Aa

Báo chí quốc tế ca ngợi cách phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam

Thứ Hai, 06/04/2020 - 13:30

Báo quốc tế cho rằng, với nguồn lực còn hạn chế và hệ thống y tế chưa thực sự vượt bậc nhưng Việt Nam đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Dhakatribune: Bangladesh cần học Việt Nam

Tờ báo Dhakatribune của Bangladesh đã lên một bài trang nhất khen ngợi cách Việt Nam đối mặt với đại dịch Covid-19. Tờ báo cho rằng, trong khi các quốc gia trên thế giới vật lộn với virus Corona thì Việt Nam – một quốc gia đông dân cư có thể cung cấp những bài học quý giá về cách hạn chế sự lây lan dù hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu và ngân sách thấp.

Ảnh chụp bài lên trang của Dhakatribune

Dhakatribune cho rằng Bangladesh nên học Việt Nam cách tuyên chiến với dịch bệnh khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố, chiến đấu với dịch bệnh như chiến đấu với kẻ thù trong cuộc họp Chính phủ đầu năm 2020.

Bài học tiếp theo mà Dhakatribune nghĩ cần học hỏi là việc cách ly của Việt Nam, những người nhiễm bệnh được cách ly ngay lập tức và cả những người liên quan thứ hai, thứ ba đối với người đó.

Bài học thứ ba Dhakatribune cho rằng phải học tập Việt Nam là cách huy động toàn xã hội. Từ cách tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đến sự đồng lòng của người dân và đối với Dhakatribune “đó là một chính phủ từ trên xuống rất tốt trong việc ứng phó với thiên tai”.

DW TV: Lòng tự tôn dân tộc chiến thắng dịch bệnh

Tờ báo của Đài Truyền hình Đức DW TV nhận định, Việt Nam thiếu nhiều thứ nhưng trong công tác phòng chống dịch bệnh lại đầy đủ và thành công.

Nguyên văn của DW: "Là một nước láng giềng đông dân của Trung Quốc, Việt Nam có hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu và ngân sách thấp nhưng lại kiểm soát dịch bệnh Covid-19 rất giỏi".

DW cho rằng, cuộc chiến virus Corona phụ thuộc vào rất nhiều nguồn tài trợ của Chính phủ và một hệ thống y tế cộng đồng vững chắc, đó là hai điều mà Việt Nam thiếu nhưng Việt Nam đã thành công.

Poster tuyên truyền chống dịch của Việt Nam được DW đăng tải

Việt Nam đã đưa ra các chính sách kiểm dịch nghiêm ngặt và truy lùng dấu vết của tất cả những người tiếp xúc với virus. Các biện pháp này đã được thực hiện sớm hơn nhiều so với ở Trung Quốc – nơi chính sách cách ly phong tỏa chỉ được sử dụng như là phương sách cuối cùng để ngăn chặn virus lây lan.

Vào ngày 12/2, Việt Nam cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi 10.000 gần Hà Nội trong 3 tuần. Dù tại thời điểm này, chỉ mới có 10 trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19 trên toàn quốc.

Trong khi các nước phương Tây như Đức chỉ ghi nhận những ca nhiễm bệnh thì Việt Nam lại theo dõi cả những mức độ tiếp xúc thứ 2, 3 ,4 (F1, F2, F3, F4). Tất cả những người này đều phải cách ly và hạn chế tiếp xúc nghiêm ngặt.

Và Việt Nam cũng thực hiện rất sớm biện pháp cách ly nếu ai đó đến từ nguy cơ vùng dịch đều phải cách ly trong 14 ngày.

Trang DW còn cho rằng, thay vì phụ thuộc vào y học và công nghệ để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, bộ máy an ninh và quân đội của đất nước đã áp dụng hệ thống giám sát công khai rộng rãi và được người dân hưởng ứng và tôn trọng.

Trên đường phố Việt Nam, các ngôi làng có thể thấy cơ quan an ninh túc trực đông đúc và thường xuyên để xử lý các trường hợp không tuân thủ quy định của nhà nước.

Ngoài ra, DW cũng đánh giá cao lòng tự tôn dân tộc của người dân Việt. Thủ tướng đã nói: "Mỗi doanh nghiệp, mọi người dân, mọi khu dân cư phải là một pháo đài để ngăn chặn dịch bệnh". Và điều này đã khiến những người dân Việt Nam tự hào và đồng lòng sát cánh bên nhau trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh và chịu đựng mọi khó khăn.

Thậm chí, Bộ Y tế cũng đã tuyên truyền đi vào lòng dân bằng một bài hát vui tươi rửa tay đúng cách. Bài hát này còn được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Mặc dù không có nghiên cứu để chứng minh, nhưng các trạng thái trên các phương tiện truyền thông xã hội và các cuộc phỏng vấn người Việt Nam cho thấy phần lớn nhân dân đồng lòng với các biện pháp của Chính phủ.

Finance Times: Việt Nam thực hiện kiểm dịch nghiêm ngặt

Tờ Finance Times nhận xét, Hà Nội huy động các nguồn lực hạn chế bằng cách tập trung vào kiểm dịch và truy tìm dấu vết. Cho đến nay, các trường hợp nhiễm virus Corona ở Việt Nam vẫn ở mức thấp và không có ca tử vong.

Khi hầu hết những người dân của Việt Nam đang ăn Tết Nguyên Đán thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã họp khẩn để đối phó với virus Corona. Ông đã cảnh báo dịch bệnh nguy hiểm đang hoành hành tại Trung Quốc sẽ sớm lan sang Việt Nam. Kể từ đó Việt nam đã thực hiện những biện pháp ngăn chặn bệnh dịch dù quốc gia nhỏ bé với nguồn lực hạn chế.

Tờ FN đã khen ngợi cách phòng chống dịch của Việt Nam là thay vì bắt tay vào xét nghiệm hàng loạt, Việt Nam đã tập trung vào việc cách ly những người nhiễm bệnh và theo dõi các liên hệ thứ hai và thứ ba.

FN khen ngợi cách phòng chống dịch của Việt Nam

Ngoài việc lần theo dấu vết xung quanh những người bị nhiễm bệnh, các biện pháp của Chính phủ Việt Nam còn bao gồm các biện pháp cách ly bắt buộc và yêu cầu của các sinh viên y khoa, các bác sĩ và y tá đã nghỉ hưu tham gia vào cuộc chiến chống dịch bệnh.

So với những nơi khác ở Đông Nam Á, phản ứng của Việt Nam vẫn rất ấn tượng. Việt Nam đã dừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc từ ngày 1/2 và các trường học ở hai thành phố lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và hầu hết các tỉnh khác đã dừng lại sau Tết.

Ông Kidong Park, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Hà Nội đã ca ngợi Việt Nam vì sự chủ động và nhất quán.

Trang này cũng đánh giá truyền thông Việt Nam đã rất kịp thời đưa ra sự minh bạch về sự bùng phát của dịch bệnh khiến nhân dân vô cùng an tâm và những nỗ lực của Chính phủ nhận được sự ủng hộ của người dân, đánh giá qua các bài đăng trên mạng xã hội và các kiểu meme tuyên truyền hiệu quả: “Ở nhà là yêu nước”.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top