Aa

Tháo gỡ những bất cập tồn đọng, bất động sản công nghiệp dễ dàng hút vốn đầu tư

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Ba, 31/05/2022 - 06:03

Việt Nam có nhiều lợi thế so với các nước trong khu vực về thu hút FDI vào BĐS công nghiệp. Song với khẩu vị khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia, vẫn cần không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng.

Không ngừng thu hút nguồn vốn FDI

Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng đối với dòng vốn đầu tư toàn cầu nhờ môi trường chính trị, kinh doanh ổn định và việc thực hiện hiệu quả mục tiêu kép của Chính phủ, vừa thích ứng an toàn với dịch bệnh, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh. Do đó, nhiều nhà đầu tư lớn đang dồn sự chú ý tới thị trường Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển, đa dạng hóa nguồn cung ứng.

Đơn cử như mới đây, thương hiệu trang sức Đan Mạch Pandora đã ký biên bản ghi nhớ xây cơ sở chế tác trang sức mới tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP) ở tỉnh Bình Dương. 

Tập đoàn Framas của Đức cũng vừa thuê một khu nhà xưởng xây sẵn rộng 20.000m² tại dự án KTG Industrial Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai). Theo đó, Framas là tập đoàn chuyên sản xuất các bộ phận bằng nhựa chất lượng cao phục vụ khách hàng như Nike và Adidas.

Tập đoàn Fuchs, đại gia dầu nhớt của Đức, cuối quý I/2022 cũng công bố mở rộng hoạt động tại Việt Nam với động thái thuê khu đất rộng 20.000m² tại Khu công nghiệp chuyên dụng Phú Mỹ 3 (PM3 SIP) ở Bà Rịa - Vũng Tàu để xây dựng nhà máy mới. Hợp đồng thuê đất thời hạn 55 năm, cho thấy cam kết lâu dài tại Việt Nam của nhà sản xuất dầu nhớt có kinh nghiệm hơn 90 năm của Đức.

Miền Trung cũng trở thành điểm đến hút nhiều nhà đầu tư mới. Cụ thể, tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Arevo Inc đến từ Mỹ muốn đầu tư nhà máy sản xuất máy in 3D (135 triệu USD), United States Enterprises cũng dự kiến đặt nhà máy sản xuất chất bán dẫn trị giá 110 triệu USD. Trung tâm Nghiên cứu phát triển và sản xuất Fujikin (35 triệu USD) cũng có kế hoạch đặt tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng...

Trong khi đó, khu vực miền Bắc tiếp tục hút dòng vốn từ các nhà đầu tư Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản - những "tay chơi" tham gia vào thị trường từ rất sớm và không ngừng mở rộng quy mô tại các thủ phủ công nghiệp phía Bắc.

Hàng loạt doanh nghiệp ngoại đổ bộ vào thị trường Việt Nam trong năm 2022 (Ảnh minh hoạ)

Với sự đổ bộ của hàng loạt các doanh nghiệp nước ngoài, 4 tháng đầu năm 2022 đã có 10,8 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Trong đó, vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt là 92,5% và 74,5% so với cùng kỳ.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đánh giá, các nguồn vốn FDI mới đổ vào khu công nghiệp Việt Nam năm 2022 đang có xu hướng phát triển theo hai nhánh. Thứ nhất là các ngành sản xuất và thứ hai là hậu cần phụ trợ, tức bất động sản công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, logistics.

Theo bà Trang, với sự bùng nổ của thương mại điện tử trong những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư gốc Á như Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc... và cả nhóm các nhà đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu cũng đã lần lượt xuất hiện tại thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Nhóm các nhà đầu tư cập bến thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 đang có xu hướng tìm kiếm bất động sản hậu cần chất lượng ngày càng cao hơn.

