Aa

Bài 3: Đô thị “oằn mình” gánh, khách hàng "ngậm bồ hòn làm ngọt"

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 14/05/2018 - 06:01

Với ưu điểm như giá hợp lý, chìa khóa trao tay, lại liền kề khu trung tâm, căn hộ chung cư mini đang được xem là mô hình nhà ở ăn khách ở các đô thị lớn. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, loại hình căn hộ này tiềm ẩn những rủi ro cháy nổ, an ninh trật tự và đang gây áp lực lên hạ tầng đô thị.

Nỗi lo rủi ro cháy nổ

Riêng tại Hà Nội, khoảng 5-7 năm trước, tại các khu vực như Dịch Vọng, Mai Dịch, Yên Hòa, Khương Trung, Khương Đình, chung cư mini xuất hiện dưới hình thức cho thuê căn hộ, phòng trọ. Sau đó, khi nhu cầu nhà ở tăng cao, nhiều người chọn mua căn hộ khoảng 30m để “an cư lạc nghiệp” đã khiến thị trường chung cư mini phát triển ồ ạt.

Đáng chú ý, khi Nghị định 71 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ tháng 8/2010 trở thành cú hích mạnh để chung cư mini bùng nổ.

Cụ thể, Nghị định nêu rõ hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở tại đô thị từ hai tầng trở lên, tại mỗi tầng có từ hai căn hộ trở lên, mỗi căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng) thì diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu là 30m2 và phải đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo quy định tại Điều 70 của Luật Nhà ở thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.

 thay vì xây chung cư mini để bán, một số hộ gia đình tự xây dựng loại căn hộ này chỉ chuyên cho thuê. Hầu hết loại chung cư này được xây dựng ở những khu đất kẹt có diện tích trên dưới 100m2, nằm sâu trong ngõ ngách.

Thay vì xây chung cư mini để bán, một số hộ gia đình tự xây dựng loại căn hộ này để chuyên cho thuê. Hầu hết loại chung cư này được xây dựng ở những khu đất có diện tích trên dưới 100m2, nằm sâu trong ngõ ngách.

Theo khảo sát tại một số điểm chung cư mini trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy phần lớn nằm trong các ngõ nhỏ và có không ít chung cư vi phạm các quy định về trật tự xây dựng, như xây dựng sai phép, vượt tầng, sai mật độ, tự ý chia nhỏ căn hộ.

Phía trong chung cư có tầng 1 hoặc tầng hầm được bố trí làm chỗ để xe, lối thoát hiểm duy nhất là một cầu thang bộ; hệ thống cảnh báo phòng cháy, chữa cháy chỉ lắp đặt duy nhất trong hầm để xe. Đặc biệt, có chung cư nằm trong ngõ sâu cụt và chiều ngang của ngõ rộng chừng 1m dễ dàng gây khó cho xe cứu hỏa lực lượng chữa cháy khi có hỏa hoạn xảy ra.

Điển hình, chung cư mini tại ngõ 201 đường Cầu Giấy có đường vào nhỏ hẹp, cầu thang thoát hiểm được thiết kế tầm 1m và các căn hộ có khung cửa kín.

Chị Bùi Lan Anh, một trong những chủ hộ tại chung cư chia sẻ: “Lúc mua căn hộ tại chung cư mình cũng thấy có tủ chữa cháy, bình cứu hỏa nhưng cũng không biết chất lượng thế nào và còn có thể sử dụng được không. Ở tầng để xe còn có một phần làm phòng cho thuê, phần còn lại là để xe máy kê ngay sát tủ điện. Nếu xảy ra cháy ở tầng để xe chắc chắn sẽ gây nổ tủ điện của tòa nhà, gây nguy hiểm cho cư dân.

Hệ thống phòng cháy chữa cháy thì chủ đầu tư có lắp

Hệ thống phòng cháy chỉ được lắp đặt tại hầm gửi xe

Thực ra, khi mua chung cư mini mình biết là phải chấp nhận các rủi ro cháy nổ nhưng để có nhà vừa túi tiền vẫn tặc lưỡi đánh liều vậy. Từ ngày mua nhà cũng chưa thấy xảy ra cháy nổ nên vẫn cứ yên tâm sinh sống nhưng thời gian vừa qua, nhiều vụ cháy kinh hoàng nên gia đình cũng lo lắng. Giờ chỉ mong chủ đầu tư hay cơ quan quản lý kiểm tra thường xuyên hệ thống cháy nổ và tạo điều kiện cho cư dân thực hành phòng cháy chữa cháy”.

