Aa

Bảo vệ “lộc rừng” ở Quảng Nam

Thứ Tư, 14/07/2021 - 14:30

Những ngày đầu tháng 7, nắng bỏng rát ở miền Trung là điều kiện thuận lợi để ươi chuyển màu đỏ, đến kỳ rụng quả khắp những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn. Người dân vui mừng vào rừng thu lượm "lộc rừng".

Quả ươi được ví như “vàng xanh” của núi rừng bởi sự quý hiếm và được cho là có vị thuốc nên giá ngày càng tăng cao. Vào mùa, bà con ở Quảng Nam, những vùng có nhiều ươi, thường tập trung lên rừng thu hoạch. Vì vậy, để bảo vệ cây ươi, tránh tình trạng chặt cây ươi để hái quả, các ban quản lý rừng vẫn ngày đêm căng mình bảo vệ cây “lộc rừng” ở Quảng Nam.

Theo cán bộ ngành Kiểm lâm, tùy theo vùng đất mà cây ươi trổ hoa kết quả. Như ở Quảng Nam, tại các cánh rừng nằm phía Bắc, cây ươi cần hơn 4 năm để trổ hoa kết quả một lần, và tại những cánh rừng phía Tây Nam thì đến 7 năm cây mới cho quả, như tại các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My.

Quả ươi được ví như vàng xanh, là "lộc rừng" của đồng bào ở các huyện miền núi Quảng Nam

Quyết không để “chảy máu” rừng ươi

Vượt hơn 200km qua những khúc quanh co của đường núi từ TP. Đà Nẵng đến với huyện Nam Trà My (Quảng Nam), dọc hai bên đường khung cảnh mùa ươi hiện rõ: Trái ươi được phơi tràn bên lề, nhiều bảng hiệu “thu mua ươi”, “sỉ và lẻ ươi bay” xuất hiện ngày càng nhiều, nhiều gia đình túm tụm phân loại ươi bay nói cười rôm rả.

Hơn 12 giờ, nắng đứng bóng, chúng tôi đã đến được thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My. Tình cờ chúng tôi gặp được các cán bộ địa bàn phụ trách công tác bảo vệ rừng. Chúng tôi theo chân các anh, đi xe máy qua con đường núi hiểm trở giữa tiết trời nóng như đổ lửa đến các chốt tại thôn 3, xã Trà Mai, nghe các anh tuyên truyền cho bà con hiểu được giá trị của rừng ươi và giữ rừng, cũng như cập nhật tình hình an ninh trật tự trong ngày.

Ngày hè, trẻ em vùng cao tranh thủ vào rừng cùng cha mẹ thu lượm quả ươi bay

Dù đã gần cuối mùa, nhưng “sức nóng” của cơn sốt ươi bay vẫn chưa hạ nhiệt. Người người, nhà nhà tạm gác lại công việc nương rẫy lên rừng lượm ươi. Cụ thể, tại huyện Nam Trà My, ươi nở rộ nhất tập trung ở xã Trà Mai (thôn 1, thôn 3 và thôn 4), Trà Leng (thôn 1, thôn 2), Trà Don (thôn 1, thôn 2, thôn 3), Trà Dơn (thôn 3, thôn 4) với tổng diện tích rừng tự nhiên là 23.296ha; và huyện Bắc Trà My nở rộ ở 2 xã: Trà Giác và Trà Bui từ giữa tháng 6 đến nay, với diện tích rừng có ươi khoảng 24.706ha.

Đi cùng với niềm vui của người dân là nỗi lo của các cán bộ kiểm lâm, cán bộ quản lý rừng phòng hộ. Khi năm 2014, nhiều người vì lợi nhuận cao mà bất chấp len lỏi vào tận rừng sâu khai thác với cách hủy diệt là triệt hạ cây ươi ngã xuống để thu trái, hoặc tinh vi hơn là dùng đinh lớn đóng vào gốc để cho cây chết, rụng quả, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng và các loài sống ký sinh (như cây phong lan, cây nấm…).

Vì vậy, nhằm ngăn chặn tình trạng người dân vào rừng để chặt hạ cây ươi lấy hạt, các cơ quan chức năng huyện Nam Trà My, Bắc Trà My… đã tăng cường nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phối hợp cùng với các xã tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân thấy rõ tầm quan trọng và giá trị kinh tế mang lại của cây ươi. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong công tác bảo vệ.

