Bắt đầu rà soát các giao dịch bất động sản đáng ngờ
Thực hiện mục tiêu phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM vừa có công văn yêu cầu các doanh nghiệp, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn thực hiện quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo quy định pháp luật.
Theo công văn của Sở Xây dựng, các sàn giao dịch bất động sản cần thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch, áp dụng biện pháp tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao.
Sở cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đánh giá rủi ro tiền, tài trợ khủng bố tại chính tổ chức mình về các giao dịch bất động sản. Đồng thời, đối với các giao dịch giao dịch tiền mặt có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên cần lập và gửi báo cáo về Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước).
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc thực hiện công tác phòng chống rửa tiền là quy định bắt buộc đối với các doanh nghiệp bất động sản. Đặc biệt cần trang bị đầy đủ kiến thức về lĩnh vực này cho cho các nhà môi giới. Các môi giới phải có trách nghiệm báo cáo các trường hợp giao dịch nghi là có hành vi này.
Vì sao “quả trứng vàng” Vân Đồn “ấp” lâu chưa “nở”
Tỉnh Quảng Ninh tuyên bố sẽ tiếp tục đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào hạ tầng giao thông ở khu kinh tế Vân Đồn giai đoạn 2019 - 2030. Trước đó, giao thông kết nối liên vùng ở Vân Đồn đã được đầu tư tương đối bài bản. Cuối năm 2018, công trình giao thông trọng điểm, gồm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn với tổng vốn đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng đã chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động, rút ngắn khoảng cách từ Hà Nội và các địa phương khác đến Vân Đồn. Đây là những dự án giao thông được kỳ vọng sẽ góp phần “đại khai phá” một Vân Đồn đầy tiềm năng nhưng còn sơ khai.
Dẫu vậy, nhìn vào bức tranh phát triển chung của Vân Đồn hiện tại, có vẻ như hạ tầng giao thông đã đi quá xa so với tốc độ phát triển của hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú, khiến cho mảnh đất vàng này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thậm chí còn bị chậm pha so với kỳ vọng.
Thống kê cũng cho thấy, lượng khách du lịch ra các tuyến đảo Vân Đồn thường đi về trong ngày, không lưu trú lâu tại đảo.
Các chuyên gia nhìn nhận, sự phát triển du lịch ở đây đang thiếu sự bền vững. Du lịch chủ yếu vẫn phụ thuộc vào mùa vụ, khai thác dựa vào tài nguyên sẵn có, sản phẩm dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu. Cơ sở dịch vụ lưu trú trên đảo, mặc dù số lượng phòng tăng theo từng năm nhưng tập trung phần lớn là những nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn, chưa thu hút được những dự án lớn đầu tư xây dựng những khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp. Điều đáng nói, chất lượng nhân lực du lịch của các xã tuyến đảo là một rào cản rất lớn đối với sự phát triển cả trước mắt và lâu dài.
Sẽ xuất hiện thành phố "ma" nếu dư cung bất động sản lớn
Bàn về nguồn cung bất động sản trên thị trường, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thực tế đang xảy ra tình trạng mất cân đối, nơi thừa, nơi thiếu trong các phân khúc. Vị chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh, cần tránh tình trạng tạo ra sự dư thừa quá lớn trong bất động sản.
Nguồn cung cần được hiểu theo nghĩa bám sát vào phân khúc thị trường. Thực tế đang có những nguồn cung rất dồi dào hoặc dư thừa hoặc có nguồn cung lại thiếu.
Những nguồn cung dư thừa tập trung ở phân khúc bất động sản cao cấp cũng như một số loại hình bất động sản nghỉ dưỡng nhất định. Còn phân khúc cho người có thu nhập thấp lại trong tình trạng luôn thiếu. Thế nên, tôi cho rằng, thị trường không thể khan hiếm nguồn cung.
"Tôi e rằng, nếu hiện tại chúng ta không cẩn thận mà đổ quá nhiều tiền vào bất động sản thì nguồn cung còn dư thừa lớn là đằng khác.
Tôi không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ xuất hiện những thành phố "ma", xây dựng lên nhưng không ai ở cũng chỉ bởi nguyên nhân chạy theo nguồn cung. Quan điểm của tôi cho rằng, nguồn cung không thiếu đâu mà ngược lại đang có một phần dư thừa ở một số phân khúc. Chính vì vậy việc siết chặt tín dụng bất động sản đối với một số phân khúc có biểu hiện thừa cung trong lúc này là hợp lý và việc rà soát lại tính pháp lý cũng cần thiết", TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Thị trường văn phòng chia sẻ: Cuộc chiến khốc liệt
Tại Việt Nam, một số công ty lớn cũng đã bắt đầu đưa nhân viên vào làm việc trong các co-working space như CBRE hay AIA.
Nếu đánh giá trên khía cạnh tài chính, co-working space chưa hẳn là lựa chọn tối ưu, bởi các mô hình cũ (như văn phòng cho thuê truyền thống) hay mô hình mới (như office-tel) cũng có mức giá tương đương. Tiết kiệm chi phí mở rộng thị trường, gia tăng năng suất, khơi nguồn sáng tạo cho đội ngũ nhân viên, cơ hội tiếp cận với đội ngũ nhân lực đổi mới sáng tạo dễ dàng hơn mới chính là những nguyên nhân khiến các ông lớn mạo hiểm với mô hình co-working space.
Giới đầu tư vào lĩnh vực này đang nín thở chờ đợi màn IPO của WeWork. Bất chấp khoản lỗ lớn chưa từng thấy với một công ty chuẩn bị IPO (1,9 tỷ USD, năm 2018), WeWork đặt mục tiêu huy động 1 tỷ USD với mã cổ phiếu đăng ký là WE.
Thị trường co-working space tăng trưởng mạnh, nhiều đối thủ cùng nhảy vào, nhưng đa số vẫn đang lỗ, mà nguyên nhân, theo ông Kiên, là vì bán giá khuyến mãi thấp. Trong khi đó, nguồn cung văn phòng hạng A tại các thành phố lớn khan hiếm, giá cao chót vót: khoảng 40 USD/m2 tại khu vực quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), 40 - 50 USD/m2 tại các quận nội thành TP.HCM, các quận khác cũng gần 30 USD/m2.
Chung cư Smile Trung Yên Building chưa giải chấp mà đã bán là vi phạm pháp luật
Đó là nhận định của luật sư Nguyễn Anh, Công ty Luật L&P khi nói về dự án chung cư Smile Trung Yên Building đã được người dân phản ánh trước đó.
Liên quan tới vụ việc công ty CP Đầu tư và Thương mại Trung Yên, chủ đầu tư (CĐT) dự án chung cư Smile Trung Yên Building bán căn hộ cho khách hàng khi chưa giải chấp, nhóm PV đã tới làm việc với CĐT nhưng đều nhận được câu trả lời vòng vo, đã giải chấp cho nhiều hộ dân.
Nhưng sự thực đó chỉ là giải chấp giá trị khoản vay của dân với ngân hàng, không phải giải chấp khoản vay giữa CĐT với ngân hàng. Để làm rõ hơn vấn đề này; đồng thời, bảo vệ khách hàng đã mua phải căn hộ của Công ty Trung Yên, nhóm PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh, Công ty luật L&P.
Theo luật sư Nguyễn Anh, chung cư Smile Trung Yên Building chưa giải chấp dự án hay từng căn hộ mà đã thực hiện bán là sai. Vì tài sản đó phải là tài sản không nằm trong tình trạng thế chấp, thì mới được bán cho khách hàng. Nó được quy định trong Điều 147, Luật Nhà ở năm 2014 - Thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.