Aa

Bài 7: Đừng “tham bát bỏ mâm” khi phân bổ các nguồn lực

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Năm, 23/04/2020 - 06:00

Nhiều lo ngại đặt ra, nếu Bắc Ninh tiếp tục phân bổ nguồn lực đất đai một cách thiếu bền vững như hiện tại, khi trở thành thành phố trực thuộc TW, liệu có còn nguồn lực để phát triển đô thị?

Lời tòa soạn:

Thời gian gần đây, ở tỉnh Bắc Ninh bắt đầu xảy ra câu chuyện chạy đua xin dự án khi có hàng loạt dự án xây dựng - bất động sản, được phê duyệt trong một thời gian ngắn, làm dấy lên những lo ngại về sự phát triển bền vững của đô thị Bắc Ninh trong tương lai gần.

Theo Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc TW, làm tiền đề để xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc TW vào năm 2022; xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh trở thành đô thị văn hóa - sinh thái - tri thức, theo mô hình đô thị thông minh. Đặc biệt, phấn đấu đưa Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của vùng kinh tế Bắc Bộ và trở thành đô thị thông minh, đô thị lớn trong vùng Thủ đô Hà Nội.

Với những mục tiêu chiến lược như vậy, giới chuyên gia kinh tế, quy hoạch, kiến trúc cho rằng, Bắc Ninh là đô thị liền kề Hà Nội, có nền văn hóa rực rỡ, do đó cũng cần phải có một không gian đô thị xứng tầm, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cần hết sức bình tĩnh và tỉnh táo, không thể để lặp lại tình trạng xây dựng ngổn ngang, băm nát quy hoạch như một số địa phương. Bởi đã có những bài học nhãn tiền từ trường hợp phát triển đô thị quá "nóng", để lại nhiều hệ lụy khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, câu chuyện phát triển của Đà Nẵng hay như trường hợp quy hoạch khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc...

Bởi việc đầu tư thiếu đồng bộ giữa hạ tầng đô thị, giao thông, hệ thống cấp thoát nước… với phát triển các hệ thống công trình, dự án, nhà hàng, khách sạn, nhà ở… đã khiến cho hạ tầng nhiều khu vực bị quá tải, gây nhiều áp lực lên chính quyền và các cơ quan quản lý. Thị trường tăng trưởng quá nóng; hiện tượng đầu cơ, thổi giá, những đợt sốt ảo tạo nên một mặt bằng giá mới vượt quá xa ngưỡng thu nhập và khả năng thanh toán của người dân địa phương. Đặc biệt, sau các giai đoạn phát triển "nóng" thì quỹ đất đô thị đã trở nên cạn kiệt, khi được khai thác, thương mại hóa triệt để.

Chính quyền Bắc Ninh cần "chậm lại", giữ gìn quỹ đất cho phát triển bền vững; đồng thời tập trung vào việc ổn định, cân bằng thị trường và đưa ra các giải pháp để sử dụng tối ưu nguồn đất đai hiện có, hướng đến mục tiêu mang lại lợi ích dài lâu cho người dân, nhất là không ảnh hưởng đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc TW vào năm 2022.

Trên tinh thần nghiên cứu, phản biện, Reatimes khởi đăng loạt bài dài kỳ: Có hay không một cuộc chạy đua xin dự án khi Bắc Ninh lên TP trực thuộc TW?

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

“Miếng bánh ngon” từ địa tô chênh lệch

Theo Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc TW, làm tiền đề để xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc TW vào năm 2022; xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh trở thành đô thị văn hóa - sinh thái - tri thức, theo mô hình đô thị thông minh. Đặc biệt, phấn đấu đưa Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của vùng kinh tế Bắc Bộ và trở thành đô thị thông minh, đô thị lớn trong vùng Thủ đô Hà Nội.

Chính cuộc chạy đà lên thành phố trực thuộc TW đã khiến giá trị đất đai của địa phương này tăng lên, nhà đầu tư nhìn thấy rõ nhất chênh lệch địa tô từ việc ăn theo hạ tầng, chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị. Những cuộc thâu tóm đất đai xuất hiện, nổi bật nhất thông qua hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Dù là địa phương có diện tích hành chính nhỏ nhất nước nhưng Bắc Ninh lại rất tích cực triển khai các dự án đầu tư theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”. Thậm chí, không quá lời nếu đánh giá rằng đây là tỉnh thành có nhiều dự án BT bậc nhất Việt Nam. Số lượng và quy mô các dự án BT ở Bắc Ninh liên tục được mở rộng qua các năm.

