Aa

Bất động sản 24h: Những thách thức của thị trường địa ốc năm 2020

Thứ Sáu, 27/12/2019 - 10:30

Những thách thức của thị trường địa ốc năm 2020; Bất động sản nông nghiệp: Cần sự “chính danh” để bứt phá... là một số tin tức nổi bật 24h qua.

Những thách thức của thị trường địa ốc năm 2020

Các chuyên gia chỉ ra một loạt thách thức mà thị trường bất động sản sẽ phải đối mặt trong năm 2020.

Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản EZ Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư sẽ không mặn mà với việc xuống tiền do khó sinh lời nhanh như kỳ vọng, còn những người mua để ở thì có tâm lý chờ đợi giá giảm. Bên cạnh đó, theo ông, niềm tin của nhà đầu tư cũng lung lay khi tình trạng "dự án ma" nở rộ trong năm qua hoặc sự đổ vỡ trong những mô hình bất động sản mới.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định xu hướng nhỏ giọt nguồn cung mới xuất hiện từ cuối năm 2018, tiếp diễn trong năm 2019 và sẽ khiến thị trường từ năm 2020 đến 2022 tiếp tục thiếu hàng.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới cho rằng những trở ngại về mặt pháp lý tuy không mới, song trong năm 2020 tiếp tục là lực cản đối với thị trường bất động sản.

Xem chi tiết tại đây

Bất động sản nông nghiệp: Cần sự “chính danh” để bứt phá

ĐBQH Hoàng Văn Cường nhận định, trong bối cảnh nền nông nghiệp phát triển manh mún, hiệu quả thấp, chưa tương xứng với tiềm năng thì việc tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn là yêu cầu tất yếu của phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hiện tại, nhất là khi nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu dùng đối với chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp ngày càng cao. Để đáp ứng được điều đó, quá trình sản xuất phải tuân theo những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt.

Theo ông Cường, muốn đưa ngành nông nghiệp vươn xa, yêu cầu đầu tiên và cũng quan trọng nhất đó chính là tích tụ đất đai, hình thành những quỹ đất lớn có thể sử dụng trong dài hạn. Bởi chỉ khi có một quỹ đất đủ lớn về diện tích và thời gian sử dụng thì mới có thể đầu tư những hạ tầng công nghệ sản xuất, tưới tiêu, bảo quản, chế biến, thu lợi nhuận về sau. Còn nếu không, thì không nhà đầu tư nào dám đầu tư những hạ tầng lớn như thế vì họ có thể phải gánh chịu rủi ro.

Giải quyết bài toán liên quan đến đất đai, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tạo điều kiện cho việc hình thành thị trường bất động sản nông nghiệp là giải pháp tất yếu cần có để cứu vãn tình trạng ngành nông nghiệp manh mún, không phát huy được tiềm năng, gây lãng phí tài nguyên đất.

TS. Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn (Trường Đại học Lâm nghiệp) cho rằng, phát triển bất động sản nông nghiệp là giải pháp tối ưu và là xu hướng tất yếu để đưa ngành nông nghiệp Việt Nam vươn xa. Nhưng muốn thị trường này phát triển sôi động và hiệu quả, trước mắt, cần loại bỏ những nút thắt đang cản bước doanh nghiệp trong việc tiếp cận, tích tụ đất nông nghiệp để hình thành những chuỗi sản xuất quy mô lớn.

Xem chi tiết tại đây

Bị "bão bụi mịn” tấn công, châu Á gồng mình trong công cuộc phát triển CTX

Ngành xây dựng đã đạt tới điểm khủng hoảng. Theo Liên Hợp Quốc, lĩnh vực bất động sản toàn cầu chiếm khoảng 30 - 40% lượng khí thải carbon của thế giới. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính rằng, 91% dân số toàn cầu đang sống ở những khu vực có không khí không an toàn. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, có tới 4,2 triệu người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí ngoài trời. Bản đồ chi tiết về ô nhiễm không khí trên toàn thế giới của WHO hướng về Trung và Đông Nam Á - một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.

Trong bối cảnh đó, các chính phủ châu Á đang đưa ra các hướng dẫn và mục tiêu thực sự cho ngành xây dựng. Một số quốc gia thậm chí còn thiết lập các quy định, các điều luật về việc thực hiện các chính sách môi trường.

Trong khi các hướng dẫn nghiêm ngặt của LEED đã tạo thành tiêu chuẩn quốc tế cho các công trình kiến trúc "có ý thức về môi trường", Cơ quan Xây dựng và công trình Singapore (BCA) cũng có riêng một chứng nhận về công trình tiết kiệm năng lượng và được công nhận rộng rãi trên thế giới. Kể từ năm 2005, chương trình Green Mark đã áp dụng các ưu đãi về tiền mặt cho bất kỳ nhà phát triển nào đạt được tiêu chuẩn Vàng trở lên cho các hành động bảo vệ môi trường.

