Aa

Bản tin BĐS 24h: Từ 01/07/2021 mua nhà Hà Nội là có hộ khẩu Hà Nội

Thứ Sáu, 18/12/2020 - 18:50

Từ 01/07/2021 mua nhà Hà Nội là có hộ khẩu Hà Nội; Hàng trăm khách hàng thành “con tin” trên khu đất công; Thị trường BĐS logistics Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ; Chợ, trường, “đắp chiếu”, căn hộ bỏ hoang là những tin chính.

Từ 01/07/2021 mua nhà Hà Nội là có hộ khẩu Hà Nội

Theo qui định của Luật cư trú 2020 được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020, từ ngày 01/07/2021, thời điểm Luật này có hiệu lực, nếu mua nhà tại Hà Nội (có chỗ ở hợp pháp tại Hà Nội) thì sẽ có hộ khẩu tại Hà Nội nếu thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký thường trú theo quy định.

Từ 01/07/2021 mua nhà Hà Nội là có hộ khẩu Hà Nội

Cụ thể, khoản 1 Điều 20 Luật 2020 nêu rõ: Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.

Đồng thời, Luật mới đã bỏ quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương như quy định cũ tại Điều 20 Luật Cư trú năm 2006 sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Cư trú sửa đổi năm 2013:

Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 01 năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 02 năm trở lên…

Do đó, từ ngày 01/07/2021, thời điểm Luật 2020 có hiệu lực, nếu mua nhà tại Hà Nội (có chỗ ở hợp pháp tại Hà Nội) thì sẽ có hộ khẩu tại Hà Nội nếu thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký thường trú theo quy định và nhà ở không thuộc các địa điểm không được đăng ký thường trú mới theo Điều 23 Luật 2020 như:

Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép…

Nhiều năm trước, việc có được hộ khẩu Hà Nội là niềm mơ ước của nhiều người dân ngoại tỉnh. Đây cũng chính là cơ hội để nhiều kẻ lợi dụng thu tiền, kiếm chác, làm hộ khẩu cho những người có nhu cầu. Với qui định mới của Luật Cư trú 2020, sổ hộ khẩu Hà Nội không có giá trị "trên giời" như trước nữa.

Hàng trăm khách hàng thành “con tin” trên khu đất công

Theo reatimes, ngày 15/12/2020, Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Vạn Gia Long đã có thông báo số 29/VGL-VP, gửi đến khách hàng về quá trình thực hiện dự án Trung tâm TMDV và căn hộ cao cấp Sunshine Apartment (tên thương mại là Đức Long Golden Land).

Ngày 28/11/2017, Sở Xây dựng đã cấp phép xây dựng số 254/GPXD cho Công ty xây dựng phần ngầm (bao gồm phần móng và phần hầm) dự án Trung tâm TMDV và căn hộ cao cấp Sunshine Apartment. Tiếp đó là thông báo số 34/VGL-VP ngày 18/06/2019, công ty đã làm việc với các Sở ngành và UBND TP HCM xin phê duyệt các bước pháp lý dự án tiếp theo để triển khai dự án.

Nhưng công ty Vạn Gia Long cho rằng dự án có đất thuộc đất rạch, mặt nước hoang xen cài bên trong do Nhà nước trực tiếp quản lý. Mặc dù đã được UBND TP HCM giao đất (bao gồm cả phần đất do Nhà nước trực tiếp quản lý này) để thực hiện dự án, đồng thời UBND quận 7 cũng có văn bản thông báo cho Sở Tài nguyên & Môi trường TP HCM rằng, quận 7 không có nhu cầu sử dụng phần đất trên.

Dự án Trung tâm TMDV và căn hộ cao cấp Sunshine Apartment có tên thương mại là Đức Long Golden Land

“Tất cả các bước pháp lý dự án tiếp theo đều yêu cầu phải giải quyết vấn đề đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, do đó đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ các bước pháp lý dự án cần có để triển khai. Sự việc này là trường hợp bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty”, nội dung văn bản Vạn Gia Long gửi khách hàng cho biết.

Trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan từ UBND quận 7, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP HCM… trong vụ giao đất công không qua đấu giá này vẫn chưa được làm rõ

Dự án Đức Long Golden Land được giới thiệu quy mô gần 1.000 căn hộ. Phần lớn căn hộ tại dự án này đã được chủ đầu tư bán cho khách hàng. Sự bế tắc xuất phát từ việc giao đất công trái luật đang có nguy cơ biến dự án này thành điểm nóng tranh chấp.

Ngày 27/10/2017, UBND TP HCM có quyết định 5733/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty Vạn Gia Long được sử dụng phần đất trên để thực hiện dự án. Qua đó, giao Vạn Gia Long sử dụng 6.641,1m2 đất (phường Tân Thuận Tây, quận 7) do Nhà nước quản lý để thực hiện dự án. Hình thức, thời hạn sử dụng đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng là 50 năm.

