay, du lịch vẫn chưa phát triển được bao nhiêu. Trước đó cũng có ý tưởng là tận dụng vịnh Vân Phong kín gió, nước sâu, thiên nhiên đẹp để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng nhưng bao nhiêu năm qua vẫn chưa làm được. Chưa nhắc đến câu chuyện đặc khu vội mà chỉ phát triển, Vân Phong vẫn chưa thực sự là địa chỉ thu hút mà phải là Nha Trang.

Thứ ba là tập trung vào làm một khu mang tính chất công nghiệp thì công nghiệp gì? Ở đó cũng đã có khu công nghiệp đóng tàu nhưng cũng không phải là ngành công nghiệp "ghê gớm" có thể phát triển được nên đã được chuyển sang ngành công nghiệp khác như công nghiệp chế biến thủy sản, chế biến hàng tiêu dùng...Theo đó nếu phát triển đặc khu kinh tế, Bắc Vân Phong cũng có thể phù hợp.

Thứ tư là mô hình trung tâm tài chính vì đây là khu vực miền Trung có vai trò kết nối giữa hai miền Bắc - Nam. Ở các nước như ở Hong Kong, Singapore, Dubai...người ta cũng hay phát triển các trung tâm tài chính.

Theo tôi, muốn phát triển Bắc Vân Phong thành đặc khu thì trước tiên nên tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ trước rồi sau đó là du lịch và thương mại. Bên cạnh đó cần có những nguyên tắc như khuyến khích kinh tế tư nhân, tiết chế lại kinh tế nhà nước. Tại đây, xây dựng và phát triển một số cụm, ngành công nghiệp có khả năng thu hút lao động cũng như vốn đầu tư lớn vào đặc khu. Cuối cùng là cần có những chính sách ưu đãi thông thoáng về thuế quan, giảm thủ tục hành chính để nhà đầu tư yên tâm làm ăn.

GS. Đặng Hùng Võ: Theo tôi, con đường của Bắc Vân Phong là phát triển song hành như một cặp song sinh với Nha Trang. Bởi dù thế nào, Nha Trang vẫn là điểm thu hút du lịch với nhiều điểm mạnh từ xa xưa. Do đó nếu Bắc Vân Phong muốn phát triển du lịch thì chắc chắn phải dự vào Nha Trang, dựa vào kết nối về giao thông, hạ tầng.

Còn nếu muốn phát triển nơi đây thành nút giao thông hàng không quốc tế thì khó. Tuy nhiên nếu phát triển cảng biển lại khá thuận lợi vì đó là cảng nước sâu và kết nối đường bộ tốt, chắc chắn có thể trở thành cảng quốc tế có sức hút hơn cả Đà Nẵng. Nha Trang còn có lợi thế ít bị bão lớn, ít bị thiên nhiên tàn phá. Lợi thế đó làm cho giao thông đường thủy có sức hút mạnh hơn các khu vực khác.

Tất nhiên đối với từng đặc khu chúng ta cần có những chính sách ưu ái cho từng địa phương. Đó chính là yếu tố để chính quyền định hướng chiến lược phát triển cho từng đặc khu. Tôi cho rằng, định hướng để mang tính khác biệt trong phát triển là rất quan trọng, hay nói cách khác tìm ra đặc thù riêng của từng địa phương để phát triển là rất cần thiết.

Có thể thấy rõ, thế mạnh Bắc Vân Phong vẫn là vận tải và du lịch biển, là đặc thù có thể phát triển. Nơi đây có một hệ sinh thái biển gắn với rạng san hộ, sinh vật biển đặc trưng mà nhiều địa phương khác không có. Ở đây cũng có rất nhiều đảo xa, có thể xây dựng trên cơ sở bảo tồn, tôn trọng cảnh quan thiên nhiên thành du lịch biển.Vịnh Vân Phong cũng có thể chứa tàu vận tải, phát triển vận tải biển, để có thể phát triển xuất nhập khẩu qua đường biển rẻ hơn.

Tóm lại, muốn làm gì thì cũng phải có nhà đầu tư, chúng ta phải lợi dụng thị trường, để tạo ra sự kêu gọi của cả nước ngoài và trong nước. Chúng ta phải tính toán thế nào để nhà đầu tư thấy có lợi khi đầu tư, họ sợ nhất khi đầu tư không có lợi ích.Nếu chúng ta chứng minh được tất cả những chuyện như phát triển vận tải biển mà tàu cập bến rẻ nhất, chi phí cho logictis rẻ nhất thì không cần mời gọi họ cũng tới. Điều quan trọng là chúng ta phải tính toán thật tốt, nghĩa là giải được bài toán lợi ích nhiều hơn chi phí... Nó sẽ tạo ra sức hút thậm chí mạnh hơn Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, theo đó tạo ra một nút về vận tải biển, lúc đó sẽ hình thành ra đặc trưng riêng trong phát triển.

Một câu chuyện không kém phần quan trọng cũng cần phải nhắc đến trong định hướng phát triển không chỉ riêng Bắc Vân Phong mà đối với hai đặc khu còn lại đó chính là người đứng đầu đặc khu, theo tôi cũng phải chọn lọc cẩn thận bởi khi chúng ta tạo ra được một môi trường đầu tư tốt, cơ hội đầu tư tốt mà con người lại không tốt thì chính con người sẽ hủy diệt tính ưu việt của đặc khu. Tôi cho rằng chúng ta phải lựa chọn những người cấp tiến, có kinh nghiệm trên trường quốc tế, từng qua cọ xát ở nước khác, phải có rất nhiều tiêu chí để lựa chọn, thậm chí phải trải qua các vòng phỏng vấn trực tiếp để lựa chọn người đứng đầu.

Sau cùng, khi đã đưa ra định hướng và chọn lựa được người đứng đầu đặc khu, về nguyên tắc thị trường, tôi cho rằng, chúng ta chỉ nên chỉ chỗ cho “phượng hoàng” đến “xây tổ” chứ không nên dọn sẵn tổ cho “phượng hoàng”, bởi có lẽ đây cũng là một khái niệm tương đối cũ. Còn nếu chúng ta chỉ đường mà chưa thấy “phượng hoàng” tới thì cũng nên có những hành động mang tính tiếp thị, gọi là “cú hích” đầu tiên từ phía Nhà nước và tùy ngữ cảnh chúng ta sẽ quyết định nên làm gì.

Xin cảm ơn các chuyên gia!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top