Trao đổi với PV Reatimes, ông Châu Minh Ninh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My cho biết: “Hiện nay, huyện đã có 19 chốt bảo vệ rừng do cán bộ chuyên trách rừng bảo vệ, túc trực hàng ngày để tự bảo vệ và tự quản lý, việc kiểm soát đầu vào và kiểm soát đầu ra được quản lý chặt chẽ, quyết không để người lạ trà trộn vào rừng chặt cây ươi”.

Theo đó, Hạt Kiểm lâm tại huyện Bắc Trà My cũng luôn bám cơ sở, tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét tại các vùng trọng điểm về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật như: Quốc lộ 40B, khu vực lòng hồ thuỷ điện Sông Tranh 2,… các cơ sở kinh doanh, mua bán lâm sản trên địa bàn huyện.

Cán bộ ngành Kiểm lâm và các Ban quản lý rừng ngày đêm bám sát địa bàn, tuyên truyền bảo vệ cây ươi

“Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức chốt chặn tại các khu vực cửa rừng, các tuyến đường liên thôn, liên xã. Khi các phương tiện lưu thông qua chốt chặn, Đội liên ngành ra tín hiệu dừng phương tiện và kiểm tra có vận chuyển lâm sản hay không. Nếu phương tiện có lâm sản thì kiểm tra truy xuất nguồn gốc lâm sản, xử lý đối với lâm sản không có hồ sơ, nguồn gốc hợp pháp”, ông Trần Công Lý, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bắc Trà My chia sẻ.

Tại Nam Trà My, Hạt Kiểm lâm huyện và Ban quản lý rừng phòng hộ đã tổ chức họp với UBND các xã để bàn các biện pháp quản lý tốt cây ươi, lập 13 chốt bảo vệ rừng trực 24/7 (lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, nhóm hộ, hộ nhận khoán bảo vệ rừng, kiểm lâm địa bàn…) tại các khu vực có đường mòn, lối mở, những khu vực có cây ươi nhiều để kịp thời phát hiện và đẩy đuổi các đối tượng lạ, từ địa bàn khác đến ra khỏi rừng.

“Bởi huyện rất quan tâm đến việc quản lý cây ươi, vì bảo vệ rừng ươi là góp phần bảo vệ rừng, duy trì nguồn thu từ rừng mang lại để làm nguồn thu nhập cho người dân. Nên luôn có lực lượng kiểm tra túc trực, hỗ trợ cho địa phương, xã, trong việc xử lý các vi phạm. Không cho người lạ mặt vào rừng, không mang dụng cụ, phương tiện chặt hạ cây vào rừng”, ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết.

“Khi đi về, Đội Kiểm tra, kiểm soát lâm sản liên ngành sẽ trực 24/24h để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển quả ươi trên các phương tiện giao thông. Với những xe có dấu hiệu khả nghi khi mang ươi từ rừng ra khỏi địa phận huyện sẽ được các cán bộ cho dừng xe và khám xét”, ông Nguyễn Đình Hoan, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nam Trà My nói thêm.

Anh Võ Thanh Vũ, cán bộ địa bàn Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My, đang quản lý công tác bảo vệ rừng xã Trà Mai, chia sẻ với người dân trong các chốt trực: “Nếu phát hiện đối tượng lạ vào rừng, bà con mình ai cũng có số điện thoại của cán bộ thì phải gọi điện ngay. Nếu thấy người lạ manh động lấy điện thoại quay phim, chụp hình để làm bằng chứng, chứ không tự ý giải quyết hay nóng tính rồi động tay động chân, để xảy ra những mâu thuẫn không đáng có”.

“Mỗi lần người dân ra khỏi chốt sẽ được kiểm tra từng bao ươi trước khi ra khỏi rừng, nếu có ươi xanh cán bộ sẽ thu lại. Nên dù nắng hay mưa, ngày đêm chúng tôi đều phải có ít nhất 2 - 3 người trực các chốt, vừa kiểm tra người vào rừng, vừa kiểm tra ươi bà con lượm về. Đồng thời, là dịp để cán bộ tuyên truyền cho bà con mỗi lần đi rừng không được chặt cây, chặt cành, chỉ lượm ở tán rừng”, anh Phạm Văn Nhã, cán bộ bảo vệ rừng thôn 3, xã Trà Mai, nói thêm.

