Bạn văn, thầy văn

Bạn văn, thầy văn

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tunhi2007@gmail.com
Thứ Hai, 08/11/2021 - 06:06

Buổi hôm đó, bạn tôi Trần Trọng Dương, thuyết trình những ý hiểu của Dương về tín ngưỡng thờ Vua Hùng. Lâu lâu ít gặp, dự một cuộc như thế, tôi thấy mình càng đúng là một cái anh học trò, phải học bạn nhiều quá. Bây giờ vẫn vậy thôi, và tôi vẫn hào hứng khi nghĩ đến từ “sư hữu”. Ngoài thầy, bạn đồng lứa, bạn nhỏ hơn, nói cho mình điều gì hay, mới, là mình thích rồi! Nhất là khi có những thông tin, ý tứ vụt sáng, giúp ích cho mình nghĩ, mình viết. Như bạn tôi Trọng Dương, người đã từ lâu đi hẳn sang con đường học thuật, hồi sinh viên đã có những câu thơ rất ảo, tôi nhớ lâu, có những bạn khác cũng nhớ đến bây giờ, gần 20 năm rồi:

“Xà cừ xuân đường Láng vẫn xanh

Giờ lá rụng ngàn trăng rơi xuống phố”

Câu trên thì kể lể ra thế thôi, nhưng nó làm nền cho câu dưới quyện hòa, ảo huyền mà rực lên những ánh sáng trong vùng đêm tối. Viết câu ấy, không phải bịa ra mà có. Nhà bạn tôi ở Chèm, đi học, đi về từ trường Nhân văn ở Thanh Xuân chỗ đối diện nhà máy thuốc lá, phải đi suốt đường Láng. 20 năm trước, cơ bản chỉ có con phố dài miên man ấy để mà đi. Bao nhiêu buổi tối về nhà trên con đường lá, đường xà cừ, đường trăng mới lóe lên cái nhìn như vậy. Hoặc là bởi có vốn Hán Nôm, đi vào làm khóa luận tốt nghiệp trong Huế, quanh quanh cả tháng những lăng tẩm, bia ký, đền đài hoang liêu quạnh quẽ, thì lúc nào đó ngơi tay ghi chép chợt ngẩng lên mới thấy được một bầu trời chạm khắc:

“Mây chạm lộng vào chiều

Dáng thon xưa ngự nữ

Gió đưa tà áo nhớ

Hằn lên phiến đá già”

Đấy là những cái nghĩ, cái chữ của bạn mà tôi phải học. Cũng như là hơn 20 năm trước, khi tôi còn đang tập tành, gò gẫm câu chữ, thì Bùi Việt Phương, một tay học chuyên văn Hoàng Văn Thụ ở Hòa Bình xuống, ăn mặc, đi lại chậm chậm khoan thai một cách không cần thiết như ông giáo già, lại có những câu hay làm mình ngạc nhiên quá, và phải học hỏi. Học thật chứ chả đùa:

“Anh như đêm lặng lẽ

Gọi thủy triều mắt em

Để tình yêu đánh lưới

Cả thủy triều lẫn đêm”

Xét ra thì thơ rất đỗi là… “tán gái”. Nhưng hồi sinh viên sáng tác mà ghép được cái “thủy triều mắt em” thì đáng kể rồi. Cũng ở hồi chưa đến 20 tuổi ấy, Phương có mấy câu làm tôi cứ băn khoăn về lúc sau này 40 những suy tư của mình sẽ thế nào, sao câu của tay này cứ như là nói trước cái gì đó vậy:  

“Chiếc cúc 20 tuổi

Trên ngực áo tứ tuần”

Nghe mà lấy làm nao nao!

Nguyễn Quốc Khánh, bạn trong nhóm bốn chúng tôi, cùng nhau in tập thơ “Để tình yêu đánh lưới” năm 2001 thì có những câu nay vẫn thật bồi hồi:

“Em đi gánh nước giữa chiều

Để anh gánh cả những điều viển vông

Em đi cắt cỏ ngoài đồng

Để anh làm gió ngủ trong tóc thề”

Hoặc là câu này, đọc lên thì khá là “điêu đứng”:

“Thế là bữa ấy em sang

Nụ hoa xoan nở trong bàn tay nhau”

Nở không phải tay em, hay tay anh, mà ở “trong bàn tay nhau” nó mới gợi hình, gợi ý, gợi tình cơ chứ!

