Aa

Bài 1: "Cưu mang" nhiều con nợ lớn khiến nợ xấu leo thang?

Thứ Tư, 05/09/2018 - 06:01

Trong hệ thống tài chính, Vietinbank có lẽ là ngân hàng lớn nhiều tai tiếng và khủng hoảng nhất thời gian gần đây. Điểm đáng kể đến là việc có nhiều cán bộ nhân viên lợi dụng tín nhiệm lừa đảo khách hàng; trong khi các khoản nợ xấu ở góc khuất khiến dư luận nghi ngờ về con số được công khai; hay chất lượng dịch vụ của ngân hàng cũng bị khách hàng phàn nàn,...

Không thể phủ nhận rằng, Vietinbank là một trong những ngân hàng đã có nhiều cố gắng để khắc phục nợ xấu. Theo BCTC bán niên quan kiểm toán năm 2018, tính đến ngày 30/6, VietinBank không còn nắm giữ trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành và chính thức gia nhập danh sách những nhà băng không còn nợ xấu tại VAMC cùng với Vietcombank, Techcombank, MBBank, ACB và mới nhất là VIB. Trước đó, số dư trái phiếu tại VAMC của Vietinbank tính đến 31/12/2017 là 2.472 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng 1.891 tỷ đồng.

Công bố là vậy, nhưng con số nợ xấu của Vietinbank vẫn tiếp tục gia tăng. Cũng trong tháng 6, tổng nợ xấu tại ngân hàng này là 11.227 tỷ đồng, tăng 9,7% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 59% lên 1.976 tỷ đồng, nợ nhóm 4 giảm 63% xuống còn 950 tỷ đồng, nợ nhóm 5 tăng 59% lên 8.302 tỷ đồng. Còn nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn - chiếm tới 74% nợ xấu tại VietinBank. Tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng tăng nhẹ từ 1,14% cuối năm 2017 lên mức 1,29% vào cuối tháng 6/2018.

Theo báo cáo, kiểm toán xác định giá trị tài sản thế chấp, cầm cố và chiết khấu, tái chiết khấu tại VietinBank cuối tháng 6 là 1,743 triệu tỷ đồng. Trong đó, giá trị bất động sản sử dụng làm tài sản thế chấp là 961.093 tỷ đồng, giảm 38.715 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong tổng dư nợ 867.566 tỷ đồng, Vietinbank cho vay các tổ chức, cá nhân trong nước là 853.979 tỷ đồng; cho vay tổ chức cá nhân nước ngoài là 8.927 tỷ đồng. Còn lại là các khoản vay của khách hàng, cho thuê tài chính, cho vay bằng vốn tài trợ…
Cũng trong tổng dư nợ 867.566 tỷ đồng, Vietinbank cho vay ngắn hạn hơn 501.713 tỷ đồng; vay trung hạn hơn 74.492 tỷ đồng; vay dài hạn hơn 291.360 tỷ đồng.

Tổng tài sản Vietinbank hiện có 1 triệu 140 nghìn tỷ đồng. Trong đó tài sản cố định là hơn 11 nghìn tỷ đồng, đầu tư chứng khoán hơn 137 nghìn tỷ đồng, cho vay khách hàng hơn 855 nghìn tỷ đồng; tiền vàng gửi các ngân hàng khác là hơn 82 nghìn tỷ đồng…

Hồi tháng 5/2018, Kiểm toán Nhà nước đã gửi đến Quốc hội kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và 9 tổ chức tài chính, ngân hàng bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, Ngân hàng Hợp tác xã, Oceanbank, GPbank, Bảo hiểm.

