Sau cơn sốt, nhà đất ven trung tâm TP.HCM hiện giờ ra sao?
Những lô đất đã có sổ đỏ, nhà phố được tu sửa lại, giá bán vẫn tăng đều, sức mua khá tốt. So với cùng kì năm ngoái, giá nhà trong các khu dân cư vùng ven trung tâm tăng khá cao.
Nếu những căn nhà ở hẻm trung tâm TP có mức giá từ 5-7 tỉ đồng thanh khoản khá tốt thì đối với khu lân cận Tp.HCM như Q.9, Q.2, Q.Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Nhà Bè …các căn nhà xây mới có giá bán trên dưới 3 tỉ đồng/căn được người mua thực tìm kiếm. Giá bán ghi nhận tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong vòng 1 năm (trừ thời điểm nóng sốt nhà đất), so với 2017 tăng khoảng 50%.
Được biết, hầu hết các căn nhà được xây dựng trên đất phân lô tại khu ven Sài Gòn được NĐT mua - xây dựng từ thời điểm đất nền có dấu hiệu nóng sốt. Bên cạnh các căn đã được bán ra ở thời điểm trước đó, rất nhiều căn được tu sửa lại một số lần (tu sửa bên ngoài) và bán giá cao gấp nhiều lần so với 2 năm trước.
Theo ghi nhận tại khu vực Q.9, huyện Nhà Bè, những căn nhà 2-3 tầng hầu hết được rao bán với mức giá từ 2.5-3.5 tỉ đồng/căn và sức mua khá tốt. Đa số khách mua là những người có nhu cầu ở thực. Trước bối cảnh giá đất vẫn âm thầm tăng, nhiều người chọn giải pháp nhà đã xây sẵn vừa tiết kiệm được thời gian, công sức xây dựng, giá so với việc mua đất + xây dựng vẫn mềm hơn chút đỉnh. Tìm hiểu được biết, các căn nhà phố riêng lẻ trong hẻm 5-7m tại khu ven Tp.HCM giá đã tăng cao so với thời điểm trước, NĐT ít mua lại, chủ yếu bán cho nhu cầu ở thực.
Bước dè chừng của condotel?
Từng là kênh đầu tư bất động sản hấp dẫn nhưng hiện nay condotel đang lâm cảnh “chợ chiều”, ế ẩm, thiếu nguồn cung. Phải chăng thị trường condotel đang bước vào giai đoạn thụt lùi?
Mới đây, một số đơn vị nghiên cứu thị trường công bố báo cáo thị trường bất động sản Đà Nẵng, trong đó ghi nhận tình hình hoạt động trầm lắng của thị trường căn hộ nghỉ dưỡng (condotel). Do đó, nhiều nhà đầu tư đã đặt ra câu hỏi: Liệu diễn biến tại các thị trường khác có tương tự như thị trường Đà Nẵng? Lời khuyên cho nhà đầu tư đối với phân khúc condotel trong thời điểm này là gì?
Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills TP.HCM: "Việc thị trường condotel tại Nha Trang, Đà Nẵng chững lại cũng là xảy ra tại các thành phố biển khác. Tuy nhiên, đây không hẳn là một bước lùi của thị trường mà thậm chí có thể được xem là một bước tiến.
Về phía các chủ đầu tư, đây là khoảng dừng cần thiết để có thể nhìn lại và đánh giá những thành công và hạn chế của các dự án đã phát triển trong thời gian qua, từ đó hoàn thiện sản phẩm và pháp lý đề có thể thu hút và tiếp tục nâng cao niềm tin của người mua. Thị trường tương lai do đó đang được trông đợi sẽ ngày càng minh bạch và chuyên nghiệp hơn".
Bất động sản Nghệ An trỗi dậy nhờ đòn bẩy hạ tầng
Dù có nhịp điệu phát triển chậm hơn so với các tỉnh miền trung khác như Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế… nhưng thời điểm này, bất động sản Nghệ An đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ nhờ sự đồng bộ của hạ tầng.
Theo khảo sát của phóng viên, giá đất mặt tiền các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Lê Lợi tại thành phố Vinh… hiện đang tăng gấp 2 - 3 lần chỉ trong thời gian ngắn, chạm ngưỡng 70 đến hơn 100 triệu đồng/m2. Tại một số khu nhà liền kề cao cấp trên đường Quang Trung, Đinh Công Tráng, mức giá cũng là tương tự.
Đối với đất vùng ven đô thành phố Vinh như phường Vinh Tân, xã Hưng Lộc, Nghi Phú… ở thời điểm năm 2010 giá đất 3 - 4 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên gấp 2, 3 lần. Riêng đất ở các phường trung tâm như Lê Mao, Đội Cung, Hồng Sơn, Trường Thi thì có giá dao động từ 15 đến 30 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi từ 80 - 100 triệu đồng/m2 tùy vị trí....
Với phương châm hạ tầng đi trước, bất động sản theo sau, hạ tầng phát triển sẽ là bệ đỡ cho thị trường bất động sản trở nên sôi động, tỉnh Nghệ An đã chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ các dự án hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông toàn tỉnh, đặc biệt là tại Thành phố Vinh, góp phần nâng cao diện mạo đô thị, khơi dậy những tiềm năng vốn có của địa phương.
Sửa gấp Luật Đất đai 2013
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xem xét sửa đổi, bổ sung thêm những nội dung quan trọng liên quan đến 8 nhóm chính sách lớn của Luật Đất đai 2013.
Sau 5 năm triển khai thi hành Luật Đất đai 2013, công tác quản lý, quy hoạch, sử dụng đất vẫn còn nhiều bất cập do Luật này và các Luật khác có liên quan còn mâu thuẫn, chồng chéo, dẫn tới không rõ trách nhiệm quản lý, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện.
Quốc hội, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Trong đó, dự kiến xem xét sửa đổi, bổ sung 8 nhóm chính sách lớn liên quan đến việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; quản lý, sử dụng đất của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng…
Các chuyên gia cho rằng, việc thi hành Luật Đất đai năm 2013 thời điểm hiện nay đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nếu sớm được đưa vào thực hiện sẽ giúp cho thị trường bất động sản có thêm cơ hội phát triển theo quy luật của thị trường.
Ám ảnh khủng hoảng kinh tế, nhà đầu tư thu hẹp bất động sản sở hữu
Những dự báo không mấy khả quan về tình hình kinh tế giai đoạn cuối năm 2019, sang năm 2020, đã khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng thận trọng hơn khi rót vốn vào bất động sản.
Bức tranh ảm đạm về nền kinh tế và sự đi xuống của thị trường bất động sản đã tác động không nhỏ đến nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Nguyễn Quang Minh (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, thay vì đổ tiền mạnh vào bất động sản, các nhà đầu tư đang có xu hướng co hẹp lại nguồn bất động sản sở hữu. “Thị trường có dấu hiệu bất ổn, nhiều nhà đầu tư sẽ có xu hướng không ôm hàng nhiều. Lãi suất ngân hàng cho vay bất động sản đang lên cao càng khiến nhà đầu tư hạn chế bỏ vốn vào lĩnh vực này”.
“Đến hiện tại, tôi cũng không dám ôm nhiều bất động sản. Thay bằng việc ăn chênh, các sản phẩm bất động sản mà tôi sở hữu đều chuyển hướng tới cho thuê lại như cho thuê văn phòng, nhà trọ…” – ông Minh chia sẻ.