Bình an tài chính giữa “tâm bão“ đại dịch

Bình an tài chính giữa “tâm bão“ đại dịch

Thứ Hai, 13/09/2021 - 06:00

Tài chính luôn là yếu tố quan trọng then chốt trong cuộc đời của mỗi người. Tài chính len lỏi và tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống, vì thế chúng ta cần có tâm thế bình an để đối diện với yếu tố tài chính. Hay nói một cách đơn giản bình an tài chính là trạng thái mà ta đối diện với khía cạnh tài chính trong tâm thế bình tĩnh và an tâm nhất. 

Vậy tại sao chúng ta cần bình an tài chính? Theo tôi, bình an tài chính mang lại 3 ý nghĩa lớn như sau:

Đầu tiên là đối với bản thân mình: Khi chúng ta có được trạng thái bình an đó với khía cạnh tài chính; chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn, vui vẻ hơn; chúng ta có thể dành nhiều tâm trí để trải nghiệm, sáng tạo cuộc sống và điều đó giúp chúng ta sống một cuộc đời vui vẻ, ý nghĩa hơn..

Đối với những người thân yêu của chúng ta: Khi bạn căng thẳng, lo lắng về một vấn đề gì đó, bạn sẽ lan tỏa không khí căng thẳng đó và vô hình chung, những người sống xung quanh không gian đó như vợ, chồng, con cái, bố mẹ, đồng nghiệp... cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi nguồn năng lượng tiêu cực của bạn, chưa kể trạng thái căng thẳng có thể khiến bạn có những lời nói, hành động gây tổn thương đến những người xung quanh. Vì thế, khi có trạng thái bình an về tài chính, bạn sẽ có năng lượng tích cực hơn. Bạn có những suy nghĩ, lời nói, hành động bình tĩnh và đúng đắn hơn. Điều đó giúp cho những người xunh quanh bạn cũng sẽ cảm thấy an yên hơn.

Về mặt xã hội: Chúng ta là một cá thể sống và liên kết chặt chẽ với xã hội, hiện tượng thế giới phẳng ngày càng chứng minh cho sự kết nối và phụ lẫn nhau đó. Khi có được trạng thái bình an tài chính, chúng ta có thể lan tỏa mạnh mẽ nguồn năng lượng đó tới mọi người thông qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, đồng thời ta có khả năng để giúp đỡ người khác nhiều hơn thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, tiền bạc của mình tới người đang cần điều đó. 

Trong thế giới vật chất, đặc biệt là trong giai đoạn Covid-19 đang diễn biến phức tạp, có những biến cố không thể lường trước được như hiện nay, con người dễ rơi vào trạng thái bất an trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Tài chính cũng không nằm ngoài số đó. Thông thường có 4 nguyên nhân chính khiến chúng ta cảm thấy bất an tài chính, cụ thể như sau:

Tình hình tài chính kiệt quệ, nhu cầu tối thiếu chưa được đáp ứng: Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Abraham Maslow, con người có 5 tầng nhu cầu cơ bản là nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu về các mối quan hệ/tình cảm, nhu cầu được kính trọng và nhu cầu thể hiện bản thân.

Trong đó nhóm cơ bản nhất là nhu cầu sinh lý như hơi thở, thức ăn, nước uống, quần áo, nơi ở… Khi những nhu cầu này được đáp ứng thì con người mới có thể tồn tại và phát triển được. Vì thế đối với những người không có thu nhập hoặc thu nhập không đủ trang trải cho những nhu cầu tối thiểu của bản thân và gia đình, trạng thái bất an sẽ luôn luôn thường trực xung quanh họ.

Chưa có sự chuẩn bị cho các biến cố trong cuộc sống: Tầng thứ hai trong tháp nhu cầu Maslow chính là sự an toàn. Thỏa mãn nhu cầu này giúp chúng ta sẽ cảm thấy an tâm hơn để phát triển. Đặc biệt trong thế giới đầy biến động như hiện này thì nhu cầu này của con người ngày càng lớn hơn. Các biến cố có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tình hình tài chính của chúng ta như mất việc làm, ngừng trệ kinh doanh, ốm đau bệnh tật… Mặc dù nhu cầu này rất lớn, rất quan trọng nhưng nhiều người chưa có ý thức để chuẩn bị cho mình những lá chắn phòng vệ để đối diện với những biến cố đó. Điều này khiến họ sẽ cảm thấy cực kỳ bất an khi nghĩ đến tương lai.

Không biết mình muốn gì trong cuộc sống: Sau khi thỏa mãn 2 nhu cầu cơ bản trên trong tháp nhu cầu Maslow, nhiều người lại rơi vào trạng thái hoang mang không biết mình muốn gì, mình kiếm tiền để làm gì. Điều đó có thể khiến họ rơi vào hai trạng thái: Hoặc là thỏa mãn và dừng lại nhưng vẫn cảm thấy cuộc sống thật sự tẻ nhạt, hoặc là lao đầu đi kiếm tiền không biết thế nào là đủ. Hai trạng thái đó đều không giúp cho chúng ta có niềm vui và hạnh phúc thực sự trong cuộc sống.

