Bất động sản vẫn là kênh trú ẩn vốn an toàn trong đại dịch

Bất động sản vẫn là kênh trú ẩn vốn an toàn trong đại dịch

Thứ Năm, 19/08/2021 - 06:00

 

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh, tăng 44,8%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 831 doanh nghiệp, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Báo cáo các doanh nghiệp nhiều công ty bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán đều công bố lợi nhuận quý II/2021 tương đối khả quan, bất chấp dịch bệnh. 

CTCP Tập đoàn Novaland (NVL) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021, ghi nhận hơn 2.014 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương mức tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ bán hàng chủ yếu được ghi nhận từ việc bàn giao các dự án như Saigon Royal, Aqua City, NovaHills Mui Ne, Victoria Village, NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet.

Theo đại diện tập đoàn Novaland, quý II/2021 dù dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, tuy nhiên, với sự ủng hộ của thị trường, sản phẩm từ các dự án kết hợp với các chương trình ưu đãi phù hợp với tài chính và nhu cầu của nhà đầu tư giai đoạn này đã có lượng tiêu thụ tốt. Theo đó, kết quả giao dịch trong kỳ ghi nhận tăng 227% so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2021 với doanh thu thuần gấp 15 lần cùng kỳ năm trước, đạt 260 tỷ đồng. Theo đại diện công ty, tăng trưởng chủ yếu đến từ việc tăng lợi nhuận gộp từ bán hàng do ghi nhận doanh thu bàn giao dự án River Panorama (quận 7, TP.HCM).

Dữ liệu từ 12/7 - 13/8, nguồn FIDT

Lũy kế 6 tháng đầu năm, An Gia đạt doanh thu thuần 603 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 195 tỷ đồng, tăng 3%. Tính đến cuối kỳ, tổng tài sản công ty đạt 11.926 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. 

Tính đến hết quý II/2021, AGG có vốn điều lệ hơn 827,5 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong nửa cuối năm 2021, công ty sẽ chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 để gấp đôi vốn điều lệ, dự kiến đạt hơn 1.737 tỷ đồng. Số tiền thu được từ phát hành nhằm bổ sung vốn đầu tư, mở rộng quỹ đất.

Nằm trong kế hoạch mở rộng quỹ đất, định hướng triển khai xây dựng những khu phức hợp biệt lập, nửa đầu năm, đơn vị cũng thực hiện thương vụ M&A dự án 27ha tại Bình Chánh, TP.HCM. Công ty có kế hoạch phát triển dự án với quy mô 7.000 - 8.000 sản phẩm căn hộ và nhà thấp tầng. Hiện, thủ tục pháp lý liên quan dự án đang được hoàn thiện, dự kiến sẽ đưa sản phẩm ra thị trường vào đầu năm 2022.

Dữ liệu giao dịch từ ngày 12/7 - 13/8, nguồn FIDT

Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu thuần gần 637 tỷ đồng, tương đương với con số cùng kỳ năm trước. Doanh thu trong kỳ được đóng góp chủ yếu từ dịch vụ xây dựng và phát triển dự án với giá trị 478 tỷ, chiếm 75% cơ cấu tổng doanh thu. Doanh thu từ bàn giao căn hộ và biệt thự chiếm tỷ trọng 11% do các dự án đang trong quá trình xây dựng. Các dự án cũ đã dần hoàn tất tiến độ và bàn giao nhà trong năm 2019, 2020.

NLG cũng ghi nhận khoản lãi từ công ty liên kết liên doanh gần 95 tỷ đồng, tăng 122% so với nửa đầu năm 2020. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, NLG đạt lãi ròng hơn 412 tỷ đồng, gấp 2.3 lần cùng kỳ năm trước. Kết quả này có sự đóng góp từ việc mua Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai.

Hết quý II/2021, NLG ghi nhận khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn 2.730 tỷ đồng, tăng khoảng 700 tỷ đồng so với đầu năm. Điều này phản ánh hoạt động bán hàng của Công ty vẫn tích cực trong nửa đầu năm.

Được biết, doanh số bán hàng của NLG tính đến thời điểm hiện tại đã đạt 4.100 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng so với con số đạt được vào đầu tháng 5/2021. Trong đó, doanh số từ dự án Akari đạt 407 tỷ, nhiều sản phẩm biệt thự, nhà phố tại dự án Waterpoint mang về 1.867 tỷ và các căn hộ biệt lập dòng Flora Mizuki MP6, MP7, MP8 có doanh số ước đạt 1.900 tỷ đồng.

