Tại hội thảo “TP.HCM - Long An: Kết nối phát triển” được tổ chức mới đây, giới chuyên gia nhận định hiện đã có nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường Long An như Vingroup, Vạn Thịnh Phát,... Để giữ chân các nhà đầu tư ở lại, việc quan trọng số một là gắn kết Long An với TP.HCM, gắn kết với các sân bay, bến cảng quốc tế, với các trung tâm tài chính, ngân hàng, với các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế, văn hóa lớn... Bên cạnh đó, cần bổ sung giao thông kết nối với các đường chính đô thị giữa Long An và các quận huyện giáp ranh với TP.HCM cũng như đẩy mạnh tuyến nội bộ kết nối khu vực.
Bà Đặng Thị Thúy Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết: “Thời gian này, đầu tư vào tỉnh Long An đã bắt đầu khởi sắc, thời cơ phát triển đã đến và Tỉnh sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Những năm gần đây, Long An đã ghi nhận chỉ số CPI cao, tăng thu ngân sách, là tỉnh có mức tăng trưởng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là thành quả của việc tiếp nhận nhiều dự án, trong đó đặc biệt là thị trường bất động sản bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Các dự án đang thực hiện tại tỉnh hiện nay là các dự án cao cấp, nếu dự án làm tốt sẽ giúp kéo dân từ TP.HCM và các vùng khác về Tỉnh”.
Theo bà Hà, tỉnh hiện có 17 huyện, thị, thành phố trong đó dự kiến cuối năm nay, đô thị trung tâm là Thành phố Tân An sẽ công nhận lên đô thị loại 2. Hiện Long An đang chuẩn bị hoàn thành các thủ tục và quy hoạch chỉ còn chờ phê duyệt từ Bộ Xây dựng. Trong đó, Tân An là bộ mặt trung tâm của Long An nên tỉnh luôn đầu tư phát triển. Trong đó, hiện nay Tỉnh đã có quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông.
Còn theo ông Nguyễn Thành Ngoãn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An, cần có sự kết nối giữa các tỉnh, như giữa TP.HCM với Long An, giữa Long An với Tiền Giang và Đồng Tháp. Nếu có sự phối hợp đồng bộ, Long An nếu được đầu tư đường 825 kết nối với tỉnh lộ 10. TP.HCM đã đầu tư tỉnh lộ 10 rồi, Long An chưa đầu tư thì cũng không phát huy hiệu quả. Hoặc như tuyến đường Nguyễn Hữu Chí của TP.HCM với quy mô 6 làn xe, tuyến đường ở Long An 4 làn xe thì cũng không phát huy hiệu quả. Thứ hai, theo tôi phải tăng cường đầu tư hạ tầng.
Cũng theo ông Sử Ngọc Khương, chuyên gia đầu tư Tài chính: “Việc kết nối giao thông giữa TP.HCM và Long An sẽ thúc đẩy các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát triển, trong đó có một số nhóm ngành sẽ hưởng lợi. Kết nối giao thông, tôi cho rằng cơ hội lớn Long An hưởng lợi từ TP.HCM đem từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó các ngành sẽ hưởng lợi như công nghiệp chế biến, dịch vụ, logistics… giúp tỉnh Long An rất lớn”.
Hiện nay, TP.HCM đang tập trung phát triển chủ yếu ở hai hướng chính là khu Đông và khu Nam. Trong khi đó, hướng phía Tây kết nối giữa TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long trù phú cũng mang một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giúp TP.HCM nói riêng và vùng TP.HCM nói chung nâng cao sức mạnh kinh tế - xã hội liên vùng.
Theo đó, Long An với vị trí liền kề TP.HCM, mật độ dân cư đông và được xem là “dấu gạch nối” giữa TP.HCM và Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy nhiều chuyên gia cho rằng TP.HCM nên mở rộng không gian đô thị về phía Long An. Bởi vì đây là khu vực liền kề thành phố, giao thông thuận tiện vì có đường cao tốc và nhiều tuyến quốc lộ, đường thủy cũng rất thuận lợi…
Mặt khác, Long An có quỹ đất còn tương đối lớn, sẽ phù hợp phát triển những đô thị vệ tinh phục vụ chiến lược giãn dân ra ngoại ô của TP.HCM. Việc phát triển và kết nối hạ tầng TP.HCM với Long An sẽ giúp cho thị trường bất động sản tại đây có thêm động lực tăng trưởng, mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư.