Ở Việt Nam hiện nay, do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản đang phải đối diện với vô số khó khăn. Nếu thị trường bất động sản không được hỗ trợ kịp thời, không có sự điều tiết và quản lý khoa học, sẽ dẫn tới sự đổ vỡ dây chuyền và có thể để lại những hệ lụy xấu cho cả nền kinh tế.
Việc nghiên cứu sự biến động của thị trường bất động sản và ảnh hưởng của lĩnh vực bất động sản đến nền kinh tế rất mở của nước ta, từ đó đề ra định hướng, giải pháp tăng cường, phát huy vai trò của thị trường bất động sản là hết sức có ý nghĩa, cần thiết đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và khách hàng đã, đang và sẽ tham gia thị trường bất động sản, nhất là trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, cùng với các diễn biến trong môi trường chính trị – xã hội thời gian qua. Vì lẽ đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thực hiện nghiên cứu Đề tài khoa học: “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách” nhằm đưa ra những dữ liệu khoa học, thực tiễn phục vụ cho hoạt động quản lý Nhà nước và sự tham gia thị trường bất động sản của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Trên cơ sở đó, ngày 21/5/2020, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã ký Quyết định số 31/QĐ-VNREA về việc giao nhiệm vụ thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học: “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam – Vai trò và khuyến nghị chính sách”, do ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch VNREA làm chủ nhiệm Đề tài, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam là cơ quan bảo trợ thông tin và truyền thông.
Căn cứ báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và Ban Chủ nhiệm Đề tài, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã ký Quyết định số 29/QĐ-VNREA, nghiệm thu báo cáo kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học.
Chiều 5/1/2021, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm công bố kết quả nghiên cứu đề tài khoa học: "Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - vai trò và khuyến nghị chính sách", với sự tham dự của Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; đại diện Bộ Xây dựng; Ban Kinh tế Trung ương; Bộ TNMT; Các nhà khoa học nghiên cứu, tư vấn, phản biện đề tài; khoảng 40 phóng viên các cơ quan báo chí, truyền hình.
Thời gian: 14h00 – 15h30, ngày 5/1/2021;
Địa điểm: Phòng Hội thảo, Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia, Số 01 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội;
Tiêu điểm sự kiện
15:30
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu kết luận
Video toàn cảnh Tọa đàm
Vừa rồi, chúng ta đã nghe phần trình bày, công bố kết quả và phát biểu của Ban chủ nhiệm đề tài, các chuyên gia, nhà khoa học thực hiện và tư vấn triển khai đề tài nghiên cứu khoa học: “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam: Vai trò và khuyến nghị chính sách”.
Tôi xin được phát biểu kết luận và gợi mở một số vấn đề sau:
Thị trường bất động sản có vai trò quan trọng bậc nhất đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Ở các nước phát triển, yêu cầu và định hướng khơi thông những nguồn lực tiềm năng và bền vững của thị trường bất động sản là một ưu tiên chính sách. Chính vì thế, tỷ trọng bất động sản trong tổng số của cải xã hội ở các nước phát triển thường chiếm ít nhất trên 35% tổng tài sản vật chất của mỗi nước.
Các hoạt động trên thị trường bất động sản chiếm gần 30% tổng hoạt động của nền kinh tế. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi Chính phủ quan tâm đúng mức và có đánh giá chính xác về vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế thì thị trường bất động sản mới phát triển nhanh và bền vững, có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của quốc gia, không chỉ dưới phương diện GDP và tài sản quốc gia, mà còn là tác động lan tỏa đến những ngành kinh tế chủ đạo khác và giải quyết vấn đề việc làm, an sinh xã hội...
Việc nghiên cứu vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế và định hướng chính sách để quản lý và phát triển thị trường có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Vì lẽ đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học: “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách”, do ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội làm Chủ nhiệm đề tài, cùng càng chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, bất động sản, tài chính - ngân hàng, quy hoạch và pháp lý; nhằm đưa ra những dữ liệu khoa học, thực tiễn phục vụ cho hoạt động quản lý Nhà nước và sự tham gia thị trường bất động sản của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Đây là đề tài nghiên cứu khoa học quy mô đầu tiên của Hiệp hội được thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa từ các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội; do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện; Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam là cơ quan truyền thông.
Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài hoàn chỉnh có kết cấu gồm 3 chương; 14 tiết; 45 tiểu tiết.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và các chuyên gia đều thống nhất đánh giá, báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài là một công trình nghiên cứu khoa học độc lập, nghiêm túc, có đóng góp mới về vai trò của bất động sản đối với nền kinh tế và sự lan toả, tác động của bất động sản đến các ngành kinh tế có liên quan; đưa ra những kiến nghị, đề xuất mang tính tổng thể nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh, ổn định lành mạnh của thị trường bất động sản cũng như tăng cường vai trò và tính lan toả của thị trường bất động sản đến nền kinh tế.
Công trình trở thành kênh khảo hữu hiệu cho công tác hoạch định chính sách của Nhà nước về phát triển lành mạnh thị trường bất động sản cũng như kênh tham khảo cho các doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, hướng đến tầm nhìn 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển thịnh vượng, có thu nhập cao thì việc phát triển thị trường bất động sản hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia - coi du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo là những mũi nhọn và chú trọng nâng cao chất lượng, năng suất ngành nông nghiệp thông qua công nghệ cao và sản xuất quy mô lớn - điều kiện, mục tiêu và phương thức để bất động sản nông nghiệp phát triển.
Sau buổi Tọa đàm Công bố đề tài, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ gửi kiến nghị kèm toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu đến Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường và các cơ quan có liên quan, nhằm cung cấp tư liệu, thông tin, góc nhìn khoa học cho việc xây dựng chiến lược quốc gia tầm nhìn dài hạn và có chính sách cụ thể được thể chế hóa nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh và ổn định dài hạn.
Nhân dịp này, thay mặt cho lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, xin được trân trọng cảm ơn Ban Chủ nhiệm đề tài, các chuyên gia, nhà khoa học thực hiện nghiên cứu và tư vấn triển khai Đề tài, lãnh đạo và đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và các nhà báo đã cung cấp và tích cực thông tin truyền thông cho Đề tài nghiên cứu khoa học. Hy vọng trong những nghiên cứu và hoạt động tiếp theo, Hiệp hội tiếp tục nhận được sự đồng hành, ủng hộ và giúp đỡ của Quý vị.
Cuối cùng, xin được kính chúc các quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo nhiều sức khỏe và niềm vui. Chúc quý vị một năm mới thắng lợi và thành công.
15:05
Phát biểu của các chuyên gia nghiên cứu, tư vấn phản biện Đề tài
TS. Bùi Trinh phát biểu:
Trong Đề tài khoa học: "Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam: Vai trò và khuyến nghị chính sách", ở Chương 2 đã đưa ra một số số liệu khá quan trọng với lĩnh vực bất động sản, trong đó, nổi bật là chỉ số lan tỏa và độ nhạy.
Qua quá trình trực tiếp tham nghiên cứu, tôi nhận thấy, quá trình nghiên cứu Đề tài khoa học này đã vươn xa hơn phạm vi một số nước Đông Nam Á. Đó không chỉ là sự lan tỏa tới nền kinh tế nói chung mà còn lan tỏa tới giá trị gia tăng, lan tỏa đến nhập khẩu.
Theo kết quả của Đề tài nghiên cứu khoa học nêu ra, cho thấy bất động sản là một ngành có độ lan tỏa tới giá trị gia tăng cao, độ lan tỏa tới nhập khẩu thấp, lan tỏa về hiệu ứng nhà kính thấp. Theo tôi, nếu có thời gian và số liệu có thể nghiên cứu thêm sự lan tỏa tới chất thải nước, chất thải rắn.
Tôi cho rằng Đề tài nghiên cứu này đã tập trung được các số liệu chính thống, đạt chất lượng.
GS. Đặng Hùng Võ phát biểu:
Tôi được mời đóng góp một số phần trong Báo cáo. Tôi cho rằng chúng ta đã có khá nhiều nghiên cứu về thị trường bất động sản, nhưng điều quan trọng của thị trường bất động sản mà chúng ta ít quan tâm mà lần này Đề tài đã đặt ra được là những thông tin, trong đó có thông tin thu nhận từ thống kê và các nguồn uy tín khác.
Tôi cho rằng kết quả nghiên cứu lần này có nhiều giá trị, đẩy nghiên cứu về bất động sản lên một bước cao hơn, nếu tiếp nhận các kiến nghị này các cơ quan quản lý và nhà đầu tư sẽ đi được những bước khá trong việc quản lý, phát triển thị trường bất động sản Việt Nam.
