Ngoài ra, ông Đinh La Thăng còn chủ trì đoàn công tác, thị sát tình hình xử lý chất thải tại khu xử lý bùn đô thị và Nhà máy xử lý bùn hầm cầu.
Những khu vực trên được Sở TN&MT TP xác định là nơi có khả năng phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường ở khu vực phía nam TP trong thời gian qua. Trong đó, bãi rác Đa Phước là nơi tiếp nhận lượng chất thải lớn nhất (5.000 tấn/ngày đêm), hoạt động gần như liên tục suốt ngày đêm.
Một thành viên trong đoàn thị sát do Bí thư Thăng chủ trì cho biết khu xử lý bùn đô thị là địa điểm đoàn vào làm việc đầu tiên, sau đến nhà máy xử lý bùn hầm cầu, cuối cùng mới đến bãi rác Đa Phước.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Hồ Chí Minh, đây chỉ là buổi làm việc, kiểm tra giữa Bí thư Đinh La Thăng với các ban ngành liên quan đến vấn đề xử lý rác tại Công ty Xử lý Chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS).
Theo nguồn tin trên Zing.vn, sau khi làm việc với đại diện VWS, Bí thư Đinh La Thăng cùng đoàn kiểm tra đi khảo sát công nghệ xử lý rác, tham quan các núi rác tại khu liên hợp.
Như đã đưa tin, thời gian qua, báo chí liên tục phản ánh việc người dân sinh sống tại một số khu vực ở TP. Hồ Chí Minh (quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng) bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối phát tán từ nhiều tháng nay.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh xác định, làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại những khu vực trên, có phương án giải quyết tình trạng này.
Trước đó, cư dân TP. Hồ Chí Minh liên tục phản ánh bị tra tấn bởi mùi hôi và người dân nghi ngờ mùi hôi xuất phát từ Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Nhiều chuyên gia cho rằng công nghệ xử lý rác thải của Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước chưa tiên tiến, giá thành lại cao, tại thời điểm ký kết cao hơn so với các nơi khác 1/3 và bây giờ vẫn cao hơn 20%.
Bên cạnh đó, vị trí bãi rác không phù hợp quy hoạch phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, nơi được xem là trung tâm mới với nhiều đô thị hiện đại phía Nam.
Tại cuộc họp báo Chính phủ vừa diễn ra ngày 31/8, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, UBND TP. Hồ Chí Minh và đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp tiến hành khảo sát và kiểm tra. Bước đầu, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định, hoạt động của toàn bộ Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước có thể là nguyên nhân chính.
Bên cạnh đó, còn có Công ty Xử lý bùn Sài Gòn xanh, một đơn vị xử lý bùn hầm cầu cũng bố trí gần khu vực này và cũng gây ra ô nhiễm không khí.
“Sở TNMT đang xem xét và có đánh giá rất kỹ, liên quan tới công nghệ xử lý rác thải của Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Bộ TNMT cũng biết ở đây, việc xử lý rác chủ yếu là chôn lấp, với quy trình công nghệ và quy chuẩn đã được áp dụng như thế này ở Mỹ. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều hạng mục liên quan tới xử lý nước thải (nước rác), bể chứa nước rác chưa hoàn thành.
Đồng thời, quá trình xử lý rác thì liên quan đến quy trình nhận rác, liên quan đến sử dụng chế phẩm sinh học chưa hợp lý để xử lý mùi thông qua công nghệ sinh học, vật lý. Ở đây, phải thu được khí phân hủy từ rác, thu gom được toàn bộ nước rác. Những vấn đề này, hiện nay chúng tôi đang giao cho Sở TNMT trực tiếp kiểm tra, xem xét, đề xuất giải pháp cụ thể” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm rõ thêm.
Trả lời vấn đề, nhiều chuyên gia cho rằng công nghệ xử lý rác thải của Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước chưa tiên tiến, giá thành lại cao, tại thời điểm ký kết cao hơn so với các nơi khác 1/3, và bây giờ vẫn cao hơn 20%. Bên cạnh đó, vị trí bãi rác không phù hợp quy hoạch phát triển của TP. Hồ Chí Minh, nơi được xem là trung tâm mới với nhiều đô thị hiện đại phía Nam. Các bộ, ngành hữu quan nhận định thế nào về những đánh giá trên?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Hiện nay trên thế giới, nhiều nước vẫn phải chấp nhận việc xử lý bằng chôn lấp. Tuy nhiên, công nghệ chôn lấp không triệt để, không đáp ứng giải quyết hoàn toàn bài toán về môi trường, bởi sau khi chôn lấp, quá trình thu gom khí, quản lý bãi rác sau này rất lớn, đặc biệt là trong điều kiện đất đai không có nhiều. Giải pháp sử dụng công nghệ chôn lấp chỉ mang tính trước mắt.
Chôn lấp được thế giới sử dụng khá phổ biến hiện nay với quy trình công nghệ, chế phẩm sinh học, được tính toán khá hoàn thiện. Tuy nhiên, cần có đánh giá, kiểm tra thật kỹ là Công ty này đã áp dụng đầy đủ quy trình, công nghệ đó chưa cũng như phải sử dụng chế phẩm sinh học trong khử mùi và kích thích phân hủy rác.
