Aa

Bất động sản Hải Dương: Đi lên từ sự khác biệt

Thứ Bảy, 29/01/2022 - 06:15

Dù được hưởng nhiều lợi thế về vị trí, hạ tầng đô thị và cú hích của chính sách quy hoạch xây dựng các thành phố vệ tinh của thủ đô Hà Nội, nhưng bất động sản Hải Dương vẫn chưa thực sự thức giấc.

Tiềm năng lớn nhưng chưa được đánh thức

Nằm trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và kề sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ, Hải Dương được coi là trái tim của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Phía Đông Hải Dương tiếp giáp Quảng Ninh và Hải Phòng, phía Nam giáp Thái Bình, phía Tây giáp Bắc Ninh và Hưng Yên, phía Bắc giáp Bắc Giang. Có thể thấy, Hải Dương và các địa phương tiếp giáp đều là nơi tập trung những trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc. Với trị trí lợi thế này, Hải Dương có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội.

Tại kỳ họp thứ 17, HĐND Hải Dương khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021, theo báo cáo của ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, trong 5 năm qua, UBND tỉnh Hải Dương tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, với tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,8%/năm, cao hơn mức bình quân chung toàn quốc. Quy mô kinh tế gấp 1,6 lần so với năm 2015, đứng thứ 11 trong cả nước. Tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 69,8 triệu đồng, tương đương khoảng 3.020USD.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa. Thu ngân sách nhà nước tăng nhanh, từ năm 2017. Hải Dương là một trong 16 tỉnh, thành phố được giao tự cân đối về ngân sách và có điều tiết một phần về ngân sách Trung ương với tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 83.375 tỷ đồng; thu nội địa đạt 63.826 tỷ đồng, bình quân tăng 11,7%/năm.

Việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nội tỉnh, liên tỉnh được quan tâm, phát triển đô thị có bước đột phá. Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành như: Đường trục Bắc - Nam (giai đoạn 1), Trung tâm Văn hóa xứ Đông, nút giao đường 62m với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Mây, đường dẫn cầu Hàn… Nhiều công trình đang triển khai thi công và chuẩn bị hoàn thành như cầu Đông Mai, cầu Dinh, cầu Quang Thanh.

Hải Dương được coi là trái tim của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. (Ảnh minh hoạ)

Giới phân tích cho rằng, Hải Dương là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu tại miền Bắc nhờ chiến lược tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ nhằm thu hút dòng vốn đầu tư. Đặc biệt, việc sở hữu hệ thống giao thông thuận lợi kết nối với cảng hàng không quốc tế, cảng biển, cảng tàu khách quốc tế, cũng như kết nối giữa các vùng trong tỉnh, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hải Dương thu hút nhiều dự án lớn từ các doanh nghiệp tên tuổi trên thị trường, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, Hải Dương vẫn chưa thực sự đánh thức hết tiềm năng dư địa của thị trường bất động sản, việc phát triển các đô thị vẫn chưa tương xứng với kinh tế và vị thế của tỉnh. Hải Dương vẫn còn thiếu các khu đô thị hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng nhu cầu sinh sống và làm việc của nhân dân trong tỉnh cũng như các chuyên gia, lao động nước ngoài. Đó là lý do vì sao các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Hải Dương lại lựa chọn Hà Nội là nơi sinh sống, trong khi quãng đường từ Hà Nội đến Hải Dương mất hơn 1h chạy xe.

Bên cạnh đó, TP. Hải Dương vẫn còn khá “nghèo nàn” những khu vui chơi, những trung tâm mua sắm xứng tầm. Hải Dương cũng chậm hơn so với các địa phương trong khu vực khi đón các làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam. Giới chuyên gia cho rằng, với tất cả những ưu thế của mình, đã đến lúc, Hải Dương phải sẵn sàng để bứt phá.

Bất động sản tăng nhiệt, trở thành điểm sáng trên bản đồ địa ốc

Cùng dòng chảy sôi động của thị trường bất động sản phía Bắc, một vài năm trở lại đây, sau quãng thời gian “ngủ yên”, thị trường bất động sản Hải Dương đang dần “tăng nhiệt” trở lại, được các chủ đầu tư săn đón. Cùng với cơn sốt bất động sản các tỉnh vùng ven Hà Nội, Hải Dương hứa hẹn sẽ trở thành điểm sáng đầu tư trên bản đồ địa ốc 2022 với nhiều tiềm năng hấp dẫn có thể khai thác.