GS.TS. Hoàng Văn Cường phát biểu:
Tôi may mắn được tham dự vào Đề tài này. Tôi nghiên cứu về bất động sản Việt Nam đã nhiều, tuy nhiên Đề tài nghiên cứu khoa học lần này của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có những điểm rất khác biệt.
Đó là Đề tài nghiên cứu đã lượng hóa được và có những con số về tác động lan tỏa của ngành bất động sản tới những ngành khác và nền kinh tế nói chung ra sao. Dù khó nhưng nhóm thực hiện Đề tài nghiên cứu đã lượng hóa được. Với thời gian 6 tháng nghiên cứu thì đó là sự tập trung cao độ, thần tốc khi làm được một Đề tài nghiên cứu khoa học quy mô như vậy.
Trước đây, chúng ta nói nhiều về vai trò của bất động sản, nhưng để lượng hóa được cụ thể bao nhiêu và như thế nào thì chưa có kết luận, các chỉ số rất rời rạc. Và Đề tài nghiên cứu lần này đã làm rất tốt việc thu thập, tổng kết, kết nối các yếu tố và đưa ra góc nhìn toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Từ Đề tài khoa học này, chúng ta thấy còn mở ra nhiều điều, cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu hơn nữa. Tôi nghĩ rằng đây là sự mở màn để các nhà nghiên cứu nói chung, có sự đầu tư để có những nghiên cứu sâu hơn.
TS. Võ Trí Thành phát biểu:
Dù có không ít tài liệu về bất động sản và thị trường bất động sản, song có lẽ Đề tài Nghiên cứu khoa học: “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - vai trò và khuyến nghị chính sách” là một nghiên cứu đủ sâu, có thể góp phần quan trọng trong thay đổi nhận thức, thay đổi cách nhìn (vốn còn phiến diện) về bất động sản và thị trường bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam.
Đó là chưa nói tới những khuyến nghị chính sách, cả trước mắt và lâu dài, để phát triển thị trường bất động sản bền vững, cũng chứa đựng không ít gợi ý có ý nghĩa và rất đáng suy ngẫm. Đóng góp mới của Đề tài là lượng hóa vai trò của bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam với góc nhìn cả theo nghĩa hẹp và nghĩa mở rộng, cả trực tiếp và qua tác động lan tỏa. Cùng với đó, những ưu tiên chính sách cần triển khai cũng là điểm nhấn đáng ghi nhận của Đề tài.
Đề tài nghiên cứu này giải quyết vấn đề đầu tiên là về nhận thức. Nghiên cứu sẽ đem lại rất nhiều ý nghĩa đối với các nhà hoạch định chính sách.
Thứ hai là, Đề tài này đã chỉ ra được những nút thắt cơ bản nhất trong ngắn hạn, dài hạn trong vấn đề về pháp lý, hoạch định chính sách…
Trên tất cả, đây không phải một bản báo cáo mà là một công trình nghiên cứu đầy đủ, lớp lang, có minh chứng, sử dụng công cụ kỹ thuật kinh tế để làm sáng tỏ nhiều vấn đề từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai về vai trò của bất động sản.
Sau Đề tài nghiên cứu này, tôi mong chúng ta sẽ có những chuyên đề chuyên sâu hơn về chính sách, tác động, kinh tế vĩ mô, đặc biệt là về tài chính với thị trường bất động sản.
Những nghiên cứu đồ sộ này, đằng sau đó là câu chuyện truyền thông, câu chuyện chính sách cũng rất quan trọng, tôi rất mong có thể gửi đề tài cho những nhà hoạch định chính sách, Quốc hội, Trung ương, các nhà quản lý các lĩnh vực… Điều này sẽ đem lại ý nghĩa lớn hơn rất nhiều cho Nghiên cứu.
TS. Lê Xuân Nghĩa phát biểu:
Đây là một công trình nghiên cứu mà tôi đánh giá là rất sâu về thị trường bất động sản, trong ngành ngân hàng của chúng tôi cũng chưa có nghiên cứu nào phân tích về sự lan tỏa vào tầng giá trị gia tăng trên một lao động.
Qua Đề tài nghiên cứu này, có thể khẳng định vai trò quan trọng của thị trường bất động sản, đó là một thị trường nền tảng.