Khi mưa dần ngớt, chỉ còn bay bay trên những triền đồi cao, cũng là lúc trời chuyển tối. Trên cao, trăng tròn vành vạnh, vắt mình qua những ngọn cây ươi. Dưới lán trại điểm trực chốt thôn 1, xã Trà Mai là hơn 10 thanh niên đang tập trung giữ chốt, hỏi ra mới biết các cán bộ địa bàn cũng đã có mặt từ trước đó.

“Đây được xem là thời điểm nhạy cảm trong vòng 7 năm qua của rừng ươi, nên việc thường xuyên tuần tra rừng, theo sát các chốt trực giúp chúng tôi quản lý, nắm bắt tốt hiện trạng rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi tàn phá rừng ươi. Từ đó, bảo vệ tốt tài nguyên rừng hiện có, phát triển bền vững đa dạng sinh học tại địa phương”, anh Đoàn Ngọc Hoài, phụ trách bộ phận Kế hoạch - Kỹ thuật Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My, chia sẻ.

Anh Bùi Đinh Lãnh, Trưởng thôn 1 xã Trà Mai, nhìn về ánh lửa cháy bập bùng trong đêm khuya se lạnh, chia sẻ: "Khoảng 1 tháng rồi, từ lúc ươi già đến nay được xem là giai đoạn căn cơ và nguy hiểm nhất bởi nhiều đối tượng manh động có thể vào chặt phá bất cứ lúc nào, đặc biệt tập trung vào ban đêm. Chỉ cần mất cảnh giác 15 phút là đối tượng lạ đã lọt vào rừng và khó lòng kiểm soát được, nên nhiều đêm liền cán bộ địa bàn cùng người dân thức trắng đêm hỗ trợ nhau bảo vệ. Nên từ đầu mùa đến nay, chưa phát hiện có cây ươi nào bị chặt hạ”.

Hành trình băng rừng, tuần tra giữ cây ươi

Sáng hôm sau, khi sương còn giăng khắp đỉnh núi, vạt rừng, tôi theo chân 4 cán bộ địa bàn tại xã Trà Mai, cùng với chị Nguyệt Tin - người vợ của cán bộ địa bàn, vì cô muốn “hiểu về công việc của chồng mình hơn” nên đã đi cùng chúng tôi tuần rừng.

Vượt bao gian khó, đường dốc hiểm nguy mới vào đến nơi có cây ươi sinh trưởng

Chạy xe gần 7km đường đèo quanh co, chúng tôi bỏ xe máy tại một quán nước bên đường tại thôn 3 (xã Trà Mai) chị chủ quán nở một nụ cười: “Người làm ươi nay tiến vô những khu rừng sâu vì ở vùng ngoài người ta lượm hết sạch rồi. Muốn vô mấy chỗ đó cũng khó lắm, đi cả buổi mới tới, tui đi mấy chuyến rã người. Các cô trên thành phố về có đi được không đây?”.

Lúc này, tôi cũng mường tượng được sự khó khăn của chặng đường phía trước, nhưng sự rắn rỏi và hoạt bát của các cán bộ đi theo khiến tôi an tâm phần nào. Khi ấy, chúng tôi biết mình đã bắt đầu cuộc hành trình cuốc bộ xuyên rừng từ dưới lên đỉnh núi.

Chúng tôi đi theo lối mòn của người đi rừng, luồng sâu vào vùng lõi rừng, xuyên qua những cánh rừng già. Dư âm của cơn mưa xối xả chiều hôm qua làm cánh rừng sáng hôm nay ẩm ướt, trơn trượt.

Dưới tán rừng nguyên sinh rậm rạp, 2 cán bộ đi trước cầm dao phạt các cành cây nhỏ, dây gai để đỡ mắc níu lấy ống quần những người đi sau. Qua những đoạn sạt lở, chúng tôi cẩn trọng nhất từng bước chân, hai bàn tay phải túm lấy các cành cây, lá rừng để giữ thăng bằng cho cơ thể mới có thể di chuyển được.