Nếu như ngày 08/12/2016, tại kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XVIII phê duyệt danh mục các dự án đầu tư theo hình thức BT trên địa bàn tỉnh năm 2017 với tổng số “chỉ” 77 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 32.408,65 tỷ đồng, thanh toán bằng quỹ đất đối ứng với tổng diện tích đối ứng dự kiến khoảng 2.646,1ha, thì chỉ tròn một năm sau, ngày 08/12/2017 tại kỳ họp thứ 6, danh mục dự án BT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tăng thêm 43 dự án, thành tổng số 120 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 42.750 tỷ đồng, thanh toán bằng quỹ đất đối ứng dự kiến khoảng 2.599ha.

Đến tháng 4/2018, số dự án BT được nâng lên là 130, thanh toán bằng quỹ đất đối ứng với diện tích dự kiến khoảng 2.604ha.

Năm 2018, 2019, hàng loạt dự án BT trên địa bàn đã lần lượt bị rà soát, chỉ ra sai phạm liên quan đến việc sử dụng quỹ đất thanh toán “không ngang giá”, trình tự thủ tục giao dự án và tiến độ thực hiện.

Một minh chứng cụ thể là, cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu kiểm tra, làm rõ nghi vấn UBND tỉnh Bắc Ninh sử dụng gần 100ha đất đối ứng tạo vốn thanh toán cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường H2 (dài 1,39km) tại TP. Bắc Ninh theo hình thức hợp đồng BT do Dabaco làm chủ đầu tư, gây xôn xao dư luận.

Cụ thể, theo thông tin phản ánh, Dabaco được nhận 2 khu đất gồm một phần dự án khu đô thị Vạn An, diện tích khoảng 36,06ha tại phường Vạn An, xã Hòa Long, TP. Bắc Ninh và một phần dự án khu đô thị Phong Khê, Khúc Xuyên, diện tích khoảng 58,46ha tại phường Phong Khê (xã Phúc Xuyên và phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh).

Đối với khu đô thị Vạn An mà Dabaco được giao với diện tích khoảng 36,06ha. Giá đất bồi thường là 158 triệu đồng - 175 triệu đồng/360m2. Như vậy, với mỗi mét vuông đất, Dabaco chỉ phải trả cho người dân khoảng 438.888 - 486.111 đồng/m2. Trong khi tại thời điểm đó, giá đất nền khu đô thị Vạn An được rao bán với giá lên tới 26 - 28 triệu đồng/m2.

Chỉ tính riêng một công thức chênh lệch địa tô đơn giản, có thể thấy Dabaco nhận được một khoản lợi nhuận khổng lồ từ “cuộc đổi chác” này. 

Báo chí cũng phản ánh, cuối năm 2019, nhiều hộ dân tại xã Yên Trung (Yên Phong - Bắc Ninh) bức xúc gửi đơn cầu cứu trước việc chính quyền tiến hành cưỡng chế thu hồi khoảng 6ha đất nông nghiệp khi chưa hoàn thành công tác đền bù. Được biết, nhà chức trách thu hồi đất để đối ứng cho Công ty TNHH Xây dựng An Bình thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng 2,3km đường trục xã Yên Trung theo hình thức BT, không qua đấu giá. Theo tìm hiểu, Công ty An Bình là doanh nghiệp khá “quen thuộc” với cơ quan chức năng, chuyên trúng các gói thầu BT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Bên cạnh đó, 6ha đất nông nghiệp được chính quyền thu hồi giao cho Công ty An Bình nằm ven trục trung tâm xã Yên Trung. Mặt bằng đẹp và vị trí thuận lợi nên có giá trị giao dịch bất động sản cao.

Tại đây, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi từ các hộ dân hiện đã được Công ty An Bình san lấp, hoàn thiện hạ tầng, phân lô và rao bán với giá bình quân từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/lô 100m2.

