Aa

"Ban quản trị đang bị quá tải về quyền và nghĩa vụ"

Thứ Tư, 03/07/2019 - 06:01

Bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Công ty Venus cho rằng, Ban quản trị nhà chung cư đang bị quá tải về quyền và nghĩa vụ, không phải họ muốn mà pháp luật quy định như vậy.

Tiếng nói chung của cư dân và chủ đầu tư còn nhiều vướng mắc

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại 11 tỉnh thành trên cả nước hiện có 458 vụ tranh chấp, khiếu nại liên quan tới công tác quản lý, vận hành nhà chung cư. Trong đó có 68 vụ tranh chấp về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư. Riêng tại Hà Nội có 39 chung cư, TP.HCM có 15 chung cư xảy ra tranh chấp liên quan tới quản lý, sử dụng phí bảo trì chung cư.

Có thể thấy, sức nóng của những cuộc tranh chấp chung cư ngày càng lớn, chủ đầu tư và cư dân ngày một khó tìm được "tiếng nói chung".

Đánh giá về vấn đề này, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, khi xảy ra tranh chấp các bên vẫn chưa chủ động ngồi với nhau nên xung đột càng bị đẩy lên cao, và gây ra hiện tương căng băng rôn.

Ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng.

Ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng.

"Muốn có tiếng nói đồng thuận thì phải có cách nhìn, cách hiểu về các quy định trong các văn bản pháp luật giống nhau", ông Hưng nhấn mạnh.

Vị này cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, giải thích các căn cứ pháp luật sao cho tạo ra được tiếng nói đồng thuận. Còn trên thực tế thì tiếng nói chung của cư dân và chủ đầu tư vẫn còn nhiều vướng mắc. 

Theo ông Hưng, các quy định pháp luật hiện tại tương đối đầy đủ, mặc dù vẫn còn vài quy định chưa tối ưu hết.

Bên cạnh các xung đột về công tác quản lý, quy chế vận hành nhà chung cư thì câu chuyện sử dụng quỹ bảo trì ra sao, đơn vị nào quản lý đang là "nút thắt" khó gỡ tại các chung cư.

Ông Hà Quang Hưng cho biết, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đang nghiên cứu và sẽ có những ghi nhận ý kiến và kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp với thực tế đang diễn ra về cơ quan quản lý ban quản trị, về quy định cấp quận ra quyết định công nhận ban quản trị...

"Tuy nhiên, nếu thành viên ban quản trị sử dụng sai phí bảo trì thì đã có quy định trong Luật dân sự, rất đầy đủ và cũng tương đối nghiêm khắc. Hiện nay, tôi cũng đề nghị mọi người tập trung nhiều hơn vào các công cụ như tòa án để đòi lại quyền lợi tốt hơn", ông Hưng chia sẻ.

Vì sao có ban quản trị vừa mới thành lập đã tự giải tán?

Ở một góc nhìn khác, bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Công ty Venus cho rằng Ban quản trị đang bị quá tải về quyền và nghĩa vụ, không phải họ muốn mà là pháp luật quy định như vậy.

Ảnh minh họa.

Tại 11 tỉnh thành trên cả nước hiện có 458 vụ tranh chấp, khiếu nại liên quan tới công tác quản lý, vận hành nhà chung cư

"Dùng đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp là hợp lý, trong khi ban quản trị là một chế định đại diện, không được học nghề làm Ban quản trị nhưng lại phải làm các vấn đề động chạm đến chuyên môn, đòi hỏi thời gian và chuyên môn, thậm chí cả hiểu biết về pháp lý", bà Hương nêu quan điểm.

Một ví dụ đáng bàn được bà Hương nêu ra là có nhiều trường hợp Ban quản trị thành lập, chưa kịp có phê chuẩn của cơ quan nhà nước thì đã tự giải tán xong, thậm chí, nhiều người làm xong lại bị “ức chế, căng thẳng”.

"Cần hình dung Ban quản trị luôn mong muốn làm tốt, cống hiến nhưng con đường đi không trải hoa hồng, có nhiều trở ngại và không có người hỗ trợ", đại diện Công ty Venus cho hay.

Bên cạnh những sự việc đáng tiếc như nhà chung cư không có ban quản trị, quỹ bảo trì bị chủ đầu tư chiếm dụng thì lại có nhiều ban quản trị đang gặp khó khăn trong việc tìm đơn vị vận hành, hay phải tiếp nhận khối tài sản nhiều quá. Bà Hương cho rằng việc quản trị, giữ quỹ bảo trì hay rất nhiều trách nhiệm liên quan, này nếu chỉ ban quản trị phụ trách thì không làm được và sẽ không khách quan.

"Nếu thuê thì lấy tiền từ đâu cũng là một câu hỏi lớn. Ban quản trị không có tiền để sử dụng, nên tôi đề nghị về hành lang pháp lý lý cần có điều chỉnh bổ sung để giải quyết kịp thời các vấn đề này", bà Vũ Ngọc Hương đề nghị.

Theo đó, bà Hương cho rằng các đơn vị quản lý vận hành sẽ là giải pháp tốt bởi họ có năng lực, được công nhận, thêm vào đó, đây là đơn vị thường xuyên có tính chuyên nghiệp nâng cao, đặc biệt là cầu nối pháp lý, giải thích, tuyên truyền hỗ trợ cho Ban quản trị và cư dân hiểu biết hơn về quy định.

Đồng thời, sự góp mặt của đơn vị quản lý vận hành sẽ giảm tải công việc cho ban quản trị, đưa ban quản trị về đúng vai trò, chức năng là đại diện, là giám sát, góp ý, định hướng để thực hiện đúng mong muốn cư dân, yêu cầu đơn vị vận hành thực hiện.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top