Đơn vị này cũng cho biết sẽ giới thiệu ra thị trường hơn 350 căn hộ EHome Southgate khu Tây, 275 nhà phố, biệt thự tại Izumi City khu Đông, khoảng 160 căn hộ mid-end Mizuki Park khu Nam và hơn 200 sản phẩm nhà phố, biệt thự, đất nền tại Cần Thơ ngay trong quý III này.

Trong tháng 7 vừa qua, NLG thực hiện bàn giao khoảng 1.650 căn dự án Akari City, thu về thêm 1.700 tỷ đồng. Điều này có nghĩa doanh thu và lợi nhuận của Nam Long sẽ được ghi nhận đáng kể từ quý III năm nay.

Hay, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) quý II/2021 có doanh thu thuần 3.563 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 298 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 555 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu đạt 6.517 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 830 tỷ đồng. 

Báo cáo tài chính quý II/2021 của Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (HTN) cũng ghi nhận doanh thu thuần 1.696 tỷ đồng, gấp 3 lần và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 82,4 tỷ đồng, gấp 31 lần cùng kỳ. Lãi gộp của doanh nghiệp ghi nhận 145 tỷ đồng. 

Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) báo quý II/2021 ghi nhận doanh thu xấp xỉ 1.150 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần so với cùng kỳ năm 2020. Công ty báo lãi sau thuế đạt 143 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ và đạt tỷ suất lợi nhuận ròng 12,4%. Lũy kế nửa đầu năm, doanh nghiệp thu gần 1.200 tỷ đồng và lãi sau thuế 180 tỷ đồng, lần lượt tăng 418% và 147% so với giai đoạn sáu tháng đầu năm ngoái. Công ty đã hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và 95% kế hoạch lợi nhuận.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 27 ngân hàng đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều đã công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với kết quả kinh doanh tích cực. 

Lợi nhuận sau thuế quý II/2021 của nhóm ngân hàng niêm yết  đạt 37.364 tỷ đồng, giảm 11% so với quý I/2021 nhưng con số này vẫn tăng đến 41% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế tăng 58% so với cùng kỳ và đạt mức 79.239 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng ở mức 7,8% sau 6 tháng.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS cho rằng, những tháng đầu năm 2021, nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu thị trường, bứt phá mạnh ngoài mong đợi của nhà đầu tư khi nhiều cổ phiếu tăng giá gấp đôi. Nhóm cổ phiếu tăng giá là nhóm đang có “câu chuyện” riêng bên cạnh triển vọng ngành được hưởng lợi từ: Đòn bẩy chính sách, dòng tiền từ các quỹ ETF, thanh khoản cao hay xu hướng đầu tư vào cổ phiếu mang tính chu kỳ.

Cùng với nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép, chứng khoán thì nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đang nổi sóng, thu hút dòng tiền của nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự hấp dẫn dòng tiền với nhóm này không phổ cập cho toàn bộ các mã trong ngành. 

Một nhóm nhà đầu tư bám thị trường nhìn nhận, thực tế, nhóm cổ phiếu bất động sản có thị trường chủ đạo ở Nam Trung Bộ rất "khỏe" từ đầu năm đến nay, gần như không có nhịp chỉnh đáng kể nào. Những doanh nghiệp sẵn quỹ đất, sẵn hàng tồn kho lớn (cả dở dang và cả thành phẩm) đều hưởng lợi từ nhu cầu thị trường vẫn đang cao, trong khi nguồn cung hạn hẹp dần. Nhóm này đang hội tụ đủ yếu tố thiên thời, địa lợi.

Cụ thể, đặt trong bối cảnh lãi suất thấp thì dòng tiền đầu cơ, tiết kiệm đổ dồn sang chứng khoán, bất động sản. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phía Nam đang có xu hướng phát triển dự án khu đô thị, sản phẩm hoàn chỉnh khép kín, phân tầng phân khúc rất rõ ràng.

Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn đều đã tích lũy quỹ đất sạch trong thời gian dài, giá vốn tốt và đã triển khai các dự án từ nhiều năm nay, nên đây là giai đoạn bắt đầu ghi nhận lợi nhuận.

Theo ông Nguyễn Thái Phiên, Phó Tổng Giám đốc Novaland, thị trường bất động sản hấp thụ dòng tiền rất tốt, chỉ sau chứng khoán. Vì vậy, khi các hoạt động sản xuất - kinh doanh chững lại vì dịch Covid-19 thì dòng tiền sẽ tự động tìm đến bất động sản để đầu tư. Dòng tiền từ chứng khoán qua bất động sản rất nhanh, vì đây là 2 kênh đầu tư tương hỗ. Khả năng là sau giai đoạn giãn cách, bất động sản sẽ thu hút tiền. Điều này giúp doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực vẫn làm ăn hiệu quả bất chấp dịch bệnh.

