Aa

BĐS công nghiệp khởi sắc trước cơ hội Việt Nam thành công xưởng mới của thế giới

Thứ Sáu, 08/11/2019 - 06:15

Nhiều doanh nghiệp ghi nhận KQKD tăng kỷ lục, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp luôn cao và giá thuê tăng vượt bậc... là ghi nhận trên thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam thời gian qua.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang đi đến những tháng cuối cùng của năm 2019 với nhiều ghi nhận tích cực tại phân khúc bất động sản công nghiệp. Sẽ không quá nếu nói thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đã có một năm thắng lớn. 

Từ bối cảnh kinh tế vỹ mô, có thể thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý III tiếp tục tăng tốc với tăng trưởng GDP thực tế 9 tháng cao nhất trong 9 năm gần đây (tăng 6,98% so với cùng kỳ, tương đương 2.522.978 tỷ đồng). Kết quả này đạt được nhờ vào sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của các mặt hàng như điện thoại di động và phụ kiện điện thoại di động (tăng 5,1% y-o-y), hàng điện tử, máy tính và phụ kiện (tăng 16,9% y-o-y), dệt may (tăng 0,4% y-o-y) và da giày tăng (13,5 y-o-y). Ở góc độ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đứng đầu về thu hút vốn FDI mới đăng ký vào Việt Nam với 19.825 triệu USD (10 tháng đầu năm 2019).

Những số liệu này phần nào cho thấy thị trường bất động sản công nghiệp sẽ còn nhiều cơ hội để đồng hành cùng các ngành nghề sản xuất trên con đường tăng trưởng.

Chưa kể, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hiện đã không chỉ còn là câu chuyện giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới mà đã phủ bóng đến các quốc gia phát triển khác do chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng. Đây là những mối quan tâm chính gây ra sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tác động của nó đến thị trường công nghiệp Việt Nam đang ngày càng rõ nét. Chúng ta được hưởng lợi nhiều hơn trong ngắn hạn nhờ các ưu đãi đầu tư cũng như môi trường kinh doanh thân thiện hơn.

Việc dịch chuyển nhà xưởng sẽ tập trung nhiều hơn vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên và lao động. Do đó việc mở rộng quỹ đất công nghiệp là không thể tránh khỏi và việc thay đổi mục đích sử dụng đất sẽ đẩy nhanh để đáp ứng nhu cầu cao của cả việc mở rộng và thiết lập các cơ sở sản xuất mới.

Ảnh: Internet

Theo thông tin từ CBRE Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương và Long An đạt trung bình 89% trong quý III. Các khu công nghiệp tại những thị trường truyền thống như Bình Dương có tốc độ tăng trưởng giá thuê ở mức 5% q-o-q. Nhìn chung, giá chào thuê trung bình tại các thị trường công nghiệp lớn của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam là 122USD/m2/kỳ tính đến quý III/2019, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Ở phía Bắc, báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho thấy, các tỉnh Bắc Ninh và Hải Phòng là điểm sáng thu hút dòng vốn FDI. 

Kết quả kinh doanh của các công ty sở hữu quỹ đất lớn và sẵn sàng cho thuê cũng khá tích cực.

Quỹ đất công nghiệp rất hạn chế trong bối cảnh nhu cầu cao không chỉ làm tăng giá chào thuê mà còn đòi hỏi các nhà phát triển tối đa hóa hiệu suất sử dụng đất. Do vậy, nhà xưởng xây sẵn là một loại hình sản phẩm phù hợp cho các nhà sản xuất mới đến Việt Nam vì giúp tiết kiệm nhiều chi phí hơn là các lựa chọn thuê đất công nghiệp.

Giá chào thuê nhà xưởng xây sẵn bình quân dao động từ 4,5 đến 6,3USD/m2/tháng tại thị trường phía Nam trong quý III/2019. Mức giá này tăng nhẹ 2,4% so với quý trước (13,8% y-o-y).

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng và có sự phân hóa giữa các chủ đầu tư. 

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và Tổng Công ty Viglacera - CTCP (VGC) là 2 doanh nghiệp đạt tăng trưởng từ mảng kinh doanh cốt lõi cho thuê khu công nghiệp ấn tượng nhất. KBC tăng 46% doanh thu cho thuê, còn CGV tăng 155% diện tích cho thuê lên 151ha. 

Bên cạnh đó, dù không ghi nhận động lực tăng trưởng từ mảng kinh doanh cốt lõi là cho thuê khu công nghiệp, nhưng các CTCP phát triển KCN Tín Nghĩa (TIP), CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) hay CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 (D2D) vẫn là những doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất. 

Cụ thể, 9 tháng đầu năm, SIP ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội với doanh thu 3.107,9 tỷ đồng (vượt kế hoạch năm: 3.000 tỷ đồng), tăng 37% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế 415,7 tỷ đồng, tăng gần 300% so với mức 143,5 tỷ đồng trong năm 2018. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của TIP ghi nhận doanh thu 145,6 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng ký năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 68,8 tỷ đồng. D2D đạt mức doanh thu 397,6 tỷ đồng,  tăng 137% so với 9 tháng đầu năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 238,4 tỷ đồng, tăng hơn 500% so với mức 46,7 tỷ đồng trong năm 2018. Kết quả này vượt xa mục tiêu lãi hơn 89 tỷ đồng cả năm 2019. 

Thời gian tới, VDSC cho rằng mảng cho thuê khu công nghiệp sẽ tiếp tục khả quan. Các "ông lớn" như KBC, VGC sẽ có nhiều ưu thế nhờ sở hữu quỹ đất trống lớn. Hiện KBC đang sở hữu quỹ đất trống 953 ha trong khi VGC sở hữu 1.182 ha, tập trung tại các tỉnh thành trọng điểm như Bắc Ninh, Hải Phòng. 

Bên cạnh đó, nhiều cái tên được kỳ vọng sẽ "làm nên chuyện lớn" nhờ quỹ đất khổng lồ và chuẩn bị đưa vào khai thác nhiều khu công nghiệp như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (BCM), CTCP Cao su Phước Hòa (PHR); CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC); CTCP Long Hậu (LHG)... 


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top