Bất động sản Hải Phòng: Khẳng định vị thế trong từng phân khúc

Bất động sản Hải Phòng: Khẳng định vị thế trong từng phân khúc

An Vũ (thực hiện)
An Vũ (thực hiện) pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 23/01/2023 - 06:20

Việc hội tụ những tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ... đã khiến nhiều nhà đầu tư dành sự quan tâm đặc biệt cho Hải Phòng. Đó cũng là điều kiện tiên quyết thúc đẩy thị trường bất động sản thành phố cảng trở nên sôi động và phát triển lành mạnh trong tương lai.

***

Hải Phòng có vị trí trung tâm giao thông kết nối cùng nền kinh tế cảng biển được củng cố liên tục bởi các dự án hạ tầng giao thông đồng bộ, từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư tới phát triển dự án, cũng như tạo được niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư. Mặc dù cũng trải qua một giai đoạn chững lại theo nhịp điệu chung của thị trường song bất động sản Hải Phòng vẫn được dự báo sôi động và tăng trưởng tốt trong năm 2023.

Để hiểu hơn về những cơ hội mở ra với thị trường bất động sản, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Văn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng.

Kinh tế biển: Trọng điểm phát triển của Hải Phòng

PV: Nằm ở vị trí trọng điểm Vùng duyên hải Bắc bộ với tiềm lực kinh tế biển rất lớn, những năm qua, Hải Phòng đã tận dụng nguồn lực này ra sao để góp phần phát triển đưa nền kinh tế chung của địa phương tăng trưởng cao, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Văn: Là một trong 28 địa phương có biển của Việt Nam, Hải Phòng nằm ở vị trí trọng yếu trong Vùng duyên hải Bắc bộ, sở hữu bờ biển dài hơn 125km, nằm trên diện tích thềm lục địa 100.000km2 và là nơi có 7 con sông lớn đổ ra từ đất liền, tạo thành một vùng gắn liền với các khu rừng ngập mặn.

Với tiềm lực kinh tế biển vô cùng lớn, những năm qua, Hải Phòng đã tận dụng được nguồn lực và lợi thế để thúc đẩy kinh tế địa phương tăng trưởng cao, phát triển mạnh. Tại các Nghị quyết 32-NQ/TW ngày 5/8/2003 về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trung ương luôn đặt kinh tế biển chính là trụ cột. Có thể khẳng định, chiến lược phát triển kinh tế, trong đó có phát triển kinh tế biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của địa phương.

Nhắc đến tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển của Hải Phòng là phải nói đến tổ hợp tài nguyên thiên nhiên, môi trường tự nhiên và vị thế của 4 vùng tự nhiên: Vùng biển đảo Cát Bà - Long Châu; vùng biển đảo Bạch Long Vỹ; vùng biển và cửa sông Bạch Đằng; vùng biển và cửa sông châu thổ Văn Úc - Thái Bình.

Đặc biệt, Hải Phòng phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á; phát triển công nghiệp biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, phát triển khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải thành trung tâm kinh tế hiện đại của cả nước, là cửa chính mở ra biển; đồng thời, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm đóng mới và sửa chữa tàu biển lớn nhất Việt Nam.

Hiện Hải Phòng đang có trên 50 bến cảng và thành phố vẫn đang dành nguồn lực lớn để tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ, hiện đại hệ thống cảng biển và hệ thống kết nối liên vùng.

Kinh tế biển của Hải Phòng không chỉ dừng lại ở khai thác tiềm năng của hệ thống cảng. Tận dụng thời cơ và lợi thế của thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc cùng hệ thống giao thông khác thuận lợi từ đường hàng không đến đường sắt, đặc biệt là hệ thống 45 cây cầu kết nối với các tỉnh lân cận là Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương đã đưa Hải Phòng tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn.

Về phát triển du lịch biển, Cát Bà nổi tiếng nhờ sở hữu quần thể gồm 367 đảo với kho lưu trữ sinh học tự nhiên vô giá, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Chưa kể tại đây cũng có hệ sinh thái quần đảo đá vôi thuộc diện lớn nhất châu Á, tạo thành chuỗi kế tiếp những rừng nhiệt đới nguyên sinh, rừng ngập mặn, vùng triều, hồ nước mặn, rạn san hô... Cũng như Cát Bà, khu du lịch Đồ Sơn thu hút du khách nhờ được thiên nhiên ban tặng một địa thế lý tưởng, với dãy núi 9 ngọn kéo thành một bán đảo dài hơn 20km trên miền thềm lục địa, được ví như con rồng hướng ra biển, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình.

Những năm qua, bên cạnh việc khai thác nguồn đa dạng sinh học biển, vẻ đẹp tự nhiên từ biển, Hải Phòng cũng trở thành điểm đến đầu tư của những doanh nghiệp lớn nhất cả nước, hình thành nhiều khu du lịch biển mới với các tên tuổi như Vingroup, Sun Group, Geleximco…

Ngoài ra, trong giai đoạn 2021 - 2025, TP. Hải Phòng sẽ xây dựng thêm 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích trên 6.200ha; hoàn tất các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội tại khu đất diện tích 22,48ha tại phường Đông Hải 2, quận Hải An. Đây là tiền đề để Hải Phòng đạt mục tiêu thu hút đầu tư FDI 5 tỷ USD/năm trong 5 năm tới.

Có thể nói, với những lợi thế sẵn có cùng chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư, kinh tế biển là trọng điểm phát triển của thành phố, tạo thành động lực thúc đẩy kinh tế Hải Phòng phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.

PV: Đặt trên bàn cân với các địa phương lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nội, theo ông vị thế của Hải Phòng như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Văn: So sánh giữa Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh và Hà Nội, có thể dễ dàng nhận thấy Hải Phòng là địa phương duy nhất tại phía Bắc hội tụ đủ 5 loại hình giao thông quan trọng: Đường bộ - đường biển - đường sắt - đường thủy - đường hàng không. Lợi thế này không những giúp TP. Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Hồng và vùng Duyên hải Bắc bộ mà còn là cầu nối giao thương với các khu vực trên cả nước.

Vị trí của Hải Phòng cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; là một trong 3 đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng (cùng với Hà Nội và Quảng Ninh). Thành phố này còn giữ vị trí trọng yếu trong hợp tác “Hai hành lang - Một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc, là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á.

Đáng chú ý, việc phát triển các khu kinh tế biển, khu du lịch ven biển tại Hải Phòng đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách địa phương. Điểm thuận lợi về hạ tầng giao thông đồng bộ cũng đã góp phần thu hút người dân đổ về Hải Phòng sinh sống và tạo nên sự nhộn nhịp cho thị trường bất động sản thành phố cảng. Hiện nay tại Hải Phòng có một lượng lao động khá lớn với khoảng hơn 500.000 công nhân là người dân các tỉnh lân cận đến làm việc. Dự báo đến năm 2030, Hải Phòng sẽ cần thêm khoảng 300.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp.

Sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững, luôn đứng trong Top đầu các tỉnh thành thu hút vốn FDI của cả nước, cùng với tốc độ gia tăng dân số nhanh của Hải Phòng chính là những tiềm năng và cơ hội để thị trường bất động sản tại đây tiếp tục phát triển với sự hiện diện của nhiều dự án mới, ở nhiều phân khúc hơn. Điều này cũng sẽ góp phần hiện thực hóa định hướng phát triển về không gian của thành phố theo hướng xanh, hiện đại và văn minh.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch, xây dựng hàng loạt các khu cụm công nghiệp như Nomura, VSIP, Tràng Duệ, Đình Vũ - Cát Hải, Tân Liên... cũng đang khẳng định vị trí chiến lược của Hải Phòng trong tam giác kinh tế trọng điểm, trung tâm kinh tế Vùng duyên hải Bắc bộ.

Có thể nói, với lợi thế và tốc độ phát triển nhanh chóng, Hải Phòng đang ngày càng khẳng định vị thế và sức hút của mình.

Việc phát triển các khu kinh tế biển, khu du lịch ven biển tại Hải Phòng đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách địa phương. (Ảnh minh họa)

Bất động sản Hải Phòng khẳng định sức hút

PV: Nền kinh tế nước ta đã trải qua một năm 2022 đầy biến động, cùng với đó là những bước thăng trầm trên thị trường bất động sản, đẩy giá bán leo thang. Đối với Hải Phòng, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những diễn biến trên thị trường bất động sản trong năm vừa qua?

Ông Nguyễn Quang Văn: Trong năm 2022, không nằm ngoài những khó khăn chung, thị trường bất động sản Hải Phòng cũng chứng kiến một năm với nhiều biến động và giá cả leo thang mỗi ngày. Trong đó, giá bất động sản một số khu vực tại Hải Phòng có sốt cục bộ, giá tăng tới 30 - 40%. Đây cũng là tác nhân khiến thị trường biến động bất ổn định.

Nhìn một cách tổng quát có thể thấy, trong 2 quý đầu năm 2022, thị trường bất động sản Hải Phòng tăng trưởng rất nóng từ 20 - 30%, đặc biệt là phân khúc đất nền ven đô. Qua tổng hợp của các sàn giao dịch, tỷ lệ giao dịch của các nhà đầu tư chiếm tỷ trọng lớn hơn so với giao dịch bất động sản để sử dụng, để ở. So với các đô thị ở địa phương khác, Hải Phòng là thị trường đầu tư rất hấp dẫn. Tuy nhiên từ đầu quý III/2022 tới nay, nằm trong xu hướng chung của cả nước, thị trường bất động sản Hải Phòng cũng dần chững lại.

Mặc dù vậy, thị trường Hải Phòng vẫn ghi nhận những điểm sáng tích cực. Thị trường nhà ở chung cư tại Hải Phòng đang thay đổi mạnh mẽ khi ngày càng có nhiều dự án đô thị cao cấp được xây dựng thu hút người dân địa phương, giới chuyên gia, người giàu khắp nơi về Hải Phòng định cư, làm việc, đầu tư. Nhiều khu đô thị còn trở thành biểu tượng, điểm sáng của thị trường bất động sản Hải Phòng. Giá chung cư cũng không ngừng tăng nhiệt.

Đối với đất nền, giá đã dần ổn định, cân bằng trở lại, tập trung vào thị trường tiêu dùng và khu vực nội thành là chủ yếu. Các hoạt động mua bán đất thổ cư tại Hải Phòng có mức tăng chậm khoảng 5 - 10%/năm ở khu vực nội thành. Còn tại ngoại thành, giá đất tăng phụ thuộc vào tiến độ triển khai cơ sở hạ tầng và dự án ở từng khu vực khác nhau.

Với bất động sản nghỉ dưỡng, trước đó do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường Hải Phòng đã “đóng băng” một thời gian dài do giãn cách xã hội, thế nhưng hiện tại phân khúc này đang sôi động trở lại. Đặc biệt, bất động sản nghỉ dưỡng đã chiếm một thị phần lớn khi các ông lớn đầu tư lĩnh vực này “đổ bộ” vào TP. Hải Phòng. Điển hình là các dự án Dragon Đồ Sơn tại khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, khai trương tuyến cáp treo 3 dây hiện đại Cát Hải - Phù Long và Tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp Flamingo Cát Bà Beach Resort đã đưa vào vận hành khai thác…

Với bất động sản công nghiệp, hiện Hải Phòng có 12 khu công nghiệp với diện tích 5.000ha. Mới đây, thành phố có thêm 15 khu công nghiệp với hơn 6.000ha. Đáng chú ý, Hải An, An Dương và Thủy Nguyên là ba điểm nóng của bất động sản công nghiệp Hải Phòng, khi có chung đường biên giới và khả năng tiếp cận tốt với sân bay, cảng biển, các trục đường chính.

Ngoài ra, mô hình khu công nghiệp sinh thái tiên phong trong bất động sản công nghiệp chiếm 16,5%. Trong đó có Nam Cầu Kiền: 263,32ha, Deep C: 1.736ha. Đây là mô hình kinh tế tuần hoàn Zero phát thải, giảm thiểu tác động môi trường, giảm chi phí vận chuyển, tăng tỷ lệ nguyên liệu tái chế, hiệu quả sản xuất, hướng đến phát triển bền vững, lâu dài.

PV: Bên cạnh những bước phát triển tích cực, thị trường bất động sản Hải Phòng đang đối diện với những khó khăn, tồn tại nào? Và đâu là giải pháp tháo gỡ để tiếp tục tạo động lực cho thị trường Hải Phòng phát triển trong năm 2023?