Ghi nhận từ Hội Môi giới Bất động sản Hải Dương, từ cuối năm 2018 đến nay, thị trường bất động sản Hải Dương tương đối sôi động. Nhiều lô đất gần khu vực trung tâm thành phố, nằm sát các khu dân cư luôn thu hút sự quan tâm của khách hàng. Thậm chí, nhiều dự án thuộc các khu vực trọng điểm, các tuyến đường chính trong thành phố chưa có thông tin ra hàng đã được khách hàng rục rịch hỏi mua.

Cụ thể, có những lô đất thuộc dự án phía Nam Đường sắt (TP. Hải Dương) giá đã cao hơn từ 3 - 5 triệu đồng/m2 so với giá gốc của chủ đầu tư. Đối với những mảnh đất nằm ở trục chính hay cạnh dự án lớn thậm chí đã lên tới 30 triệu đồng/m2, tăng 20 - 30%. Tại những khu vực có vị trí đẹp, giá đất có thể dao động từ 35 - 40 triệu đồng/m2, thậm chí lên tới 80 triệu đồng/m2.

Các giao dịch chủ yếu tập trung ở những khu đô thị, khu dân cư có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng hoàn chỉnh, mật độ dân cư đông, gần trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… Những dự án có hạ tầng đồng bộ, pháp lý minh bạch, nằm ở những khu vực trọng điểm ghi nhận tốc độ tăng giá từ 30 - 50% trong năm qua, nhiều dự án vừa mở bán đã hết hàng. 

Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Tổng giám đốc Công ty Đất Vàng Hải Dương, thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, riêng trong quý III/2021, do dịch Covid-19 nên giao dịch có chậm hơn so với các thời điểm trước, nhưng nhìn chung tình hình vẫn khá ổn định, nhu cầu đầu tư bất động sản tại Hải Dương vẫn rất lớn. Các dự án mới mở bán vẫn dành được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Tuy nhiên, có hiện tượng mua bán sang tay khi chưa có giá niêm yết.

“Trước tình hình khan hiếm sản phẩm và lo ngại về tính pháp lý của một số dự án, nhà đầu tư bắt đầu có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm đất thổ cư pháp lý đầy đủ và giá cả phải chăng. Các khu vực thu hút nhà đầu tư gồm: TP. Chí Linh, huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Nam Sách, Gia Lộc những khu vực quanh khu công nghiệp, du lịch”, ông Lợi cho hay.

Lý giải sức nóng của bất động sản Hải Dương thời gian gần đây, giới đầu tư cho rằng, với sức hấp dẫn về môi trường đầu tư và tính cạnh tranh, phát triển bền vững, hài hòa với môi trường, Hải Dương hội tụ đầy đủ các yếu tố của một đô thị năng động và hiện đại, được định hướng trở thành khu đô thị vệ tinh quan trọng của Hà Nội.

Bên cạnh đó, Hải Dương hiện đang lưu giữ khối lượng lớn văn hoá vật thể và phi vật thể đa dạng. Theo đánh giá của các chuyên gia phong thủy thì Hải Dương cũng lưu giữ dòng khí thịnh vượng, đem lại sự phồn thịnh, sung túc và an lạc cho cư dân sống trong vùng. Do đó, bất cứ dự án bất động sản nào tại đây cũng đều nhận được sự săn đón của giới đầu tư và cư dân mơ về chốn an cư lạc nghiệp lý tưởng.

Do đó, hàng loạt khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái đã và đang hình thành, trở thành các lợi thế để kích thích thị trường bất động sản phát triển. Hải Dương đang trở thành điểm đến của các chủ đầu tư như: Tập đoàn Nam Cường, FLC Group, Thành Đông, An Phú, Vạn Lộc, Vạn Phúc, Trường Thịnh, Hoàng Long Habico...

Hàng loạt khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái đã và đang hình thành tại Hải Dương (Ảnh minh hoạ).

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: “Giới đầu tư đang chuyển sang các thị trường có tốc độ phát triển mạnh vì có mức tăng giá lớn. Trong khi đó, mặt bằng giá đất ở Hà Nội đã ở mức cao khiến thanh khoản chững lại; còn các thị trường tỉnh đang thu hút mạnh vốn FDI, các khu công nghiệp phát triển, giá đất vẫn mềm hơn.

