Aa

Bất động sản bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 27/10/2018 - 01:31

Theo dự đoán của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF), tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt trên 7%. Đáng chú ý, những tháng cuối năm, các ngành kinh tế Việt Nam sẽ được tiếp đà tăng trưởng, trong đó có bất động sản.

Sẽ có 2 kịch bản tăng trưởng

Dựa trên tình hình kinh tế xã hội 9 tháng năm 2018 và xem xét các yếu tố có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2018 và cả năm 2019, NCIF đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng năm 2018. Thứ nhất là tăng trưởng GDP đạt 6,83% và CPI (bình quân năm) đạt 4%. Kịch bản thứ hai là tăng trưởng GDP đạt 7,01% và CPI (bình quân năm) dao động 4% – 4,2%.

Đối với năm 2019, kịch bản thứ nhất là tăng trưởng GDP đạt 6,9%, CPI (bình quân năm) đạt 4%. Kịch bản thứ hai là tăng trưởng GDP đạt 7,1%, CPI (bình quân năm) đạt 4,5%. NCIF cho rằng kịch bản thứ hai có nhiều khả năng xảy ra hơn. Nếu điều này xảy ra, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng GDP trên 7% sau tròn một thập kỉ loanh quanh ở mức 5% - 6%.

Kinh tế 2018 - 2019 sẽ đón tín hiệu lạc quan

Theo NCIF, những tháng cuối năm 2018, kinh tế Việt Nam sẽ được tiếp đà tăng trưởng khả quan từ 9 tháng qua, đó là: nhiều ngành kinh tế lớn bước vào chu kỳ tăng trưởng nhanh như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; nhu cầu tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trên cơ sở lạm phát được kiểm soát khá tốt và thu nhập được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định với việc ổn định lãi suất và tỷ giá được đảm bảo…

Giai đoạn 2018 - 2019: Bất động sản bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh.

Ảnh minh họa

Sang năm 2019, tiếp đà tăng trưởng tích cực của năm 2018, nền kinh tế tiếp tục hưởng lợi từ những động lực của nền kinh tế.

Những động lực đó là diễn biến kinh tế thế giới có nhiều yếu tố hậu thuẫn tích cực cho tăng trưởng của Việt Nam bao gồm: triển vọng tăng trưởng khả quan của kinh tế thế giới, đặc biệt từ triển vọng kinh tế Mỹ; tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế vẫn đang được đẩy nhanh với các hiệp định giữa ASEAN và Hồng Kông, hiệp định CPTPP.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, sự thay đổi về thủ tục hành chính.

Ngoài ra, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực. “Với 16 hiệp định FTA đã và đang được đàm phán kí kết, 10 hiệp định FTA đã có hiệu lực, thị trường tiêu thụ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, tạo cơ hội gia tăng nhu cầu đối với hàng Việt Nam”, NCIF nhận định.

Tuy nhiên, NCIF cũng cho rằng nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực, có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng. Cụ thể, về dài hạn, nền kinh tế vẫn thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính trong khi áp lực lạm phát tăng lên, hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung.

Giá các tài sản tài chính thế giới cũng đã tăng quá cao (cao hơn cả thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính 2008-2010), gây quan ngại về tình trạng "bong bóng tài chính", đặt tình hình tài chính toàn cầu trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, đặc biệt là những vấn đề tài chính đang tích lũy trong nội tại nền kinh tế Trung Quốc (khi mà giá bất động sản đang được đẩy lên cao, trong khi tình trạng dư thừa rất rõ ràng...).

Diễn biến thị trường ngoại hối khó lường cũng là một yếu tố tiêu cực. Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ - Trung Quốc – EU) diễn ra căng thẳng hơn, có thể ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu, tỷ giá và sau đó là tăng trưởng kinh tế. Và mặc dù đã được cải thiện nhưng môi trường kinh doanh hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

NCIF nhận định cũng nhận định: Thủ tục hành chính rườm rà, hạ tầng chưa được cải thiện nhiều và công nghiệp phụ trợ yếu kém, nhiều chính sách vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, trong khi yêu cầu về chất lượng các dự án FDI ngày càng cao (về công nghệ, giá trị gia tăng cao, đạt tiêu chuẩn về môi trường...) khiến các nhà đầu tư vẫn dè dặt về môi trường hoạt động lâu dài, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư giảm sút.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top