Phá vỡ quy hoạch đô thị

Sau khi thị trường căn hộ mini bùng nổ, hệ lụy mà người dân thành phố đang phải đối mặt là chấp nhận điều kiện sống ở mức trung bình. Một khu đất vốn chỉ dành cho 2 - 3 hộ dân thì nay đã tăng lên gấp 2 - 3 lần dẫn đến áp lực lên hạ tầng là điều không thể tránh khỏi.

Tại nhiều chung cư mini, tầng hầm để xe chật và bức bí, các thiết bị chống cháy được treo lên tường, ngõ đi vào khu nhà thường hẹp, hai xe máy tránh nhau cũng khó. Điện nước cũng là bài toán cần phải phân tích vì vốn dĩ, khu vực đó không hề nằm trong diện quy hoạch xây chung cư.

Những ngôi nhà 7, 8 tầng hoặc cao hơn nữa được đặt trong những con ngõ nhỏ chỉ vừa hai người đi đã không còn là chuyện lạ ở Hà Nội. Đáng chú ý, nhiều chủ đầu tư tự thay đổi thiết kế, cố tình xây dựng sai phép, cơi nới, chia nhỏ các căn hộ ra để bán đã góp phần phá nát quy hoạch, gây mất mỹ quan đô thị. Ngoài ra, phản ánh của người dân trong ngõ còn cho thấy quá trình xây dựng chung cư mini cũng khiến nhiều nhà dân bị rạn nứt, sụt lún.

Chung cư mi ni ngõ 201 Cầu Giấy nằm sâu trong ngõ cụt

Chung cư mini ngõ 201 Cầu Giấy nằm sâu trong ngõ cụt.

Ở góc độ người mua, anh Nguyễn Hiếu, chủ căn hộ chung cư mini Đình Thôn, Nam Từ Liêm cho rằng: “Hiện nay, giá nhà, đất ở Hà Nội đang ở mức cao ngất ngưởng so với thu nhập của nhiều người, trong đó có tôi. Mặc dù biết mua chung cư mini có những điều không tiện như không gian nhỏ, chỗ chơi cho con không có, điện nước cũng chập chờn nhưng gia đình vẫn quyết mua vì thấy vừa túi tiền tích cóp, không bị áp lực khi phải vay nợ ngân hàng để mua nhà”.

Dưới góc độ quy hoạch, chuyên gia quy hoạch, TS. Đào Ngọc Nghiêm cho hay: “Tại Hà Nội, giai đoạn từ năm 2005 đến nay, khi thị trường bất động sản nở rộ, chung cư mini xuất hiện là điều tất yếu. Rõ ràng, đây còn là một sản phẩm rất nóng của thị trường bất động sản lúc bấy giờ. Tuy nhiên, thời điểm đó, chúng ta mới chỉ quan tâm đến phân khúc nhà ở thương mại cao cấp, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp bị bỏ quên, chính là điều kiện để hàng loạt chung cư mini ra đời. Sau này, khi mô hình chung cư mini đã được cấp phép xây dựng nhưng các căn hộ này lại chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Chung cư

Chung cư mini cơi nới sai phép trong ngõ 235 Cầu Giấy.

Điều này lý giải rằng, chung cư mini chưa bảo đảm các tiêu chí cấp sổ đỏ mà Luật nhà ở 2014 quy định như nhà ở cá nhân xây dựng có từ hai tầng trở lên, mỗi tầng có từ hai căn hộ và được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín. Chính việc bỏ qua các tiêu chuẩn xây dựng này dẫn đến những nghi ngại về chất lượng chung cư như chất lượng sống, không gian sống, tính an toàn về an ninh, về cháy nổ…”.

TS. Đào Ngọc Nghiêm cũng lý giải rằng, căn hộ mini có thể giải quyết trước mắt vấn đề nhà ở cho người dân nhưng phát triển ồ ạt như hiện nay là điều nguy hiểm, dẫn đến những hệ lụy cả về chất lượng nhà ở cũng như điều kiện pháp lý khi mua bán, đặc biệt tạo gánh nặng cho đô thị. Hơn nữa, cho phép loại hình chung cư mini phát triển nhưng không làm tốt công tác quản lý sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch của thành phố, nhiều công trình manh mún tự phát gây áp lực từng khu vực của nội đô, mục tiêu giãn dân khó càng khó khăn hơn.

Hiện nay, dư luận đang đặt ra câu hỏi phải chăng tình trạng chung cư mini trên địa bàn TP. Hà Nội vi phạm các quy định về trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy có phải đã có từ lâu nhưng vẫn tồn tại suốt một thời gian dài? Ai là người phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra cháy nổ tại chung cư mini? Và làm thế nào giải quyết bài toán quy hoạch chung cư mini?

Mời đọc giả đón đọc Bài 4 trong loạt bài: Chung cư mini: "Ổ chuột" hay "tổ chim họa mi"?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top