Trong những tháng đầu năm 2023, tình trạng khí hậu khắc nghiệt khiến việc cung cấp điện trong mùa khô trở nên khó khăn hơn. Trước việc mực nước tại các hồ chứa xuống thấp khiến các nhà máy thủy điện phải hoạt động cầm chừng dưới công suất, việc cắt điện luân phiên trở thành giải pháp khó tránh để đảm bảo cung ứng điện. Một số nhà máy nhiệt điện than ở khu vực miền Bắc phải dừng hoạt động để bảo dưỡng, sửa chữa. Việc liên tục bị gián đoạn cung ứng điện đã gây ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất và tiến độ giao hàng của nhiều doanh nghiệp.
Các chuyên gia đánh giá, điều này có thể là bước đệm cho làn sóng đầu tư tại các tỉnh nhóm 2, khi khách thuê và nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư và di dời nhà máy sản xuất sang các khu vực khác. Đồng thời, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo và phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng truyền tải năng lượng tái tạo cũng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Theo ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Hà Nội: “Việc cắt điện gần đây đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các tỉnh chủ lực về công nghiệp tại khu vực phía Bắc, gây sản xuất ngừng trệ, không kịp tiến độ giao hàng. Mặc dù một số khu công nghiệp, chế xuất hiện đại được trang bị hệ thống điện dự phòng nhưng vẫn tồn tại mối lo ngại ngắn hạn về tần suất cắt giảm điện tiềm ẩn”.
Sự gián đoạn trong sản xuất đã tác động trực tiếp đến năng suất và lợi nhuận chung của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Cắt điện dẫn đến thiệt hại tài chính đáng kể cho khách thuê và các nhà máy sản xuất. Việc buộc phải ngừng hoạt động vì cắt điện đột ngột có thể dẫn tới hư hỏng thiết bị sản xuất, gián đoạn chuỗi cung ứng, đơn đặt hàng bị trì hoãn, gây ra các chi phí phát sinh, đồng thời sẽ tác động đến doanh thu lâu dài và tính bền vững của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặc biệt bị ảnh hưởng vì họ thường thiếu nguồn lực để đối phó với những gián đoạn như vậy.
Mặc dù một số khu công nghiệp đã triển khai hệ thống điện dự phòng, nhưng tính ổn định của hệ thống cũng là một bài toán khó tìm lời giải. Công suất vận hành đối với máy móc tại các nhà máy sản xuất là rất lớn, khó để có thể đảm bảo tính liền mạch đối với toàn bộ hệ thống trong tình trạng cắt điện thời gian dài. Do đó, khách thuê và các nhà đầu tư đang triển khai việc đa dạng hóa địa điểm sản xuất với các lựa chọn khác có ưu đãi hấp dẫn hơn khi tần suất cắt điện luân phiên liên tiếp xuất hiện trong suốt tháng 6.
“Điều này có thể khiến khách thuê và các nhà đầu tư xem xét làn sóng mới hấp dẫn tại các tỉnh nhóm 2 như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình và Nam Định cho chiến lược đầu tư và di dời của mình”, ông Thomas cho biết.
Trước những thách thức do gián đoạn cung ứng điện, doanh nghiệp sản xuất và các chủ đầu tư khu công nghiệp cần có những giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, việc nâng công suất dự phòng lên tiêu chuẩn cao hơn là cần thiết để đảm bảo quy trình sản xuất liền mạch.
Ông Thomas Rooney cho rằng, việc đầu tư vào các hệ thống điện dự phòng công suất lớn và áp dụng các giải pháp lưu trữ năng lượng hiệu quả hơn có thể giúp giảm thiểu tác động của việc cắt điện và đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn. Những biện pháp này cung cấp cứu trợ tạm thời và đảm bảo hoạt động vẫn diễn ra liền mạch trong thời gian mất điện.
Nhìn về dài hạn, việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời và điện gió, cũng như nâng cấp hệ thống truyền tải là một trong những chiến lược được chuyên gia khuyến nghị để đồng thời tận dụng tối đa tiềm năng của Việt Nam và hạn chế khó khăn về cung ứng điện trong mùa khô.
Ông Thomas chia sẻ: "Với lợi thế địa lý và tài nguyên, Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió ngoài khơi và điện gió đất liền. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chưa chú trọng vào các dự án do chính sách liên quan đến phát triển nguồn năng lượng này chưa ổn định”.
Trong một báo cáo hồi tháng 4/2023, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) cho biết năng lượng tái tạo đạt 13,31 tỷ kWh, chiếm 15,6% tổng sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Đáng chú ý, Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Mục tiêu là hướng tới đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
Có thể thấy, năng lượng là giải pháp dài hạn và bền vững để giải quyết các vấn đề về thiếu điện gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong mùa khô. Đồng thời cũng là giải pháp để đồng hành cùng doanh nghiệp hướng tới các cam kết ESG, đóng góp vào định hướng chuyển dịch năng lượng và cam kết Net-Zero của Chính phủ./.