Aa

Bất động sản 24h: Nhiều doanh nghiệp BĐS ồ ạt tuyển nhân sự sau dịch

Thứ Ba, 05/05/2020 - 10:30

Nhiều doanh nghiệp BĐS ồ ạt tuyển nhân sự sau dịch; "Bức tranh" nhà ở xã hội năm 2020; Vinhomes, Novaland đạt lợi nhuận "khủng" trong đại dịch; BĐS ven trung tâm phía Tây Hà Nội thay đổi chóng mặt... là tin nóng 24h qua.

Vinhomes, Novaland và nhiều "ông lớn" đạt lợi nhuận "khủng" trong đại dịch

Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của Vinhomes cho thấy điều bất ngờ, không những không sụt giảm mà Vinhomes lại đạt mức tăng trưởng lợi nhuận rất cao. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý I/2020 của Vinhomes lên tới 7.645 tỷ đồng, tăng 4.958 tỷ đồng, tương đương 185%. Hay nói cách khác, chỉ tiêu này cao gấp gần 3 lần so với quý I/2019.

Lợi nhuận tăng vọt dù doanh thu chỉ tăng nhẹ. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ đạt 6.519 tỷ đồng, tăng 666 tỷ đồng, tương đương 11,4%. Giá vốn hàng bán giảm sâu từ 4.524 tỷ đồng xuống 3.570 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp tăng mạnh, tăng 1.620 tỷ đồng, tương đương 122% lên 2.949 tỷ đồng.

Cũng nằm trong số những doanh nghiệp tăng lợi nhuận trong quý I/2020, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 với điểm đáng chú ý là lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 512 tỷ đồng. Dòng tiền dương thể hiện trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ được xem như một điểm sáng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng lớn đến thị trường, nhiều doanh nghiệp mất thanh khoản, thua lỗ, thậm chí giải thể hoạt động.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý I với doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt gần 80 tỷ đồng và hơn 2,3 tỷ đồng. Doanh thu của công ty được ghi nhận từ mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản. Trong khi quý I thường là giai đoạn thấp điểm của các doanh nghiệp bất động sản, Ban lãnh đạo VPI đánh giá doanh nghiệp vẫn bám sát kế hoạch kinh doanh đề ra và tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019 (doanh thu gấp 40 lần và lợi nhuận tăng 9%).

Xem chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản: Bao giờ sẽ hồi phục?

Các báo cáo quý I/2020 từ những tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản đều cho thấy, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng từ ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tình hình thị trường bất động sản quý I/2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Nguồn cung trong quý I trên thị trường đạt 52.000 sản phẩm, trong đó có 18.000 sản phẩm mới nhưng tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14%. Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM quý I/2020 của DKRA cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh về nguồn cung mới và sức cầu của hầu hết các phân khúc.

Thế nhưng, trái với tâm lý lo lắng và e ngại về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam lạc quan cho rằng, chỉ giữa tháng 5 thị trường sẽ bắt đầu phục hồi và sôi động trở lại.

Ông Đính nhận định: “Sau thời điểm dỡ cách ly, các thị trường bất động sản lớn như Hà Nội và TP.HCM sẽ sớm nhộn nhịp trở lại từ giữa tháng 5. Bởi chính sách cách ly được dỡ bỏ, người dân cần phải ổn định lại công việc trong thời gian gián đoạn vừa qua. Thế nên, thị trường không thể sôi động ngay trong 1-2 tuần mà cần khoảng thời gian để thở dần”.

Ông Đính dự đoán, chỉ khoảng 2-3 tuần nữa, hoạt động mua bán sẽ có nhiều tín hiệu tốt, nhộn nhịp trở lại. Thị trường sẽ sớm phục hồi.

Xem chi tiết tại đây 

BĐS ven trung tâm phía Tây Hà Nội thay đổi chóng mặt

Trong 10 năm qua có lẽ khu vực có thị trường BĐS phát triển rầm rộ nhất Thủ đô là vùng ven trung tâm ở phía Tây, thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoài Đức.

Từ vùng đất phần lớn là đất nông nghiệp, tuy nhiên những năm gần đây do tốc độ đô thị hóa nhanh cộng với đó là các tuyến đường giao thông lớn chạy qua, nơi đây đã hình thành vùng đô thị mới của Thủ đô.

Sau nhiều năm, hàng loạt dự án khu đô thị mới nằm ở khu vực này được xây dựng đồng bộ về hạ tầng, dần dần đã tạo nên chuỗi đô thị mới hoàn chỉnh. Trong bối cảnh hiện tại, dù thị trường BĐS Hà Nội đang chững lại do tác động của dịch Covid-19 nhưng tiềm năng của khu vực này ngày càng rõ nét, có nhiều triển vọng hơn khi hàng loạt tuyến đường mới đang hoàn thiện, cơ sở hạ tầng xã hội hoàn thành.

Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam, nếu như dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn vào quý 2, thì Hà Nội có khoảng 27.000-28000 căn hộ chào bán mới. Khu vực phía Tây sẽ tiếp tục là trọng tâm phát triển của thành phố, đứng đầu sự phát triển. Tình hình thị trường sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ dịch bệnh được kiểm soát nhanh đến đâu.

Sự phát triển của BĐS vùng ven phía Tây là do những năm gần đây được đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông. Những trục đường vành đai và hướng tâm rộng lớn đã và đang dần hoàn thiện như đường Lê Văn Lương, đường Đại lộ Thăng Long, trục Lê Quang Đạo kéo dài,…cùng các đại đô thị lớn như Khu đô thị Dương Nội, Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tân, Khu đô thị Bắc An Khánh, Khu đô thị Park City, Khu đô thị Smart City,…đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đã kéo theo một lượng dân cư lớn đổ về khu vực này sinh sống, tạo nên một diện mạo đô thị mới sầm uất.

Xem chi tiết tại đây 

Nhiều doanh nghiệp BĐS ồ ạt tuyển nhân sự sau dịch

Mới đây, Tập đoàn Nam Group cho biết, doanh nghiệp đang tuyển dụng 500 nhân sự cho công ty thành viên là CTCP Đầu tư - Tư vấn Nam Land, bao gồm các vị trí giám đốc sàn, trưởng phòng kinh doanh và nhân viên kinh doanh… Lý do Tập đoàn này tuyển dụng số lượng lớn nhân sự vào giai đoạn này là nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch phân phối hơn 10.000 sản phẩm BĐS biển tại dự án Thanh Long Bay trong năm 2020, dự kiến sẽ được triển khai ngay sau khi tình hình dịch bệnh kết thúc.

Tương tự, Công ty TNHH Sàn giao dịch Bất động sản TLH đã lập tức kích hoạt kế hoạch kinh doanh mới sau dịch khi lên kế hoạch tuyển dụng 2.000 cộng tác viên này nằm trong chiến lược phát triển hỗ trợ kinh doanh cho TLH trong những quý kế tiếp của năm 2020. Chiến lược này sẽ phục vụ cho định hướng phát triển của Tập đoàn Thăng Long Real (TLR Group - tập đoàn mẹ của TLH) nói chung và Thăng Long Home (TLH) nói riêng.

Theo thông tin từ Công ty Asian Holding hiện đơn vị đang tuyển 50-100 nhân viên kinh doanh do sau dịch chuẩn bị bung 2.000 sản phẩm ra thị trường. Mặc dù ở thời điểm này phỏng vấn nhân sự hơi khó do dịch vẫn chưa kết thúc nhưng việc phát đi thông tin tuyển dụng lúc này cũng là cơ hội cho cho các doanh nghiệp có thể tìm kiếm được nhân tài, củng cố đội ngũ nhân sự.

Trong bối cảnh dịch, Tập đoàn Novaland vẫn phát đi thông tin tuyển dụng hàng ngàn chuyên viên tư vấn BĐS và một số vị trí như trưởng phòng phân phối sản phẩm, nhân viên kinh doanh, quản lý dự án…

Xem chi tiết tại đây

"Bức tranh" nhà ở xã hội năm 2020: Liệu có tín hiệu sáng?

Theo kết quả thực hiện việc phát triển nhà ở xã hội của các địa phương, đến nay cả nước mới thực hiện được khoảng 34% kế hoạch đã đề ra. Trong kho đó, theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng vào cuối năm 2019, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP.HCM khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn...

Cụ thể, theo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến lĩnh vực xây dựng vừa được gửi đến các vị đại biểu, chương trình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị trên địa bàn cả nước đến nay đã hoàn thành 207 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, với tổng diện tích hơn 4.290.500m2.

Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ đã giải ngân hết, từ cuối tháng 12/2016 đến nay, việc triển khai chương trình nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã bị ách tắc do thiếu nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội và người dân không vay được tiền để thuê, mua.

Vì không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay nên hầu hết các dự án nhà ở xã hội đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công là 221 dự án, trong đó có một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có nhu cầu xin chuyển đổi sang dự án nhà ở thương mại. Số lượng nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây rất hạn chế.

Bên cạnh gói hỗ trợ mới, để thu hút thêm nguồn lực đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội, một số doanh nghiệp bất động sản kiến nghị Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước nên cân nhắc tăng định mức lợi nhuận từ 10% lên 15% tổng chi phí đầu tư.

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, bên cạnh đề xuất tăng tỷ lệ lợi nhuận, vấn đề nan giải nhất chính là thời gian hoàn thiện pháp lý quá lâu, lên tới 2 năm kể từ khi có quyết định giao đất nên cần cắt giảm để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện dự án.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top