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. 

Cụ thể, có 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%.

Có thể thấy, đang có một dòng dịch chuyển nguốn vốn vào lĩnh vực bất động sản vì đây là kênh đầu tư được cho là an toàn và còn nhiều cơ hội phát triển xếp sau nhóm các ngân hàng. Theo phân tích của nhiều tổ chức, cá nhân chuyên ngành thì có hiện tượng nguồn tài chính thay vì chuyển vào sản xuất - kinh doanh do dịch Covid-19 khiến hàng loạt cơ sở sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn đã chuyển hướng sang bất động sản. Bên cạnh đó, lãi suất gửi tiết kiệm thời gian qua giảm mạnh, khiến dòng tiền nhàn rỗi chuyển vào kênh đầu tư bất động sản nhiều hơn.

Cũng theo một số chuyên gia, quy định kế toán hiện hành là chỉ khi nào bàn giao căn hộ, đất nền thì mới được ghi nhận doanh thu. Do đó, các doanh nghiệp niêm yết không phụ thuộc vào tình hình bán sản phẩm trong kỳ mà có thể chủ động sắp xếp kế hoạch lợi nhuận theo trình tự bàn giao nhà.

Theo đó, dù trong quý II/2021 không thể tổ chức bán hàng nhưng vẫn có doanh thu, lợi nhuận tốt là điều bình thường. Chưa kể, dù dịch bệnh, các chủ đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi hoạt động bán hàng truyền thống sang bán hàng online, cũng ghi được những kết quả đáng nói, góp phần vào kết quả kinh doanh chung của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, hiện nay có 4 kênh tín dụng chủ yếu đổ vào lĩnh vực bất động sản là kênh của các tổ chức tín dụng, dòng vốn tư nhân, nguồn vốn FDI và nguồn vốn từ thị trường chứng khoán.

Dẫn số liệu mà Ngân hàng Nhà nước mới công bố, TS. Cấn văn Lực cho biết, hiện nay tổng dư nợ tín dụng cho vay bất động sản bao gồm cho vay xây nhà, mua nhà và kinh doanh bất động sản vào khoảng 1,85 triệu tỷ, tương đương với khoảng 20% tổng dư nợ của toàn bộ nền kinh tế. Trong đó, phải đến 2/3 trong số này là cho vay mua nhà, đổi nhà và 1/3 cho vay đầu tư và kinh doanh bất động sản.

Về dòng vốn tư nhân, theo chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, trong 5 tháng đầu năm, có 3.500 doanh nghiệp mới trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được thành lập, tăng 57% về số doanh nghiệp và tăng 20% về số vốn đăng ký, tạo ra 23.000 công ăn việc làm, cộng với gần 720 doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tăng khoảng 19%. Tuy nhiên, cũng có khoảng 935 doanh nghiệp bất động sản tạm dừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ.

Nguồn vốn thứ ba là nguồn vốn FDI. Tính đến hết tháng 5, tổng vốn đăng ký mới vào lĩnh vực bất động sản là khoảng 740 triệu USD, chiếm 10,6% tổng vốn đăng ký và đứng thứ 3 về các lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài.

Đối với nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, đây chủ yếu là nguồn vốn phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Trong 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp này phát hành khoảng 57.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 44% tổng số phát hành trái phiếu toàn thị trường.

Theo bà Đặng Phương Hằng, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam, các tài sản bất động sản tại TP.HCM được cho là có nhiều tiềm năng để tăng giá trị và tỷ suất sinh lời cao. Bên cạnh các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản có tiềm năng tăng giá trị và tài sản cốt lõi thì một số nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm tài sản đang bị áp lực tài chính.

Năm 2021 là thời điểm cho các nhà đầu tư cá nhân xem xét lại hoạt động kinh doanh, chuyển đổi từ những khoản đầu tư khác sang bất động sản. Tuy vậy, nhà đầu tư cũng cần cân nhắc, nếu như sử dụng đòn bẩy kinh tế thì liệu có còn khả năng chi trả cho đến lúc thị trường tốt như kỳ vọng để bán hay không. Đối với những người có năng lực tài chính dồi dào thì họ có thể "lướt", không thì cho thuê, vì đó là tài sản của họ. Nhưng nhà đầu tư nếu phải dùng đòn bẩy quá lớn thì nên cân nhắc kỹ lưỡng. 

18/08/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top