Tiếc là nhiều năm rồi bạn tôi không viết nữa. Tôi cứ đợi một ngày như là vẫn tin vậy. Những gì đã đẹp tươi còn ủ lửa xanh non trong đất mềm. Qua tháng năm đằng đẵng sương giá, một tuổi nào đấy trải nghiệm va vấp đã trầy trượt căng vỡ ra rồi. Sẽ vượt lên! Những gì đã tươi sáng thế, nay vẫn thấy gợi, thấy đẩy, thấy kéo mình, vẫn vương vương găm vào mình như cỏ may, như hơi nước sau mưa trên lối ra vườn.

Bạn văn, “sư hữu” nó hay ở chỗ ấy. Còn “sư phi hữu” tức là “sư thật”, thì có cái ý này mà tôi đã rất phấn khích khi nghe thầy Trần Ngọc Vương đọc bài thơ của thầy, mà thầy vốn cũng không đi cái lối thơ ca này, cũng như giữ lắm, không “khoe” ra mấy đâu. Bài thơ dài, tôi chỉ nhớ cái ý mở đầu của thầy, và cũng là ý xuyên suốt thầy “triển” trong cả bài. Đấy là câu thơ nói với mẹ của Thánh Gióng, sao mẹ để cho con của mẹ bay về trời! Vậy thôi, mà tôi nhớ cái ý đó mãi. Giờ ngẫm lại, thấy thơ bay lên ở những chỗ bất ngờ, không phải ai và không phải khi nào cũng nhận ra như thế.

Nhắc đến thầy Vương thì tôi nhớ trong nhà thầy hồi trước có treo bức tranh giấy dó dài ngang ra hết cả một đoạn tường của họa sĩ Phan Cẩm Thượng tặng, bức tranh họa sĩ vẽ các nhân vật trong “Truyện Kiều”. Hồi đó chúng tôi chưa được quen họa sĩ, chỉ được nghe nói đến. Sau này tôi được quen biết, phỏng vấn, học hỏi và có những dịp đi lại, gặp gỡ, có lần ông đọc thơ cho nghe, và đương nhiên biết rằng, viết hãn hữu lắm, họa sĩ cũng “che” đi kín như thầy Vương vậy.

Tối hôm ấy một tối sau Tết, ở căn hộ thuê trọ trong phố Lò Đúc, ông đọc bài “Hà Đông mở phủ” thì ôi thôi, bản thân cái tên bài đã gợi ra cái điều mà tôi thấy mọi thứ nơi mình đang ở đang sống rõ mồn một ra thế, bỗng dưng ảo đi hết cả. Tôi học luôn họa sĩ cái “ảo hóa” đó. Nhiều khi một bài, vài bài, những bài thơ đọc đâu đó, thích vừa, thích ít, hay thấy hay nhiều, có những cụm từ ghép bên nhau tạo ra sự lồng ý, chuyển ý, tạo nội dung mới rất lạ, rất tinh. Thế mà thấm được cái điểm “nhói” một cái ấy, thì mình đã được trang bị một kinh nghiệm, một nét nghĩ rất đáng kể rồi. Như thầy Vĩ tôi – thầy Nguyễn Hùng Vĩ trong bài thơ “Quan họ” của mình, có câu:

“Đầu thai câu quan họ

Ta cầm tinh nỗi buồn”

Nghe vang lên là thấy náo động lòng mình rồi! Tôi học thầy cái ý đó, để đặt tên cho một cuốn sách sẽ in của mình, ghi chép, tản mạn về những người đẹp! Là các bà, các bác, các chú, các thầy, các bạn hữu có tài hoa, có đắm say, có dấn thân vào cõi đẹp tươi nghệ thuật, văn chương, để làm cho mình đẹp, và xung quanh cùng sáng trong, mến thương. Cuốn sách sẽ có tên là: “Những người cầm tinh hoa”. Họ cũng là những người vô tình đã dạy tôi, truyền thêm cho tôi thơ ca.