Cây ươi đến mùa thu hoạch và quả ươi có nhiều công dụng, rất tốt cho sức khỏe, nên giá cả tăng cao

Đi được gần một tiếng đồng hồ, qua chiếc “cầu treo” hai nhịp ghép bằng nhiều tấm ván gỗ lại với nhau. Anh Nhã đưa tay lên “hú, hú, húuuuu” một âm thanh vang vọng cả núi rừng, nhưng không nhận được lời hồi đáp, vừa bám vào thanh tre để giữ thăng bằng anh Nhã vừa nói: “Mỗi lần tuần, để biết vị trí bà con đang lượm ở đâu đến kiểm tra, chúng tôi thường có ký hiệu này. Ai nghe được đều sẽ đáp lại nhằm xác định phương hướng để tìm thấy bà con”, anh Phạm Văn Nhã, cán bộ bảo vệ rừng thôn 3, xã Trà Mai, chia sẻ.

Đến khoảng đất sạt lở, cả nhóm ngồi nghỉ để giữ sức leo qua. Thấy mấy cây ươi trổ đỏ nổi bật giữa rừng, anh Vũ nhanh tay mang chiếc ná chạy lại ngắm bắn rụng quả để kiểm tra xem ươi đã già chưa. Chừng 5 phút sau, anh Vũ quay lại cho biết chỉ có một cây quả đã già, có thể rung được, mấy cây còn lại quả non. Nhằm nắm tình hình để chỉ bà con khu vực ươi đã chín, thuận tiện và tiết kiệm thời gian bà con tìm kiếm.

Tiếp tục tiến sâu vào trong rừng, những cây le rậm rạp cao quá đầu người che hết cả lối đi. Vượt qua những con dốc cheo leo, chúng tôi tiến gần tới một con suối nhỏ. Ngồi bên thác nước trong veo, chúng tôi gặp anh Hồ Duy Toàn (52 tuổi) trú tại thôn 3 (xã Trà Mai) trong lúc đang đi lượm ươi, anh nhìn về phía rừng ươi trổ đỏ, nhớ lại: “Năm 2014, nhiều đối tượng manh động lắm, mang cưa mang rựa vào rừng đốn hạ ươi không thương tiếc, 4 bề tiếng máy cưa ầm ĩ, nhưng lúc đó đành bất lực, đứng yên vị trí và quan sát, vì không biết cây sẽ đổ bất chợt về hướng nào, nếu lại gần sẽ rất nguy hiểm đến tính mạnh. Vì vậy, phải chờ tiếng động cơ dừng mới chạy đến, rồi báo cho cán bộ. Nhưng năm nay nhờ công tác quản lý của chính quyền, bà con chúng tôi cũng quyết tâm hỗ trợ nên tình trạng này đã không còn nữa”, đôi mắt anh Toàn ánh lên niềm tin.

Đi bộ được hơn 2 tiếng đồng hồ, hai chân tôi đã không nhấc nổi, đau ê ẩm, xòe tay ra cảm nhận lòng bàn tay lún phún gai nhỏ đau nhức, mồ hôi ướt như tắm. Thấy chúng tôi đã mệt nhoài khi đi bộ một quãng dài đường rừng, anh Vũ cho cả đoàn nghỉ ngơi và chỉ chúng tôi cách mắc võng.

“Những ngày trắng đêm cùng người dân trực chốt, muỗi đốt cũng không ai dám đập vì khi có mùi máu chúng càng tới nhiều hơn. Nhưng cả đoàn không ai kêu than, mình cũng chọn cách “mưa dầm thấm lâu” ở nhiều đêm với bà con trực chốt cứ tỉ tê với họ về rừng, về việc bảo vệ và giữ rừng, thế là bà thấm dần để yêu rừng, cùng giữ rừng với cán bộ”, anh Võ Thanh Vũ, tâm sự.

Người dân và chính quyền, ngành Kiểm lâm cùng nhau bảo vệ "lộc rừng"

Quá trưa, chúng tôi đã tới đỉnh núi, từ trên cao nhìn xuống, cảnh vật nơi đây như một bức tranh lộng lẫy, căng tràn sức sống khi những cây ươi trổ đỏ cả cánh rừng, phía xa xa là bản làng. Chưa bao giờ tôi thấy thiên nhiên gần gũi, thân thương đến vậy, để hiểu hơn về trách nhiệm của những người giữ rừng, giữ “lá phổi xanh”.