Có thể thấy, một số khách hàng lớn của ngân hàng VietinBank có tình hình tài chính khó khăn, đã được cơ cấu lại nợ, như Công ty CP DAP số 2 - Tập đoàn Hóa chất nợ 1.113 tỷ đồng, CTCP Gang thép Thái Nguyên nợ 1.824 tỷ đồng, Công ty Phân đạm và hóa chất Hà Bắc nợ 1.921 tỷ đồng, Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung nợ 4.646 tỷ đồng, CTCP Hóa dầu và xơ sợi dầu khí nợ 1.204 tỷ đồng, Dự án Đạm Ninh Bình - Tập đoàn Hóa chất nợ 725,9 tỷ đồng, CTCP xi măng Công Thanh nợ 8.401 tỷ đồng, CTCP sửa chữa tàu biển NOSCO nợ 3.078 tỷ đồng, CTCP quốc tế C&T nợ 919 tỷ đồng, CTCP Đất Việt nợ 1.035 tỷ đồng, Tập đoàn Bitexco nợ 6.949 tỷ đồng)… Tổng số tiền các khách hàng lớn này nợ Vietinbank lên tới con số gần 32.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong số những "con nợ" lớn mà Vietinbank "cưu mang", thì Tập đoàn hóa chất và những công ty phân bón là đối tượng đáng lưu tâm nhất. Hồi tháng 10/2017, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) báo cáo lên Bộ Công Thương về tình hình thực hiện liên quan đến việc vay vốn đầu tư dài hạn, vay vốn lưu động, lãi suất và cơ cấu nợ vay các ngân hàng tại 4 dự án đang gặp khó khăn của Tập đoàn là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP - Vinachem và DAP 2 - Lào Cai.

Theo báo cáo, 4 dự án của Vinachem vay vốn đầu tư dài hạn tại 2 ngân hàng: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) với số tiền lần lượt là 12.565 tỷ đồng và 5.407 tỷ đồng.

Sau khi đã trả một phần, tính đến 31/8/2017 các dự án của Vinachem còn nợ VDB hơn 8.588 tỷ đồng, nợ Vietinbank hơn 5.036 tỷ đồng.

Dự án Đạm Hà Bắc nợ lãi VDB hơn 464 tỷ đồng trong đó lãi quá hạn là 422 tỷ đồng. Tương tự DAP số 2 – Lào Cai nợ lãi hơn 268 tỷ đồng trong đó lãi quá hạn là 268 tỷ đồng. DAP số 2 - Lào Cai cũng nợ lãi hơn 133 tỷ đồng tại Vietinbank trong đó lãi quá hạn là 63 tỷ đồng.

4 dự án nêu trên của Vinachem cũng vay vốn lưu động của Vietinbank, BIDV, Vietcombank và các ngân hàng thương mại khác hơn 2.418 tỷ đồng trong đó chủ yếu là vay vốn lưu động tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV với hơn 1.273 tỷ đồng.

Đạm Ninh Bình là dự án có vốn vay lưu động nhiều nhất với hơn 1.184 tỷ đồng, tiếp đến Đạm Hà Bắc, DAP số 2 – Lào Cai và cuối cùng là DAP – Hải Phòng. Đạm Ninh Bình cũng là dự án có nợ quá hạn với BIDV lên đến 36 tỷ đồng, nợ quá hạn Vietinbank 19 tỷ đồng. Trong khi, DAP số 2 – Lào Cai nợ quá hạn BIDV 7,9 tỷ đồng, nợ quá hạn các ngân hàng khác 14,1 tỷ đồng.

Trong số những “con nợ” của Vietinbank, Xi măng Công Thanh đang ôm khối nợ đáng lưu tâm liên quan đến các nhà máy sản xuất xi măng và nhiều dự án bất động sản bị chậm tiến độ - chưa có kế hoạch triển khai.

Đơn cử như Nhà máy nhiệt điện Công Thanh (21.480 tỷ đồng; 70ha); Cảng chuyên dụng Công Thanh (2.212,86 tỷ đồng; 22,5ha); Tuyến băng tải từ nhà máy XMCT ra cảng Công Thanh (18km); đầu tư bến cảng tổng hợp số 6 (6,47ha); dự án du lịch biển Golden Coast Resort tại huyện Tĩnh Gia (15,36 ha; được chấp thuận chủ trương từ…2008).

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top