Đến giữa năm 2019, văn phòng UBND TP HCM đã có văn bản số 769/TB-VB truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến, đề nghị Cơ quan CSĐT (Công an TP HCM) vào cuộc làm rõ những dấu hiệu sai phạm tại dự án Trung tâm thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp Sunshine Apartment (tên trước đây là Đức Long Golden Land) tại phường Tân Thuận Tây, quận 7 do Công ty Vạn Gia Long làm chủ đầu tư.

Đồng thời cũng điều tra, làm rõ trách nhiệm trước pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ để xảy ra sai phạm trong dự án Đức Long Golden Land. UBND thành phố cũng giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát toàn bộ pháp lý dự án trên.

Thị trường bất động sản logistics Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ 

Báo cáo mới nhất của JLL về bất động sản hậu cần cho biết thị trường kho vận (bất động sản logistic) Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ trong 12 tháng qua. Diễn biến cho thấy các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến thị phần nhà kho và không ngừng thúc đẩy nguồn cung tăng cao kỷ lục, bất chấp tác động Covid-19.

Tính đến tháng 12/2020, tổng nguồn cung nhà kho tại Long An, TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương đã vượt ngưỡng trên 3 triệu m2 sàn, trong đó Bình Dương dẫn đầu với gần 1,4 triệu m2 kho vận cung cấp cho thị trường bất động sản hậu cần. TP HCM và Đồng Nai lần lượt đưa ra thị trường 600 - 800 nghìn m2 nhà kho. Long An có nguồn cung kho vận ít nhất trong top 4 các tỉnh phía Nam nhưng cũng đã sớm xuất hiện hàng trăm nghìn m2 nhà kho phục vụ thị trường tập kết và trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây.

Thị trường bất động sản logistics Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ 

Trong khi đó, các tỉnh phía Bắc tăng trưởng khiêm tốn hơn thủ phủ công nghiệp phía Nam với tổng nguồn cung đạt 880 nghìn m2 kho vận xuất hiện tại Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh và Hải Phòng.

Theo JLL, nguyên nhân của làn sóng bùng nổ loại hình bất động sản kho vận là do nhân khẩu học của Việt Nam có đặc thù dân số trẻ, đô thị hóa cao, và đặc biệt, sự bứt phá của thương mại điện tử cũng là một động lực lớn cho nhu cầu bất động sản hậu cần.

Thông thường, các công ty thương mại điện tử sử dụng nhiều không gian hậu cần hơn các nhà bán lẻ truyền thống. Điều này phần lớn là do phạm vi sản phẩm phong phú hơn, mức tồn kho lớn hơn, yêu cầu về không gian vận chuyển ra nước ngoài lớn hơn và nhu cầu hậu cần hai chiều (quy trình đổi trả hàng).

Chuyên gia của JLL nhận định COVID-19 đang đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong lĩnh vực logistics và sẽ trở thành xu hướng chính trong thời gian tới, là động lực rất lớn khiến thị trường kho vận bùng nổ.

Khách thuê nhà kho đang có xu hướng nâng cấp từ các cơ sở lỗi thời, vừa và nhỏ và quản lý bởi chủ sở hữu tư nhân để chuyển đến các kho hiện đại, ở vị trí tốt hơn.

Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam JLL cho biết, Covid-19 đang đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong lĩnh vực logistics và sẽ trở thành xu hướng chính trong thời gian tới, là động lực rất lớn khiến thị trường kho vận bùng nổ. Khách thuê nhà kho đang có xu hướng nâng cấp từ các cơ sở lỗi thời, vừa và nhỏ và quản lý bởi chủ sở hữu tư nhân, để chuyển đến các kho hiện đại, ở vị trí tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc hợp nhất các hoạt động logistics vào hiện đại hóa chuỗi cung ứng đang nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí logistics tổng thể cho khách thuê. Tăng trưởng trong các ngành khác cũng sẽ hỗ trợ mở rộng thị trường hậu cần 3 bên, bao gồm tăng trưởng trong ngành thực phẩm và đồ uống, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, cũng như các ngành thiết bị văn phòng và công nghệ.

Hiện Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Doanh thu từ mảng thương mại điện tử năm 2020 dự kiến đạt khoảng 13 tỷ USD, gấp đôi mức năm 2017. Xu hướng này sẽ thay đổi hình thái logistics Việt Nam trong tương lai.

Xây dựng các mẫu nhà an toàn trong phòng chống thiên tai

"Năm 2020, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng ban hành hướng dẫn mẫu nhà ở phù hợp, an toàn trong phòng chống thiên tai để các địa phương tham khảo, cùng với đó Tổng cục phòng chống thiên tai phối hợp triển khai xây dựng mẫu nhà mới an toàn trong phòng chống thiên tai gồm: các nhà mẫu của dân, nhà mẫu của cộng đồng, tổ hợp nhà mẫu... theo hình thức xã hội hoá... Về lâu dài, cần tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình về nhà ở an toàn trong phòng chống thiên tai."

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp tại cuộc họp về nhà ở an toàn phòng chống thiên tai diễn ra sáng 16/12, tại Hà Nội.