Miếng bánh ngon từ chênh lệch địa tô quá lớn nên vô tình trở thành công thức để các nhà đầu tư thâu tóm đất đai ở Bắc Ninh. Hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp chuyển đổi thành đất đô thị với giá bèo, gây thất thoát ngân sách. Đó là chưa kể, nhiều khu đất vốn là “kế sinh nhai” của người dân nay lại bỏ hoang hoặc xây dựng nham nhở, thiếu đồng bộ sau những cuộc phân lô, bán nền.

Đa số các dự án đầu tư phát triển đô thị tại Bắc Ninh đều được chỉ định cho nhà đầu tư địa phương mà không qua đấu giá hoặc đấu giá không minh bạch. Thậm chí có trường hợp, nhà đầu tư được chỉ định dự án do chính mình đề xuất, vì vòng sơ tuyển chỉ lọt duy nhất một doanh nghiệp, như trường hợp Công ty CP Thủy sản khu vực 1, Công ty TNHH Xây dựng Vạn An được chỉ định thực hiện nhiều dự án BT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh mà báo chí phản ánh. 

Điều này xuất phát từ việc coi thu hút đầu tư là một trong những tiêu chí chiến lược phát triển nên đã trải thảm chào đón doanh nghiệp với nhiều ưu đãi. Một quy trình lặp lại đó là, địa phương thu hồi đất của người dân sau đó giao cho doanh nghiệp phát triển dự án.

Nhiều quỹ đất tại Bắc Ninh bị thâu tóm thông qua các dự án BT.

Những thiệt hại kinh tế khổng lồ từ việc giao đất “vô tội vạ” khó được tính toán bằng những con số cụ thể, nhưng một hệ lụy không khó thấy, đó là người dân giao đất cho dự án mất đất canh tác, không kế sinh nhai khi giá đền bù rẻ mạt. Trong khi, hàng loạt dự án lại chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất hoang. Doanh nghiệp lập dự án “ôm” hàng chục nghìn mét vuông đất có vị trí đắc địa, hưởng hết phần địa tô chênh lệch nhưng không triển khai dự án, gây lãng phí rất lớn.

“Dường như một phần không nhỏ lợi nhuận tăng thêm từ đất đai không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại, lại bị lợi ích nhóm chi phối.

Lợi ích nhóm ở đây là ai? Là một số cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai nhưng không thực thi đúng sự ủy quyền của người dân theo quy định của pháp luật. Là các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư được tiếp cận, sử dụng đất đai ở những vị trí đắc địa, vị trí vàng… Ở đây, còn tồn tại một nguyên nhân nữa là “cơ chế xin - cho” trong phân phối nguồn lực đất đai không công khai, minh bạch”, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội) nhìn nhận.

Theo ông Tuyến, hợp đồng BT đã dẫn tới tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Điều khiến dự luận bức xúc là không phải doanh nghiệp nào muốn nhảy vào đổi đất lấy hạ tầng cũng vào được. Đó là tính công khai, minh bạch và công bằng còn hạn chế. Các nhà nghiên cứu hay dùng thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, tức là doanh nghiệp sân sau của một số quan chức. Có nhiều trường hợp không có đấu thầu hoặc đấu thầu chỉ là hình thức theo kiểu “quân xanh, quân đỏ” dẫn tới một số doanh nghiệp được nhảy vào nhưng những doanh nghiệp khác không được tham gia.

“Doanh nghiệp bỏ vốn 100 tỷ đồng nhưng nghiệm thu với mức tổng là 1.000 tỷ đồng. Giữa con số thật và số thực tế không giống nhau nhưng được nâng lên nhằm đổi lại một giá trị đất lớn. Vấn đề này còn dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp nhảy vào xây dựng công trình nhưng không thực hiện cam kết đến cùng. Họ đầu tư vào BT chỉ là cái cớ nhưng sâu xa là nhận đất, kiếm lời. Một số trường hợp đã không hoàn thành dự án BT vì nhận đất rồi lại tập trung xây dựng công trình bán, bỏ bê công trình hạ tầng”, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến nói thêm.