Trong đó, Hải Dương là một đô thị truyền thống, trước đây cũng đã có nhiều tập đoàn lớn đầu tư. Giờ đây Hải Dương còn có kết nối các vùng dễ dàng hơn, các khu kinh tế mọc lên, khu công nghiệp sầm uất, đầu tư nước ngoài tăng mạnh, kéo theo nguồn lao động nước ngoài dồi dào đẩy nhu cầu nhà ở bùng phát. Đó là những lý do giúp thị trường bất động sản Hải Dương phát triển mạnh trong tương lai”.

Công nghiệp phụ trợ - Hướng đi riêng biệt của tỉnh Hải Dương

Nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng, bất động sản Hải Dương chịu sức ép cạnh tranh lớn. Do đó, Hải Dương sẽ phải có một bước chuyển mình mạnh mẽ với các mục tiêu phát triển kinh tế tận dụng tối đa tiềm lực và thế mạnh của địa phương.

Những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh luôn chú trọng việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp đồng thời tăng cường các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Chính quyền tỉnh Hải Dương đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp “theo hướng hiện đại, chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số”; trong đó công nghiệp hỗ trợ là một trong những trụ cột chính. Mục đích nhằm phát huy tối đa thế mạnh vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng liên vùng.

Theo đó, việc khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chiếm tỷ trọng khoảng 34% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đã thể hiện rõ vai trò động lực phát triển của khu vực này. Hơn nữa, trong định hướng phát triển của Hải Dương, khu vực FDI sẽ phải nâng cao chất lượng và giá trị đóng góp cho nền kinh tế. Đặc biệt là định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng đang dẫn dắt thị trường bất động sản công nghiệp của tỉnh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, những năm gần đây, nguồn vốn từ khu vực FDI vào tỉnh đều tăng. Nhìn lại giai đoạn 1987 – 1990, Hải Dương chỉ mới có 2 dự án FDI với tổng số vốn 6,9 triệu USD. Giai đoạn 1991 - 1996 là 16 dự án, với lượng vốn đầu tư thu hút đạt 448 triệu USD. Đến giai đoạn 2016 - 2020, con số này đã tăng lên 212 dự án FDI mới với tổng vốn 2,8 tỷ USD. Và tính đến thời điểm tháng 8/2021, tỉnh Hải Dương có 491 doanh nghiệp FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 9,1 tỷ USD; trong đó, vốn đầu thực hiện ước đạt trên 6,8 tỷ USD, bằng 74,5% tổng vốn đăng ký.

Cũng theo Ban quản lý các khu công nghiệp Hải Dương, đến nay trên địa bàn tỉnh có 18 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích gần 3.000ha. Trong đó có 11 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng hạ tầng và đang hoạt động, với gần 500 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư 9,1 tỷ USD từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong thời gian tới, sẽ phát triển thêm 10 - 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 5.000ha để Hải Dương thực sự là một điểm đến có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư. Như đánh giá của CBRE, Hải Dương có quỹ đất công nghiệp mở rộng lớn nhất trong số các tỉnh, thành phố miền Bắc. Đây sẽ là lợi thế lớn thu hút đầu tư của địa phương này.

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho biết, các huyện, thành phố, thị xã đã có văn bản đề xuất bổ sung trên 50 cụm công nghiệp mới, với tổng diện tích trên 3.000ha. Cuối tháng 6/2021, tỉnh Hải Dương đã có quyết định thành lập 3 cụm công nghiệp mới, gồm Quang Trung, Thất Hùng, Bình Giang 1, với tổng mức đầu tư hơn 1.741 tỷ đồng. Đây là các cụm công nghiệp đa ngành, bao gồm nông nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; sản xuất truyền thống, thủ công mỹ nghệ; cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, các ngành công nghiệp hỗ trợ...

Như vậy, trong tương lai, Hải Dương không chỉ bổ sung thêm một nguồn cung lớn bất động sản công nghiệp cho thị trường mà kéo theo đó hàng loạt khu đô thị, dịch vụ, sinh thái nghỉ dưỡng cũng được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu định cư và chất lượng sống của các chuyên gia nước ngoài, người lao động địa phương và ngoài địa phương.

Chia sẻ trên báo chí, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đánh giá, bất động sản là một trong những nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh sẽ không chỉ là phân lô bán nền, giữ đất, mà sẽ lựa chọn nhà đầu tư và triển khai theo hướng tạo ra giá trị mới, tài sản mới.

“Đó chính là tấm gương phản chiếu sự chuyển động tích cực của kinh tế Hải Dương trong thời gian gần đây và tương lai”, ông Hùng nhận định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top