Aa

Bất động sản vẫn là kênh tăng trưởng

Việt Khoa
Việt Khoa tranvietkhoa1987@gmail.com
Thứ Bảy, 26/12/2020 - 17:30

Đây là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm (2016-2020); Định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 5 năm (2021-2025) và năm 2021 của ngành Xây dựng.

Chiều 26/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ 5 năm (2016 - 2020) và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của ngành cho giai đoạn 5 năm tới cũng như năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Những con số ấn tượng

Theo báo cáo, toàn ngành Xây dựng cơ bản hoàn thành và vượt mốc ở 5 nhóm chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Xây dựng đạt mức từ 8,5 - 8,7%/năm, nằm trong ngưỡng kế hoạch đề ra đối với nhóm công nghiệp, xây dựng.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 90%. Quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn đều đạt 100%.

Quy hoạch phân khu đạt 78% và quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại đô thị cũng đạt khoảng 91%...

Mặc dù phát triển nhà ở xã hội thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng chưa đạt được chưa như kỳ vọng với tổng diện tích thực hiện hơn 5,21 triệu m2, chỉ bằng 41,7% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 là đạt 12,5 triệu m2.

Tính đến nay, riêng Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp, cả nước đã hoàn thành 249 dự án, quy mô xây dựng khoảng 104.200 căn hộ với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2 và đang tiếp tục triển khai 264 dự án có quy mô 219.000 căn hộ, tương đương gần 11 triệu m2 sàn.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ có duy nhất 1 nhóm chỉ tiêu không đạt kế hoạch là diện tích bình quân nhà ở toàn quốc hiện đang ở mốc 24m2 sàn/người, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 25m2 sàn/người vào năm 2020.

Về vấn đề cải tạo chung cư cũ, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh việc rà soát, đánh giá nhà chung cư cũ và thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thuộc diện hư hỏng nặng, nguy hiểm; tổ chức đoàn kiểm tra tình hình triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương trên cả nước.

Các địa phương cũng triển khai từng bước chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn như kiểm định, đánh giá chất lượng an toàn chịu lực; lập và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; tổ chức di dời, tháo dỡ; lập, phê duyệt dự án và dự án đầu tư. Thế nhưng, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ vẫn thực hiện rất chậm.

Toàn cảnh Hội nghị

Tuy nhiên, trên thực tế đang tồn tại những "rào cản" trong phát triển nhà ở. Theo đó, cơ chế chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp thiếu đồng bộ và chưa đủ mạnh; một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường nên khó khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Mặc dù vậy, Bộ Xây dựng vẫn quyết tâm đặt mục tiêu cho giai đoạn 5 năm tới, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt sẽ khoảng 26 - 27m2 sàn/người; trong đó, diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt khoảng 26m2/người, khu vực nông thôn đạt khoảng 25m2/người. Đặc biệt, tỷ lệ dân số sống trong nhà ở đơn sơ chỉ còn 1%.

Giai đoạn tới, Bộ Xây dựng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Đồng thời, phát triển nhà ở theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm môi trường sống, hạ tầng đồng bộ; tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân khu công nghiệp và đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở.

Cùng với việc đổi mới căn bản tư duy, chính sách phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho rằng, cần bố trí đủ quỹ đất, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển nhà ở.

Đồng thời, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo giai đoạn mới; chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt cùng các chương trình hỗ trợ nhà ở khác.

Thị trường bất động sản cơ bản được kiểm soát

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh. Đề án đã phân tích đánh giá tình hình, kết quả, ưu nhược điểm của thị trường bất động sản trong 10 năm trước đây; phân tích bối cảnh, đặc điểm trong nước và quốc tế; đề xuất các giải pháp căn cơ, lâu dài và các giải pháp trước mắt, ngắn hạn để bảo đảm sự phát triển ổn định, hiệu quả, phòng chống các hiện tượng cực đoan của thị trường bất động sản.

Không chỉ duy trì được sự ổn định, thời gian qua, thị trường bất động sản có sự phát triển, tăng trưởng cả về quy mô, cơ cấu hàng hóa và doanh nghiệp. Hiện số vốn đăng ký và đang triển khai ở các dự án bất động sản khoảng 4,5 triệu tỷ đồng; thu hút vốn FDI trong 5 năm trở lại đây đạt khoảng 17,63 tỷ USD; đóng góp khoảng 0,4 điểm % trong tăng trưởng kinh tế; tổng thu liên quan đến xây dựng và bất động sản khoảng 11% GDP.