Năm 2015, tại thị trường chung 16 nước châu Âu, thông số cho vay bất động sản là 19%, cho vay tiêu dùng 41%.
Cho vay sản xuất của cả châu Âu chỉ có 8%, nhưng tại thị trường chúng ta thì cho vay sản xuất cao.
Dần dần chúng ta cần thay đổi quan niệm, cần có một số thị trường là nền tảng và tôi cho rằng bất động sản là một trong những thị trường nền tảng. Thị trường nền tảng thứ hai là vận tải thương mại và vận tải cá nhân, chiếm tỷ trọng 14% của thị trường các nước châu Âu, sau tiêu dùng, bất động sản.
Vấn đề thứ hai tôi đánh giá cao là muốn Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tiếp tục mang tới nền tảng cho bài toán phân tích, cập nhật số liệu để hoàn thiện hơn nữa, để 5 - 10 năm sau có một nghiên cứu hoàn chỉnh về thị trường bất động sản.
Như TS. Bùi Trinh nói, các đánh giá phân tích chỉ ra không chỉ là lan tỏa giá trị mà còn là lan tỏa tới giá trị gia tăng. Chỉ khi nhìn vào giá trị gia tăng ta mới nhìn được bản chất của vấn đề.
Nhìn vào ngành bất động sản thấy có xu hướng tăng, giá trị gia tăng trên một lao động có xu hướng tăng, nhưng cũng nói lên rằng đây là thị trường tiềm năng để tạo ra việc làm và giá trị gia tăng là rất lớn.
Tôi rất hoan nghênh và khẳng định một lần nữa đây là đề tài nghiên cứu sâu về thị trường bất động sản.
14:55
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam công bố Quyết định Nghiệm thu báo cáo kết quả Đề tài khoa học: “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách”.
Với vai trò là “chim báo bão”, khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, nền kinh tế cũng có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Trên thực tế, khủng hoảng của nền kinh tế thường xuất phát từ khủng hoảng của thị trường bất động sản. Và ngược lại, khi lĩnh vực này phục hồi, chính là dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế như kinh nghiệm từ Mỹ và Thái Lan.
Ở Việt Nam hiện nay, do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản đang phải đối diện với vô số khó khăn, có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Nếu thị trường bất động sản không được hỗ trợ kịp thời, không có sự điều tiết và quản lý khoa học, sẽ dẫn tới sự đổ vỡ dây chuyền và có thể để lại những hệ lụy xấu cho cả nền kinh tế.
Việc nghiên cứu sự biến động của thị trường bất động sản và ảnh hưởng của lĩnh vực bất động sản đến nền kinh tế rất mở của nước ta, từ đó đề ra định hướng, giải pháp tăng cường, phát huy vai trò của thị trường bất động sản là hết sức có ý nghĩa, cần thiết đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và khách hàng đã, đang và sẽ tham gia thị trường bất động sản, nhất là trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, cùng với các diễn biến trong môi trường chính trị - xã hội thời gian qua.
Vì lẽ đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thực hiện nghiên cứu Đề tài khoa học: “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách” nhằm đưa ra những dữ liệu khoa học, thực tiễn phục vụ cho hoạt động quản lý Nhà nước và sự tham gia thị trường bất động sản của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Trên cơ sở đó, ngày 21/5/2020, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã ký Quyết định số 31/QĐ-VNREA về việc giao nhiệm vụ thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học: “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách”, do ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch VNREA làm chủ nhiệm Đề tài, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam là cơ quan bảo trợ thông tin và truyền thông.
Căn cứ báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và Ban Chủ nhiệm Đề tài, ngày 28/12/2020, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã ký Quyết định số 29/QĐ-VNREA, nghiệm thu báo cáo kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học.
Về mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu, một là, hệ thống hóa những vấn đề lý luận về bất động sản và vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam; kinh nghiệm của một số nước về vấn đề này trong việc phát triển thị trường bất động sản;
Hai là, phân tích thực trạng vai trò của thị trường bất động sản đối với nền kinh tế Việt Nam và những vấn đề đặt ra (đóng góp vào phát triển kinh tế và gia tăng tài sản quốc gia; đóng góp thông qua khả năng lan tỏa đến các ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng, vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất....; vai trò của ngành bất động sản đối với việc thu hút, gia tăng lao động; phát triển nhà ở và quá trình đô thị hóa; lượng hóa quy mô tài sản bất động sản của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030... làm cơ sở hoạch định chính sách và điều tiết thị trường).