Còn theo ông Lance Li, Tổng giám đốc Công ty BW Industria, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế vượt trội so với các nước trong khu vực. Đơn cử như kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục sau đại dịch, tình hình giải ngân vốn FDI trong quý I/2022 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong năm 5 gần đây. Tỷ lệ tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ASEAN năm 2022 với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 6,5%. Vì vậy, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút vốn nhiều hơn từ các doanh nghiệp FDI lớn như LG, Samsung, Nike...

Gỡ điểm nghẽn để bất động sản công nghiệp “cất cánh”

Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong cuộc cạnh tranh thu hút vốn FDI, đặc biệt là giữa các nước trong khu vực ở bối cảnh hoạt động đầu tư chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch cũng như những căng thẳng địa chính trị trên thế giới.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, với khẩu vị khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia cùng định hướng chọn lọc, ưu tiên thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao của Chính phủ Việt Nam, đòi hỏi sự điều chỉnh phù hợp của hành lang cơ chế, chính sách liên quan cũng như sự thích ứng của nhà đầu tư.

Chia sẻ một số giải pháp khác, ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đơn vị đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, hy vọng trong quý II/2022 Thủ tướng sẽ xem xét, ban hành Nghị định này.

Cũng theo ông Trung, trong phần sửa đổi, có nhiều nội dung đã nêu sẽ được giải quyết như quy hoạch, thủ tục hành chính… để giảm tối đa thủ tục cho nhà đầu tư, đặc biệt là thủ tục quy hoạch các khu công nghiệp, giảm bớt các thủ tục trùng lặp để nhà đầu tư thực hiện dự án nhanh nhất. Ngoài ra, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 82 cũng đưa vào một số quy định để khi phát triển khu công nghiệp thì đảm bảo phải cung cấp các dịch vụ cho người lao động sinh sống ổn định lâu dài trong khu công nghiệp.

Hạ tầng hoàn thiện giúp thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp (Ảnh minh hoạ)

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Lance Li cho rằng, để đáp ứng nhu cầu mở rộng kinh doanh của nhà đầu tư, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp và việc xây dựng tổ hợp thương mại điện tử, tiếp tục khai thác hiệu ứng lan tỏa của thương mại điện tử, xây dựng kho hậu cần vệ tinh tại các vị trí chiến lược, xây dựng các cơ sở công nghiệp cũng như logistics cao tầng được xem là giải pháp cho tình trạng khan hiếm đất tại các vị trí trung tâm và giá đất tăng nhanh hiện nay.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty Cushman & Wakefield cho rằng, giá đất công nghiệp đã đẩy lên cao vượt qua kỳ vọng về chi phí thấp của nhà sản xuất. Để tháo gỡ điểm nghẽn này, thị trường cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ cho các tỉnh đang còn nhiều dư địa để phát triển nhưng có vị trí xa các khu kinh tế trọng điểm.

Ngoài ra, bà Trang nhìn nhận một thách thức khác của việc thu hút đầu tư vào bất động sản công nghiệp ở Việt Nam hiện nay là cơ sở hạ tầng chưa phát triển hoàn thiện. Cụ thể, Việt Nam dành 5,8% GDP mỗi năm để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Trên thực tế, chính sách phát triển về cơ sở hạ tầng của Việt Nam được quyết định rất nhanh, nhưng quá trình thực hiện lại rất chậm, chưa kể hạ tầng hiện nay mới chỉ tập trung ở một số tỉnh, thành. Trong khi đó, một số địa phương có tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp nhưng cơ sở hạ tầng lại chưa phát triển. Điển hình như Tây Ninh, đây là địa phương có lợi thế phát triển nhưng cơ sở hạ tầng kém đồng bộ làm hạn chế cơ hội thu hút đầu tư của địa phương này.

“Để có thể chuyển dịch lên một nấc thang mới trong chu kỳ phát triển công nghiệp, logistics và trở nên thu hút, cạnh tranh, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng bao gồm hệ thống đường cao tốc, cảng biển nước sâu, nâng cao hệ thống điện nước, gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng”, bà Trang Bùi nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top