Gặp được nhiều hộ dân đang lượm ươi trên đỉnh núi, một số người lạ mặt, các cán bộ kiểm tra “giấy đăng ký thu lượm ươi” được phát trước đó, rồi đi hỏi han tình hình bà con thấy có gì bất thường không, bảo ban người dân leo cây cẩn thận. Đến từng nhóm, 3 cán bộ lại tuyên truyền cho bà con, vận động người dân tham gia bảo vệ cây ươi; nghiêm cấm người dân thu hái hạt ươi xanh, nghiêm cấm đưa dụng cụ, phương tiện vào rừng đặc dụng để khai thác, chặt hạ cây ươi.

Sau khi theo chân các cán bộ tuần tra một vòng, chúng tôi ngồi lại quanh gốc cây đa, tán vươn dài che mát một khoảng trời. Lúc này chị Nguyệt (vợ anh Vũ) đi cùng đoàn chúng tôi từ sáng đến giờ mới ngậm ngùi: “Cả tháng nay anh Vũ có về nhà đâu, có đêm 12 giờ chị gọi điện anh bảo đang đi làm, chị sinh nghi, giờ này thì đi làm việc gì cơ chứ? Có hôm trưa tròn bóng gọi chồng thì cứ bảo đang bận, lên rừng sóng yếu rồi tắt máy cái “rụp”. Nên hôm nay mới lên tận đây để thăm chồng, được đi theo anh mấy ngày liền, mới vỡ lẽ ra lý do, lại càng hiểu và thương chồng nhiều hơn”, chị Nguyệt đưa tay dụi đôi mắt đỏ hoe.

Cả đoàn chúng tôi bỗng im lặng, xung quanh chỉ còn tiếng chim hót vọng lại. Chúng tôi bỗng chạnh lòng, bởi câu chuyện của chị Nguyệt kể lại là câu chuyện của rất nhiều kiểm lâm và các cán bộ quản lý rừng tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, xa gia đình, xa vợ con, ngày đêm bám trụ với rừng ươi…

Chính quyền và người dân đồng thuận để giữ rừng ươi

Huyện Nam Trà My có tổng diện tích rừng tự nhiên là 23.296ha, trong đó cây ươi phân bố nhiều nơi, tập trung nhiều tại đỉnh núi. Vì vậy, việc quản lý không chỉ nằm ở chính quyền, cán bộ mà còn nằm ở sự đồng thuận của người dân, dân cùng quản lý, để việc giữ rừng được thống nhất, linh động và bảo vệ sát sao.

Tuần tra, bảo vệ rừng cùng với đồng bào huyện Nam Trà My

Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết: “Bà con chủ động đến các chốt bảo vệ rừng, đăng ký ca trực rồi tự giác thay nhau tuần tra trong địa bàn của họ. Để bảo vệ được hơn 23.000ha rừng có ươi, cũng chính nhờ sự chung tay, ý thức giữ rừng cũng như giữ bản của người dân nơi đây. Giờ đây bà con đã hiểu, đã tin, những nỗ lực của chính quyền nên sẽ tự giác cùng chính quyền tham gia bảo vệ rừng. Họ trực tiếp vận hành các chốt, thường xuyên thay nhau kiểm tra, cán bộ sẽ tuần tra quản lý trong địa bàn”.

Nhờ làm tốt công tác dân vận với bà con sinh sống ở vùng liền kề với rừng. Đặc biệt, vào mùa có ươi khi 7 năm mới trổ một lần, nhiều cuộc họp được diễn ra trước đó chính quyền luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân về việc giữ rừng, bảo vệ rừng ươi. Tuyên truyền từ các cuộc họp đến những lần gặp bà con bên vệ đường, từ những quyết định bằng văn bản, đăng ký giấy thu lượm ươi và ký cam kết bảo vệ, cho đến những lần nhỏ nhẹ đi kề bên thủ thỉ với người dân lúc tuần tra rừng. Tất cả như một cơn mưa dầm, thấm vào từng nếp nghĩ để tạo thành nếp sống giữ rừng, giữ “lộc” của thiên nhiên cho bà con nơi đây.

"Chỉ cần thấy cán bộ kiểm lâm địa bàn xuống tuyên truyền, bà con nói “bà con biết rồi sẽ không chặt hạ cây ươi đâu, cây ươi là quà tặng của trời. Mình lượm mình có tiền, được cán bộ cùng giữ cho mình, thì mình phải chung sức mà giữ. Để các năm sau con cháu mới có ươi lượm nữa chứ”. Vì vậy, nhờ sự đồng thuận của bà con nên công tác bảo vệ rừng nói chung và bảo vệ cây ươi nói riêng đã đạt được hiệu quả rất cao", ông Nguyễn Đình Hoan, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nam Trà My cho biết.