Thị trường bất động sản thời gian qua cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn. (Ảnh minh họa)

Thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo ở nông thôn, nhà ở xã hội, nhà ở hộ nghèo ở khu vực thiên tai, đến nay, cả nước đã hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa hơn 1.250.000 căn hộ, đảm bảo chỗ ở cho khoảng hơn 5 triệu người.

Những kết quả này cho thấy, thị trường bất động sản cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn.

Thị trường ngày càng phát triển mở rộng cả về quy mô vốn, loại hình, số lượng, chất lượng dự án với cơ cấu sản phẩm đa dạng, đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản liên tục tăng; các chủ thể tham gia thị trường ngày càng đa dạng và có tiềm lực mạnh.

Đây là kết quả của việc tập trung sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan, thực hiện tái cơ cấu thị trường, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa theo yêu cầu thực của thị trường.

Giai đoạn 2016 - 2020, thị trường bất động sản không xuất hiện các hiện tượng cực đoan như phát triển nóng hoặc trầm lắng, đóng băng. Tình trạng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương được kiểm soát kịp thời.

Đặc biệt, năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị, tạo công cụ điều tiết về tín dụng, thuế, đất đai, quy hoạch, cơ cấu lại các dự án... nên thị trường bất động sản chưa rơi vào trạng thái trầm lắng, đóng băng toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê. Đến cuối năm 2020, thị trường có dấu hiệu phục hồi, phát triển ở một số phân khúc như bất động sản công nghiệp, nhà ở giá thấp.

Tuy nhiên, cơ cấu hàng hóa bất động sản đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa hợp lý, có biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.

Một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân còn hạn chế về thu nhập, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế.

Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng, tài chính, thuế liên quan đến nhà ở và bất động sản; đôn đốc các địa phương báo cáo tình hình phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; kiểm tra tình hình thực hiện dự án bất động sản cao cấp, sử dụng nhiều diện tích đất tại các địa phương trọng điểm; đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, "thổi giá", "làm giá" để lừa đảo, trục lợi; triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản phát triển ổn định, khắc phục lệch pha cung - cầu; trong đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung - cầu sản phẩm bất động sản; chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.

Cùng đó, pháp luật về kinh doanh bất động sản tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện để kịp thời tham mưu các chính sách quản lý các loại hình bất động sản mới, bất động sản công nghiệp, bất động sản du lịch, lưu trú...

Với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Xây dựng sẽ bám sát tình hình thị trường để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, thiên tai, đặc biệt là tác động của dịch COVID-19 nhằm giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Bộ Xây dựng đề xuất, cần khai thác, sử dụng bất động sản hiệu quả, đặc biệt là bất động sản đất đai để khai thác tối đa nguồn lực từ đất đai, nhà và công trình trên đất phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng đó, phát triển đa dạng các loại bất động sản, bảo đảm cân đối cung - cầu của từng phân khúc, từng địa phương và trong từng giai đoạn.

Phát triển cơ sở hạ tầng đi đôi với cải tạo chỉnh trang đô thị lớn thành các thành phố thông minh, hiện đại gắn kết với việc phát triển đô thị vệ tinh để lan toả sự phát triển và phân bố lại cung - cầu bất động sản, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Đồng thời, đề xuất có giải pháp thu hút nguồn lực xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hàng hóa bất động sản, đặc biệt là đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, công trình sản xuất, kinh doanh, hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại đô thị.

Nhà nước chủ động kiểm soát, điều tiết và định hướng sự phát triển ổn định thị trường bất động sản, khắc phục tình trạng thị trường ngầm, phát triển tự phát và đầu cơ bất động sản.

Ngoài ra, cần thiết xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện Hệ thống thông tin quản lý nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo kết nối và liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị đất đai, bất động sản.

Song song với việc tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia thị trường bất động sản theo cơ chế thị thị trường, việc quản lý các dự án đầu tư phát triển đô thị cần theo quy hoạch và có kế hoạch; chủ động kiểm soát, điều tiết đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, công khai, minh bạch.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích mà ngành Xây dựng đã đạt được trong 5 năm qua, Thủ tướng nhận định: “Bất cứ lúc nào thì kênh bất động sản vẫn là kênh tăng trưởng dù đất nước phát triển hay đang phát triển. Phát triển ngành Xây dựng chưa tương xứng với tiềm năng như nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM chưa đạt mục tiêu đề ra, tình trạng khan hiếm nhà ở, phân khúc thị trường nhà ở cho công nhân cần được quan tâm vì nhu cầu là rất lớn”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top