Niềm tin giới hạn về tiền: Bên trong mỗi chúng ta đều có một hệ thống niềm tin, nó được hình thành trong quá trình sinh ra và lớn lên thông qua gia đình, môi trường xung quanh, hệ thống kiến thức hay từ những biến cố/sự kiện trong cuộc sống.

Có những niềm tin tích cực giúp chúng ta tiến lên nhưng cũng có những niềm tin giới hạn khiến chúng ta cảm thấy hoang mang, lo lắng. Trong khía cạnh tài chính cũng thế, nhiều người có những niềm tin về tiền như “chỉ có tiền mới mua được hạnh phúc” hay “chỉ có người giàu mới xứng đáng được trân trọng” khiến họ lao vào vòng xoáy tiền bạc mà không biết đủ, không biết dừng lại để xem thực sự mình muốn gì.

Nhiều người khác lại có niềm tin “tiền là xấu xa", “mình không xứng đáng có được nhiều tiền”… Những người này thường hay chùn bước, không cố gắng để rồi tình hình tài chính luôn bấp bênh và lại rơi vào trạng thái bất an.

Chúng ta đã hiểu được ý nghĩa của bình an tài chính đối với cuộc sống của bản thân, những người thân yêu và xã hội, chúng ta đã biết được 4 nguyên nhân chính khiến mình luôn cảm thấy bất an về tài chính, vậy làm thế nào để có thể bình an hơn trong khía cạnh tài chính, đặc biệt trong thế giới với nhiều biến động như hiện nay?

Dưới đây là 4 giải pháp tôi đã áp dụng cho bản thân và các khách hàng của mình để giúp mọi người cảm thấy bình an hơn về tài chính:

Đối diện với thực tế kiệt quệ về tài chính

Khi đứng trước tình huống "giật gấu vá vai", chúng ta sẽ cần phải nhìn nhận, đối diện với thực tế đó và tập trung chính vào 3 điều sau:

(1) Xem xét lại những nhu cầu thiết yếu nhất, cắt bỏ tất cả những nhu cầu không phải là nhu cầu sống còn của bản thân và gia đình trong thời điểm hiện tại. Từ đó chỉ chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu nhất.

(2) Tìm cách để có thu nhập càng sớm càng tốt bằng những công việc chân chính. Giai đoạn này ưu tiên hàng đầu của bạn là có thu nhập chứ không phải là lúc để bạn lựa chọn công việc an nhàn, vui vẻ, việc nhẹ lương cao…

(3) Tìm kiếm và đón nhận sự hỗ trợ từ những người khác. Trong tình trạng hiện tại, sự sống còn của bản thân và gia đình là điều quan trọng nhất, vì thế khi đang không thể tự mình lo liệu tài chính cho cuộc sống, chúng ta sẽ cần nhờ đến sự hỗ trợ từ bên ngoài. Việc đó không chỉ giúp cho bản thân, gia đình mình vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn giúp phát huy tinh thần tương thân tương ái trong xã hội.

Chuẩn bị tài chính sẵn sàng để đối diện với các biến cố có thể xảy ra trong cuộc sống

Trong cuộc sống có thể có những biến cố xảy ra, ta không thể lường hết được nhưng có thể chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để đối diện với những biến cố đó một cách nhẹ nhàng nhất. Tài chính có thể hỗ trợ rất lớn cho bạn trong những trường hợp đó. Cụ thể bạn cần chuẩn bị tài chính tối thiểu cho những biến cố sau:

(1) Biến cố về việc mất nguồn thu nhập chính do mất việc, kinh doanh thất bại… Chúng ta cần chuẩn bị một quỹ dự phòng tài chính từ 6 - 12 tháng cho chi phí thiết yếu trong gia đình để trong trường hợp rủi ro xảy ra, quỹ dự phòng vẫn có thể đảm bảo cuộc sống cho chúng ta trong một khoảng thời gian và chúng ta đủ bình tĩnh, sáng suốt để đi tìm công việc mới.

Ảnh minh họa.

(2) Biến cố về sức khỏe (ốm đau, bệnh tật, tử vong…). Khi rủi ro này xảy ra, ngoài việc chúng ta không còn sức khỏe để tạo ra thu nhập, còn phải đối diện với những khoản chi phí lớn trong cuộc sống về khám chữa bệnh hoặc chúng ta để lại sự hoang mang lớn cho những người phụ thuộc khi người thân vĩnh viễn không còn có thể tạo ra thu nhập.

