Hạt nhân thúc đẩy
Được khởi xướng từ Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (năm 1986), khu công nghiệp, khu chế xuất hình thành và phát triển trong hơn 25 năm qua gắn liền với công cuộc đổi mới, mở cửa của kinh tế đất nước.
Đặc biệt, tại các Nghị quyết của Đảng trong các kỳ Đại hội từ năm 1986 đến nay đã nêu các định hướng để triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất suốt thời gian qua và trong giai đoạn tới.
Trên thực tế, làn sóng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất đang phát triển mạnh mẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương trên địa bàn cả nước. Đây cũng được coi là một trong những hướng đi chiến lược của Việt Nam nhằm kêu gọi các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đánh giá về những kết quả đạt được, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh, hình thành hệ thống các khu kinh tế, khu chế xuất trên cả nước nhằm tạo không gian kinh tế cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn hecta. Trong đó, có 251 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn hecta, tỷ lệ lấp đầy đạt 73,9%.
Các khu kinh tế, khu chế xuất được thành lập tại các tỉnh tỉnh, thành phố trên cả nước được phân bố trên cơ sở phát huy lợi thế địa kinh tế, tiềm năng của các vùng kinh tế trọng điểm và phân bố ở mức độ hợp lý tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn phù hợp với trình độ phát triển của ngành công nghiệp địa phương.
Tính đến hết năm 2018, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã đăng ký đầu tư cho ước khoảng 560 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đăng ký ước đạt trên 5,3 tỷ USD và tăng vốn cho gần 500 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm khoảng hơn 3 tỷ USD. Tính chung trong năm 2018, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp, khu kinh tế mới tăng thêm khoảng 8,3 tỷ USD.
Đặc biệt, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, tăng thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho người lao động.
Mặt khác, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất cũng ngày càng cải thiện, cao hơn các doanh nghiệp ngoài khu kinh tế, khu chế xuất.
Qua hơn 20 năm hoạt động, đến nay, TNI Holdings Việt Nam đang quản lý 11 KCN trên tổng diện tích hơn 2.000 ha, trong đó tỉ lệ lấp đầy bình quân luôn đạt 85% Với trên 400 dự án tham gia đầu tư, các KCN do TNI Holdings Việt Nam phát triển và quản lý là nơi làm việc của hơn 300 nghìn lao động. Từ một KCN đầu tiên tại Hà Nội, phạm vi hoạt động của TNI Holdings mở rộng sang các tỉnh và thành phố khác nhau của miền Bắc Việt Nam, bao gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên… Các KCN mới lần lượt nối đuôi nhau ra đời với quy mô ngày càng rộng lớn hơn như KCN Hà Nội – Đài Tư ra đời đầu tiên với quy mô 40ha thì KCN Nam Sách (62ha); Phúc Điền (82ha); Tân Trường (198ha); Quang Minh (344ha);… Những KCN mới ra đời đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho các nhà đầu tư nước đến phát triển sản xuất, làm ăn tại Việt Nam, góp phần tăng thu cho đất nước. Cũng từ đó, các KCN đã góp phần thay đổi kinh tế của địa phương, tạo diện mạo mới cho những vùng đất mà TNI Holdings đặt chân đến.
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng (thuộc Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam), tổng các khoản nộp ngân sách trung bình các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu chế xuất cao gấp 13 lần mức đóng của các doanh nghiệp ngoài khu kinh tế, khu chế xuất.
Không những thế, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, bước đầu hình thành một số ngành công nghiệp phụ trợ. Các khu chế xuất, khu công nghiệp đã, đang và sẽ là những “hạt nhân” thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp và gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu cho địa phương.
Việc thu hút được các nhà máy sản xuất quy mô lớn, công nghệ tiên tiến của các nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chế xuất góp phần mang lại cho nhiều doanh nghiệp cơ hội liên kết, tiếp cận công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại.
Đồng thời, cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước chuyển dần từ quy mô nhỏ sang sản xuất quy mô lớn, tập trung và đổi mới công nghệ sản xuất…. Đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế.
Vẫn còn nhiều bất cập
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và quy hoạch đồng bộ khu công nghiệp - đô thị -dịch vụ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2019, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế Trần Quốc Trung thừa nhận, vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội và đời sống công nhân trong các KCN chưa được cải thiện rõ rệt; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với ngành nghề thu hút đầu tư trong các KCN còn thiếu, việc huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng KCN còn khó khăn...
Trong đó, công tác xây dựng quy hoạch các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa làm rõ yếu tố liên kết vùng và ngành; chưa làm rõ mối liên kết chuỗi sản phẩm giữa các khu, vì vậy chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, thị trường, khả năng cung ứng của từng địa phương.
Các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, chưa chú trọng đến tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất và với các khu công nghiệp, khu chế xuất tại các địa bàn khác để phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung, nâng giá trị gia tăng. Do đó, hiệu quả kinh tế của các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được phát huy theo chiều sâu.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung bổ sung những bất cập khác trong việc phát triển thị trường bất động sản công nghiệp hiện nay. Đó là hạ tầng kết nối đa phương tiện thiếu đồng bộ, mất cân đối khi vận tải đường bộ chiếm tới 77% tổng lượng hàng hóa vận chuyển của cả nước. Mặt khác, thị trường khu công nghiệp còn non trẻ khi đang trong giai đoạn khởi đầu, tiêu chuẩn kỹ thuật hạ tầng, nhà xưởng còn thấp... Từ thực tế hiện nay, ông Cung nhấn mạnh "đóng hóp của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế hiện nay vào GDP chưa tương xứng với tiềm năng".
Theo vị chuyên gia này, Chính phủ cần xem xét, đánh giá lại hệ thống chính sách phát triển khu công nghiệp, khu đô thị để có bổ sung cần thiết. Các địa phương cũng cần đánh giá lại để phù hợp với xu hướng mới về phát triển kinh tế xã hội. "Các tỉnh nên làm nhanh chóng. Ở đâu nắm được cơ hội phát triển thì ở đó sẽ đi đầu, nếu không thay đổi, phát triển đến một mức trần nào đó sẽ bị giảm suát", ông khuyến nghị.
Tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2019 vừa diễn ra ngày 23/4 vừa qua, các đại biểu tham dự Diễn đàn cũng cho rằng cần tiếp tục đổi mới tư duy cũng như phương thức quản lý, tiếp tục hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào cơ sở hạ tầng, khuyến khích thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bên cạnh đó cần minh bạch hóa thông tin về thị trường, về quy hoạch, tín dụng, thuế, phí... tạo điều kiện để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong nền kinh tế thị trường./.