Philippines, quốc gia này chỉ đứng ở vị trí 56 trên GCI, kém Indonesia ở vị trí 36 và Thái Lan ở vị trí 32, nhưng gần đây, họ đã có những bước tiến để theo kịp các quốc gia phát triển nhất về các cam kết bảo vệ môi trường. Jean Philipquelyn Nathania A. de Castro, Giám đốc điều hành của ESCA Inc., một công ty tư vấn thiết kế và kỹ thuật có trụ sở tại Philippines cho biết, Philippines có những điều luật rất mạnh mẽ tập trung vào sự bền vững và bảo vệ môi trường.

Xem chi tiết tại đây

Hàng trăm gia đình tan nát vì có người thân đầu tư theo Alibaba

Tháng 9/2019, Công ty Alibaba bị phanh phui về tội lừa đảo hàng nghìn nhà đầu tư bất động sản bằng việc vẽ ra hàng loạt dự án “ma” ở các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… rồi hứa sẽ mua lại sản phẩm và đưa ra mức cam kết lợi nhuận hấp dẫn lên tới 28%. Vài ngày sau đó, hàng nghìn khách hàng đã đến trụ sở công an TP.HCM trình báo về khoản tiền có nguy cơ mất trắng. Trong đó, người bị mất nhiều nhất khoảng 3 tỷ, người ít thì từ 300 triệu - 1 tỷ. Khoảng 7.000 người đã rơi vào bẫy của Alibaba với tổng số tiền bị lừa lên đến 2.500 tỷ đồng.

Đến nay đã 3 tháng trôi qua nhưng hàng nghìn khách hàng mua các dự án của công ty này vẫn chờ đợi trong vô vọng. Họ đã làm hồ sơ trình báo công an nhưng nguy cơ “tiền mất tật mang” đã thấy trước mắt. Mất cả gia tài, nhiều người chán nản, bỏ nghề đầu tư bất động sản chuyển qua đi buôn bán tạm kiếm sống qua ngày. Nhiều gia đình khổ sở, vợ chồng lục đục đòi bỏ nhau vì nợ nần chồng chất. Thậm chí có những người rơi vào trầm cảm, không còn tha thiết với cuộc sống vì áp lực tài chính nặng nề.

Hàng trăm gia đình khác cũng rơi vào cảnh tương tự vì có chồng, con, vợ… đi theo Alibaba. Điều đáng nói là hầu hết khách hàng của Alibaba đều không phải là dân kinh doanh lâu năm mà chủ yếu là dân lao động nghèo. Tin tưởng Alibaba có thể mang lại mức lợi nhuận khủng nên nhiều người sẵn sàng bán nhà, vay mượn khắp nơi… để đổ vào các dự án không có thật.

Xem chi tiết tại đây

Cần hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản nông nghiệp phát triển

Tại Hội thảo chuyên đề: Kiến tạo thị trường bất động sản nông nghiệp: Thực trạng và kiến nghị chính sách, do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức diễn ra ngày 26/12, các khái niệm “bất động sản nông nghiệp”, “thị trường bất động sản nông nghiệp”… đã được các chuyên gia làm rõ. Bên cạnh đó, các chuyên gia đã đưa ra những ý kiến đánh giá về thực trạng và tiềm năng, cơ hội và nhu cầu phát triển của thị trường bất động sản nông nghiệp tại Việt Nam; Làm rõ những vướng mắc pháp lý, chính sách và kiến nghị giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản nông nghiệp tại Việt Nam…

Mặc dù tiềm năng của thị trường bất động sản vẫn còn đang còn bỏ ngỏ nhưng lại đang thiếu một hành lang pháp lý để các nhà đầu tư được “danh chính ngôn thuận” rót vốn đầu tư, để người dân có đất được yên tâm giao đất mà không còn phải lo lắng lợi hại, thiệt hơn.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, cho rằng, giải pháp cho các vấn đề này trước hết là cần rà soát lại về mặt pháp luật để có thể đưa ra các giải pháp đổi mới pháp luật đất đai hướng tới mở rộng dần phần thị trường giao dịch chính thức và thu hẹp dần phần thị trường phi chính thức. Cách thức này không chỉ có tác động hoàn chỉnh thị trường giao dịch mà còn có chức năng bảo đảm an toàn cho các giao dịch giữa doanh nghiệp và nông dân đang sử dụng đất, làm tăng lòng tin giữa hai bên. Ở các nước công nghiệp phát triển và công nghiệp mới, mỗi nước đều có những giải pháp khác nhau, nhưng tất cả đều dựa trên nền tảng của văn hóa thị trường ở mức cao.

Xem chi tiết tại đây 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top