Aa

Bất động sản thành phố lớn "lép vế" trước tỉnh lẻ

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 13/07/2018 - 06:01

Trong 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM đều có những biến động chững lại khi lượng giao dịch một số phân khúc có giảm nhẹ, tồn kho tăng. Trong khi đó, các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm đầu tư vào các phân khúc đất nền tại thị trường tỉnh lẻ.

Đất nền tỉnh lẻ hút khách

Đánh giá chung về thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay, thị trường vẫn cho thấy một gam màu đẹp với những con số khá ấn tượng về cả lượng cung và cầu. Nhu cầu thực chất sử dụng bất động sản ngày càng tăng rõ rệt cho thấy dấu hiệu của thị trường bền vững và phát triển.

Tuy nhiên, ở Hà Nội và TP.HCM, các hoạt động mua đi bán lại của các nhà đầu tư thứ cấp, các nhà đầu cơ đã chậm lại. Do giá cả bất động sản những khu vực này không có tỷ lệ tăng cao như vài năm trước đây. Thậm chí, nhiều dự án còn giảm giá bán bằng nhiều hình thức khác nhau.

Ông Đính nhận định: "Thị trường bất động sản từ 2017 đến nay đã không còn là sự độc tôn của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang. Mà đã thấy sự sôi động trên hầu hết các vùng miền, lan tỏa cả đến những vùng sâu xa hẻo lánh như Tây Nguyên, Tây Bắc…"

Theo phân tích, do không còn sức hấp dẫn ở hai thị trường lớn nên các nhà đầu tư thứ cấp, đầu cơ và thậm chí là cả các nhà phát triển bất động sản có quy mô nhỏ và vừa cũng đã dịch chuyển hoạt động đến những thị trường mới tại các tỉnh lẻ trên cả nước. Các khu tỉnh lẽ cũng có sức hấp dẫn hơn do các ưu đãi đầu tư và đặc biệt là có sự đầu tư mạnh của chính nhà nước vào hệ thống hạ tầng giao thông đô thị.

Thông tin ghi nhận từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, tại Thái Nguyên, 6 tháng đầu năm có 778 căn chung cư, 912 sản phẩm đất nền và 466 sản phẩm biệt thự, nhà liền kề được giao dịch trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Trong đó, các sản phẩm giao dịch chủ yếu thuộc các dự án: TBCO Riverside, Tecco Thái Nguyên, KĐT Cosy Gia Sàng… Mức giá bán căn hộ chung cư giao động từ 8 – 14 triệu đồng/m2.

Tại Quảng Ninh, do bắt đầu vào mùa du lịch nên thị trường bất động sản quý II cũng đã có những khởi sắc hơn so với quý I. Số lượng giao dịch như thường lệ vẫn tập trung vào ba khu vực chính là TP. Hạ Long, TP. Móng Cái và Vân Đồn. Bên cạnh đó những thành phố “mới” như Cẩm Phả, Uông Bí số lượng giao dịch đất nền cũng đang gia tăng.

Các nhà đầu tư thứ cấp, đầu cơ và thậm chí là cả các nhà đầu tư phát triển bất động sản có quy mô nhỏ và vừa đã dịch chuyển hoạt động đến những thị trường mới tại các tỉnh lẻ.

Các nhà đầu tư thứ cấp, đầu cơ và thậm chí là cả các nhà đầu tư phát triển bất động sản có quy mô nhỏ và vừa đã dịch chuyển hoạt động đến những thị trường mới tại các tỉnh lẻ.

Cùng thời điểm, tại Bắc Ninh có hơn 10.000 sản phẩm nhà ở liền kề được phát triển tập trung tại các khu vực được đầu tư mạnh về hạ tầng đô thị, khu công nghiệp và các khu hành chính mới như: thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn, Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong. Lực hấp thụ tại các dự án hiện nay khá tốt, thường đạt trên 60% lượng giao dịch cho mỗi đợt ra hàng.

Ngoài ra, các tỉnh ở khu vực phía bắc khác như Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An…đều xuất hiện nhiều dự án phát triển nhà ở và có lượng giao dịch rất sôi động.

Cũng theo số liệu do các sàn địa phương cung cấp, ghi nhận tại Đồng Nai trong quý II có tổng lượng cung từ các dự án là 3.794 nền đất. Sức tiêu thụ đạt trên 90% và đạt 3.586 sản phẩm được giao dịch thành công.Tại Long An, có lượng cung mới tung ra thị trường là 2.751 sản phẩm đất nền. Lượng giao dịch thành công đạt 2.250 sản phẩm, xác lập tỷ lệ tiêu thụ đạt trên 80%.

Một số tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai,… cũng đạt những giao dịch rất sôi động. Ngoài sản phẩm đất nền, tại các khu vực này cũng đã xuất hiện nhiều dự án chung cư có giá không thua kém các sản phẩm tương đương tại TP.HCM. Và tỷ lệ hấp thụ đều đạt từ 60 – 80% giao dịch thành công cho mỗi đợt ra hàng.

Vùng dự kiến lên đặc khu vẫn “hot”

Theo nhận định từ Hội môi giới Bất động sản, sự kiện Quốc Hội dừng thông qua Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt được xem là cơ hội để sàng lọc nhà đầu tư, sàng lọc thị trường, giúp môi trường kinh doanh bất động sản ở các vùng dự kiến lên đặc khu chuyên nghiệp hơn. Sau thời điểm này, các nhà đầu tư, nhân viên môi giới có một cuộc tháo chạy ồ ạt khỏi thị trường. 

Các giao dịch ở 3 vùng này bị ảnh hưởng tương đối mạnh. Giao dịch tại Vân Đồn và Bắc Vân Phong gần như bị đóng băng hoàn toàn, gần như không có giao dịch nào được thực hiện kể từ khi có quyết định, chỉ có thị trường bất động sản Phú Quốc bị ảnh hưởng ít hơn.

Các số liệu cho thấy, trong những tháng đầu năm, thị trường bất động sản Phú Quốc sôi động bởi các nhà đầu tư TP.HCM và Hà Nội đổ xô về gom đất khiến giá đất tăng nhanh chóng. Với tốc độ di dân từ các vùng ra Phú Quốc như hiện nay, nhu cầu đất nền vẫn rất nóng. Tuy nhiên, đó là những khu phân lô phù hợp quy hoạch, chuẩn mực về pháp lý, hạ tầng.

Cụ thể, giao dịch đất nền trong các khu dân cư 67,5ha, 10ha, Khu dân cư Suối Lớn vẫn diễn ra tương đối, giá giao dịch tăng nhẹ. Các khu phân lô tự phát, không được phê duyệt dự án thì đóng băng, ít giao dịch. Đất công, đất đô thị có quy hoạch tốt, vị trí đắc địa ghi nhận giá vẫn tăng nhưng chậm lại. Giao dịch không đáng kể, hầu như bị chững lại so với quý trước, tuy nhiên chỉ với diện tích vừa và nhỏ.

Tại khu vực Vân Đồn, đầu quý II thị trường vẫn tiếp tục giao dịch sôi động ở cả phân khúc đất dự án lẫn đất thổ cư trong dân. Số lượng sàn giao dịch bất động sản và nhân viên môi giới tự do tăng lên đột biến, lượng nhà đầu tư từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đến Vân Đồn để đầu tư, lướt sóng cũng được ghi nhận tăng kỷ lục.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top