Quê mẹ
Bao điều từ bàn tay hái rau, cắt lúa, từ đôi vai gồng gánh hoa quả, bánh trái quê mùa mà trở nên như những biểu tượng của tần tảo lam làm, của nâng niu, che chắn. Để rồi lan tỏa những yên ấm trong sâu thẳm nghĩ suy tâm linh của bao lớp người sau.
Những dịu dàng và thiêng liêng ấy, ta sẽ thấy trong dáng hình người bà, người mẹ, người chị ta gặp trên đường đời xuôi ngược, trong những cuộc thăm hỏi nơi quê nhà bằng hữu, cả những nơi mới quen, vừa đến. Ta sẽ thấm thía từ chính gia đình, người thân của mình, nơi có những điều mà vội vã ngày thường tưởng chừng cuốn trôi đi cả. Lúc nào đó khi ta biết lắng lại, những ngọc ngà châu báu của mồ hôi khoai lúa, của giấc mơ đất đai sinh nở vụ mùa, sẽ sáng bừng lên. Cũng có thể phải đến khi làm cha, làm mẹ, ta mới thấm được trọn vẹn bao khổ ải, nhọc nhằn mà các bậc sinh thành đổ xuống cho con cái trở nên những hình hài khôi ngô. Và rộng ra, ta thấy được, nhận được vẻ đẹp của hình dáng mẹ với vòng tay rộng mở, lòng bao dung và vỗ về, tính nhẫn nại và quán xuyến trong dòng chảy văn hóa quê hương, trong những tập quán nuôi giữ lâu bền tâm hồn Việt.
Hồi bé tôi ốm quặt quẹo, người ngợm còi cọc mãi tưởng khó mà giữ được. Mẹ chở tôi ra một ông lang ở gần Giám là khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám cắt thuốc. Đầu tôi trọc xơ xác, mắt tròn thô lố, ngồi nhặt thuốc ăn. Mẹ hỏi ông ơi nó có sống được không? Ông bảo thằng này ghè cối đá vào đầu không chết! Mẹ chở tôi từ Hà Đông ra Giám bao nhiêu lần, tôi uống thuốc ông lang thế nào, những mưa, những nắng, những bão bùng và sài đẹn thời gian…, bé quá làm sao nhớ. Giờ tất cả chỉ mờ nhòa vào tấm lưng áo trắng mồ hôi và chiếc nón lấp lóa, mẹ mải miết đạp xe, cho tôi ngồi lọt trong chiếc ghế mây buộc vào yên sau.
Ở nhà quê Tả Thanh Oai, họ hàng còn bày cách thế này nữa. Hôm ấy, mẹ chở tôi rời nhà ông bà ngoại, nói rằng lên Hà Đông. Đến đầu ngõ xóm trên mẹ dừng xe bế tôi xuống, mẹ dỗ dành mấy câu gì đấy, chỉnh quần chỉnh áo, cài lại dép. Tôi đang lấn bấn với cái quần nhung liền yếm trước ngực có hai dây đeo quàng qua vai và bắt chéo lại sau lưng, mẹ tất tả lên xe và đạp đi thật nhanh. Giờ tôi còn nhớ nỗi hoảng sợ trộn lẫn ngạc nhiên tột cùng ập đến quá đột ngột lúc ấy, khi tự dưng thấy mẹ bỏ đi không ngoái lại. Mẹ cứ xa dần khi tôi khóc nấc lên gào gọi giữa đường vắng. Ai đó đã chạy ra bế tôi lên, con đường ngõ, nhà cửa, mảnh sân, cây vườn, vòm trời nhòa nước mắt. Tôi thấy mình ở nhà bà bác cả và mọi người bắt đầu dỗ dành, các anh chị bế tôi ra xem ao, chỉ cho xem đàn vịt, tìm cái này cái nọ để dỗ tôi ăn.