Còn về bài toán quy hoạch, TP. Hồ Chí Minh cũng đã nói, cách đây 5 năm, đây là vùng hoang sơ, thuộc huyện Nhà Bè, nên việc bố trí ở đây có vẻ hợp lý. Nhưng với tốc độ phát triển, tăng trưởng như hiện nay, bài toán về xử lý chất thải phải tính toán quy hoạch theo vùng, phải có tầm nhìn xa hơn, rộng hơn, có cơ chế phối hợp của Thành phố với các địa phương khác để quy hoạch dài hạn. Khi đã quy hoạch các bãi xử lý chất thải, chôn lấp, đương nhiên việc bố trí các khu dân cư, đô thị sẽ luôn có xung đột trên thực tế.
Ở tất cả các nước, người ta cố gắng sao cho quy hoạch này tốt nhất, xa nhất. Nhưng có lẽ, về lâu dài, cần phải áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại là thiêu đốt và phát điện, chỉ khi đó mới phù hợp với điều kiện của đất nước ta, cũng như giải quyết triệt để vấn đề môi trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ xử lý hiện đại, và khi đốt phải quan tâm tới vấn đề khí thải.
“Tôi cho rằng việc đánh giá về giá thành, UBND Thành phố đã cân nhắc rất kỹ khi lựa chọn doanh nghiệp, tính toán giá thành. Tôi sẽ không bình luận giá hợp lý hay không. Phần này để TP Hồ Chí Minh sẽ có thông tin đầy đủ” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ.
Trước đó, liên quan đến tình trạng mùi hôi thối xuất hiện ở Phú Mỹ Hưng và khu vực lân cận, ngày 31/8, Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TNMT TP. Hồ Chí Minh cho biết việc mùi hôi phát sinh ở các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7 đã được người dân phản ánh, hôm nay được phép của UBND thành phố thì Sở thông báo đến báo chí một số thông tin về vụ việc này trên tinh thần không né tránh:
Thứ nhất, Sở TNMT đã nhận được phản ánh của người dân các quận huyện nói trên và các cơ quan môi trường khác cũng có thông tin, Sở đã phối hợp với quận huyện có người dân phản ánh xuống trực tiếp địa phương xem nguyên nhân, tìm giải pháp.
Tuần trước Sở đã có nhân viên túc trực 24/24, mùi xuất hiện thời gian gần đây, không phải liên tục trong ngày với thời gian nhất định, xuất hiện thi thoảng trong ngày rồi ngừng, nguồn xác định có khả năng lớn nhất là khu liên hợp với nhà máy xử lý rác Đa Phước, đơn vị xử lý bùn và đơn vị xử lý hầm cầu Hòa Bình.
Qua phân tích, Sở đã theo dõi quy trình tiếp nhận rác, đóng mở bãi, diện tích đưa rác vào, phối hợp với cơ quan chuyên môn về thời tiết trong 2 tháng gần đây. Sở đã yêu cầu tăng cường chế phẩm sinh học để xử lý mùi rác, rút ngắn thời gian đóng mở bãi rác Đa Phước. Về nhà máy xử lý bùn thì Sở yêu cầu rà lại quy trình tiếp nhận xử lý bùn để làm sao xử lý nhanh nhất tránh phát tán mùi hôi; Nhà máy xử lý hầm cầu cũng được yêu cầu xem lại quy trình xử lý.
Về giải pháp căn cơ, đây là việc đòi hỏi chuyên môn, phải có cơ sở khoa học nên Sở đã phối hợp với các chuyên gia, quan trắc để theo dõi tuần suất, mật độ và phác đồ cộng hưởng hướng gió để tìm ra nguyên nhân chính. Từ nay đến 5-9 sẽ tổng kiểm tra hết toàn bộ khu vực này kể cả khu xử lý rác Đa Phước để có hướng xử lý vì đây là nguồn lớn có thể phát sinh mùi hôi; đây là trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố.
Sở cũng lập đường dây nóng để người dân tham gia giám sát, ghi nhận diễn biến mùi hôi để xác định khoanh vùng mùi hôi theo số: 083.293653 hoặc ông Lê Tuấn Anh, Trưởng Phòng Quản lý Chất thải rắn thuộc Sở TNMT 0909.022688
“So với các lần phản ánh trước đây thì ngày hôm qua 30/8 mùi hôi có giảm”, ông Thắng nói và kết luận buổi làm việc với báo chí.
Gần đây, người dân khu Nam Sài Gòn bị mùi hôi thối tấn công vào buổi chiều tối đến sáng. Mùi này được mô tả giống phân tươi bón ruộng, rất nồng nặc và "khủng khiếp không thể chịu nổi". Trước bức xúc của cư dân khu đô thị Phú Mỹ Hưng, chủ đầu tư phải làm đơn kêu cứu chính quyền.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường vào cuộc điều tra thủ phạm gây mùi hôi thối, nhanh chóng trả lại không khí trong trong sạch cho người dân./.