Không thể phân bổ nguồn lực đất đai bằng tư duy ngắn hạn

Đất đai là nguồn lực quan trọng trong phát triển đô thị và càng đặc biệt quan trọng hơn đối với một thành phố trực thuộc TW. Việc phân phối, sử dụng đất đai một cách hợp lý dựa trên quy hoạch bài bản là cách duy nhất để phát huy giá trị và hiệu quả của nguồn lực đất đai. Theo đó, những công trình trên đất, phải là những dự án đồng bộ hạ tầng, tiện ích, chất lượng, đáp ứng quy mô dân số theo quy hoạch đô thị, tạo thành những khu đô thị văn minh, phát triển bền vững. 

Các chuyên gia đánh giá, việc sử dụng đất đai đối với các đô thị lớn, đặc biệt là các thành phố trực thuộc TW phải dựa trên nhu cầu thực tế và tư duy dài hạn để phân bổ một cách hợp lý. Điều này nhằm hạn chế việc cấp phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tràn lan, gây ra hệ lụy lâu dài: Đó là đất đai bị thâu tóm, cạn kiệt nguồn lực, không còn đất để phát triển trong tương lai.

“Vấn đề phân bổ nguồn lực phải dựa trên quy hoạch đồng bộ và phải chọn lọc nhà đầu tư để giao dự án cho những nhà đầu tư có đủ năng lực và trách nhiệm, thay vì chỉ chăm chăm vào “miếng bánh lợi ích” mà bỏ quên trách nhiệm xã hội.Thông thường những nhà thầu yếu kém mới chạy chọt xin chỉ định thầu, còn nhà thầu mạnh không ngại chuyện đấu thầu công khai”, một chuyên gia quy hoạch nói.

Thành phố Bắc Ninh.

Việc Bắc Ninh được quy hoạch thành thành phố trực thuộc TW đang tạo đà cho địa phương này phát triển, thu hút đầu tư mạnh mẽ nhưng chính thông tin này lại trở thành con dao hai lưỡi, làm cạn kiệt nguồn lực vì tình trạng xâu xé lợi ích, băm nát quy hoạch, dễ dàng giẫm lên vết xe đổ của Hà Nội, TP.HCM, nếu không có bước đi kỹ lưỡng, cẩn trọng.

“Cơ chế điều chỉnh quy hoạch thiếu chuẩn mực, nhiều khi không phải vì mục đích phát triển chung mà chỉ vì những lợi ích riêng... Trên thực tế, lợi ích tư nhân có biểu hiện đang dẫn đường cho phát triển, còn quy hoạch của Nhà nước nhiều khi chạy theo lợi ích tư nhân. Điều này dẫn tới một thực trạng là Nhà nước chưa đảm bảo chức năng dẫn đường cho phát triển”, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bình luận về thực trạng quy hoạch chạy theo dự án ở các đô thị lớn hiện nay.

Khu đô thị bỏ hoang, ôm đất, dân mất đất canh tác.

Với vị trí địa chính trị - kinh tế, điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bắc Ninh cần phát huy hơn nữa sự chủ động, sáng tạo; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tạo ra những đột phá để phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc TW vào năm 2022, hướng tới kinh tế tri thức, đô thị thông minh và trở thành một trung tâm vùng phát triển năng động hàng đầu của cả nước.

Theo đó, địa phương phải kiến tạo không gian đô thị mở, thông minh với kiến trúc xanh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Kinh Bắc; đa dạng hóa nguồn lực, phát huy nội lực, thúc đẩy liên kết, phát triển trong vùng Thủ đô và cả nước; tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển mạnh công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, du lịch văn hóa - lịch sử; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; chú trọng phát triển làng nghề và không gian sinh thái tự nhiên.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh cần xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực, có chương trình phát triển đô thị, kế hoạch thực hiện hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý của bộ máy chính quyền; tập trung đôn đốc, rà soát xử lý tình trạng lãng phí đất đai từ các dự án đầu tư  nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị theo các tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, các chuyên gia cho rằng, Bắc Ninh phải xây dựng quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, đừng “tham bát bỏ mâm”, vì những lợi ích trước mắt mà gây hậu quả lâu dài./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top