Giáo sư, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết việc xây dựng nhà phải an toàn, bền đẹp, đảm bảo chất lượng sống cao. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà an toàn trong thiên tai cần phải có phải có chương trình quốc gia và có sự tham gia trực tiếp của người dân trong việc thiết kế, xây nhà chống thiên tai.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Quảng Trị Bùi Đức Huy cho rằng cần phải tính toán kỹ để xây dựng nhà phòng chống thiên tai phù hợp đặc điểm của từng địa phương, vùng miền, có công năng sử dụng cao. Việc xây dựng nhà phòng chống thiên tai là một chủ trương lớn, đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Ông Hoàng Thanh Tùng, đại diện Trường Đại học Thủy lợi, khẳng định Trường sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các đơn vị liên quan cung cấp các thông tin đầu vào (tình hình ngập lũ, thời gian lũ ngập tại các địa phương, mức độ ảnh hưởng và tác động của lũ, lũ quét, sạt lở đất...) để hỗ trợ trong việc xây dựng nhà an toàn phòng chống thiên tai.

Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục phòng chống thiên tai Đoàn Tuyết Nga cho biết sẽ chủ động tham mưu cho Tổng cục phòng chống thiên tai và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai các mẫu nhà ở an toàn trong Dự án GCF - Dự án tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam do Quỹ khí hậu xanh tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình phát triển của Liên hợp quốc nhằm thiết kế, xây dựng nhà phù hợp, an toàn trong phòng chống thiên tai đạt hiệu quả nhất.

Chợ, trường, “đắp chiếu”, căn hộ bỏ hoang

Theo Tienphong, tại TP HCM, hàng chục nghìn tỷ đồng được đầu tư để xây trường học, làm chợ, xây dựng các dự án tái định cư nhưng không ít công trình sau khi hoàn thành lại bị bỏ hoang, dần xuống cấp, hư hỏng… trong nỗi xót xa, trăn trở và bức xúc từ phía người dân.

Cách quốc lộ 1A vài trăm mét, chợ Tân Phú (quận 9) bề thế khang trang một thời với quy mô gần 350 ki ốt trên mặt bằng diện tích gần 4.000 m2 đang dần xuống cấp sau 16 năm bị bỏ hoang.

Đại diện UBND phường Tân Phú cho biết, đã kiến nghị UBND quận 9 cho thay đổi công năng, tiến hành xã hội hóa nguồn lực khai thác chợ, cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê lại nhằm sử dụng hiệu quả mặt bằng nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Nhiều căn hộ bị bỏ hoang

Vừa qua, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND TP HCM tháo dỡ một phần hoặc toàn bộ công trình Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu (phường 10, quận 6) để đầu tư xây dựng lại theo hình thức xã hội hóa. Đây là công trình được đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng 19 tỷ đồng nhưng đã nhanh chóng xuống cấp và bị bỏ hoang trong nhiều năm.

Theo Sở Xây dựng TP HCM, tính đến hết năm 2019, nguồn nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP HCM là 9.434 căn hộ và 2.254 nền đất chưa sử dụng tại 163 dự án. Trong số đó, Khu tái định cư Bình Khánh (quận 2) có diện tích 38,4 ha và hàng chục block chung cư cao tầng, quy mô 12.500 căn hộ được hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay còn hơn 5.300 căn hộ bỏ trống thuộc các lô từ R1 đến R7. Sau 5 năm, hàng nghìn căn hộ đã bắt đầu xuống cấp.

Tương tự, Khu tái định Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với 45 block chung cư 5 tầng (1.939 căn hộ) được đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng đến nay còn gần 1.000 căn hộ bỏ trống. Theo một số hộ dân sống tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B, do không có người ở và không được duy tu nên sau 9 năm “đắp chiếu”, các block chung cư đã xuống cấp, hư hỏng. Hành lang và lối đi bị sụt lún. Hệ thống phòng cháy chữa cháy hư hại, cái mất cái còn. Nhiều căn hộ đã bắt đầu bị nứt…

Để xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư, TP HCM vay khoảng 12.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng. Mỗi ngày, tiền lãi phát sinh khoảng 2,9 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, số tiền lãi thành phố phải trả là hơn 902 tỷ đồng. Năm 2016, nợ gốc đến hạn phải trả là hơn 5.200 tỷ đồng và lãi vay phát sinh 829 tỷ đồng. Dù bỏ hoang, hàng ngày, ban quản lý chung cư tái định cư Bình Khánh vẫn phải tốn kinh phí quản lý, bảo vệ, làm vệ sinh, thắp sáng... cho các block chung cư.

Theo Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng, năm 2020, UBND TP HCM ghi vốn chi khoảng 71 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng số lượng căn hộ tái định cư bỏ hoang này. Báo cáo kiểm toán “hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016-2020 của TP HCM” vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố đã chỉ ra TP HCM đang lãng phí hàng nghìn tỷ đồng với hơn một nửa số lượng quỹ nhà đất tái định cư dôi dư. Một số dự án có thời gian đầu tư kéo dài, việc bố trí tái định cư chậm, chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top