Sau này tôi biết hôm ấy mình cứ kêu la mãi: Không về nhà bà chăn vịt đâu!... Chiều mẹ xuống đón tôi về. Thế là tôi đã làm “con nuôi” bà bác – bà chăn vịt trong một ngày như một cách chữa mẹo để người lớn tin rằng từ đó trở đi tôi mới nuôi dễ hơn. Suốt những năm dài, thỉnh thoảng chợt nhớ về một ngày mơ hồ đi làm “con nuôi” ấy, thấy mù mịt, heo hút một đường làng vắng. Nhưng sau lớn lên thì vài hình ảnh vụn còn lại bỗng nhiên vang động, để tôi thấy tuổi thơ mình, sinh mạng mình, như từng có chỗ nương náu vào một vòng tay cụ thể trong họ mạc, nhưng cũng là vòm tay nâng rộng lớn hơn, bao trùm hơn, của mẹ quê mùa, mẹ làng mạc, dân dã và thiêng liêng.
Tôi nghĩ đến bà ngoại của vợ, nghe kể là người Hải Phòng, ngày xưa con nhà giàu có, được chăm nom, hầu hạ, có xuyến vàng đeo, có áo gấm mặc, ra khỏi nhà có xe kéo. Ông ngoại người Thái Bình, là anh kép gánh chèo rong, dáng cao, mặt đẹp hay vào vai ông tướng, hay đóng vua với hoàng tử. Xong rồi thì ra nói chuyện dẻo lắm, đi đến đâu cũng có người mê. Diễn ở Hải Phòng hồi ấy, bà có được đi xem thế nào rồi thành ra bén hơi anh kép để đến nỗi gói quần gói áo trốn nhà đi theo chỉ vì một câu nói: Cô không theo tôi thì tôi chết! Sau này bà cụ còn thật thà kể với con cháu, hồi đó tao cũng sợ, tưởng không đi thì ông ý chết thật!
Theo làm vợ người nghệ sĩ lang thang nay đây mai đó, cô con gái nhung lụa ngơ ngác giữa trời cao đất rộng thành người phụ nữ chân năm tay mười, bươn bả lo cơm nước, áo sống cho gánh chèo lúc nào không biết. Bóng dáng cô con gái cành vàng đã chẳng còn đâu. Gánh chèo qua các thôn làng gần xa, sau lên vùng kháng chiến, bà làm đủ thứ việc, mua ra cái này bán lại cái kia, lấy những đồng dư cóp nhặt lại mà lo rau dưa, kim chỉ, cái ăn, thức mặc cho mấy người hát ca khắp làng này xã nọ, phục vụ dân công, bộ đội. Thấy được là mua, được là bán, có khi tấm vải, khi bó củi, lúc phải bán đi cái xuyến vàng, có khi bán cả… khẩu súng lục chẳng biết ai để lại cho. Lần hồi sống, lần hồi giữ gánh chèo qua bao nhiêu nổi chìm rồi cũng hòa bình, cũng đến hồi rã đám. Sau ông bà định cư lại Bắc Giang, mẹ vợ tôi sinh ra, lớn lên ở đó.
Mẹ sinh muộn, lúc ông bà đã cao tuổi, là con đẻ duy nhất. Nhưng trước mẹ, ông bà có hai người con. Người chị cả, người anh thứ hai ấy, đều là con người khác gửi gắm. Nuôi dưỡng, chăm nom, gắn bó mà thành như mẹ đẻ con ruột. Giờ ông bà ngoại nằm ở Bắc Giang, ban thờ do ông anh làm con trưởng lo hương khói. Giỗ mẹ hàng năm, giờ chỉ còn em gái với các cháu con chị, con em từ Hà Nội về, ông bác nay đã ngoài bát thập lại bồi hồi: Mẹ không sinh anh nhưng có mẹ anh mới thành người!