Ông Nguyễn Quang Văn: Với Hải Phòng, nút thắt chính lúc này vẫn là tín dụng, còn nhiều khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vẫn khó khăn. Theo tôi, để tháo gỡ nút thắt này, tạm thời cần có giải pháp phân loại bất động sản, ưu tiên cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có mức giá trung bình để giải quyết kịp thời nhu cầu của khách hàng, giúp họ tiếp cận được sản phẩm bất động sản, tránh tính trạng tắc nghẽn toàn thị trường khiến cho hệ lụy ngày càng lan rộng sang các ngành khác.

Bên cạnh đó, như tình trạng chung của thị trường, Hải Phòng cũng còn một số vướng mắc cần sớm tháo gỡ trong luật liên quan đến đất đai và thị trường bất động sản, đơn cử như vướng mắc, chồng chéo giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đấu thầu năm 2013 về hình thức giao đất sau khi trúng đấu thầu dự án; về thời điểm giao đất, định giá đất sau khi trúng đấu thầu. Hay vướng mắc, chồng chéo giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014, trong đó tồn tại điển hình là sản phẩm bất động sản du lịch chưa có định danh rõ ràng.

PV: Ông có dự báo như thế nào về tiềm năng và sự tăng tốc của thị trường bất động sản Hải Phòng trong năm 2023 theo từng phân khúc: Bất động sản công nghiệp, nhà ở, nghỉ dưỡng?

Ông Nguyễn Quang Văn: Dự báo năm 2023 trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi và trên đà tăng trưởng, Hải Phòng với những tiềm năng, lợi thế cũng như động lực tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước 2 năm qua sẽ là tiềm lực để thúc đẩy và đem tới sự bứt phá phát triển cho thị trường bất động sản. Sự chú trọng của thành phố trong việc xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, thúc đẩy liên kết vùng; phát triển du lịch, thương mại, công nghiệp và dịch vụ cảng biển hứa hẹn sẽ đưa Hải Phòng trở thành thị trường đầy tiềm năng cũng như sôi động trở lại nhanh và sớm nhất.

Mặc dù vậy, nguồn cung bất động sản chưa có nhiều cải thiện khiến thị trường sẽ chịu áp lực tăng giá. Giao dịch tập trung vào phân khúc đất nền, bất động sản nghỉ dưỡng, nhà ở thấp tầng, chung cư cao cấp. Đất thổ cư và bất động sản vùng ven các khu công nghiệp đều tăng giá.

Nguồn cung đất nền phần lớn không nằm ở các dự án được phê duyệt mà chủ yếu là các dự án đấu giá, các khu tái định cư nên phân khúc này vẫn tăng giá đều và là kênh trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư.

Cùng với đó, khi thành phố có các thông tin quy hoạch dự án lớn, nâng cấp đơn vị hành chính, làm cầu, mở đường, từ nông thôn lên thành thị, các đơn vị hành chính được đổi mới, vấn đề thông thương thuận tiện hơn, nhiều khu công nghiệp được hình thành kéo theo nhu cầu nhà ở tăng cao. Song, xu hướng đầu tư trên thị trường bất động sản Hải Phòng sắp tới sẽ tập trung mạnh vào những nơi được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển mạnh vùng kinh tế, tăng tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa.

Dù có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng Hải Phòng vẫn được đánh giá là khá trầm lắng so với các thị trường du lịch nghỉ dưỡng như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) hay gần nhất là Quảng Ninh… Vì vậy, thành phố còn rất nhiều tiềm năng để thu hút giới đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng với những yếu tố thúc đẩy quan trọng như giao thông kết nối đồng bộ, tài nguyên thiên nhiên phong phú và đặc biệt là quỹ đất tại các địa điểm có tiềm năng du lịch vẫn còn rất nhiều.

Về cơ hội bứt tốc của thị trường bất động sản Hải Phòng trong thời gian tới, tôi cho rằng cần tập trung vào các phân khúc bất động sản công nghiệp nhằm “xây tổ đón đại bàng”; bất động sản nghỉ dưỡng; các căn hộ, dự án nhà ở cao cấp, nhà ở xã hội và phân khúc đất nền... Cùng với đó, thành phố đang có những chủ trương, chính sách cởi mở, tích cực chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch quy hoạch xây dựng... Những yếu tố này sẽ ngày càng tạo điều kiện thuận lợi và mở ra cơ hội tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top