Cán bộ Kiểm lâm Quảng Nam chia sẻ thông tin liên quan đến bảo vệ rừng

Việc kết nối giữ rừng ươi được diễn ra nhờ sự tương tác hai chiều: Chính quyền và người dân. Năm 2014, dù chính quyền, các cán bộ có quán triệt, nhưng sự quyết tâm của bà con cũng không được mạnh như bây giờ. Năm ấy, ươi bị đốn hạ, nhiều người mất mạng, nên bà con thấy được hậu quả thành ra năm nay ươi có lại còn đồng lòng để bảo vệ hơn nữa.

Anh Lý Quang Thuận (40 tuổi) trú tại thôn 1, xã Trà Mai cho rằng đi nhặt ươi cả mùa cũng có thể trang trải cuộc sống trong vài tháng, có ngày cả gia đình nhặt nhiều thì được 400 - 500 nghìn đồng.

"Cán bộ quản lý địa bàn ở đây gần gũi, cứ thủ thỉ nhắc dân miết, quản lý trực chốt chặt chẽ nên gia đình cũng yên tâm nhặt ươi. Nhờ chính quyền, nhờ kiểm lâm chứ không cũng khó mà giữ rừng ươi để chúng tôi lượm như giờ”, anh Thuận tranh thủ lúc nghỉ ngơi chia sẻ.

Còn anh Lê Thành Sơn (47 tuổi) thôn 1, xã Trà Mai chia sẻ: “Bây giờ bà con mình yên tâm lượm ươi lắm, vì thấy an toàn rồi. Có người lạ mặt hay phát hiện chặt phá rừng là có số điện thoại cán bộ trong phiếu rồi, lấy điện thoại ra gọi ngay. Cán bộ ở đây xem như người nhà rồi. Thế nên giữ rừng không chỉ là công việc của cán bộ quản lý, của kiểm lâm mà còn có tất cả bà con trong thôn, trong làng”.

Theo ngành Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, việc tuyên truyền giữ rừng, bảo vệ rừng ươi như những cơn mưa dầm đã thấm vào từng người dân, kể cả những đứa trẻ là người đồng bào thiểu số nơi có nhiều rừng ươi sinh trưởng. Khi chúng tôi lên rừng, theo chân cán bộ kiểm lâm, ban quản lý rừng đã bắt gặp nhiều em nhỏ nghỉ hè theo gót ba mẹ lên rừng lượm ươi. Những mầm non này như cây ươi trong rừng, vươn thẳng - vươn cao để tiếp nối những nếp nghĩ, nếp sống về ý thức bảo vệ rừng ươi, rồi mai này sẽ được hưởng thứ quả “lộc rừng” từ mẹ thiên nhiên ban tặng…

                                                                 *****

Xuống núi, chúng tôi về TP. Đà Nẵng với bao nỗi niềm sau hành trình dài theo chân Kiểm lâm viên và người dân vào rừng thu lượm "lộc rừng". Bởi, với công việc tuyên truyền, bảo vệ, giữ rừng không chỉ qua một ngày, hay thời gian tính theo từng tuần, từng tháng, mà nó được xây dựng qua nhiều năm. Đặc biệt, những ngày căng mình bảo vệ rừng ươi, họ đã cần mẫn ngày đêm lặng lẽ làm việc, kiên định giữ cho rừng ươi không bị “chảy máu”. Đâu đó là nỗi nhớ vợ, nhớ con và những bữa cơm gia đình đầm ấm, nhưng ai cũng nhẹ lòng tạm gác lại vì trên đôi vai đang mang trọng trách người giữ rừng - Kiểm lâm viên./.

UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành văn bản số 3757-UBND/KTN yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, quản lý khai thác quả ươi và các loài lâm sản ngoài gỗ.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, nghiêm cấm việc chặt hạ cây ươi để hái quả, chặt hạ cây rừng để khai thác lâm sản ngoài gỗ. Mọi trường hợp vi phạm đều phải được xử lý; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và quản lý người dân trên địa bàn thực hiện thu hái, kinh doanh quả ươi và các loại lâm sản ngoài gỗ khác theo đúng quy định…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top