Ba là, trên cơ sở dự báo lượng hóa (ước tính quy mô của thị trường bất động sản trong tương lai), đề ra những giải pháp và khuyến nghị chính sách nhằm phát huy vai trò thị trường bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam tầm nhìn tới năm 2030.
Về kết quả nghiên cứu, công trình khoa học đã đánh giá được vai trò của bất động sản đối với nền kinh tế và sự lan toả tác động của bất động sản đến các ngành kinh tế có liên quan; đưa ra những kiến nghị, đề xuất mang tính tổng thể nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh, ổn định lành mạnh của thị trường bất động sản cũng như tăng cường vai trò và tính lan toả của thị trường bất động sản đến nền kinh tế. Công trình trở thành kênh tham khảo hữu hiệu cho công tác hoạch định chính sách của Nhà nước về phát triển lành mạnh thị trường bất động sản cũng như kênh tham khảo cho các doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam.
14:35
Thư ký khoa học đề tài Nguyễn Thành Công trình bày báo cáo tóm tắt kết quả Đề tài nghiên cứu khoa học
Kết cấu, bố cục của đề tài: Đề tài gồm 3 chương; 14 tiết; 45 tiểu tiết.
Tại Chương 1, thông qua nội dung nghiên cứu lý luận và thực tiễn tình hình phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Đề tài đã đi sâu làm rõ: Khái niệm, đặc điểm và phân loại bất động sản; Các giai đoạn phát triển của thị trường bất động sản; Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản; Tiêu chí đánh giá vai trò thị trường bất động sản trong nền kinh tế; Vai trò và kinh nghiệm phát triển thị trường bất động sản trong nền kinh tế một số nước trên thế giới…
Tại Chương 2, bằng phương pháp lượng hóa, đề tài đã tập trung làm rõ những nội dung và vai trò cơ bản nhất của thị trường bất động sản Việt Nam như:
Một là, đóng góp vào phát triển kinh tế và gia tăng tài sản quốc gia. Theo đó, đóng góp của thị trường bất động sản (nhóm nghiên cứu tính toán theo nghĩa mở rộng và ISIC) trong GDP năm 2019 là 7,62%, cao hơn mức Tổng cục Thống kê công bố là 4,51%. Có thể thấy, chưa kể đến bất động sản gián tiếp trong ngành xây dựng thì phần trăm đóng góp của bất động sản cũng khoảng 10,49% GDP (năm 2019).
Nếu tính thêm nhân tố vốn là đất, đóng góp của bất động sản (gồm bất động sản mở rộng + bất động sản theo ISIC năm 2019) chiếm tới 13,6% GDP. Có thể ước tính tỷ trọng bất động sản đóng góp vào tổng giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 14,88%. Qua đó có thể thấy có 2 vấn đề, một là định giá bất động sản và hai là luồng tiền giữa ngân hàng và bất động sản chính là huyết mạch của nền kinh tế.
Hai là, đóng góp thông qua khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng... Đề tài đã chỉ ra rằng, khi nhu cầu sử dụng cuối cùng (final demand) của ngành bất động sản mở rộng tăng 1 tỷ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 0,772 tỷ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 0,191 tỷ đồng; ngành kinh doanh bất động sản theo ISIC tăng 1 tỷ đồng cho nhu cầu cuối cùng sẽ kích thích lan tỏa đến giá trị sản xuất 0,402 tỷ đồng và 0,12 tỷ đồng đến giá trị tăng thêm.
Đặc biệt, năng suất lao động của ngành bất động sản theo ISIC cao hơn năng suất lao động chung của nền kinh tế khoảng 10 lần (theo khảo sát của GSO); chỉ số lan tỏa về nhập khẩu thấp nhất trong 7 ngành. Và nguyên tắc chọn ngành trọng điểm của nền kinh tế: Những ngành có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm cao và lan tỏa đến nhập khẩu thấp. Khi ngành bất động sản tăng trưởng không chỉ có lợi cho chính nó mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế quốc gia.
Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10%: GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%, tiếp theo đó là các ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,366%); Du lịch (giảm 0,352%); Dịch vụ khác (giảm 0,348%); ngành chịu ảnh hưởng giảm thấp nhất là Công nghiệp khai thác (giảm 0,210%)…
Ba là, vai trò của ngành bất động sản đối với việc thu hút, gia tăng lao động. Nếu xét theo mức độ tăng của Giá trị tăng thêm (VA) tương ứng với việc thu hút thêm được 1 lao động, thì đứng thứ nhất là ngành bất động sản xây nhà để bán, thứ hai là bất động sản công nghiệp, thứ ba là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và thứ tư là bất động sản theo ISIC.
Khi so sánh sức hút đối với lao động theo giá trị tăng thêm của một số ngành kinh tế giai đoạn 2010 - 2019, bất động sản xếp sau các ngành: Du lịch, Dịch vụ khác và Công nghiệp chế biến, chế tạo và xếp trên các ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp khai thác... Ngoài ra, đề tài cũng đã phân tích vai trò của thị trường bất động sản đối với việc phát triển nhà ở và quá trình đô thị hóa.
Thứ tư là, đề tài đã lượng hóa quy mô tài sản bất động sản của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, năm 2020, tỷ trọng bất động sản/tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 20,8% (205,26 tỷ USD/986,82 tỷ USD); năm 2025 là 21,2% (462,7 tỷ USD/2183,09 tỷ USD) và đến năm 2030 là 22,0% (1232,29 tỷ USD/5601,31 tỷ USD).
Về dự báo giá trị tăng thêm của các ngành bất động sản giai đoạn 2020, 2025 và 2030: Năm 2020, giá trị tăng thêm của các ngành bất động sản ước đạt 484,9 nghìn tỷ đồng (20,89 tỷ USD), chiếm 7,70 % GDP; năm 2025 ước đạt 1.249,8 nghìn tỷ đồng (53,84 tỷ USD), chiếm 9,72% GDP; năm 2030 ước đạt 3.428,7 nghìn tỷ đồng (147,71 tỷ USD), chiếm 13,6% GDP.
Tại Chương 3, nhóm tác giả đã đưa ra Dự báo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam đến 2030 và đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm phát huy vai trò thị trường bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam.
Trong đó, nhóm giải pháp cần thực hiện ngay bao gồm 5 nhóm giải pháp: Về hoàn thiện thể chế và thủ tục hành chính; Về tín dụng; Về lĩnh vực thuế; Về lĩnh vực bảo hiểm xã hội; Về tiền ký quỹ dự án đầu tư.
Nhóm giải pháp trung và dài hạn bao gồm 10 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về thể chế, chính sách; Nhóm giải pháp về quản lý và quy hoạch; Nhóm giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng; Nhóm giải pháp về tài chính; Nhóm giải pháp về chính sách tài chính (thuế, phí) bất động sản; Nhóm giải pháp thông tin dữ liệu, công nghệ số; Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng gắn với việc khai thác thông tin, kết quả từ việc thống kê và nghiên cứu, phân tích thông tin về thị trường bất động sản; Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực các thành phần tham gia thị trường; Nhóm giải pháp về chính sách ưu đãi trong kinh doanh bất động sản; Nhóm giải pháp nhằm ổn định thị trường bất động sản và giảm thiểu chi phí nhà ở trung và dài hạn.
Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, hướng đến tầm nhìn 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển thịnh vượng, có thu nhập cao thì việc phát triển thị trường bất động sản hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia - coi du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo là những mũi nhọn và chú trọng nâng cao chất lượng, năng suất ngành nông nghiệp thông qua công nghệ cao và sản xuất quy mô lớn - điều kiện, mục tiêu và phương thức để bất động sản nông nghiệp phát triển.
14:30
Bắt đầu diễn ra toạ đàm
Toạ đàm có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ nhiệm Đề tài; Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; PGS. TS. Doãn Hồng Nhung, Phó trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế: TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia; PGS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; GS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; TS. Bùi Trinh - Chuyên gia kinh tế ; PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội; TS. Võ Trí Thành...
Về phía đơn vị tổ chức: Ông Phạm Nguyễn Toan - Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam; Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam; Ông Bùi Văn Khương, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam.
Ngoài ra có đại diện các doanh nghiệp, nhà báo theo dõi lĩnh vực bất động sản.
14:00
Các khách mời tham dự Tọa đàm