Rủi ro này hiện nay đã được giảm thiểu nhờ các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm nhân thọ khá ưu việt trên thị trường, các công ty bảo hiểm sẽ là đơn vị hỗ trợ một khoản tiền khi những biến cố đó xảy đến trong cuộc sống. 

(3) Biến cố theo quy luật tự nhiên “sinh – lão” hay còn gọi là “về hưu”. Ai rồi cũng sẽ đến lúc già đi và không còn đủ sức để tạo ra thu nhập nữa, vậy lúc đó ai sẽ là người nuôi sống chúng ta? Ngày xưa các cụ thường trông chờ vào con cháu nhưng thời đại này điều đó có còn phù hợp? Chưa kể tuổi thọ của con người càng ngày càng cao. Giả sử bạn A năm nay 30 tuổi, 60 tuổi bạn A về hưu và thọ đến năm 90 tuổi, vậy thì bạn A năm 30 tuổi đang phải đi làm để nuôi chính mình và nuôi thêm 1 ông A 60 tuổi  trong tương lai sao? Do đó, chúng ta hãy cùng tích lũy hưu trí càng sớm càng tốt nhờ sức mạnh của lãi suất kép, càng tích lũy sớm, thời gian càng dài thì quỹ hưu trí của bạn càng được bảo đảm hơn.

Hoạch định tài chính cho bản thân và gia đình mình

Người ta nói rằng “Bạn tự lên kế hoạch cho bản thân mình hoặc người khác sẽ lên kế hoạch thay cho bạn”, trong tài chính cũng thế, nếu không có mục tiêu và kế hoạch hành động, chúng ta sẽ luôn luôn cảm thấy bất an, thiếu động lực hoặc không còn ý nghĩa trong cuộc sống. Bạn có thể đầu tư cho mình một chuyên gia tư vấn tài chính hoặc tham gia các lớp học về quản lý tài chính cá nhân để có kiến thức, công cụ hoạch định cho mình một kế hoạch tài chính đúng đắn, rõ ràng và khả thi. Điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy bình an hơn về tài chính.

Sau đây là quy trình 6 bước mà tôi đã áp dụng thành công để hoạch định tài chính cá nhân:

Bước 1: Xác định bạn là ai? Bạn sẽ cần xác định đâu là giá trị cốt lõi của mình. Giá trị cốt lõi chính là kim chỉ nam trong mọi khía cạnh cuộc sống của bạn bao gồm cả khía cạnh tài chính.

Bước 2: Xác định bạn muốn đến đâu? Tại bước này bạn cần biết rõ điều mình thực sự mong ước trong cuộc sống là gì, từ đó xác định ra những mục tiêu tài chính cụ thể.

Bước 3: Xác định bạn đang ở đâu? Để tiến tới ước mơ, mục tiêu tài chính của mình, chúng ta cần biết tình hình tài chính của mình ra sao thông qua việc xem xét tài sản, thu nhập, chi tiêu của bản thân và các thói quen tài chính hiện tại.

Bước 4: Xem xét những con đường? Tại bước này, bạn sẽ cần xác định những phương án có thể giúp đạt được mục tiêu thông qua các yếu tố trong tài chính như thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư…

Bước 5: Lựa chọn con đường.

Bước 6: Đánh giá, điều chỉnh định kỳ. Bất kỳ kế hoạch nào đặt ra cũng cần được đánh giá lại định kỳ để xem xét tính phù hợp và điều chỉnh nếu cần.

Chuyển hóa những niềm tin giới hạn

Những niềm tin giới hạn kìm hãm chúng ta tiến lên, vậy thì ta sẽ cần chuyển hóa nó thành những niềm tin tích cực để tâm trí bình an hơn và thu hút sự trù phú đến với chúng ta trong cuộc sống. Các chuyên gia tâm lý và khai vấn thường sử dụng 6 bước sau để giúp khách hàng chuyển hóa niềm tin:

(1) Nhận diện niềm tin giới hạn

(2) Xác định nguyên nhân gây ra niềm tin đó

(3) Xác định cái giá phải trả mà niềm tin đó đã gây ra cho mình

(4) Xác định niềm tin mới và bằng chứng củng cố niềm tin

(5) Xác định niềm vui sẽ đến trong cuộc sống khi có niềm tin mới đó

(6) Cam kết hành động để củng cố niềm tin mới

Bối cảnh dịch bệnh kéo dài như hiện nay, ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình tài chính của mỗi cá nhân và gia đình là hồi chuông cảnh báo chúng ta phải dừng lại, đối diện với những khó khăn về tài chính, kết nối lại với chính mình, trang bị cho mình những kiến thức quản lý tài chính đúng đắn và hoạch định cho mình kế hoạch tài chính phù hợp để luôn luôn đối diện với khía cạnh tài chính một cách chủ động và bình an nhất./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top