Tôi có bà bác trên bố tôi hai tuổi, nay đã tám lăm, nhìn lại mấy mươi năm nay, thấy bà càng sau này càng cố gắng mỗi năm thu xếp bay về Hà Nội vài tháng, ăn Tết với họ hàng mà giờ đây các ông các bà họp mặt chị em thì bà chị cả đã trên 90 và cô em út cũng ngoài 70 rồi. Cùng người chồng mang hai dòng máu Pháp Việt là công chức Pháp cũ rời Hà Nội vào Sài Gòn hồi năm tư, ở đó rồi sang Lào, đi Hồng Kông, qua châu Phi, về Pháp. Đến nước này nước kia theo những nhiệm kỳ ông đi làm cán bộ, làm lãnh sự đại sứ quán Pháp, đi xe có người đón, về nhà có người giúp việc, giờ nghe bà nhớ lại chuyện du ngoạn đó đây, toàn những thấy mua sắm với tiệc tùng.
Nhưng cũng kể từ chuyến đi năm năm tư ấy, tưởng như không hôm nào bà bác không nghĩ về gia đình. Từ khi nối được liên lạc, được thư từ với bố mẹ và các em cuối những năm sáu mươi, đến nay đã gần nửa thế kỷ, hàng năm bà dành dụm từng đồng, gom góp gửi về, lo chung từng việc, chăm cho em, cho cháu tiền ăn, tiền học, tiền xây sửa nhà…, như bố như mẹ. Tưởng như cả đời bà bác đã lấy công việc ấy làm mục đích. Mà sau này xem ảnh, nghe hoài niệm những năm thiếu nữ Hà Nội, kể cả sau này lấy chồng, làm mẹ một đàn con đông, tôi thấy bà bác vẫn đẹp và kiêu kỳ lắm! Ở người phụ nữ phố phường, người phụ nữ “ta” đi qua khắp “tây”, “tàu” ấy, như bao người phụ nữ đầy thương yêu nhưng phải xa gia đình, có dáng tần tảo quê hương, có sự tất bật trong tâm hồn, đi qua những chốn sang trọng, càng không nguôi được bản quán và nỗi lo toan về người thân.
Mỗi năm về Hà Nội ăn Tết phố xá quê nhà, trước ngày giỗ tổ ở quê, bà bác không quên sắp đầy đủ lễ để cùng các em, các cháu về thắp hương, chúc Tết họ hàng ở làng. Ông nội tôi lớn lên trong phố cổ, gốc gác đời cụ sinh ra ông từ Hưng Yên ra Hà Nội, sau không tìm lại được nơi khởi phát, ông lấy quê mẹ là làng Lộc Dư ở Thường Tín làm quê cho mình, làm nơi lui về thăm nom họ hàng, góp phần hương nến cho gian nhà thờ tổ họ ngoại cả khi sung túc lẫn lúc bần hàn. Sau ông nội gửi thân về cánh đồng quê mẹ, theo cụ nội hồi hai năm mươi cũng nằm lại quê vợ, hai bố con nằm chung một mộ giữa cánh đồng ngập gió và được phủ những màu lúa, màu thóc, màu những vạt rau gối vụ nối liền quanh năm.
Xây mộ cho ông nội và ông thân sinh, bố tôi đem hoa mười giờ về trồng. Mười giờ tươi tốt thêm mỗi dịp đầu xuân các con cháu về quê vào lễ nhà thờ tổ rồi đi thăm mộ. Ngôi làng, cánh đồng quê hương của cụ bà, như cách gọi dân gian vẫn là phía nhà ngoại ấy, đã đón cụ ông, đón ông nội, và lớp người như tôi bây giờ cũng nghĩ về đó như một chốn gốc gác để hàng năm, cành nhánh chi họ mình trở về thành kính.
Tôi về quê ấy, và đến những miền quê khác của những người mẹ, là cụ, là bà, là bác, là các cô, các chị… trong họ hàng nội ngoại lan tỏa của mình và gia đình mình, thấy những quê mẹ từ một người đã thành của nhiều người, thấy những vùng đất của người mẹ nông thôn, người mẹ tập quán, nề nếp bền chặt, cứ xanh tươi mãi để bao đời con, đời cháu nở hoa./.