Thầy Vĩ yêu, mê quan họ lắm lắm mới viết những câu như vậy, câu thơ dẫn ta đi thẳng vào làng quan họ, vào niềm quan họ. Câu đó trong bài thơ sau nhiều năm từ khi học thầy tôi mới biết. Nhưng hồi quãng năm thứ ba Văn khoa, nghe thầy đọc bài thơ lục bát nọ mà thích lắm cái liên tưởng và chuyển đổi trạng thái vừa lộng lẫy, vừa tình tứ, vừa hóm hỉnh, lại trẻ trung nữa:

“Mắt lò xo của ta ơi

Trái tim châu chấu liên hồi chớp đông

Phù sa ba ngấn lổ vồng

Em đi cỏ mật chảy ròng thân đê”

Đọc thơ hay, mình viết lên tay, đấy là một lẽ đương nhiên. Người làm ra cái câu, bài thơ ấy dạy mình. Cái câu, cái chữ “hiểm hóc” ấy nó nhảy múa, sống động, dẫn đưa mình đi. Trong nghĩ suy đã có ở “điểm thơ” ấy, nó cộng hưởng với nghĩ dài, nghĩ thêm của mình, tạo ra như là vùng từ trường vậy.

Tôi muốn nói đến một không gian mà mình tạo dựng sau khi “đọc” sáng tác khác, đọc đời sống và trước khi ra đời câu thơ của mình. Nó như một nắm đất tốt, một vạt đất màu, một không gian “tiền đề” nuôi những câu thơ mọc lên. Và cái chỗ phù sa tươi thắm ấy, nó đã thật lung linh, thật khác, thật quyến dụ ta rồi, một không gian đã có năng lượng. Ta nghĩ, ta liên tưởng ở trong ấy, trước khi viết ra chữ mới. Thế nên tôi đọc thầy, đọc bạn, và có những thầy, những bạn viết có những “vệt loang” đặc sắc, dù nhỏ, dù hiếm, nhưng quý cho việc tạo “khí quyển” cho mình.

Thật vui khi mở cho nhau từ trường, truyền cho nhau năng lượng. Chính bằng việc sống và viết tích cực cho bản thân mình, thì chữ của mình, của bạn, của thầy sẽ lan vào người khác. Anh bạn cùng cơ quan, tha thẩn thế nào mà hóa ra cũng mê viết. Tất nhiên viết báo là nghề rồi, công việc chính của anh là theo dõi lĩnh vực và viết những bài báo về mỹ thuật, một công việc bắt nguồn từ việc học hành trường sở mỹ thuật, từ học hỏi thầy anh – họa sĩ Phan Cẩm Thượng. Còn sáng tác thơ thì xem chừng khó liên quan. Tự “dấm dúi” kể thật khẽ là mình “ngó nghóe” dăm ba bài thôi, nhưng gần đây anh bí mật gửi cho tôi bài thơ từng đăng báo 11 năm trước, cũng tháng 11, năm 2010, sau đó một số bài lẻ tẻ khác. Anh mong có chút nhận xét xem viết thế có được không.

Nhưng thực ra cái anh cần hơn là sự cổ xúy để anh châm lại mồi lửa vào nắm bùi nhùi đã để không từ lâu giữa cánh đồng gió. Một việc mà anh còn hơi lưỡng lự theo chiều hướng sẽ chăm tiếp cái mầm nhỏ, vừa ngai ngái lo cái cây tương lai sẽ còi cọc mà thôi. Bài thơ đã đăng báo ấy khiến tôi phấn khích. Hoang hoang, ảo ảo, mê mê, và dạn dĩ, và ngẫm nghiệm mông lung là cảm xúc tôi đọc ra từ bài thơ ấy. Nó cho tôi thêm một ví dụ hay về liên tưởng, về khí thế hào sảng mà thoảng đâu đó ngậm ngùi. Bài thơ “Những đàn chim giấy” của anh Vũ Lâm, người của Sơn Tây:

“Một hôm nào đó bỗng nhiên vỗ cánh bay đi mất

Những đàn chim giấy trắng của ta

Đến nơi nào đó la bàn không chỉ được

Ở đó có ta hay không ta

 

Bay lên trời ồ kìa đàn chim giấy trắng

Rủ nhau về tắm nắng đất lành

Những đầm lầy tù và rúc quanh năm sương mờ mịt khói

Đậu trĩu cành cứng cành mềm lông rơi trắng ngực đất

Ở đó có ta hay là không

 

Ngang qua khung trời vỏ ốc nước ốc

Có nhịp bay có tiếng vỗ cánh nào sầm sập

Mang bảy phương tứ phía bốn mùa đi
 

Cánh giấy mỏng ướt sũng

Bay trên ngày dài nhẩn nha rút ruột

Ở đó là bão bùng mưa gió

Có ta hay không ta”

Các bạn văn, thầy văn của tôi, những chữ những cánh trắng bay lên, gọi tôi cùng bay trong vùng mưa gió./.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Thanh Thảo
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top